OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong dài hạn
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Dầu mỏ Thế giới năm 2024 công bố ngày 24/9, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dẩu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn, nhờ đà tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ tại Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông, trong bối cảnh sự chuyển dịch sang xe điện và nhiên liệu sạch hơn diễn ra chậm hơn.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Báo “The National News” của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn báo cáo của OPEC cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian dài hơn, trong khi tập đoàn năng lượng BP và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ dầu thô của thế giới sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này. Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo Triển vọng Thị trường Dầu mỏ Thế giới năm 2024 ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil (Bra-xin), Tổng thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais cho biết dân số gia tăng, tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu năng lượng trong tương lai. Ông Al Ghais nhấn mạnh thị trường sẽ không chứng kiến nhu cầu đạt đỉnh trong tương lai.
Một giai đoạn tăng trưởng nhu cầu dài hơn sẽ là động lực cho OPEC, tổ chức có 12 quốc gia thành viên phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ.
OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với mức dự báo được đưa ra trong báo cáo năm ngoái. Theo báo cáo mới nhất của OPEC, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 120,1 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của các tập đoàn năng lượng. BP dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 trước khi giảm xuống 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Trong khi đó, ExxonMobil cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ duy trì ở mức trên 100 triệu thùng/ngày vào năm 2050, tương tự như mức hiện nay.
OPEC kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào ngành dầu mỏ, đồng thời cho hay ngành này cần nguồn đầu tư lên tới 17.400 tỷ USD vào năm 2050, so với mức ước tính 14.000 tỷ USD cần thiết vào năm 2045 được đưa ra trong báo cáo năm ngoái. Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh tất cả các nhà hoạch định chính sách và những bên liên quan cần phối hợp để đảm bảo một môi trường đầu tư thân thiện trong dài hạn.
OPEC cũng nâng mức dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong trung hạn, giữa lúc sức khỏe của nền kinh tế thế giới trong năm nay cải thiện hơn năm ngoái khi áp lực lạm phát giảm dần và các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất. Theo OPEC, nhu cầu dầu thế giới sẽ lần lượt đạt 111 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tăng 800.000 thùng/ngày so với dự báo năm 2023, và ghi nhận 112,3 triệu thùng/ngày năm 2029. Mức dự báo cho năm 2029 của OPEC cao hơn 6 triệu thùng/ngày so với IEA. Khoảng cách này lớn hơn tổng sản lượng của hai thành viên OPEC là Kuwait (Cô-oét) và UAE.
Theo OPEC, thế giới sẽ có 2,9 tỷ phương tiện giao thông lưu thông trên đường vào năm 2050, tăng 1,2 tỷ phương tiện giao thông so với năm 2030. OPEC cho hay mặc dù số lượng xe điện tăng, nhưng xe chạy bằng động cơ đốt trong sẽ chiếm hơn 70% tổng lượng phương tiện giao thông toàn cầu vào năm 2050. Báo cáo mới nhất của OPEC cho rằng xe điện đang hướng đến thị phần lớn hơn nhưng vẫn đối mặt với nhiều trở ngại, như lưới điện, năng lực sản xuất pin và khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng.
OPEC dự báo thị phần dầu mỏ của khối này cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC , sẽ tăng lên 52% vào năm 2050, từ 49% ghi nhận trong năm 2023, khi sản lượng dầu của Mỹ đạt đỉnh vào năm 2030 và sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC đạt đỉnh vào đầu những năm 2030.
UAE tăng công suất sản xuất dầu thô trước thềm cuộc họp của OPEC
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết công ty này vừa tăng công suất sản xuất, một tháng trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dẩu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC , tiến hành cuộc họp để quyết định chính sách sản lượng cho nửa cuối năm 2024.
Một cơ sở khác thác dầu ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Theo dữ liệu chính thức, công suất sản xuất của ADNOC hiện ở mức 4,85 triệu thùng/ngày, tăng đáng kể từ 4,65 triệu thùng/ngày ghi nhận vào cuối năm ngoái. Với động thái mới nhất của ADNOC, UAE kỳ vọng có thể đạt được mức đánh giá công suất cao hơn khi OPEC tiến hành cuộc họp vào tháng 6/2024. OPEC dự kiến sẽ hoàn tất quá trình đánh giá các mức công suất sản xuất của các thành viên vào cuối tháng 6 tới, dựa trên đánh giá của 3 nhà tư vấn là IHS, Wood Mackenzie và Rystad. Đánh giá này sẽ được sử dụng để tính toán mức sản lượng cơ sở của các thành viên OPEC trong năm 2025.
Nguồn cung dầu thô của UAE đã được theo dõi chặt chẽ khi OPEC tiếp tục hạn chế nguồn cung nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa trên thị trường năng lượng toàn cầu.
UAE có thể sản xuất nhiều dầu thô hơn so với hạn ngạch cho phép của OPEC, do đó quốc gia vùng Vịnh này mong muốn nâng công suất sản xuất. Trong khi nền kinh tế UAE vẫn phụ thuộc vào giá dầu, kinh tế Saudi Arabia, được coi là đa dạng nhất trong số các quốc gia vùng Vịnh, ít phải đối mặt với áp lực giữ giá dầu cao hơn. ADNOC đã đề ra kế hoạch chi tiêu 150 tỷ USD, bao gồm cả việc tăng cường công suất khai thác dầu thô. Do phải hy sinh hạn ngạch của mình theo chính sách sản lượng của OPEC , UAE vào tháng trước đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 4/2024, OPEC nêu rõ nguồn cung dầu thô sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong những tháng tới để đảm bảo sự cân bằng lành mạnh và bền vững của thị trường, trong bối cảnh nhu cầu tăng hơn dự kiến. OPEC đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, đồng thời dự đoán mức tăng trưởng nhu cầu sẽ ở mức 2,7 triệu thùng/ngày trong quý 3/2024. Hồi đầu tháng 4/2024, một loạt dữ liệu quan trọng trên thị trường cho thấy mức tiêu thụ dầu dường như đang nóng hơn dự kiến, giữa lúc giới đầu tư đồn đoán giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng vào mùa Hè này.
OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới Trong báo cáo công bố ngày 12/8, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang tác động đến nhu cầu dầu của toàn cầu trong năm nay, đưa đến việc OPEC điều chỉnh giảm nhẹ dự báo hồi tháng 7/2024. Một cơ sở lọc dầu ở Isfahan,...