OPEC quyết không giảm sản lượng dầu
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đồng ý thiết lập mức trần sản lượng dầu thô 31,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu thế giới giảm đến 3,6% tại New York (Mỹ) sau thông tin trên.
OPEC vừa đồng ý thiết lập mức trần sản lượng dầu thô 31,5 triệu thùng/ngày – Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, 31,5 triệu thùng/ngày là con số phù hợp với sản lượng dầu thô mà OPEC được cho là đang sản xuất thời gian gần đây. Trước đây, mục tiêu sản lượng của OPEC là 30 triệu thùng mỗi ngày và con số này không tính mức sản xuất của Indonesia, nước tái gia nhập OPEC sau khi từ bỏ tư cách thành viên hơn 7 năm.
Tháng 10 vừa qua, các nước thành viên OPEC sản xuất tổng cộng 31,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, theo ước tính của báo cáo thị trường hằng tháng của OPEC. Một năm trước, OPEC là nhân tố khiến giá dầu sụt giảm sâu vì quyết định tiếp tục duy trì sản lượng, khiến thị trường dư cung để buộc các nhà sản xuất với chi phí cao phải chùn bước.
Ả Rập Xê Út, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất và là nước định hình chính sách của OPEC, vẫn phản đối việc cắt giảm sản xuất trừ khi các nước ngoài OPEC chịu hợp tác. OPEC đã bơm nhiều dầu hơn so với mục tiêu họ đặt ra trong 18 tháng qua, theo số liệu của Bloomberg.
Video đang HOT
Năm qua, dầu thô giảm giá khoảng 38%. Dầu Brent đang hướng đến mức giá trung bình năm thấp nhất trong một thập niên sau khi chạm đáy 6 năm là 42,23 USD/thùng vào ngày 24.8. Ngay sau thông tin giữ nguyên sản lượng của OPEC, giá dầu Brent hạ 2,1% xuống còn 42,91 USD/thùng, trong khi dầu WTI thì giảm 2,9% xuống còn 39,9 USD/thùng.
Chính sách của OPEC đang ép chặt thu nhập của các nước thành viên. Tổng cộng doanh thu từ dầu mỏ của các nước này có thể tuột xuống 550 tỉ USD từ mức trung bình 1.000 tỉ USD trong 5 năm qua, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hôm 4.12, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh nói: “Các nước thành viên OPEC đã mất rất nhiều tiền”. Venezuela, nước có dự trữ ngoại hối trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua, là quốc gia dẫn đầu những lời kêu gọi cắt giảm sản lượng, theo sau là Ecuador.
Theo IEA, lượng dầu tồn kho toàn cầu đang lên đến mức kỷ lục khi cả Ả Rập Xê Út, Nga và Iraq đều tăng hạn ngạch sản xuất. Thị trường thế giới dư cung 2 triệu thùng/ngày.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Mất bao nhiêu tiền để sản xuất một thùng dầu thô?
Nhìn chung, ngành năng lượng thế giới đang cùng chịu đựng hệ quả của việc giá cả giảm. Song hiện có một số quốc gia sản xuất dầu thô đang thiệt hại nặng nề hơn nhiều nước khác.
Ả Rập Xê Út chỉ mất khoảng 10 USD để sản xuất một thùng dầu thô - Ảnh: Shutterstock
Tại Anh, chi phí sản xuất một thùng dầu thô, loại hàng hóa vốn đang được giao dịch ở mức quanh 42 USD/thùng, là 52,5 USD. Ở Brazil và Canada, lần lượt mỗi thùng dầu hoàn thiện cần gần 49 USD và khoảng 41 USD cho chi phí sản xuất.
Đến Mỹ, chi phí sản xuất "vàng đen" là 36 USD/thùng. Đây là mức phí vẫn nằm dưới ngưỡng giá thành dầu mỏ hiện tại. Số liệu trên được trang CNN trích từ dữ liệu UCube của hãng tư vấn Rystad Energy, nơi lưu trữ thông tin của 6.500 nhà sản xuất dầu khí khắp thế giới.
Hẳn nhiên, rất khó để có lợi nhuận khi chi phí sản xuất vượt giá thành sản phẩm. Nhiều hãng năng lượng lớn đã tuyên bố cắt giảm sản xuất tại các nước sản xuất dầu mỏ với chi phí cao.
Giữa lúc nhiều quốc gia đã và đang chật vật vì bài toán chi phí - lợi nhuận, Ả Rập Xê Út và Kuwait là hai nước có thể "sống khỏe". Cả hai chỉ mất 10 USD để sản xuất một thùng dầu thô. Đối với Iraq, chi phí sản xuất vào khoảng 10,7 USD mỗi thùng.
Per Magnus Nysveen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Rystad Energy, cho hay số liệu về chi phí sản xuất trên thể hiện rõ rằng các quốc gia vùng Vịnh đang ở vị trí có lợi hơn so với nhiều nước.
Giá dầu đã bắt đầu lao dốc từ nửa cuối năm 2014, sau khi giao dịch ở mức 100 USD/thùng. Quyết định giữ nguyên sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với sự góp mặt của nhiều nước sản xuất dầu thuộc hàng lớn nhất thế giới, là lý do cho tình hình trên.
Giới phân tích cho hay động thái của OPEC, vốn được dẫn dắt bởi nước có tiếng nói lớn nhất là Ả Rập Xê Út, được thiết kế để làm khó các nhà sản xuất khác với chi phí cao, từ đó bảo toàn miếng bánh thị phần của họ.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các nước Trung Đông, trong đó có Ả Rập Xê Út, Oman và Bahrain, sẽ cạn kiệt tiền mặt trong vòng 5 năm nếu giá dầu không leo lên lại khoảng 50 USD/thùng.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Nội bộ OPEC 'khẩu chiến' vì giá dầu giảm Giá dầu giảm mạnh vừa thổi bùng ngọn lửa bất hòa giữa Ả Rập Xê Út và các nước khác yếu thế hơn trong nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem El-Badri (bìa trái), Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi (bìa phải) và Bộ trưởng Năng lượng và công...