Ông Trump từng dọa áp thuế ô tô châu Âu vì vấn đề Iran
Lời đe dọa của ông Trump bị giới chức châu Âu so sánh như một vụ “tống tiền”, và một lần nữa khoét sâu vào rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Ông Trump từng dọa áp thuế ô tô châu Âu nếu châu Âu không ủng hộ quan điểm của Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran. Ảnh: AFP
Ngày 16-1, báo The Washington Post cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa sẽ áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ châu Âu nếu bộ ba Anh – Pháp – Đức (nhóm E3) không chính thức tuyên bố Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA).
Tổng thống Mỹ đã gửi các thông điệp đến trực tiếp các nước Anh, Pháp, Đức mà không thông qua đại sứ quán, đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu nếu nhóm E3 không ủng hộ quan điểm của Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Hãng thông tấn Tasnim trong cùng ngày 16-1 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã xác nhận thông tin về lời đe dọa của ông Trump là có thật.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer xác nhận ông Trump đã đe dọa áp thuế lên ô tô châu Âu vì vấn đề Iran. Ảnh: AFP
Mỹ và châu Âu là các đồng minh truyền thống nhưng có quan điểm khác nhau về cơ chế giải quyết bất đồng này. Washington coi đây là điều kiện để áp đặt trừng phạt lên Iran sau 65 ngày kể từ ngày cơ chế được kích hoạt, còn nhóm E3 coi đây là cơ hội cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận.
Video đang HOT
Ông Jemery Shapiro, một chuyên gia Mỹ chuyên về các vấn đề châu Âu, mô tả “đe dọa thuế quan là một chiến thuật giống như mafia và đó không phải là cách thức vận hành đặc trưng của mối quan hệ giữa các đồng minh”.
Một quan chức Mỹ nói với tờ The Washington Post rằng người Mỹ biết châu Âu đã đưa ra quyết định lên án Iran và kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng trước khi Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa.
“Sự đồng thuận ở châu Âu liên quan đến yêu cầu giữ Tehran ở lại thỏa thuận JCPOA đã có từ vài tuần trước, được thúc đẩy bởi các hành vi leo thang căng thẳng và sự vi phạm thỏa thuận hạt nhân của Iran”, quan chức này cho biết.
Trong khi đó, các quan chức châu Âu chỉ trích cách ông Trump đe dọa chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Họ coi lời đe dọa của ông Trump giống như một vụ “tống tiền” và điều này một lần nữa khoét sâu vào rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Bất bình trước cách hành xử của ông Trump, châu Âu đã cân nhắc đến khả năng rút lại kế hoạch kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng vì lo sợ sẽ bị coi là “cấp dưới” của Mỹ nếu thông tin này rò rỉ ra ngoài.
Tuy nhiên đến cuối cùng, vì “không muốn tỏ ra yếu đuối” trước Iran, họ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch ban đầu và giữ bí mật về lời đe dọa này, một quan chức châu Âu cho biết.
Ngày 14-1, nhóm E3 đã nhất trí triển khai cơ chế giải quyết bất đồng được quy định trong JCPOA, mở đường điều tra việc việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không.
Dù vậy, ba nước này tuyên bố sẽ không tham gia chiến dịch của Tổng thống Trump “gây áp lực tối đa” với Iran. Theo các quốc gia này, động thái của ông Trump khiến Iran không được hưởng lợi từ việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, khiến nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này càng thêm khó khăn.
VĂN KIẾM
Theo plo.vn
Tổng thống Iran thẳng thừng bác bỏ "Thỏa thuận Trump" sau khi châu Âu kích hoạt điều khoản gây tranh cãi trong thỏa thuận hạt nhân
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa lên tiếng bác bỏ một đề xuất hướng tới cái gọi là "Thỏa thuận Trump" nhằm giải quyết tranh chấp về vấn đề hạt nhân, nói rằng đây là một đề nghị "lạ lùng" đồng thời chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì luôn luôn phá vỡ cam kết.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bài phát biểu trên kênh truyền hình (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người từng khen ông Trump là người kiến tạo thỏa thuận vĩ đại, trong hôm 14/1 vừa qua đã kêu gọi ông Trump thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 bằng một thỏa thuận mới để đảm bảo Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Trump sau đó đồng tình với ông Johnson rằng một "thỏa thuận Trump" nên thay thế thỏa thuận hạt nhân hiện tại.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 15/1, Tổng thống Rouhani đã yêu cầu Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân mà họ đã rút khỏi từ năm 2018.
Thảo thuận mà Iran đã ký cùng các cường quốc kêu gọi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran để đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình phát triển hạt nhân. Kể từ khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Trump đã ra lệnh áp đặt trở lại các đòn cấm vận với Iran, hủy hoại nền kinh tế nước này.
Tehran nói họ muốn duy trì thỏa thuận nhưng không thể làm vậy nếu như không nhận được lợi ích kinh tế như đã được hứa hẹn. Họ đang dần dần rút khỏi một số cam kết trong thỏa thuận này, điều khiến Anh, Pháp và Đức lên tiếng cáo buộc vi phạm các điều khoản.
"Vị Thủ tướng ở London (Anh), tôi không biết ông ta nghĩ gì nữa. Ông ấy nói rằng hãy gạt thỏa thuận hạt nhân ra một bên để ông Trump hành động" - ông Rouhani nói - "Nếu các bạn đưa ra bước đi sai lầm, nó sẽ gây tổn hại cho bạn. Hãy chọn lối đi đúng đắn. Lối đi đúng đắn đó là trở lại thảo thuận hạt nhân".
Tổng thống Rouhani nói Iran có thể đảo ngược các bước đi trước đó của họ trong việc rút dần khỏi các điều khoản, miễn là các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt một cơ chế gây tranh cãi của thỏa thuận hạt nhân trong hôm thứ Ba vừa qua, trong đó cuối cùng có thể dẫn tới việc áp đặt lại các đòn trừng phạt của LHQ nhằm vào Tehran. Iran đã gọi động thái này là "sai lầm chiến lược".
Các siêu cường châu Âu nói rằng họ buộc phải đưa ra hành động để tránh một cuộc khủng hoảng về phổ biến hạt nhân và tình trạng đối đầu căng thẳng ở Trung Đông. Ông Rouhani đã chỉ trích các nước châu Âu vì phá vỡ cam kết bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các đòn trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng trong khu vực đã lên tới mức đỉnh điểm giữa các bên thù địch, kể từ sau khi Mỹ thực hiện vụ không kích giết hại tướng Qasem Soleimani của Iran tại sân bay Baghdad, Iraq hôm 3/1. Tehran sau đó trả đũa bằng đòn tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq. Vụ tấn công không gây thương vong, nhưng chỉ vài giờ sau đó, quân đội Iran bắn nhầm một máy bay dân sự của Ukraine, chính phủ Iran sau đó gọi đây là "lỗi con người".
Tổng thống Rouhani nhắc lại rằng quan điểm của Iran là hòa bình có thể đến với khu vực Trung Đông chỉ khi Mỹ rút quân khỏi khu vực này.
"Binh sĩ Mỹ ngày nay không còn đảm bảo cho khu vực này...Chúng tôi muốn các bạn ra khỏi đây, nhưng không phải bằng chiến tranh. Chúng tôi muốn các bạn rời khỏi khu vực này một cách thông minh và đó cũng là lợi ích của các bạn".
Theo viettimes.vn
Xử lý quan hệ siêu cường Mỹ - Trung là thách thức đối với dàn lãnh đạo mới của EU Cùng với vụ ly hôn "Brexit" của Anh, xử lý quan hệ căng thẳng với hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ là hai trong số những thách thức đối với dàn lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP Ê-kíp lãnh đạo mới của EU chính thức nhậm chức...