Ông Trump yêu cầu Trung Quốc điều tra con trai ông Biden: nhiệm vụ bất khả thi?
Việc yêu cầu Ukraine điều tra chuyện làm ăn của Hunter Biden, con trai cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã khiến ông Donald Trump bị Hạ nghị viện tiến hành trình tự điều tra để phế truất, nhưng ông chẳng những không sợ mà còn kêu gọi Trung Quốc cũng tiến hành điều tra chuyện làm ăn của Hunter Biden ở nước này.
Cha con ông Joe Biden đang trở thành đối tượng để ông Donald Trump “truy tội” ráo riết cho dù cuộc đua giành và giữ ghế còn chưa bắt đầu.
Có tin cho biết, hôm 6/10, ông Trump đã gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến chuyện này và dùng chuyện này để mặc cả lợi ích với việc ông không lên tiếng về vấn đề Hồng Kông. Trước đó, hôm 3/10 ông cũng đã kêu gọi Trung Quốc điều tra con trai ông Joe Biden khi nói với các nhà báo tại Nhà Trắng: “Trung Quốc cần phải bắt đầu điều tra về gia đình Biden”…
Ông Trump: Hunter Biden đã kiếm được 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Trung Quốc
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden thực sự nắm giữ chức vụ quan trọng trong quỹ đầu tư liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, hồ sơ công khai dường như không ủng hộ cáo buộc quan trọng của ông Trump đối với Hunter: lợi dụng mối quan hệ cha con để kiếm 1,5 tỷ USD từ ngân hàng Trung Quốc cho quỹ của ông.
Tờ South China Morning Post ngày 6/10 đưa tin, theo hồ sơ dữ liệu của hệ thống thông tin tín dụng các công ty sở hữu nhà nước Trung Quốc, Hunter Biden là giám đốc của công ty BHR Partners (Bohai Huamei – Bột Hải Hoa Mỹ), một công ty quản lý quỹ đầu tư cổ phần. Công ty được thành lập vào tháng 12/2013 với số vốn đăng ký là 30 triệu NDT, tương đương khoảng 4 triệu USD.
Ngày 3/10, ông Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng: “Trung Quốc cần phải bắt đầu điều tra về gia đình Biden”
Hồ sơ cho thấy công ty cổ phần tư nhân này đã cơ cấu lại hội đồng quản trị vào ngày 18 tháng 9 năm nay, vị trí của Hunter Hunter trong công ty vẫn không thay đổi, nhưng trên trang web của Bohai Huamei lại không còn những bức ảnh của Hunter.
Theo New York Times trước đó, vào tháng 10 năm 2017, Hunter đã chi khoảng 420.000 USD để mua 10% cổ phần của Bohai Huamei.
South China Morning Post đưa tin, đối tác của quỹ này còn có ông Devon Archer, nguyên cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry. Devon Archer và Hunter Biden có hợp tác đầu tư ở cả Ukraine và Mỹ.
Video đang HOT
Vào năm 2013, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống, đã đến thăm chính thức cấp nhà nước tới Trung Quốc và gặp gỡ các quan chức lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Các con của Biden, bao gồm cả Hunter đã đi cùng. Trong chuyến thăm này, Hunter đã gặp nhà ngân hàng Trung Quốc Lý Tường Sinh (Li Xiangsheng). Bản tin của South China Morning Post nhắc đến việc Giám đốc điều hành Lý Tường Sinh năm 2014 khi chấp nhận trả lời phỏng vấn tạp chí 21st Century Business Herald, đã tiết lộ Hunter được gia nhập công ty qua sự giới thiệu của doanh nhân người Mỹ Devon Archer.
Ông Joe Biden thăm chính thức Trung Quốc năm 2013
Hunter Biden: uống cà phê với họ thì có gì sai?
Theo South China Morning Post, Lý Tường Sinh đã tiết lộ với 21st Century Business Herald: ông đã chọn Devon Archer làm đối tác làm ăn vì người này có mối quan hệ sâu sắc với giới chính trị Mỹ, trong đó bao gồm con trai ông Biden.
Những chi tiết này phù hợp với bài báo của New York Times về Hunter hồi tháng 7 năm nay. Theo báo này, Hunter, Archer và Lý Tường Sinh đã thảo luận về việc hợp tác gom vốn và các cơ hội kinh doanh khác ở Trung Quốc vào đầu năm 2012. Năm 2013, Archer và Lý Tường Sinh chính thức thành lập Bohai Huamei, còn Hunter gia nhập công ty với tư cách là một giám đốc không nhận lương.
Bản thân Hunter cũng nhấn mạnh với The New Yorker rằng cuộc gặp Lý Tường Sinh trong chuyến theo cha thăm Trung Quốc năm 2013 hoàn toàn mang tính xã giao. “Lẽ nào tôi đã bay nửa vòng trái đất để tới Bắc Kinh, mà không được ngồi uống cà phê với đám ông Lý Tường Sinh?”. Luật sư của ông cũng nhấn mạnh rằng mãi đến năm 2017, Hunter mới chính thức gia nhập Bohai Huamei.
Hunter Biden – người con nhiều tai tiếng của ông Joe Biden
Cáo buộc “1,5 tỷ USD” thiếu bằng chứng rõ ràng
Mới đây ông Trump đã đưa lên Twitter một bức ảnh Devon Archer chơi golf với cha con nhà Joe Biden, nói Archer là “người chủ quản khí đốt Ukraine”, rõ ràng là để nhấn mạnh sự hợp tác làm ăn của ông ta với gia đình Biden tại Ukraine.
Ông Trump cũng chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã trả “hàng tỷ đô la” tiền “thù lao” cho gia đình Biden để đổi lấy được thuận lợi về quan hệ thương mại. Ông Trump nói: “Con trai Biden có thể mang 1,5 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc, nhưng quỹ lớn nhất thế giới không thể rút vốn khỏi Trung Quốc. Người đàn ông này đã đến Trung Quốc để tổ chức một cuộc họp đơn giản bằng chiếc máy bay “Không lực số Hai”. Tôi nghĩ đây là một việc đáng sợ”.
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng rõ ràng nào về cáo buộc “1,5 tỷ đô la” của Trump. Hãng Reuters nói con số này có thể đến từ một nguồn là: vào năm 2018, phóng viên cánh Hữu bảo thủ Peter Schweizer trong cuốn “Đế quốc bí mật: giới chính trị Mỹ làm thế nào để che đậy tham nhũng để cho người nhà cùng bạn bè vơ vét đầy túi” đã trích dẫn bài báo của Wall Street Journal năm 2014 dẫn lời một phát ngôn viên của Ngân hàng Trung Quốc nói Bohai Huamei có ý định gom 1,5 tỷ USD để đầu tư ra thị trường bên ngoài Trung Quốc. Theo giới thiệu của trang web công ty Bohai Huamei, công ty này nhận được hỗ trợ của một số tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung Quốc.
Hai ông Donald Trump và Joe Biden có thể là hai đối thủ chính trong cuộc đua giành và giữ ghế chủ nhân Nhà Trắng trong năm tới.
Trung Quốc sẽ không điều tra theo ý muốn của ông Trump
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng yêu cầu công khai của ông Trump, cũng có thể gây tranh cãi. Do sự giám sát chặt chẽ lâu nay ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc có thể đã nắm bắt hoàn toàn mọi hoạt động của Hunter Biden ở Trung Quốc, nhưng lúc này họ có được lợi ích gì khi giúp ông Trump?
Một cựu quan chức Mỹ nói rằng nếu ông Trump thực sự muốn thúc giục Trung Quốc điều tra con trai Joe Biden, ông có thể cam kết mở rộng hợp tác để hỗ trợ chiến dịch “Lưới Trời” của Trung Quốc săn đuổi những kẻ phạm tội chạy trốn. Do nghi ngờ về sự bất công của hệ thống tư pháp Trung Quốc, Mỹ từ lâu đã từ chối trao trả những người Trung Quốc chạy trốn sang Mỹ, nhiều người trong số họ đã bị Trung Quốc buộc tội hối lộ và tham ô. Tuy nhiên, quan chức này nói, ngay cả khi ông Trump cam kết như vậy, cũng không có khả năng khiến Trung Quốc sẽ hỗ trợ điều tra gia đình Biden.
Theo VietTimes /Deutsche Welle
Những toan tính của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ bị luận tội
Các quan chức Trung Quốc đang nhá tín hiệu cho thấy họ đang nắn gân phía Mỹ trước thềm vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa 2 nước dự kiến tổ chức vào giữa tuần.
Tổng thống Mỹ và ông Lưu Hạc - Ảnh: Internet
Trong các cuộc họp với các quan chức Mỹ có mặt ở Bắc Kinh những tuần gần đây, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã chỉ ra một loạt các chủ đề mà họ muốn thảo luận. Nói cách khác, Trung Quốc đang lảng tránh một số vấn đề cốt lõi mà Mỹ muốn đề cập
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán cấp cao của Trung Quốc tỏ ý ông sẽ đưa ra một gói đề nghị cho Washington và trong đó sẽ không bao gồm các cam kết cải cách chính sách công nghiệp của Trung Quốc hay việc hỗ trợ từ nhà nước với các doanh nghiệp trong nước, vốn là một trong những mục tiêu bị Mỹ phàn nàn bấy lâu nay.
Gói đề nghị đó coi như loại một trong những yêu cầu cốt lõi của chính quyền Trump ra khỏi bàn. Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang tỏ thái độ cứng rắn hơn khi nhận thấy chính quyền của Donald Trump đang đối mặt với cuộc khủng hoảng luận tội gần đây.
Lúc này, Trung Quốc cũng bị cuốn vào cuộc đấu ở chính trường Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3.10 tuyên bố ông muốn Trung Quốc điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai ông này là Hunter Biden giữa lúc Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã chính thức khởi động cuộc điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng. "Trung Quốc nên bắt đầu một cuộc điều tra về Biden. Chuyện xảy ra ở Trung Quốc cũng tồi tệ như những gì đã xảy ra với Ukraine", ông Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, đồng thời cho biết ông chưa trực tiếp yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điều tra về ông Biden và con trai nhưng sẽ cân nhắc về việc đó.
Mặc dù ông Trump đã nhấn mạnh rằng không có mối liên kết nào trong việc "nhờ cậy" Trung Quốc và đàm phán thương mại. Tuy nhiên, xuất hiện các ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã nhìn thấy điểm yếu của ông Trump và có thể tận dụng được cơ hội nào đó
Jude Blanchette, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích: "Trung Quốc coi cuộc luận tội Tổng thống tại Mỹ như một điểm yếu hay điểm bấp bênh của ông Trump. Tính toán của họ là ông Trump cần một chiến thắng và sẵn sàng thực hiện các thỏa hiệp".
Nhưng những người gần gũi với chính quyền Trump nói rằng cuộc điều tra luận tội sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Họ cho rằng bất kỳ toan tính nào cho rằng Mỹ sẽ chùn tay trên bàn đàm phán vì lục đục trong nước sẽ là một tính toán sai lầm của Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã nói nhiều lần rằng ông sẽ chỉ tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. Những người gần gũi nói rằng lập trường của ông về vấn đề này vẫn vững vàng.
"Chúng ta đã có những khoảnh khắc tuyệt vời với Trung Quốc. Chúng ta cũng đã có những khoảnh khắc tồi tệ với Trung Quốc. Hiện giờ, chúng ta đang ở một giai đoạn rất quan trọng trước khả năng thực hiện một thỏa thuận", ông Trump nói cuối tuần trước. "Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thực hiện là đàm phán một thỏa thuận rất khó khăn. Nếu thỏa thuận không đạt 100% như kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thực hiện".
Theo báo Mỹ, trình tự của quá trình đàm phán Mỹ - Trung sẽ bắt đầu bằng việc Trung Quốc chấp thuận mua nông sản và năng lượng quy mô lớn từ Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc thực hiện các cam kết về tôn trọng sở hữu trí tuệ và cuối cùng mới là chuyện thuế quan.
Tuy nhiên Bloomberg News hồi tháng trước đã đưa tin rằng phía Mỹ còn muốn đưa vào nhiều điều khoản khác, mà dù chưa thực hiện ngay thì cũng có thể dọn đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn vào năm tới trong đó có chuyện về chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Theo đó, nếu Trung Quốc khẳng định sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nào về chính sách công nghiệp, thì đàm phán có thể đổ vỡ.
Nhưng giờ Trung Quốc đang có ý định chạm vào một điểm thách thức trong đàm phán là quay lưng với thảo luận chính sách công nghiệp. Liệu chính quyền của ông Trump có lờ đi điểm này hay kiên quyết thực hiện đàm phán theo đúng ý đồ? Hãy chờ vòng đàm phán 2 nước vào giữa tuần này.
Anhg Tú
Theo motthegioi
Ukraine mở lại vụ án của một công ty liên kết với con trai ông Joe Biden Công tố viên Ukraine hôm 4/10 cho biết bắt đầu mở lại cuộc điều tra liên quan đến nhóm khí đốt Burisma. Hunter Biden, con trai của cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng là thành viên hội đồng quản trị của Burisma năm 2014. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây nghi ngờ người này có hành vi tham nhũng và...