Ôtô ngoại vẫn về ào ạt, xe nội đề xuất gia hạn ưu đãi
Quá sốt ruột trước làn sóng ôtô nhập khẩu tăng mạnh, các hãng xe nội và một số địa phương có nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô đồng loạt kiến nghị nhiều chính sách cứu xe nội địa
Trong văn bản ký ngày 5-8 gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh hoạt động của Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) với 2 nhà máy thuộc Khu Công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất và tiêu thụ sụt giảm do dịch Covid-19 kéo dài. Trong khi đó, một số chính sách do Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã hết hiệu lực.
Tái kích hoạt chính sách ưu đãi
Do đó, tỉnh Ninh Bình đề nghị 2 bộ báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn chương trình ưu đãi thuế đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước cho giai đoạn từ sau năm 2022. Đồng thời, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thị đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian phù hợp, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô nội địa. “Đồng thời với các chính sách ngắn hạn, cần phải có biện pháp dài hạn để thúc đẩy DN đầu tư phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Cụ thể, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm điều chỉnh giá tính thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước (tỉ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá tính thuế TTĐB” – văn bản nêu rõ.
Doanh nghiệp ôtô hy vọng có chính sách hỗ trợ giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho xe nội. Trong ảnh: Robot hỗ trợ sản xuất tại một nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.Ảnh: THÙY DƯƠNG
Video đang HOT
Trong khi đó, 2 giải pháp ngắn hạn được tỉnh Quảng Nam đề xuất trong văn bản gửi liên bộ Tài chính – Công Thương ngày 2-8 là cho phép tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020 và cho phép tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô nội thêm một khoảng thời gian phù hợp. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực sản xuất ôtô nói chung và hoạt động của Công ty CP Ôtô Trường Hải đóng trên địa bàn Quảng Nam nói riêng.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc TC Motor, cho biết đại dịch ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công nghiệp ôtô ở cả 2 phương diện quan trọng nhất là chuỗi cung ứng và thị trường. Sáu tháng đầu năm 2020, thị trường chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng tới hơn 35% – mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trước đó. Dù nửa đầu năm 2021, tiêu thụ toàn thị trường đạt mức dương nhưng chỉ mang tính ngắn hạn và không phản ánh hết bối cảnh phức tạp của thị trường. Thực tế, phân khúc xe khách, xe buýt 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm gần 80% so cùng kỳ năm 2019 và tiếp tục giảm thêm 21% trong 6 tháng đầu năm nay. “Dịch bệnh khiến tài chính của người tiêu dùng không còn vững chắc, tâm lý tích trữ, tiết kiệm gia tăng và giảm quan tâm đến mặt hàng xa xỉ là ôtô. Đặc biệt, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hết hiệu lực, người tiêu dùng không còn nhiều động lực để mua xe. Dự báo, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường cả năm sẽ sụt giảm 5%-17%, tùy theo diễn biến thực tế” – Tổng Giám đốc TC Motor chỉ rõ.
Thêm chính sách cạnh tranh
Thị trường khó khăn là vậy nhưng xe nhập khẩu vẫn ồ ạt về nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc tăng 99,6% về lượng và 102,5% về trị giá. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng gần 325% về lượng và 265% về trị giá. Xét về tỉ trọng, nửa đầu năm 2020, xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm đến 41%, đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, đe dọa mất cân bằng tương quan với sản xuất nội địa. Sáu tháng đầu năm nay, tỉ trọng này là 34%.
“Nửa cuối năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe nội, tỉ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm còn 27%. Nhưng ngay khi chính sách này hết hiệu lực vào nửa đầu năm nay, tỉ trọng xe nhập khẩu tăng mạnh trở lại. Có thể khẳng định nếu không có sự can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì xe sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với xe nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh tất cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan áp dụng cho xe nhập đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết” – Tổng Giám đốc TC Motor Lê Ngọc Đức bày tỏ và cho rằng nếu không tạo ra lợi thế cạnh tranh cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ khó tránh tình trạng DN đồng loạt rời bỏ sản xuất để chuyển sang “đi buôn” thu lời.
Ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, nhìn nhận: “Để người tiêu dùng chọn mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước, cần chính sách quyết liệt giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô một cách mạnh mẽ hơn để có giá tốt và chất lượng sản phẩm được nâng lên”.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô trong nước cần chính sách riêng để phát triển, giúp thị trường giảm phụ thuộc nhập khẩu. Trong đó, chính sách về giá rất quan trọng bởi giá thành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước hiện cao hơn khu vực 10%-20%, làm giảm sức cạnh tranh.
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận xét thời gian qua, dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ để phát triển ngành ôtô trong nước nhưng vẫn chưa đủ và cần nhiều giải pháp đột phá hơn. Trong đó, vấn đề cốt lõi là có chính sách thuế TTĐB phù hợp hơn để khuyến khích đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô trong nước.
Cấm xe khách đường dài dừng đón trả khách dọc đường ở Ninh Bình
Bắt đầu từ ngày 23/7, tỉnh Ninh Bình tạm dừng xe khách đi Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tỉnh này cũng cấm xe khách đường dài dừng đón trả khách trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Sở GTVT Ninh Bình đã có văn bản thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Ninh Bình đi, đến thành phố Hà Nội, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Gia Lai và ngược lại bắt đầu từ 0h ngày 23/7.
Sở GTVT cũng quyết định tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, gồm xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ Ninh Bình đi, đến 27 tỉnh/thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Phú Yên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Bắc Giang, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh và ngược lại.
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình thực hiện kiểm tra xe khách, kiểm tra y tế các hành khách qua địa bàn.
Dừng toàn bộ hoạt động chở khách, xe hợp đồng từ Ninh Bình đi các tỉnh có ca nhiễm và ngược lại. Cấm các xe khách đường dài dừng đón, trả khách dọc đường tại Ninh Bình. Đối với lái xe đến giao hàng hóa, vận chuyển tại Ninh Bình phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết hạn cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng, chống dịch được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sở GTVT Ninh Bình yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện nghiêm việc tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách đi, đến các tỉnh, thành phố trên và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định để lây lan dịch trong cộng đồng.
Sở GTVT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ninh Bình: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Tỉnh Ninh Bình quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình và trong phạm vi quản lý. Nhằm triển khai các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là triển khai...