Ôsin bị tra tấn: “Quê tôi có rất nhiều người làm nghề này”
Trở lại xã Đại Cường, nơi bà Phương sinh ra, lớn lên rồi đi làm ôsin và mới đây bị tra tấn dã man, cũng có rất nhiều người đang đi làm giúp việc…
Vài chục người trong xã đang đi làm “ nghề nguy hiểm”.
Những ngày qua, dư luận cả nước hết sức phẫn nộ, phản đối kịch liệt hành vi của bà Trần Thị Tuyết Minh trú tại số nhà 16, ngõ 95 đường Kim Mã (Ba Đình – Hà Nội) bạo hành tàn độc với bà Phạm Thị Phương trú tại thôn Kim Giang, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Bà Phương đi làm ô sin bị đánh đập nhiều ngày và bị bỏng 18%
Hành vi tra tấn tàn ác, thường xuyên đánh đập, bắt ăn ớt, ăn phân, mùa đông ép cởi trần truồng bật quạt hết số, nhất là xối nước nóng lên người ôsin gây thương tích bỏng 18% cho nạn nhân, khiến mọi người không khỏi đau lòng, xót xa mà bà chủ Trần Thị Tuyết Minh đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đang bị cơ quan công an tạm giữ 3 tháng để tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện của những người đi làm giúp việc (thường gọi là ôsin) cho các gia đình, thì ở chính ngay tại quê bà Phương đang sinh sống cũng có rất nhiều người đang đi làm nghề này. Đặc biệt, qua sự việc xảy ra với bà Phương, những người đi làm giúp việc mới thực sự vỡ lẽ mình đang đi làm cái “nghề nguy hiểm” – nghề ô sin. Để rõ hơn về nghề ôsin ở làng quê này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã trở lại đây ghi nhận.
Ông Bùi Quang Tập, cán bộ Văn phòng xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa cho biết, cũng vì do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp nên nhiều phụ nữ trong xã đã đi ở, giúp việc cho các nhà chủ trên Hà Nội để có thêm thu nhập. Những người này có độ tuổi từ 40-50 tuổi. Toàn xã không rõ có bao nhiêu người, nhưng theo ông biết thì có khoảng vài chục người đang đi làm giúp việc ở khắp nơi.
“Chúng tôi không nắm rõ số chị, em đi là giúp việc (ôsin) vì phần đa họ đi theo giới thiệu qua miệng, tự đi và không khai báo với ủy ban xã. Để có con số cụ thể những chị em phụ nữ đi làm ôsin, chúng tôi cũng phải rà soát lại. Sự việc xảy ra với bà Phương là trường hợp đầu tiên trong xã từ trước đến nay. Nhân dân ở đây rất phẫn nộ trước hành vi của bà Minh gây ra cho bà Phương” – ông Tập nói.
Bà Phương đi làm ô sin cũng qua giới thiệu của những người đi trước
Video đang HOT
“Tôi cũng đi làm ôsin được hơn hai năm nhưng nhà chủ đối xử rất tốt, hàng tháng vẫn trả tiền công đầy đủ. Ngày lễ, Tết hay có việc gia đình chủ nhà vẫn cho về và còn cho tiền tàu xe nữa. Giờ có cháu ngoại rồi nên ở nhà trông cháu, không đi làm nữa. Nhưng sự việc của chị Phương chúng tôi không thể tin được và rất bất bình về hành động tàn ác của bà Minh gây ra” – chị Phạm Thị Thủy, thôn Kim Giang – Đại Cường, từng làm giúp việc cho mọt gia đình ở phố Tây Sơn – Đống Đa – Hà Nội cho hay.
Theo chị Thủy, những người trong xã đi làm giúp việc khoảng 3 năm trước phải cũng phải đến 50 người, nhưng giờ đã về nhà hơn một nửa. Phần đa những người này cũng được chủ nhà đối xử tử tế. Họ chủ yếu người trước đi giới thiệu cho người sau. Ngay cả bà Phương đi làm giúp việc cho nhà người ta cũng thông qua những người phụ nữ khác trong làng giới thiệu với chủ nhà. Nhưng cũng có trường hợp nhà chủ giữ tiền công, không trả tiền công như chị Giỏi ở thôn Kim Giang, chị Hoan thôn Đông Xoài (Đại Cường) từ đó cũng không đi ôsin nữa.
Hội Phụ nữ xã mong cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ vụ án.
Quan điểm về sự việc của bà Phương, chị Bùi Thị Thuyết Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kim Giang bày tỏ thái độ căm phẫn và đề nghị pháp luật xử lý nghiêm minh đối với hành vi của bà Trần Thị Tuyết Minh.
Đồng quan điểm với trên, chị Nguyễn Thị Kiều Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Cường cho biết, từ hôm xảy ra sự việc, người dân trong xã chủ yếu là chị em phụ nữ đứng chật các quán internet để theo dõi thông tin. Có người con khóc nức lên khi nhìn thấy hình ảnh các vết thương trên người bà Phương.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối hành vi của bà Trần Thị Tuyết Minh gây ra cho bà Phương là người giúp việc nhà mình. Tất chị em phụ nữ trong xã không ai cầm được nước mắt khi nhìn những bức ảnh mà gia đình cho xem. Dã man quá!” – chị Liên mắt dưng dưng.
Chị Nguyễn Thị Kiều Liên, Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Đại Cường đề nghị xử lý nghiêm minh vụ việc
“Nếu tôi là chủ nhà mà người giúp việc không đáp ứng được công việc có thể bớt một chút tiên công hoặc cho họ nghỉ chứ sao phải hành hạ con người ta đến nông nỗi ấy. Nên tôi vẫn nói với chị em đi giúp việc cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức về công việc mình làm và khi trường hợp xấu thì cũng biết tự giải thoát cho mình, tránh tình trạng đáng tiếc như trường hợp của bà Phương. Chủ nhà thuê người mất tiền thật nhưng cũng không nên đối xử như thế” – chị Liên trả lời câu hỏi của PV: Nếu chị là chủ nhà?.
Cũng theo ý kiến đề nghị của Hội phụ nữ xã Đại Cường sớm đưa vụ việc này ra trước pháp luật để giáo dục răn đe, ngăn chặn những người khác có ý định tương tự.
Theo Giáo Dục VN
Các chuyên gia tâm lý giải mã 'căn bệnh' thích tra tấn ôsin
"Rõ ràng trong câu chuyện này gia chủ đặt nặng lợi ích bản thân nhà chủ hơn giá trị, nhân phẩm của người giúp việc dẫn tới họ sẵn sàng tấn công".
Đó là khẳng định của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên Khoa Tâm lí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) xung quanh những hành vi tàn nhẫn của bà chủ Tuyết Minh (trú tại Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) gây ra cho nạn nhân Phương (sinh năm 1953, quê Ứng Hòa, Hà Nội).
Sự tha hóa của đồng tiền tạo nên tội ác.
Theo TS Phạm Mạnh Hà, những vụ việc bạo hành người giúp việc trong thời gian qua đã gợi cho thấy xã hội Việt Nam đang có những biến động.
Theo TS Hà, một phần nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành người giúp việc là do sự đề cao lợi ích cá nhân, giá trị đồng tiền cao hơn nhân phẩm con người của những người chủ.
(Ảnh: Tiền phong).
"Những sự kiện đó đã cho thấy có những biến động nảy sinh trong suy nghĩ, nhận thức, hành vi của những nhóm dân cư khác nhau. Một xã hội ổn định là mỗi con người thực hiện chức năng, giá trị chuẩn mực, vai trò đảm nhiệm. Trong khi đó ở những vụ việc này dường như chức năng, vai trò, tính trách nhiệm của mỗi người đang gặp vấn đề.
Giữa người chủ bỏ tiền và người giúp việc ở đây đang nảy sinh những xung đột nhưng không phải xung đột hành vi mà là xung đột về mặt giá trị. Nghĩa là người chủ bỏ tiền ra nghĩ rằng mình có quyền được chiếm đoạt toàn bộ thể chất cũng như tinh thần của người giúp việc mình thuê. Bà Minh đã không coi người giúp việc như là một cá nhân hay nhân cách mà chỉ coi họ (bà Phạm Thị Phương) là một công cụ mà thôi", TS Hà phân tích.
TS Hà cho rằng, trong những vụ việc này cho thấy, trong xã hội Việt Nam đang có một bộ phận nhỏ người dân thiếu sự nhận thức về tính nhân văn và họ đang đi tụt lại lịch sử và đó là một điều đáng buồn.
"Chũng ta đã phải mất hàng trăm năm để đấu tranh đòi lại quyền chính đang cho người lao động rồi thì bây giờ dường như qua những vụ việc này cho thấy một bộ phận con người chúng ta đang lặp lại những việc đó, chúng ta đang đối xử với nhau không giống con người đối xử với con người...", TS nhìn nhận.
Phân tích nguyên nhân của các vụ việc này, TS Hà đánh giá: "Chinh sự phát triển kinh tế quá nhanh ở Việt Nam, thêm vào đó những giá trị truyền thống mang tính nhân văn trong con người bị mất mát đi thay vào đó là những giá trị mới nhưng nhiều khi nó lại đi ngược lại giá trị chung của mọi người.
Qua các vụ việc này, rõ ràng trong suy nghĩ của một bộ phận người thuê lao động, dường như anh ta cho rằng ngoài việc trả công thì họ có quyền chiếm đoạt, hành hạ hay muốn làm gì người lao động thì làm. Điều đó cho thấy, người ta cho rằng giá trị đồng tiền nó quan trọng hơn những giá trị khác, những giá trị nhân văn, nhân ái khác.
Và chính từ sự coi trong giá trị, bản thân, coi trọng giá trị đồng tiền là vạn năng sẽ dẫn đến những con người có cách ứng xử, đối xử với người khác thô bạo như là con vật, đồ vật như vậy. Trong câu chuyện ở Kim Mã, rõ ràng gia chủ đặt nặng lợi ích bản thân nhà chủ hơn giá trị, lợi ích, nhân phẩm của người giúp việc nên họ sẵn sàng họ tấn công".
Những hành vi dã man của xã hội mông muội
Trao đổi với PV báo GDVN, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện xã hội học Việt Nam cho rằng, ông không thể hình dung được trong xã hội văn minh như hiện nay lại có thể có những hành vi mọi rợ, tàn ác đó xảy ra trong cách đối xử giữa con người với con người.
TS Bình cho rằng: Những hành vi đó chỉ có thể có ở thời kì mông muội, phi văn minh chứ không thể tồn tại ở kỷ nguyên, xã hội hiện nay.
"Vụ việc bà Minh đối xử với bà Phương thì nếu mới thoáng nghe thì không ai tin có chuyện đó xảy ra trong kỷ nguyên này, trong xã hội Việt Nam đổi mới và hội nhập. Những chuyện đổ nước sôi vào vùng kín của người phụ nữ khác, rồi bắt phải ăn phân trẻ con, giam hãm không cho tiếp xúc với người khác... chỉ có thể xảy ra trong xã hội mông muội, dã man, phản văn minh còn trong xã hội văn minh thì không có", TS Bình nhìn nhận.
Cũng theo TS Bình: "Khi mà Việt Nam chúng ta đang hướng đến cái việc điều chỉnh Bộ luật lao động, trong đó hàm chứa những điều khoản nhằm vươn tới quản lí những đối tượng giúp việc trong gia đình trong mối quan hệ với chủ nhà thì những hành vi trên đã gây ra một sự phẫn nộ, phản cảm ghê gớm".
TS Bình cũng cho rằng, những hành vi tra tấn dã man đó đã đi ngược lại những giá trị nhân đạo của con người với con người trong xã hội hay nói cách khác nó đảo lộn lại các giá trị nhân văn.
Liên quan đến hầu hết các vụ bạo hành với người giúp việc xảy ra trong thời gian vừa qua, TS Bình khẳng định: "Nếu chúng ta có một chỉ số thống kê nào đó để chỉ ra những người bị bạo hành chủ yếu nằm trong số người già và trẻ em thì điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi trên thực tế, trẻ em và người già cũng như là một phần phụ nữ được xếp vào nhóm yếu thế, cái nhóm mà được cung cấp thông tin ít hơn, nhóm mà cái sự tỏa sáng của văn minh, thông tin nó ít đến hơn".
Về nguyên nhân của hàng loạt các vụ bạo hành người giúp việc trong thời gian qua, TS Bình cho rằng: "Thực ra có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bạo hành như vậy. Một khi mà xảy ra sự bạo hành giữa người chủ với người giúp việc thì vẫn trên cơ sở là có sự phân lớp ở trong xã hội chúng ta và những chiều cạnh cần thiết của những chuyện tư duy mạch lạc, rành rẽ, minh bạch về thông tin.
Chừng nào mà không thực hiện được thì vẫn còn những chứng lí, vẫn còn những biểu hiện của chuyện bạo hành, của những chuyện ngược đãi như vậy. Bởi người ta nghĩ, trong bối cảnh cơ chế thị trường, một khi có tiền có thể giải quyết mọi thứ. Đây là một suy nghĩ lệch lạc cần phải khắc phục ngay".
Theo Giáo Dục VN
Ôsin bị tra tấn: Con trai bà chủ không tin mẹ ra tay tàn độc "Khi sự việc xảy ra tôi gọi điện cho con trai bà Minh thông báo nhưng cậu ấy không tin mẹ mình lại làm như vậy", bà N, bạn thân bà Minh nói. Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngay sau khi vụ việc hành hung dã man người giúp việc của bà Trần Thị Tuyết Minh bị...