Ông Trump tính bảo vệ công nghệ Mỹ trước sự thâu tóm của Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump ngày 26/6 ngụ ý rằng ông sẽ ngăn cản việc Trung Quốc thâu tóm công nghệ Mỹ thông qua một ủy ban chuyên trách của chính phủ.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Hạ viện Mỹ ngày 26/6 đã thông qua dự luật siết chặt các quy định đầu tư từ nước ngoài trong bối cảnh cả hai đảng đều lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tìm cách thâu tóm các công nghệ phức tạp của Washington.
Theo Reuters, dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo là 400 phiếu thuận và chỉ có 2 phiếu chống. Đây là một trong số các biện pháp đang được chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan tới hoạt động thương mại mất cân bằng và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Các biện pháp kiểm soát khác của Mỹ bao gồm áp thuế lên nhiều loại hàng hóa, từ nhôm tới ô tô, đồng thời nỗ lực để ngăn chặn sự mở rộng của các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE tại thị trường Mỹ.
Dự luật tại Hạ viện và một phiên bản tương tự tại Thượng viện được thông qua nhằm xoa dịu những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, bao gồm nhiều công ty có liên quan tới chính phủ, đã tìm cách mua lại các công ty sản xuất chất bán dẫn và các công ty công nghệ khác của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng việc để Trung Quốc thâu tóm các công nghệ phức tạp của Mỹ sẽ làm mất đi lợi thế công nghệ của Washington trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Cả hai dự luật tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều gắn với vai trò của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS), cơ quan phụ trách xem xét các khoản đầu tư từ nước ngoài để đảm bảo rằng chúng sẽ không gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ. Dự luật mới được Hạ viện thông qua sẽ cho phép CFIUS mở rộng thẩm quyền trong việc xem xét các cổ đông thiểu số trong các công ty của Mỹ. Ngoài ra, dự luật cũng đặt trọng tâm chú ý vào các khoản đầu tư có nguy cơ làm rò rỉ các dữ liệu mật của Mỹ cho chính phủ nước ngoài hoặc tiết lộ các thông tin về cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới viễn thông.
Video đang HOT
Một nỗ lực khác của chính quyền Mỹ trong việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có thể sẽ được công bố vào ngày 29/6 tới khi Bộ Tài chính Mỹ dự kiến ban hành các khuyến cáo về việc hạn chế đầu tư.
“Không để bị đánh cắp”
Phát biểu tại bữa trưa với các nghị sĩ ở Washington ngày 26/6, Tổng thống Donald Trump cho biết CFIUS sẽ giúp ứng phó với việc các công ty nước ngoài muốn thâu tóm các công ty phát triển công nghệ cao của Mỹ. Theo SCMP, ông chủ Nhà Trắng muốn ngụ ý tới các công ty Trung Quốc.
“Chúng ta có công nghệ mạnh nhất thế giới. Mọi người đã sao chép và đánh cắp nó, nhưng chúng ta có những nhà khoa học tuyệt vời, những bộ não tuyệt vời và chúng ta phải bảo vệ điều đó, chúng ta sẽ bảo vệ điều đó. Đó là những gì chúng ta đang làm. Chúng ta có thể làm điều đó thông qua CFIUS. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng ta đang giải quyết chúng”, ông Trump nói.
“Chúng ta phải bảo vệ các công ty này. Chúng ta sẽ không để cho mọi người đánh cắp công nghệ”, tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc và biện pháp này sẽ có hiệu lực vào tuần tới. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dọa sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trừng phạt, có thể nhắm mục tiêu tới 450 tỷ USD giá trị hàng hóa của Bắc Kinh. Hồi cuối tháng 5, ông Trump từng nói rằng Mỹ đưa ra kế hoạch đối phó với Trung Quốc do lo ngại về việc các công ty Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ như điều kiện tiên quyết để hợp tác.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang
Tổng thống Donald Trump đang có kế hoạch công bố những biện pháp mới trong tuần này nhằm ngăn cản công ty Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ, đồng thời cấm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Động thái này có thể đưa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào tình thế "không thể đảo ngược".
Mỹ ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào các công ty công nghệ cao như sản xuất robot. Ảnh: Reuters
Ngăn chặn đầu tư, cấm xuất khẩu công nghệ
Theo tờ Wall Street Journal, 2 biện pháp nói trên nhằm đối phó với chiến dịch "Made in China 2025" - sáng kiến của Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ, trong đó đẩy mạnh các ngành công nghiệp như robot, ôtô chạy bằng năng lượng sạch và hàng không vũ trụ. Chính quyền Mỹ dự định cấm các công ty có ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc mua doanh nghiệp có liên quan đến "công nghệ quan trọng về mặt công nghiệp" của Mỹ. Giới hạn về tỉ lệ sở hữu của Trung Quốc thậm chí có thể thấp hơn nữa. Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố rằng, kế hoạch chi tiết về chủ trương hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, cũng như hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc sẽ được công bố trước ngày 30.6.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, trong báo cáo dự kiến vào ngày 29.6, sẽ đề nghị đệ trình luật này lên Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). "Rõ ràng chính sách của Tổng thống Donald Trump hiện tại không phải về thâm hụt thương mại" - tờ SCMP dẫn lời ông Raymond Yeung - kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ ở Hong Kong - nói. "Những rủi ro an ninh có thể áp dụng trong mọi khía cạnh của quan hệ song phương, đặc biệt là hạn chế đầu tư" - ông Yeung nói.
Ông Mnuchin đã nghiên cứu kế hoạch này từ tháng 12 năm ngoái và mặc dù muốn có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, song cuối cùng đã bị thuyết phục bởi Tổng thống Donald Trump và các thành viên khác trong nội các sử dụng công cụ này nhằm giải quyết các nguy cơ an ninh quốc gia từ những hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Tờ SCMP ngày 24.6 cho hay, Trung Quốc không có kế hoạch nhằm vào các công ty Mỹ hoạt động ở nước này, nhưng những biện pháp bổ sung của Nhà Trắng có thể thay đổi kế hoạch đó.
Nguồn tin của Wall Street Journal nói, Mỹ dự kiến sử dụng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp 1977 (IEEPA) để áp đặt các hạn chế đầu tư công nghệ đối với Trung Quốc. Đạo luật này cho phép tổng thống có quyền áp dụng một số biện pháp nhất định với 1 nước khác trong 1 "tình trạng khẩn cấp quốc gia". Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, chính quyền Washington sẽ chỉ nhằm vào những thương vụ mới và sẽ không tìm cách phá bỏ những thương vụ đã hoàn tất. Cũng theo nguồn tin, kế hoạch hạn chế đầu tư sẽ không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Tác động tiêu cực
Một số quan chức lo ngại rằng, "tình trạng khẩn cấp quốc gia" có thể gây hại cho thị trường chứng khoán hoặc tổn hại cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. "Mỹ đã hưởng lợi lớn từ việc có 1 cơ chế đầu tư mở" - ông Phil Levy, chuyên gia cao cấp về kinh tế toàn cầu ở Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu - nói với CNN. Nhưng, những hạn chế này xuất hiện vào thời điểm đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đang sụt giảm nhanh chóng, lên đến hơn 90% trong 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước - theo số liệu của Rhodium Group, hãng nghiên cứu chuyên theo dõi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Rhodium lý giải sự sụt giảm mạnh mẽ này có liên quan đến các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ và bản thân hạn chế của Trung Quốc về đầu tư ra nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal cho biết, Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Thương mại Mỹ cũng đang điều chỉnh kế hoạch tăng cường kiểm soát xuất khẩu để ngăn các công nghệ quan trọng được xuất sang Trung Quốc. Tất cả những động thái nói trên nằm trong 1 kế hoạch lớn hơn của Washington đối đầu với Bắc Kinh về thương mại, sau những tuyên bố áp thuế hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ đôla hàng hóa của nhau.
Lo ngại về 1 cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra, các thị trường trên toàn cầu đã có những phiêu giao dịch chao đảo trong tuần trước. Ngày 25.6, các chỉ số chứng khoán Châu Á đồng loạt giảm, trong đó chỉ số Nikkei 225 giảm 0.79%, Topix giảm 0.95%, Hang Seng giảm 1.13%, chỉ số Thượng Hải mất 0.64%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Australia như Commonwealth giảm 2.3%, ANZ giảm 1.05%, Westpac giảm 0.61% và Ngân hàng quốc gia Australia giảm 1.12%.
VÂN ANH
Theo Laodong
Khả năng khủng khiếp của tác chiến điện tử Nga Sự phát triển của các hệ thống tác chiến điện tử Nga đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và NATO buộc họ phải tìm cách đối phó. Khả năng tác chiến điện tử của Nga hiện tại khiến Mỹ khó bắt kịp (Ảnh minh họa) Tác chiến điện tử là nghệ thuật trở nên vô hình đối với...