Osin nam và chuyện chui gầm giường bệnh viện
Những osin nam chăm người ốm ở viện nếu kiếm được chỗ đẹp là nằm ngay dưới gầm giường, còn không phải trải chiếu nằm ngoài hành lang, ghế đá.
Nằm gầm giường ở viện
Cảnh đàn ông đi chăm người ốm thôi thì muôn vàn vất vả. Mỗi người mỗi cảnh, họ lang thang vạ vật ở bệnh viện. Đêm đến, người nằm hành lang, người kiếm được chỗ đẹp là nằm ngay dưới gầm giường.
Gặp ông Nguyễn Đức Tuấn (66 tuổi, Quỳ Châu, Nghệ An) bước đi thất thểu mệt mỏi dưới cái nắng như thiêu như đốt ở bệnh viện K (Hà Nội) nhiều người không khỏi ái ngại.
Người đàn ông này lễ mễ xách đồ trong bệnh viện.
Khuôn mặt hốc hác bơ phờ, hai hốc mắt đen trũng sâu của ông không thể che giấu được những đêm mất ngủ triền miên. Ông kể rằng năm 2006, trong lần đi khám định kỳ ở bệnh viện tỉnh Nghệ An, bác sĩ phát hiện vợ ông bị bệnh áp huyết cao. Sau đó, 2 năm bà mắc bệnh xơ vữa động mạch tim và rồi 3 năm gần đây lại mắc thêm bệnh ung thư vú. Kể từ đó, cuộc sống của 2 vợ chồng gần như “định cư” trong bệnh viện.
“Cuộc sống trước đây của tôi cũng không đến nỗi nào. Ở nhà, tôi mở cửa hàng ảnh cưới, khách đông lắm, lúc rảnh rỗi thì trồng cây cảnh, bán qua bán lại nên cũng có chút của ăn của để. Những tưởng có chút của nả để dưỡng thân già, ai ngờ hơn 7 năm chữa chạy cho bà ấy, tiền bạc trong nhà lần lượt ra đi”.
Ông Tuấn có một cậu con trai nhưng đi làm ăn xa, năm mới về được một lần, cũng chẳng trông cậy được nhiều. Ông tính nhẩm, vợ ông đến nay nằm viện đã tròn 1 tháng. Lúc đầu, ông thuê được giường tự nguyện cho vợ nằm, nhưng chẳng được bao lâu, khi có bệnh nhân mới là bác sĩ lại chuyển vợ ông sang giường khác.
Một chiếc giường 0,8m x 1,2m đến 3 người nằm. Thế nên, ông thuê giường bạt để vợ nằm khu hành lang. Còn ông, ban ngày tranh thủ nghỉ trên ghế, tối nằm dưới sàn.
“Nói là ngủ chứ không thể chợp mắt được. Đèn chiếu sáng trưng, người kêu than, la lối, người ra vào vệ sinh. Trời nóng, lại không có quạt, lúc đông cả hành lang nay lên tới 150 người, nằm lẫn lộn cả nam nữ, làm sao ngủ nổi.
Vợ tôi yếu, nên đi đâu cũng phải dìu, nhiều lúc đi vệ sinh bà ấy cũng không thể tự làm được. Tắm giặt, chăm ăn uống đều đến tay tôi. Có những đêm, bà ấy lên cơn đau tim, tinh thần hoảng loạn, một mực đòi chết, tôi vừa phải an ủi, động viên, vừa phải xoa lưng, bóp tay cho bà ấy”. Ông buồn rầu kể.
“Không có suất nằm trong phòng nên tắm gội cũng phải nhịn, 2-3 ngày mới dám tắm một lần. Phòng vệ sinh bốc mùi mà còn phải xếp hàng đợi phòng vãn người mới dám xin cho bà ấy vệ sinh, tắm nhờ, còn tôi tranh thủ tắm ùm cho có nước dính người.
Số tiền còn lại giờ chỉ đủ để lo thuốc men, ăn uống chúng tôi cũng phải trông vào những suất ăn từ thiện, cứ phải canh đúng giờ, xếp hàng trước, trễ là lại phải mua cơm ở ngoài. Cuộc sống ở quê đã khổ, sống ở giữa đất thủ đô lại khổ hơn nhiều. Cứ kiểu này, người bệnh chưa chết mà người chăm đã ốm rồi”.
Video đang HOT
Ông đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang ướt đẫm trên khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn nhàu nhĩ, “Đời tôi cũng chịu rất nhiều khổ cực, nhưng chưa khi nào tôi phải ngửa tay đứng xếp hàng để nhận bố thí từ những bát cháo, những suất cơm từ thiện như thế này”.
Chung cảnh ngộ với ông Tuấn, là ông Hoàng Thanh Trương (Hải Phòng). Vợ ông mắc bệnh ung thư vú, bản thân ông lại mắc bệnh áp huyết cao nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, ông lại bắt xe đưa bà vào viện K xạ trị mà không nhờ đến bất cứ đứa con nào giúp đỡ.
Nhiều người trong viện thấy thương cho hoàn cảnh của ông bà nên nhường giường cho bà nằm, còn ông nằm vạ vật bất cứ chỗ nào có thể. Tối đến, ông nằm tráo đầu đuôi ngay bên giường bà, lúc bà mệt, hay cáu gắt, ông lại trải manh chiếu nằm dưới gầm giường bệnh của bà.
Khi bà cần giúp đỡ, chỉ việc đập chân vào thành giường báo hiệu cho ông. “Từ hồi bà mắc bệnh, tính tình thay đổi thất thường, có lúc suy nghĩ tiêu cực, tôi lại phải vỗ về, lúc ngọt lúc nhạt, động viên bà ấy cố gắng chạy chữa.
Tiền bạc cũng không có, đều phải vay mượn từ họ hàng, cũng may những đợt điều trị hóa chất ở viện không kéo dài, chứ nếu chiến đấu trường kỳ ở đây, tôi không trụ nổi”, ông thở dài.
Và làm osin cho người
Có chỗ nằm ở ghế thế này là “hạnh phúc” của người chăm người ốm.
Ông Hoàng Văn Bách (55 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) sau những ngày lang thang vất vưởng tìm việc ở Hà Nội không được lại tìm đến nghề chăm nuôi bệnh nhân để sinh sống qua ngày.
Người bệnh ông chăm sóc là một người đàn ông quê ở Nam Định bị ung thư phổi di căn lên não, thuê ông chăm sóc với giá 300.000 đồng/ngày.
Việc của ông là chăm sóc tắm rửa, giặt, thay bỉm, dìu người bệnh đi lại và thông báo với người nhà hàng ngày về bệnh tình của bệnh nhân. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bước vào nghề “ăn cơm bệnh nhân, ngủ giường bệnh viện” ông mới thấy hết tủi nhục.
Cứ đều đặn 6 tiếng ông lại thay tã, vệ sinh, cắm cháo xông, xoa lưng, bóp tay chân cho người đàn ông không hề có máu mủ ruột già với mình.
Nếu không được vừa ý, người nhà bệnh nhân lại nhiếc móc, tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Đó còn chưa kể những lúc ông buộc phải ngồi nghe những câu chuyện không đầu không cuối của người bệnh và nhẫn nhịn chịu đựng cả những tính cách “trái nắng trở giời” của người bệnh.
Ăn đứng, ngủ gật, sinh hoạt thiếu thốn, khiến sức khỏe của ông ngày càng suy kiệt. Có khi vì mệt quá, ông mới dám móc hầu bao mua thức ăn có chất dinh dưỡng, để tăng sức khỏe thì bị chủ nói bóng nói gió, nhiếc móc.
Tiết kiệm chi tiêu lắm một ngày cũng mất đến 50.000 đồng, số tiền còn lại ông gửi về gia đình để lo cho con ăn học. “2 năm nay tôi không dám về nhà, chi phí đi lại đã tốn đến mấy trăm nghìn đồng, chỉ mong con cái được học hành tử tế, sau có công việc đàng hoàng, không phải chịu cảnh như tôi thế này”, ông chua chát kể.
Còn ông Nguyễn Văn Nam (Phú Thọ) qua một người quen giới thiệu, ông đi trông 1 người đàn ông bị ung thư phổi ở bệnh viện Hữu nghị. Chăm chán ở viện, khi người bệnh về nhà, ông đi theo. Như vậy là tươm cho ông, đỡ phải vạ vật nơi bệnh viện.
Được về nhà, ông thấy thoải mái hơn vì được gia chủ sắp xếp cho một chiếc giường cạnh người bệnh. Hàng ngày, việc của ông là vệ sinh, bón cơm, giặt giũ cho người bệnh. Công việc vốn là của phụ nữ, giờ đây ông làm hết. Từng loại thuốc nào ông đều phải thuộc.
Cũng chỉ vì đồng tiền, nhiều khi ông phải cố, việc đã vất nhưng thỉnh thoảng, điều ông buồn nhất là khi bữa cơm đến, họ ăn xong mới để ông ăn.
Nửa đêm, nếu ông chót ngủ say, người bệnh kêu không được thì người nhà sẽ mắng ông. “Cái cảnh đi làm osin thế này vất vả lắm cô à. Nhưng nghĩ đến mấy đứa con đang học, tôi tự bảo mình cho qua”, ông Nam chia sẻ trước khi chia tay.
Theo vietbao
Cậu bé bị bố đốt và hành trình tìm lại tuổi thơ
Sau thời gian dài chiến đấu với thần chết và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tạiViệt Nam và Hàn Quốc, giờ đây Vũ Quốc Linh - cậu bé bị bố ruột đốt ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) năm 2011 có một cuộc sống mới mà trước đó không ai có thể ngờ tới.
Cậu bé nhút nhát hay hoảng sợ ngày trước bây giờ đã là một Quốc Linh rất hoạt bát, tự tin, hiếu động, hay cười, hay nói.
Nỗi đau con trẻ
Ngày 27/4/2011, cả vùng thôn quê bình yên xã Tế Tân (huyện Nông Cống) bàng hoàng trước câu chuyện đau lòng: Bé Vũ Quốc Linh mới 3 tuổi đã bị chính bố ruột tưới xăng châm lửa đốt và đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Linh được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện (BV) Nhi Thanh Hóa trong tình trạng bỏng toàn thân.
Cậu bé dũng cảm Vũ Quốc Linh và mẹ.
Suốt 20 ngày đầu nhập viện, cả cơ thể Linh bất động, được băng bó kín, chỉ hở hai con mắt. Mỗi lần y tá thay băng cho con, chị Hà - mẹ Linh đau đớn chỉ muốn ngất đi, không dám nhìn cảnh tượng đó. Phần da bị bỏng của Linh quá sâu, phải ghép da đắp vào những chỗ bị tổn thương để tránh nhiễm trùng. Khi bác sĩ hỏi ý kiến, người mẹ trẻ đồng ý ngay không đắn đo.
8h ngày 18/5/2011, ca phẫu thuật ghép da được tiến hành. Bác sĩ lấy gần như toàn bộ phần da hai bên đùi chị Hà ghép trực tiếp sang cho bé Quốc Linh. Ca phẫu thuật kéo dài gần bốn giờ. Sau đó 10 ngày, Linh được chuyển ra Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Tuy nhiên, phần da ghép của mẹ lại không tương thích nhiều với cơ thể của cậu bé nên bong ra khá nhiều. Các bác sĩ của Viện Bỏng quốc gia lại lấy da của Linh ghép cho cậu bé ở những chỗ bong tróc. Đến lần cấy ghép da cuối cùng thì Linh bị nhiễm trùng máu, phải chuyển sang BV Nhi trung ương.
Cứ như thế suốt bốn tháng trời, cậu bé mới 3 tuổi phải đối diện với hàng loạt tình huống thập tử nhất sinh, chiến đấu với thần chết để giành lại sự sống. Sau chín lần ghép da, ngày 26/7/2011 bé Quốc Linh được xuất viện về nhà bà ngoại ở xã Tế Tân với gương mặt biến dạng khủng khiếp. Đầu chỉ là mảng da trọc lóc màu đen bị tróc vẩy. Bàn tay bị cháy đen với những ngón tay chỉ còn là những đốt ngắn dính lại với nhau. Linh không đi và cũng không ngồi được. "Lúc mới về da cháu rất non, chỉ cần chạm nhẹ là tróc ra - chị Hà kể tiếp. Mẹ phải bế 24/24h. Mỗi lần thay băng hay tắm Linh đau lắm, cứ kêu lên: Trời ơi con đau quá. Con có làm gì đâu mà con đau như vậy. Tại sao bố lại đốt con". Những câu hỏi của trẻ con nhưng khiến người lớn bối rối.
Khi đó, việc ăn uống với một đứa trẻ gương mặt bị biến dạng là điều vô cùng gian nan, đến uống nước phải dùng ống hút. Miệng Linh không mím lại được nhưng cũng không há ra được. Mẹ Hà phải vón cơm thật nhỏ bỏ vào miệng bé. Thức ăn là những thứ thật mềm được xắt nhỏ. Món canh của bé những ngày ấy chỉ là rau đay hoặc mồng tơi. Phải mất cả giờ rưỡi Linh mới ăn hết một chén cơm nhỏ xíu. Đã không biết bao lần mẹ Hà vừa đút cơm cho con vừa khóc...
Đã thế, chiếc mũi bị cháy đến biến dạng khiến Linh khó thở cả ngày lẫn đêm. Linh phải thở bằng miệng và mũi, những cơn đau đớn vẫn đeo bám cả khi ngủ. Cậu bé chỉ có thể nằm nghiêng sang bên phải do vết bỏng bên trái quá nặng nên đầu lõm hẳn một bên.
"Từ khi bị như vậy bé ít ngủ lắm, nằm nhưng cứ ì à ì ạch không ngủ được. Cháu chỉ ngủ lúc chập tối đến 11h đêm dậy, 4-5h sáng ngủ tiếp. Đêm nhìn con ngủ không được do ngứa ngáy khắp người vì đau, vì vết bỏng ăn da non, tôi lại chảy nước mắt. Linh thích đi học lắm. Nhưng gương mặt con như thế này tôi rất lo cháu sẽ bị tổn thương nếu bạn bè xa lánh. Tôi không cho bé tiếp xúc với gương nhưng cháu tự soi. Lần đầu soi gương cháu cứ khóc, khóc mãi rồi nói: mẹ ơi, mẹ làm sao cho con đẹp để con đi học. Nghe con nói vậy, tôi chảy nước mắt vì biết làm thế nào để con có gương mặt bình thường bây giờ. Ngay cả những ngón tay của con vẫn còn dính chặt nhau thì sao mà cầm được bút" - chị Hà lau nước mắt nhớ lại.
Cuộc chiến của Linh
Tháng 10/2011, một đoàn từ thiện của Thụy Sĩ về làm việc tại BV Nhi Thanh Hóa. Lãnh đạo BV đã trao cho Quốc Linh một cơ hội lớn: phẫu thuật tách ngón tay cho Linh. Bàn tay phải của bé chỉ còn bốn ngón. Một ngón bị cháy khô, bác sĩ phải tháo khớp rất sâu để các ngón khác không bị hoại tử. "Lúc mới tháo băng, tay bé không cử động được, như hai nắm đấm to, tròn, cứng đơ. Tôi luyện cho con nắm, mở bàn tay ra rồi nắm lại. Một tháng sau, tay bé đã cử động và có thể kẹp đồ vật nhỏ vào hai bàn tay. Lúc đầu bé tập viết bằng chân rồi dần chuyển qua tay. Lúc trước chỉ viết được chữ O, bây giờ bé viết được số từ 1-5" - chị Hà cho biết. Ngón tay Linh to nhưng ngắn nên không cầm bút chì được, chỉ kẹp được tí đã mỏi tay, không viết được. Nhưng cậu bé không bỏ cuộc, cứ viết được một vài chữ là nghỉ rồi lại viết. Từng nét chữ cũng trở nên quá khó khăn với một đứa trẻ như Quốc Linh.
Một may mắn khác lại đến với cậu bé sớm chịu bất hạnh: với sự hỗ trợ nhiệt tình của BV Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương), bé Quốc Linh đã được đưa sang BV thẩm mỹ JK (Hàn Quốc) điều trị miễn phí. Một tháng sau khi lấy tủy sống làm các xét nghiệm, tháng 10/2012 Linh được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chân, tiêm tế bào gốc lần thứ nhất. Bàn chân trái của Linh bị sẹo lớn do bỏng toàn bộ từ trên xuống dưới. Bác sĩ phải lọc hết những phần sẹo lồi ngay gân. Ca phẫu thuật quan trọng này kéo dài bảy giờ.
Đến ngày 12/11/2012, các bác sĩ tiến hành ghép da vào chân cho Linh. Phần da bên chân phải cậu bé được lấy để ghép vào bên chân trái. Bốn ngày sau, cậu bé lại phải tiêm tế bào gốc lần thứ hai. Phẫu thuật xong, mất hai tháng sau Linh mới đi được. Sau ca phẫu thuật đó, cậu bé được tiêm tế bào gốc vào mặt để tái tạo da. Hơn một tháng sau, Linh trải qua ca phẫu thuật tách lại các ngón tay bên phải vì lần phẫu thuật trước tại BV Nhi Thanh Hóa chưa tách hết khiến ngón thứ hai và thứ ba vẫn dính chặt nhau. Sau ca phẫu thuật tách ngón tay lần hai kéo dài sáu giờ, bàn tay của Linh với những ngón ngắn ngủn, to, không lành lặn nhưng đã được tách rời hoàn toàn.
"Mỗi đợt phẫu thuật thường từ 8-14h và Linh phải nhịn ăn 8-12h. Linh rất biết chuyện, tỏ ra người lớn, còn nhắc mẹ: mẹ ơi con phải nhịn ăn để ngày mai bác sĩ phẫu thuật, không được uống nước, không được đánh răng. Có đói Linh cũng không đòi mà thủ thỉ: phẫu thuật xong mẹ cho con ăn nhé. Sau mỗi lần phẫu thuật, cháu đau lắm nhưng không than thở với mẹ" - chị Hà kể.
Sự can đảm, mạnh mẽ và vui vẻ, hồn nhiên của cậu bé đã khiến các y bác sĩ ngạc nhiên và dành những tình cảm rất đặc biệt. Linh được tổ chức riêng một tiệc Giáng sinh, tiệc sinh nhật rất bất ngờ với sự tham dự của toàn bộ cán bộ, nhân viên BV JK. Trong ba tháng ở Hàn Quốc, các y bác sĩ người Hàn đã dạy Linh đếm bằng tiếng Anh từ 1-100, biết nói một số câu bằng tiếng Hàn. Các y tá còn mua bút, sách, đồ chơi và nhờ người dịch sang tiếng Việt một bức thư viết riêng cho Linh.
Sau những đợt phẫu thuật ở BV JK, cuộc sống của Linh đã thay đổi tích cực. Cậu bé đã bình tĩnh khi soi gương chứ không khóc như trước. "Bây giờ bé đã có ngón tay, dù cầm gì cũng phải cầm bằng hai tay. Việc tắm cho bé cũng thoải mái hơn vì bé không đau nữa. Từ khi đi Hàn Quốc bé lớn hẳn lên, thích tự mình làm mọi thứ như tự đánh răng, mặc áo, tự đi vệ sinh, đi dép... mà không cần mẹ giúp. Khi tôi muốn giúp con thì bé nói: mẹ để con tự làm. BV JK đã có kế hoạch lâu dài giúp Linh tìm lại gương mặt thật của mình. Tôi mong chờ ngày đó để Linh được đi học như mong ước của con..." - chị Hà nói, đôi mắt ánh lên niềm hi vọng tha thiết. Khi bài báo này đến với bạn đọc, chị Hà và con trai bé bỏng vừa sang Hàn Quốc tiếp tục những ca phẫu thuật quan trọng khác.
Bi kịch gia đình Năm 2007, Vũ Văn Quang (sinh năm 1980) kết hôn với chị Lê Thị Hà (sinh năm 1984). Quang hay đi đánh bạc và dọa đuổi chị Hà ra khỏi nhà mỗi khi thua bạc. Chị Hà đã nhiều lần van xin chồng nhưng không được, đành phải đưa con trai là bé Linh về nhà mẹ ruột ở nhờ. Quang nhiều lần đến nhà mẹ vợ đe dọa giết hai mẹ con chị Hà, đến mức chị phải đưa con ra TP Thanh Hóa trốn. Chiều 26/4/2011, Quang lại đến nhà tìm chị Hà nhưng không gặp. Sáng 27/4, Quang mua 2 lít xăng rồi chở cháu Linh đến nhà mẹ vợ. Sau đó, chính tay Quang đổ xăng lên đứa con trai mới 3 tuổi của mình rồi châm lửa thiêu sống. Theo kết quả giám định, bé Linh bị thương tật tới 86,16%... Vũ Văn Quang bị tuyên án 20 năm tù giam, đồng thời phải bồi thường cho bé Linh hơn 62 triệu đồng.
Theo vietbao
Công nghệ tế bào gốc sẽ được chuyển giao bài bản, đồng bộ vào Việt Nam Ngày 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Công ty N- Biotek về việc chuyển giao công nghệ tế bào gốc. Công nghệ tế bào gốc là ngành công nghệ nghiên cứu về tế bào gốc và các ứng dụng của nó nhằm phục vụ chữa bệnh...