Ông Xaxana Gusmao từ chức thủ tướng Đông Timor
Người lãnh đạo nhân dân Đông Timor đấu tranh đòi độc lập hơn 1/4 thế kỷ, Xaxana Gusmao, ngày 6.2 đệ đơn từ chức thủ tướng để mở đường đổi mới đất nước.
Thủ tướng Đông Timor Xaxana Gusmao trong vòng vây báo chí. Ông Gusmao vừa đệ đơn từ chức để mở đường cải cách đất nước – Ảnh: AFP
Thông cáo cùng ngày của chính phủ Đông Timor cho biết: “Thủ tướng Kay Rala Xaxana Gusmao đã gửi đơn từ chức lên Tổng thống Taur Matan Ruak. Bây giờ trách nhiệm thuộc về tổng thống xem xét có đồng ý việc từ chức này hay không”.
Bản thông cáo cũng nói rằng ông Gusmao “đã động viên các thành viên chính phủ bình tĩnh làm việc trong giai đoạn chuyển đổi này cho đến khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức”.
Ông Gusmao, 68 tuổi, trở thành tổng thống đầu tiên của quốc gia non trẻ nhất Đông Nam Á khi nửa phía đông của hòn đảo Timor được công nhận độc lập vào tháng 5.2002.
Từ năm 2007, ông Gusmao chuyển sang làm thủ tướng cho đến nay.
Hãng tin AFP trích lời các nhà phân tích cho rằng sự ra đi của ông Gusmao sẽ gây tổn thất cho Đông Timor bởi ông là biểu tượng đoàn kết và thống nhất của dân tộc.
Anh hùng của người dân Đông Timor
Ngay sau khi tuyên bố độc lập khỏi ách thuộc địa kéo dài nhiều thế kỷ của Bồ Đào Nha vào năm 1975, Đông Timor rơi vào sự quản lý của quốc gia láng giềng rộng lớn Indonesia.
Ông Xaxana Gusmao cùng những đồng đội trong Mặt trận kháng chiến vì độc lập Đông Timor (FRETILIN) trốn lên núi cao, tổ chức một cuộc chiến tranh du kích trường kỳ.
Ông Hernani Coelho, một quan chức Bộ Ngoại giao Đông Timor, trong một cuộc nói chuyện với phóng viên Thanh Niên Onlinenăm 2013, cho biết các lãnh đạo FRETILIN khi đó đã nghiên cứu đường lối và chiến thuật chiến tranh du kích của Việt Nam.
Năm 1992, ông Gusmao bị bắt giữa thủ đô Dili và bị đưa sang Indonesia.
Đến năm 1999, nhờ nỗ lực vận động ngoại giao quốc tế của các nhân vật như Jose Ramos-Horta, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1996, dưới sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc, Đông Timor tổ chức thành công cuộc phổ thông đầu phiếu với công chúng nhất loạt bỏ phiếu đòi độc lập hoàn toàn, thay vì một bộ máy tự trị như Indonesia mong muốn.
Video đang HOT
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Gusmao được đưa trở lại Đông Timor dưới hình thức quản thúc tại gia.
Cho đến ngày độc lập năm 2002, ông được tự do và được nhân dân bầu làm Tổng thống. Ông có công lớn trong việc giải quyết hàng loạt các cuộc khủng hoảng chính trị, chia rẽ và bạo loạn trong những năm đầu lập quốc.
Mở đường cho đổi mới
Mặc dù được dân yêu kính, bộ máy lãnh đạo Đông Timor hiện tại, theo nhận xét của các nhà phân tích với Thanh Niên Online, thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế.
Hang động trong núi Đông Timor, nơi anh hùng Xaxana Gusmao và đồng đội đến tắm mỗi ngày trong giai đoạn chiến tranh du kích – Ảnh: Thục Minh
Nền kinh tế với khoảng 1,2 triệu dân này hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dầu mỏ tự nhiên và viện trợ nước ngoài. Sản xuất cả công nghiệp lẫn nông nghiệp gần như ở con số 0. Hầu hết lương thực và hàng tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Đại bộ phận người dân nước này sống ở mức nghèo khó.
Việc chọn tiếng Bồ Đào Nha làm quốc ngữ và đồng đô la Mỹ làm tiền tệ cũng bị chỉ trích nặng nề là tự đánh mất cơ hội hội nhập quốc tế trong khi khiến giá cả sinh hoạt đắt đỏ.
Một cố vấn của ông Gusmao được biết ông có ý định từ chức đã lâu để mở đường cho đổi mới, trao quyền lãnh đạo vào tay thế hệ trẻ.
Trong một thông cáo trước đây, các cơ quan chức năng cho hay đã bàn bạc và dự kiến tinh giản nội các từ 55 bộ trưởng xuống còn 33 và với sự tham gia của nhiều thành phần hơn, kể cả thành phần đối lập.
Và trong cuộc cải cách đó, những bộ trưởng thuộc liên minh của ông Gusmao bị cáo buộc tham nhũng sẽ bị loại bỏ trước khi ông từ chức. Vì vậy, theo các nhà quan sát mà AFP dẫn lại, việc ông Gusmao trì hoãn từ chức nhiều lần nhiều khả năng là vì ông muốn “bảo đảm rằng các vụ bê bối được xử lý rốt ráo trước khi ông ra đi”.
Tên ông Xaxana Gusmao được người dân Đông Timor dùng đặt cho tên phòng khách ở một nhà trọ miền núi – Ảnh: Thục Minh
Nếu được Tổng thống Taur Matan Ruak chấp thuận, ông Gusmao sẽ vẫn tại chức cho đến khi có thủ tướng mới. Trong khi đó, bản thân ông được tin là sẽ được giữ lại trong nội các với vai trò bộ trưởng điều phối hoặc cố vấn.
Hiện nay, chưa rõ ai có triển vọng thay ông Gusmao.
Báo chí địa phương cho hay ông Gusmao, Tổng thống Taur và các nhà lập pháp đang thảo luận chọn người phù hợp và dự kiến sẽ công bố trong tuần tới.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Giáo hoàng Francis lần đầu công du châu Á
Giáo hoàng Francis hôm nay đã tới Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày và đây là lần đầu tiên ông đến thăm châu Á kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3/2013.
Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới sân bay đón Giáo hoàng Francis ngày 14/8.
Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chào đón Giáo hoàng Francis tại căn cứ không quân Seoul ở thành phố Seongnam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới thăm Hàn Quốc kể từ năm 1989.
Theo lịch trình của chuyến thăm, Giáo hoàng Francis sẽ tuyên phúc cho những tín đồ Công giáo Hàn Quốc đầu tiên thiệt mạng trong thế kỷ 18 và 19.
Giáo hoàng sẽ chù trì một buổi thánh lễ tại quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul vào ngày 16/8, với 1 triệu người được dự đoán sẽ tham dự.
Giáo hoàng dự kiến cũng tham gia Ngày thanh niên châu Á, một lễ hội dành cho các tín đồ Công giáo trẻ từ khắp khu vực.
Người đứng đầu Tòa thánh Vatican cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với các học sinh sống sót trong thảm họa phà Sewol, vốn khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Một buổi lễ cầu nguyện hòa bình và tái thống nhất sẽ được tổ chức tại nhà thờ Myeong-dong ở Seoul vào ngày 18/8, ngày cuối cùng trong chuyến thăm của Giáo hoàng.
Theo hãng tin Yonhap, Giáo hoàng Francis đã đưa ra một thông điệp hòa bình đối với Đông Á và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Cộng đồng Công giáo Hàn Quốc là một trong những cộng đồng Công giáo phát triển nhanh nhất trên giới, với trên 5,4 triệu tín đồ, chiếm 10,4% dân số.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới Hàn Quốc trong gần 20 năm qua. Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ thăm lại châu Á vào tháng 1/2015, khi ông tới thăm Sri Lanka và Philipines, một trong số 2 quốc gia duy nhất tại châu Á có đa số dân là người Công giáo (quốc gia còn lại là Đông Timor).
Giáo hoàng John Paul II đã tới thăm Hàn Quốc năm 1989, khi ông cầu nguyện cho sự tái thống nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Được phép bay qua không phận Trung Quốc
Giới phân tích cho hay chuyến công du ở châu Á lần này của Giáo hoàng Francis cũng đánh dấu sự hòa dịu trong quan hệ giữa Vatician và Bắc Kinh, khi máy bay chở Giáo hoàng được phép bay ngang qua không phận Trung Quốc.
Vatican không có quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Trung Quốc không thừa nhận sự lãnh đạo của Vatican và việc điều hành Giáo hội Công giáo.
Trước đây, trong các chuyến công du châu Á, người đứng đầu tòa thánh Vatican đều tránh không phận Trung Quốc.
Nhưng trong một động thái mà một phát ngôn viên Vatican gọi là "dấu hiệu hòa dịu", máy bay của Giáo hoàng Francis đã được phép sử dụng không phận Trung Quốc.
Trên đường tới Hàn Quốc, Giáo hoàng Francis đã gửi một bức điện tới các lãnh đạo Trung Quốc Quốc, một thông lệ mỗi khi người đứng đầu tòa thánh Vatican bay qua không phận một nước khác.
An Bình
Theo Dantri/BBC, AFP
Trung Quốc tiếp tục các hành động phi pháp tại Biển Đông Trong lúc dư luận quốc tế tiếp tục lên án việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì nước này vẫn tiếp tục có thêm những động thái khiến tình hình gia tăng căng thẳng. Ngay sau việc ngang nhiên công bố bản...