Ottawa, thủ đô kín tiếng của Canada
Không nổi tiếng như Toronto, Vancouver hay Quebec nhưng Ottawa lại mang trong mình nhiều công trình kiến trúc và văn hóa đáng để bạn một lần đặt chân đến.
Ottawa là một thành phố của những người yêu nghệ thuật và là môi trường lý tưởng cho những ai muốn một cuộc sống thanh bình, êm ả. Cũng giống một số thủ đô như Canberra (Australia) hay Ankara (Thổ Nhĩ Kỹ), Ottawa là nơi đặt bộ máy hành chính với các văn phòng chính phủ nhiều hơn là những công ty. Nhưng điều đó không làm cho nơi đây mất đi sự quyến rũ bởi có rất nhiều thứ để bạn khám phá trong một ngày.
Cách Toronto hay Montreal chỉ vài giờ lái xe, Ottawa được thành lập năm 1826 và có tên như ngày nay từ năm 1855. Nằm sát bên dòng sông Ottawa hiền hòa, thủ đô hơn 1,2 triệu người này sẽ luôn dang tay đón bạn dù là mùa xuân, hạ, thu hay đông.
Tòa nhà quốc hội tại thủ đô Ottawa
Thức dậy tại Fairmont Chateau Laurier, một khách sạn cổ mang phong cách lâu đài kiểu Pháp có tuổi đời 300 năm. Được xây từ đá sa thạch và tọa lạc tại vị trí lý tưởng, khách sạn trở thành một trong những điểm nhấn của thành phố. Sát cạnh đó là chợ ByWard – khu mua sắm chính, tòa nhà quốc hội và kênh Rideau.
Thẳng tiến đến là khu đồi Nghị Viện – Parliament Hill và kênh Rideau – công trình ghi dấu ấn của kỹ thuật xây dựng thế kỉ 19. Được đây dựng như một hào lũy để chống lại quân đội Mỹ trước đây, con kênh dẫn nước hòa vào dòng sông Ottawa, chảy qua những công viên, bảo tàng cùng các công trình lịch sử khác.
Nếu bạn muốn thử, hãy theo dấu chân những cư dân địa phương đi bộ dọc theo kênh và bờ sông rồi băng qua một trong 4 cây cầu gần đó. Ngoài ra, bạn có thể thuê xe đạp khoảng nửa tiếng để trải nghiệm phong cảnh tươi mát xung quanh. Sát bên bờ kênh là dịch vụ RentABike với hơn 300 chiếc xe đạp để bạn thoải mái thả mình trên yên những chú “ngựa sắt”.
Nhiều du khách chọn xe đạp thể khám phá Ottawa bởi những con đường rộng rãi và không quá đông đúc.
Ottawa là thành phố song ngữ nơi những người bản địa có thể nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Các biển hiệu trên đường vì thế cũng được viết bằng hai thứ tiếng. Điều thú vị là khi bạn đi trên cầu Pont Alexandra, nửa bên kia là bang Quebec và thị trấn Gantineau nơi tiếng Anh hầu như không được sử dụng. Tất cả đều là tiếng Pháp nhằm thể hiện niềm tự hào của người Quebec.
Một khi bạn đã đi vào trung tâm thị trấn Gantineau, sẽ có rất ít các bảng tiếng Anh ngoại trừ vài biển chỉ đường đến bảo tàng Văn Minh Canada (vốn thuộc nhà nước nên được dùng song ngữ). Bạn có thể dành hàng giờ tại đây để ngắm nhìn những tượng vật tổ (totem) của người Anh-điêng đẽo rất khéo léo từ thân gỗ lớn. Bảo tàng do kiến trúc sư người Canada bản địa Douglas Cardinal thiết kế thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày.
Các tượng vật tổ (Totem) tại bảo tàng văn minh Canada – Ottawa
Video đang HOT
Đi trở ngược lại cầu Pont Alexandra, nếu bạn cảm thấy đói hãy chọn món bánh bao ở Gongfu Bao hay hải sản tại Ad Mare. Đến Ottawa vào thứ 4, bạn nên tự thưởng cho mình một góc nhỏ trên đồi Nghị Viện để thả mình trên thảm cỏ xanh mướt. Hàng nghìn người tụ tập nhưng rất yên bình bởi họ đến để tập yoga. Còn ngày cuối tuần, hãy chuẩn bị tâm lý để hòa mình cùng các gia đình và bạn trẻ đến vui chơi.
Rời xa trung thâm thủ đô một chút để đến các ngôi làng ngoại ô như Hintonburg, Wellington hay The Glebe. Chỉ mất một chuyến taxi nhanh chóng nhưng bạn đừng quên nhớ số để gọi họ khi muốn trở về thành phố.
The Glebe là một trong những cộng đồng cổ nhất tại Ottawa với những con đường đầy cây cao, các cửa hàng giống mô tả trong tiểu thuyết như Candy Bouquet bán các bó hoa bằng chocolate rất tinh tế. Nếu bạn chưa dùng bữa trưa, hãy ghé Urban Pear cho món bò hảo hạng và nhiều lựa chọn khác trong thực đơn.
Ottawa được biết đến với dải thời tiết phong phú và khó nhận ra hình ảnh của thủ đô theo từng mùa. Vào mùa đông ở bắc bán cầu, kênh Rideau trở thành sàn trượt băng dài 7,8 km. Những cư dân địa phương trượt băng trong bộ đồ vest và cặp da để đi làm. Đây cũng là mùa diễn ra các lễ hội tuyết và điêu khắc băng. Vào tháng 5, lễ hội hoa tulip Canada làm rực sáng thành phố với hàng triệu bông hoa khoe sắc trong các công viên. Mùa thu, lá đổi màu tại công viên Gatineau khiến nhiều người ngẩn ngơ. Do đó, tùy theo mùa bạn có thể dành 1-2 tiếng để vui chơi tại các công viên.
ByWard Market, ngôi chợ lớn nhất và lâu đời nhất của Canada mở cửa hàng ngày với rất nhiều quầy hàng trong nhà và ngoài trời bán đủ các loại từ trái cây tươi, đồ thủ công mỹ nghệ đến siro làm từ lá cây rất tươi ngon được chế biến ngay tại các nông trại trong vùng. Ngoài ra bạn cũng đừng quên thử các món bánh ngọt được chiên ngập dầu sau đó phủ lên lớp siro, bột quế và bơ. Cửa hàng Moulin de Provence còn có cả bánh quy Obama để kỷ niệm nhân dịp tổng thống của nước Mỹ đến mua bánh quy tại đây năm 2009.
Để thoát khỏi sự đông đúc của chợ ByWard, hãy gọi một ly cà phê trong quán Pearce Garden hoặc bất cứ cửa hiệu nào, thêm vài miếng snack là bạn đã có một buổi chiều thật thư thả.
Thẳng tiến đến nhà hàng Metropolitan Brasserie tại số 700 Sussex Drive ngay gần khách sạn Chateau Laurier cho món hải sản và paster. Không khí nhà hàng mang lại cảm giác Paris của những năm 1920 kết hợp với âm nhạc hiện đại của thế kỷ 21 tại Ottawa.
Ottawa không phải là thành phố duy nhất có “tour du lịch ma – ghost tour” nhưng Haunted Walk qua những con đường bằng đèn lồng cầm tay khá thú vị. Tour kết thúc tại nhà tù cổ Carleton ngày nay là nhà trọ Ottawa Jail. Chuyến đi sẽ đưa du khách qua những địa điểm bí ẩn và rùng rợn.
Cuộc sống về đêm ở Ottawa không náo nhiệt bằng Toronto nhưng cũng bận rộn và hào hứng. Tại quán Zaphod Beeblebrox, ban nhạc chơi fold-rock hay blue cả đêm sẵn sàng làm tan chảy trái tim bạn. Khá nhiều các quán xá tại thủ đô phù hợp cho những ai thích ngồi uống vài li bia địa phương, cocktail như Zoe’s Lounge hay vài shot whisky tại tầng trệt của quán Union Local 613.
Theo VNExpress
Những quốc gia sạch nhất thế giới
Theo Business Insider, Mỹ, Canada, Nhật Bản là những nước có bầu không khí trong lành nhất. Ở Đông Nam Á có một đại diện là Brunei.
Mỹ
Đây là nước đứng đầu danh sách với nhiều thành phố có bầu không khí sạch nhất theo tổ chức Y tế thế giới WHO (gồm 274 thành phố). Với sự giúp đỡ của cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) cùng nhiều sáng kiến làm sạch không khí, nước này hy vọng các bang sẽ có nhiều nơi trong lành hơn.
Một số thành phố sạch nhất nước Mỹ: Lake Havasu, Arizona, Clearlake, Bellingham, Washington...
Canada
Đứng thứ 2 trong danh sách này là Canada. Một nửa trong số các tỉnh của quốc gia này có bầu không khí trong lành, bao gồm Toronto, Ottawa, và Vancouver. Canada còn có ngày không khí trong sạch để hút sự quan tâm của mọi người đến chất gây ô nhiễm.
Nhật Bản
Quốc gia Đông Á đứng thứ 3 danh sách với 18 thành phố được công nhận có bầu không khí trong lành. Một trong những điều làm nên kết quả đó là Nghị định thư Kyoto 1992, trong đó các nước cam kết cắt giảm khí thải nhà kính.
Các thành phố sạch nhất Nhật Bản là Chikusa-ku, Shimuzu-ku và Aoba-ku.
Australia
Hai thành phố lớn nhất Australia là nơi không khí ô nhiễm thấp nhất. Quốc gia này đứng thứ 4 với 15 thành phố. Kết quả đạt được do quốc gia này áp dụng nghiêm ngặt quy định lượng chất thải tối đa hàng năm.
Thành phố sạch nhất Australia là Melbourne, Illawarra, Geelong, Sydney, Lower Hunter, Traralgon.
New Zealand
14 thành phố với không khí trong sạch giúp quốc gia này đứng vị trí thứ 5. Hai thành phố lớn nhất, Auckland và Wellington, đều có lượng ô nhiễm thấp nhất hàng năm.
Thành phố sạch nhất của New Zealand là Lower Hutt, Upper Hutt và Wainuiomata.
Tây Ban Nha
Hai thành phố sạch nhất của Tây Ban Nha là Arrecife và Las Palmas đều nằm ở ngoài khơi bờ biển của Marocco, trong quần đảo Canary. Đây là nơi có bầu không khí trong lành vì ít bị công nghiệp hóa, còn du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của họ.
Bồ Đào Nha và Phần Lan
Đây là hai quốc gia cùng đứng ở vị trí thứ 7. Trong đó, thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha - Porto là nơi ít bị ô nhiễm nhất do hoạt động chủ yếu như một cảng thương mại.
Giống như Thụy Điển, Phần Lan cũng nằm trong Liên minh khí hậu và không khí sạch, đồng thời thường xuyên cắt giảm lượng khí thải carbon. Thành phố sạch nhất của Phần Lan là Oulu và Jyvskyl.
Thụy Điển và Brunei
Hai quốc gia này đều có 4 thành phố với không khí hoàn toàn trong sạch. Đáng chú ý trong đó là hai thành phố đông dân nhất của Thụy Điển, Stockholm và Gothenberg đều được WHO công nhận.
Brunei được đánh giá tốt trong việc giảm lượng khí thải và bảo vệ rừng dù đất nước đang công nghiệp hóa nhanh chóng.
Theo VNExpress
15 nơi lý tưởng nhất cho dịp Giáng sinh Nếu Salzburg của Áo đặc trưng với những dãy núi phủ tuyết, kiến trúc Baroque, Honolulu ở Hawaii lại có hình tượng ông già Noel mặc quần soóc đỏ và áo phanh ngực. 1. Honolulu, Hawaii: Giáng sinh ở Honolulu được trang hoàng trong suốt một tháng, với một đoàn diễu hành, nhạc sống và cây thông cao 15 m. Đặc biệt hơn...