OPEC kiên định với hạn ngạch sản xuất dầu thô
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa chính thức quyết định giữ nguyên hạn ngạch sản xuất dầu thô trong 6 tháng tới, mặc cho giá dầu đã sụt đến 40% từ cách đây một năm.
Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri (phải) trước cuộc họp bộ trưởng dầu mỏ của các nước thành viên OPEC hôm 5.6 tại Áo – Ảnh: Reuters
Reuters và CNN đưa tin Chủ tịch OPEC Diezani Alison-Madueke tuyên bố OPEC quyết định duy trì sản lượng dầu thô ở mức 30 triệu thùng/ngày, sau khi cuộc họp lần thứ 167 của tổ chức này tại Vienna (Áo) kết thúc.
Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri cho biết giá dầu do thị trường quy định và OPEC không thể can thiệp. Ông El-Badri nói dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới không ổn định sẽ là thách thức đối với thị trường dầu mỏ nửa cuối năm nay, song nhu cầu dầu mỏ vẫn sẽ tăng, tạo thuận lợi cho thị trường dầu trong năm sau.
Việc giá dầu đã phục hồi hơn 1/3 từ mức 45 USD/thùng, thấp nhất trong 6 năm khiến các quan chức tham dự cuộc họp tại Vienna cảm thấy không có nhiều lý do để thay đổi chính sách tăng sản lượng để giữ vững thị phần.
Video đang HOT
Quyết định chính thức của OPEC không gây ngạc nhiên và là điều đã được giới phân tích dự báo từ trước.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi cho hay cuộc họp của OPEC đã kết thúc mà không có bất đồng quan điểm sâu sắc. “100% tôi cảm thấy thoải mái với tình hình thị trường dầu hiện tại”, ông nói với tờ al-Hayat của Ả Rập Xê Út.
Ông al-Naimi nói thêm nếu không có cuộc gặp khẩn nào, lần nhóm họp tiếp theo của OPEC sẽ diễn ra vào ngày 4.12.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Adel Abdel Mahdi cũng hài lòng với quyết định của OPEC. Iraq đang có kế hoạch bơm dầu thô vào thị trường toàn cầu với mức kỷ lục 3,75 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Đối với Iran, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Zanganeh cho biết đa số các thành viên trong OPEC đều đồng ý rằng 75 USD/thùng là mức giá “hợp lý” của dầu thô. Nhận định trên cho thấy các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đang dần bị thu hút bởi một mức giá cân bằng mới, vừa đủ để loại trừ các nhà sản xuất với chi phí cao mà vẫn không làm tổn hại ngân sách của các thành viên OPEC.
Ngay sau thông báo của OPEC, giá dầu WTI giao tháng 7 giảm 2,75 USD xuống còn 58 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 cũng sụt khoảng 2,8% về mức 62,03 USD/thùng. Theo Reuters, đây là mức đáy của giá dầu Brent trong vòng 7 tuần trở lại đây.
Fadel Gheit, giám đốc mảng nghiên cứu dầu khí tại hãng phân tích Oppenheimer cho rằng giá dầu sẽ dao động trong khoảng từ 50 đến 70 USD/thùng cho đến hết năm nay. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng giá dầu có thể sẽ xuống thấp hơn mức hiện nay, vì sản lượng của OPEC tiếp tục vượt quá mức trần được đưa ra.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
OPEC: Bất hòa được lập trình sẵn
Hội nghị bán thường niên sắp tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) sẽ lại thử thách sự đoàn kết nội bộ của tổ chức này. Kể từ khi giá dầu trượt dốc trên thị trường thế giới, nội bộ OPEC bị phân chia thành hai phe.
Trụ sở của OPEC tại Vienna, Áo - Ảnh: AFP
Một phe bao gồm Ả Rập Xê Út và những vương triều ở vùng Vịnh. Phe này chủ trương không giảm khối lượng khai thác hằng ngày để ghìm giá nhằm tiêu diệt các đối thủ sản xuất dầu đá phiến ở Bắc Mỹ trước khi để giá dầu biến động theo chiều hướng ngược lại.
Phái kia muốn OPEC coi việc ổn định giá dầu lửa ở mức độ cao là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Vì chi phí cho khai thác dầu ở các thành viên OPEC khác nhau nên mức độ thiệt hại do giá dầu giảm mạnh đối với họ cũng khác nhau. Ở hội nghị trước, OPEC quyết định không vì giá dầu lửa giảm nhanh và mạnh mà giảm mức độ khai thác. Ở hội nghị này, gần như không có khả năng OPEC thay đổi quyết định nói trên và vì thế có thể nói là bất hòa trong nội bộ OPEC chẳng khác gì như đã được lập trình sẵn từ trước.
Nếu đúng như thế thì OPEC sẽ tiếp tục trượt dài vào tình trạng suy giảm vai trò và ảnh hưởng. OPEC không chỉ bị mất vai trò quyết định chiều hướng biến động của giá dầu trên thị trường thế giới mà còn chỉ phục vụ cho lợi ích của một bộ phận chứ không phải của tất cả các thành viên. Xu hướng ly tâm sẽ ngày càng rõ nét và gia tăng trong OPEC và rồi chẳng bao lâu nữa sẽ hình thành nên những tập hợp lực lượng mới giữa các nước xuất khẩu dầu trên thế giới.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Dư cung dầu thô toàn cầu kéo dài đến năm 2017: Giá dầu sẽ giảm? Nguồn cung dầu thô từ các quốc gia ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục tăng trong 2 năm tới, kéo dài tình trạng dư cung trên toàn cầu. Báo cáo của OPEC cho hay dư cung dầu thô toàn cầu sẽ còn kéo dài đến năm 2017 - Ảnh: Reuters Russia Today và Reuters hôm 28.5...