Ông xã giận vì “chuyện hàng tháng”
Kiểu họa vô đơn chí này thường nhắm vào những phụ nữ có chu kỳ thất thường hoặc những cô gái trẻ chưa có kinh nghiệm quán xuyến “bộ phim nhiều tập”.
Kinh nguyệt của tôi xưa giờ đều như đếm, gần đây bất ngờ trở chứng, nổ ra trúng lúc ông xã “đòi”, khiến tôi không kịp trở tay. Vì chuyện này, anh ấy trách tôi vô ý vô tứ rồi giận luôn…
Ng.Thanh (An Giang)
Không ít đấng mày râu còn khá dị ứng với “nguyệt san” của phụ nữ và dễ hiểu, nếu không may xảy ra cuộc đụng đầu oan gia giữa kinh nguyệt và hứng khởi, khó trách mấy ông nảy như đỉa phải vôi. Ăn ở với mấy ông chồng này, đa phần các bà, các cô biết ý cân đo đong đếm kỹ lưỡng chu kỳ của mình.
Với những cặp đôi thập thành còn vậy, xui rủi không biết để đâu cho những cuộc giao duyên đặc biệt khác. Cô dâu trẻ bị tân lang “vò như giấy” vì tội đoản đến độ “để” kỳ kinh rơi trúng phóc đêm tân hôn, khiến chàng chỉ còn nước ngồi chơi xơi nước đến sáng.
Một kịch bản với chiều kích khác, cô vợ đang dùng thuốc ngừa thai bỗng đổi ý chuyển sang ngừa thai theo chu kỳ kinh mà quên tìm hiểu “nhãn quan” của ông xã về kinh nguyệt của phụ nữ và rồi, một đêm xấu trời, hai con người ấy đã choảng nhau một trận nảy lửa…
Không chỉ thuận ý cội bách, việc các cô quản lý tốt “nguyệt san” còn giúp hai bên không phải rơi vào cảnh lỡ bộ, nhắm mắt làm liều anh anh em em, đẩy các cô vào thế tổn thương niêm mạc, nhiễm trùng phụ khoa… Chưa kể, với quý ông nhạy cảm, cảm giác chẳng mấy dễ chịu khi ăn nằm trong hoàn cảnh có thể gây “biến chứng” khó lường.
Video đang HOT
Không khó đoán, kiểu họa vô đơn chí này thường nhắm vào những phụ nữ có chu kỳ thất thường hoặc những cô gái trẻ chưa có kinh nghiệm quán xuyến “bộ phim nhiều tập” riêng của cánh mình. Một số cô không lường hết phản ứng của ông nhà, nên chủ quan không bỏ nhỏ trước mà sinh chuyện.
Thật ra, nhiều ca lại do lỗi từ các ông. Nhiều đức lang quân, dù được bà xã thông báo đang “kẹt” vẫn bất chấp xông lên, đến khi đối diện thực tế, mới hay không xuôi.
Bạn thân mến, dù gì phản ứng của ông xã bạn cũng không khác vô số kiểu “giận vợ bỏ ra salon ngủ” của các ông. Nghĩa là lửa giận phừng phừng thế nào, rồi cơn hạ hỏa cũng đến; cộng với việc phục thiện, hứa không tái diễn của bạn, thì tiên lượng hồi phục hạnh phúc gia đình là rất lớn.
Tất nhiên, tiên trách kỷ, chính bạn phải xem đây là chuyện không đùa, nhất là khi “chuyện hằng tháng” của bạn có dấu hiệu không còn dễ bảo như xưa. Chuyện này có thể cần đến một cái hẹn nghiêm túc với bác sĩ chuyên khoa, nếu không phải điều trị gì, thì ít ra cũng có phép đưa kinh nguyệt vào guồng trở lại.
Theo Phunuonline
Sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng máu
Một thành phần của sữa mẹ vừa được các nhà khoa học xác định có thể giúp bảo vệ trẻ sinh non khỏi nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng máu là một phản ứng miễn dịch lớn nhất của cả cơ thể đối với sự hiện diện của vi khuẩn xâm nhập vào máu. Đây được xem là một tình trạng cấp cứu do thường dẫn đến suy tạng nhanh chóng, tỷ lệ tử vong khá cao.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Y Washington mới đây đã tìm thấy những cơ sở mới ở chuột sơ sinh. Cụ thể, một phân tử có trong sữa mẹ kích hoạt các thụ thể trên tế bào ruột để ngăn vi khuẩn đường ruột nguy hiểm di chuyển vào dòng máu, nơi các vi khuẩn như vậy có thể dẫn đến việc bị nhiễm trùng máu.
Đặc biệt từ những ngày đầu cho con bú sau khi sinh sẽ có hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập vào máu.
"Nhiễm trùng máu khởi phát muộn là một vấn đề lớn ở trẻ sinh non. Những phát hiện này cho chúng tôi hiểu rõ hơn về một trong những cơ sở gây ra nhiễm trùng máu và một công cụ mới đầy tiềm năng để chống lại tình trạng này", Rodney D. Newberry, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và giáo sư y khoa của Đại học Washington cho biết.
Nghiên cứu đã xem xét nhiễm trùng máu khởi phát muộn, xuất hiện ít nhất 72 giờ sau khi sinh và 60 ngày sau khi sinh, chiếm 26% tổng số ca tử vong ở trẻ sinh non. Khoảng 10% trẻ sơ sinh sinh non bị nhiễm trùng máu khởi phát muộn và 30% đến 50% những trẻ bị nhiễm trùng tử vong.
Phần lớn tập trung vào việc ngăn ngừa nhiễm trùng máu khởi phát muộn phụ thuộc vào việc cải thiện các kỹ thuật vô trùng, chẳng hạn như đảm bảo da em bé không có vi khuẩn và các đường truyền tĩnh mạch hay các ống truyền khác không chứa vi khuẩn gây chết người.
Ý tưởng ban đầu là những trẻ sơ sinh này bị nhiễm trùng từ đường truyền tĩnh mạch và vi khuẩn xâm nhập vào máu thông qua các vi phạm trên da. Điều đó đúng trong một số trường hợp, nhưng việc cải thiện các kỹ thuật khử trùng đã không loại bỏ được các bệnh nhiễm trùng này.
Newberry và đồng nghiệp Kathryn A. Knoop, hiện là trợ lý giáo sư miễn dịch tại Mayo Clinic, rất tò mò về việc liệu vi khuẩn đường ruột có vai trò trong nhiễm trùng huyết phát triển ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi các vi khuẩn này di chuyển vào dòng máu.
Thủ phạm cho phép vi khuẩn di chuyển vào máu là các tế bào ruột. Những tế bào này tiết ra chất nhầy để giúp ngăn chặn vi khuẩn có hại xâm nhập vào ruột, nhưng chúng cũng loại vi khuẩn ra khỏi ruột, qua niêm mạc ruột non của một con mồi. Kịch bản đó cung cấp một lối vào cho vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể truy cập vào máu.
"Điều quan trọng ở đây là vi khuẩn từ ruột có thể xâm nhập vào máu. Hiểu cách vi khuẩn di chuyển từ ruột vào máu cho chúng ta là cơ hội để làm gì đó về những bệnh nhiễm trùng này. Nghiên cứu cho thấy rằng sữa mẹ, tốt nhất là sữa mẹ từ những ngày đầu cho con bú, dường như là một cách rất hiệu quả để chống lại những bệnh nhiễm trùng này", Phillip I. Tarr, giáo sư Nhi khoa cho biết.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã cho chuột sơ sinh uống dung dịch chứa vi khuẩn Escherichia coli phân lập từ máu của bệnh nhân nhiễm trùng máu khởi phát muộn ngay sau khi sinh. Những con chuột con sau đó được nuôi dưỡng bởi chính mẹ của chúng hoặc một người mẹ khác đã sinh ra những con chuột con vào thời điểm sớm hơn, dẫn đến sữa mẹ chứa lượng yếu tố tăng trưởng biểu bì thấp hơn.
Những con chuột bị nhiễm trùng máu là những con được nuôi dưỡng bởi những con cái đã cho con bú trong thời gian dài hơn và do đó, có mức độ yếu tố tăng trưởng biểu bì trong sữa của chúng thấp hơn.
"Một trong những hệ lụy lớn không chỉ là sự cần thiết của việc sử dụng sữa mẹ để nuôi con bất cứ khi nào có thể. Sữa mẹ có nồng độ cao hơn của yếu tố tăng trưởng biểu bì", Knoop, tác giả đầu tiên nói.
Không giống như kháng sinh có xu hướng tiêu diệt vi khuẩn một cách bừa bãi, sữa mẹ chứa lượng yếu tố tăng trưởng biểu bì cao hơn sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn có hại hoặc có lợi trong ruột, nhưng có thể khiến vi khuẩn đó ra khỏi máu.
Trang Phạm
Theo dantri.com.vn/Medical Xpress
Chán nản vì người yêu hay khóc, cô gái đăng status than thở, hóa ra dân mạng phản ứng theo cách không ngờ Mỗi lần xem phim, đi chơi với nhau, chàng trai cũng thường bật khóc với những lý do không tưởng khiến cô gái phải khó xử. Nhiều cô gái thường tỏ ra yếu đuối, thậm chí rơi nước mắt trong khi chứng kiến những câu chuyện cảm động hoặc nghĩ đến những tình huống xấu xảy ra trong cuộc sống để làm nũng...