Ôtô nhập khẩu giảm, cơ hội tốt cho xe lắp ráp trong nước
Theo các chuyên gia ôtô, việc xe nhập khẩu giảm số lượng trong 2 tháng gần đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước bứt phá. Tuy nhiên, muốn có ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô hoàn chỉnh thì công nghệ linh kiện hỗ trợ phải đi trước một bước.
Ôtô nhập khẩu giảm
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 2.2021, ôtô nhập khẩu về nước khoảng 7.000 chiếc, giảm hơn 1.000 xe so với tháng trước, tương đương giảm gần 37%.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng xe nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 15.000 chiếc, chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.
Nhiều người cho rằng, việc ôtô nhập khẩu giảm trong những tháng đầu năm 2021 sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có cơ hội bức phá. Tuy nhiên, để làm được điều này thì công nghệ linh kiện phải đi trước một bước.
Ôtô mang thương hiệu Việt được kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ Vinfast
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, việc xe nhập khẩu giảm số lượng trong 2 tháng gần đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước bức phá.
“Tôi cho rằng, thị trường ôtô Việt Nam đã có quy mô đủ lớn để đẩy mạnh lắp ráp trong nước, nhưng cần chính sách mạnh hơn để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Muốn có ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô hoàn chỉnh thì công nghệ linh kiện hỗ trợ phải đi trước một bước. Trong khi đó, để phát triển công nghệ linh kiện thì cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung ứng linh kiện trong nước”, ông Hiếu nói.
Video đang HOT
Tập trung phát triển linh kiện, tham gia vào chuỗi cung ứng
Muốn công nghiệp ôtô trong nước phát triển, sản phẩm làm ra cạnh tranh được với xe nhập nguyên chiếc, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng – cần phải tăng quy mô sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, giá cả cạnh tranh với ôtô nhập khẩu, chất lượng tốt.
“Quy mô tăng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, qua đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Kéo theo đó, là giá xe cũng giảm, có thể tương đương với giá xe Thái”, ông Đồng nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhận định, trong thời gian vừa qua, sự tham gia của Vinfast, Tập đoàn Thaco vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô đã “nâng cấp” ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
“Những năm trước đây, ôtô ở Việt Nam chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Có một số thời điểm, những nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc. Họ đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng thêm các ưu đãi cho họ, nếu không sẽ rút ra khỏi thị trường.
Chính vì vậy, sự xuất hiện của Vinfast, Thaco trong “bản đồ” công nghiệp ôtô Việt đã làm thay đổi bức tranh đó. Mặt khác, điều đó cũng giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm ôtô “Made in Việt Nam” – bà Lan nói.
Chuyên gia ôtô Trương Đăng Tân – Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Học viện Quốc tế cho biết, ngành ôtô Việt Nam nên tập trung sản xuất phụ tùng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chế tạo xe mới.
“Nền công nghiệp ôtô của Việt Nam không thể đứng ngoài việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi khi không thể chủ động được chuỗi cung ứng linh phụ kiện thì các hãng xe sẽ bị các công ty sản xuất linh phụ kiện chi phối. Nếu gia nhập được vào chuỗi cung ứng này thì tính ổ định, chủ động trong việc sản xuất là rất cao”, ông Tân cho hay.
Thị trường ôtô Việt đầu năm 2021: Sức mua sụt giảm, nhưng đang tốt dần lên
Theo báo cáo của VAMA, số lượng xe tiêu thụ trong tháng 1.2021 đạt 26.432 chiếc giảm 45% so với tháng 12.2020. Tuy nhiên, nhiều hãng xe vẫn tung ra các sản phẩm mới. Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường ôtô tại Việt Nam.
Bất chấp dịch, nhiều hãng xe vẫn tung "hàng nóng"
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) thì trong tháng 1.2021, các thành viên của VAMA chỉ bán được 26.432 chiếc ra thị trường, sụt giảm tới 45% so với tháng 12.2020.
Trong đó, phân khúc xe chuyên dụng chỉ bán được 293 chiếc, giảm 13%, còn phân khúc xe thương mại đạt 5.741 chiếc giảm 46%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo VAMA do chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực. Cùng với việc dịch COVID-19 đang tiếp tục bùng phát trở lại Việt Nam khiến thị trường bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, một số hãng xe vẫn đang "bỏ tiền túi" để hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng, hay đưa ra những chính sách ưu đãi, giảm giá xe nhằm kích cầu tiêu dùng. Vậy nên, sức mua trên thị trường, tuy giảm so với những tháng cuối năm 2020, nhưng ngược lại lại có sự tăng trưởng hơn 69% so với cùng kỳ tháng 1.2020.
Bất ngờ hơn nữa, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, nhiều hãng xe vẫn tung ra các sản phẩm mới. Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường ôtô tại Việt Nam.
Theo đó, ngày 1.3, Ford Everest Sport 2021 đã chính thức được bán ra tại Việt Nam. Xe dự kiến giao đến khách hàng từ 8.3 tới với mức giá 1,112 tỉ đồng, 5 màu lựa chọn: trắng, đen, xám, bạc, xanh.
Ngày 23.2, Toyota cũng ra mắt siêu phẩm Toyota Vios 2021 tại thị trường Việt Nam, với 7 phiên bản khác nhau, đi kèm giá bán dao động từ 478 - 638 triệu đồng.
Trong đó, phiên bản thể thao GR-S cao cấp nhất có giá 630 triệu đồng, cao hơn 31 triệu đồng so với đối thủ Honda City phiên bản RS.
Ôtô Toyota Vios phiên bản GR-S 2021 vừa ra mắt bất chấp đại dịch. Ảnh: Toyota Việt Nam
Trước đó, ngày 22.2, hãng xe Mitsubishi Motors Việt Nam đã "khai xuân" với mẫu xe nhập khẩu Mitsubishi Attrage 2021. Phiên bản New Attrage CVT Premium 2021 được cho là có nhiều nâng cấp với mức giá 485 triệu đồng. Đáng chú ý, để kích cầu đầu năm, mẫu xe này cũng được hãng giảm 50% lệ phí trước bạ, trị giá lên đến 24 triệu đồng, áp dụng đến hết tháng 2.
Thị trường đang tốt dần lên
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định: "Có thể nói, thị trường hiện nay đang tốt dần lên. Để bán được xe, tăng doanh số thì thị trường phải tăng trưởng ổn định, để các hãng yên tâm đầu tư và cho ra các sản phẩm mới phục vụ khách hàng".
Ông Trương Đăng Tân - Giám đốc Trung tâm Đào tào lái xe quốc tế, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thị trường xe hơi cho biết, thị trường ôtô trong tháng đầu năm 2021 có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng việc kết thúc chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước đã có tác động lớn khiến doanh số giảm mạnh so với tháng 12.2020.
Dù vậy, năm 2021 dự kiến sẽ có mức tăng trưởng doanh số ôtô sau khi thị trường "chạm đáy" vào năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục sẽ không quá mạnh mẽ, năm nay, dự kiến xe ôtô điện sẽ có một năm bùng nổ. Trong đó, ở khu vực Đông Nam Á, VinFast là nhân tố thúc đẩy cách mạng xe điện trong khu vực.
Để tăng tiêu thụ xe hơi trong năm 2021, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cần có những chính sách khơi thông.
"Ngoài chính sách giảm thuế nhập linh kiện, vốn ngốn phần lớn chi phí đầu vào. Chính phủ Việt Nam cũng đang yêu cầu các bộ, ngành chức năng nghiên cứu áp đặt cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương thức mới.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, phương án giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt được xây dựng là giảm thuế đối với xe dung tích thấp, xe có tỉ lệ nội địa hóa cao. Tôi cho rằng, đây là biện pháp kích thích giá xe giảm, mở rộng thị trường và tăng cường năng lực nội địa hóa của doanh nghiệp Việt" - bà Lan nêu quan điểm.
Ôtô "Made in Việt Nam" cần thêm chính sách mở đường Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 11.000 ôtô nguyên chiếc kể từ đầu năm 2021. Con số này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu xe nội có đang mất vị thế trước xe nhập khẩu và ôtô "Made in Việt Nam" đang ở đâu trên "bản đồ" công nghiệp ôtô thế giới?...