Ông Trump: Tái kiểm phiếu ở Wisconsin là “lấy cớ xin quyên góp để kiếm tiền”
Tổng thống đắc cử Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ mô tả việc tái kiểm phiếu sắp diễn ra ở Wisconsin là “lừa đảo”, BBC đưa tin.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (giữa) cho rằng kết quả bầu cử “nên được tôn trọng thay vì bị thách thức hoặc lạm dụng” – AFP.
Tổng thống đắc cử Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ mô tả việc tái kiểm phiếu sắp diễn ra ở Wisconsin là “lừa đảo”, BBC đưa tin.
Ông Trump, người giành thắng lợi suýt soát ở tiểu bang này, nói kết quả “nên được tôn trọng thay vì bị thách thức hoặc bị lạm dụng”.
Ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein đã khởi xướng việc tái kiểm phiếu. Bà cũng muốn kiểm lại ở Michigan và Pennsylvania vì “số liệu thống kê bất bình thường”.
Ban vận động tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã tuyên bố sẽ tham gia cuộc kiểm phiếu lại tại Wisconsin.
Các kết quả sẽ cần phải được lật ngược ở cả ba tiểu bang để thay đổi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống ngày 08 tháng Mười Một.
Trong một tuyên bố được nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra hôm thứ Bảy, ông Trump buộc tội Tiến sỹ Stein đang lấy cớ xin quyên góp về tái kiểm phiếu để “kiếm tiền”.
“Nhân dân đã lên tiếng và cuộc bầu cử đã chấm dứt,” tuyên bố nói.
Tiến sĩ Stein bảo vệ sáng kiến tái kiểm phiếu của mình, bà nói với CNN rằng “một quy trình bầu cử an toàn đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta”.
Bà cũng gợi ý rằng bà để ngỏ việc xem xét kiểm phiếu ở các tiểu bang khác – không chỉ là Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.
“Tìm dấu hiệu giả mạo”
Trong khi đó, cố vấn chính trong chiến dịch bầu cử của bà Clinton, Marc Elias nói, chiến dịch và các chuyên gia bên ngoài đã “tiến hành xem xét mở rộng các kết quả bầu cử, tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quá trình bỏ phiếu bị giả mạo”.
Ông nói không có bằng chứng để kết luận cuộc bầu cử đã bị phá hoại, nhưng “chúng ta có một nghĩa vụ đối với hơn 64 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton tham gia vào một quá trình liên tục để đảm bảo rằng một cuộc kiểm phiếu chính xác sẽ được báo cáo”.
Ông Elias lưu ý rằng con số phiếu bầu tách biệt ông Trump và bà Clinton ở mức suýt soát nhất trong số ba tiểu bang, nằm ở Michigan “vượt quá biên độ lớn nhất từng có trong một cuộc tái kiểm phiếu”.
Tuy nhiên, ông nói chiến dịch sẽ tham gia “trên nguyên tắc” ở các bang miền Trung Tây nếu như tiến sĩ Stein tiếp tục như lời hứa của bà.
Video đang HOT
Tin cho hay ứng viên Tổng thống của Đảng Xanh đã muốn chắc chắn rằng các tin tặc không can thiệp để làm cuộc bỏ phiếu thuận lợi cho ông Trump.
Các lo ngại về can thiệp có thể có của Nga đã được lên tiếng trong thời gian sát cuộc bỏ phiếu.
“Moscow bác bỏ”
Chính phủ Mỹ nói các tác nhân từ nhà nước Nga đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc vào Uỷ ban Quốc gia của đảng Dân chủ, điều đã bị Moscow bác bỏ.
Ủy ban Bầu cử Wisconsin nói họ đã nhận được các kiến nghị kiểm lại phiếu, và quá trình này sẽ bắt đầu sau khi chiến dịch tranh cử của Tiến sĩ Stein đã nộp lệ phí, mà ủy ban vẫn còn đang tính toán.
Chiến dịch của tiến sĩ Stein cần phải gây quỹ được hàng triệu đô la để trang trải các chi phí cho việc kiểm lại phiếu bầu cử trong cả ba tiểu bang.
Trang mạng của bà Stein nói gần 6 triệu USD đã được quyên hướng tới mục tiêu 7 triệu USD. Trang web này cũng nói con số này là đủ để tài trợ cho việc tái kiểm phiếu ở Wisconsin và Pennsylvania.
Thời hạn cho đơn yêu cầu kiểm phiếu lại tại Wisconsin đã là ngày thứ Sáu, trong khi thời hạn của Pennsylvania là thứ Hai, và Michigan là thứ Tư.
Michigan chưa tuyên bố kết quả cuối cùng của bang này.
Wisconsin chỉ cung cấp 10 phiếu đại cử tri nhưng rất quan trọng và đã cho ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 08 tháng Mười Một.
Nếu chiến thắng ở đó thuộc về bà Clinton, cũng như ở Michigan (16 phiếu đại cử tri) và Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), thì chức Tổng thống đã có thể về tay ứng viên của đảng Dân chủ.
(Theo Bizlive)
"Mộng và thực" dưới triều đại Donald Trump
Nước Mỹ và thế giới sẽ thay đổi thế nào dưới triều đại của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng ta thán: "Chúng ta từng là đất nước rất giàu có. Giờ chúng ta là một nước nghèo"?
Người biểu tình chống ông Trump biểu thị phản ứng với cảnh sát tại Oakland, bang California tối 9-11 - Ảnh: Reuters
Tạp chí Forbes bản tiếng Nga đã thử làm một bảng tham chiếu giữa các điểm chính trong kế hoạch tranh cử của Trump và khả năng thực hiện chúng, đặc biệt trong vấn đề đối nội và kinh tế, khi ông bước chân vào Nhà Trắng đầu năm tới.
Bức tường và trục xuất
Ý tưởng của ông Trump: xây bức tường ở dọc biên giới với Mexico và một số những hành động kiên quyết để giảm bớt số người nhập cư bất hợp pháp trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Bức tường, theo ý của Donald Trump, phải "rất cao" và đóng lại 1.000 dặm biên giới; Mexico dưới áp lực của Mỹ cũng sẽ phải trả phần tiền của mình cho việc xây bức tường này.
11 triệu người nhập cư bất hợp pháp (ở Mỹ họ được gọi là những người không có giấy tờ) phải bị trục xuất, và khả năng lập lại dòng người nhập cư đó sẽ bị loại trừ nhờ việc sửa đổi pháp luật, giúp đóng lại con đường của bọn "tội phạm và bạo lực", nhưng sẽ không phá hoại cuộc đời của "những di dân có tay nghề tốt".
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Bức tường rất cao này vẫn cần phải được sự đồng thuận của Quốc hội ở lĩnh vực phân bổ ngân sách để xây dựng và trục xuất, nhưng bản thân ý tưởng bức tường đã mâu thuẫn với lợi ích của những tiểu bang biên giới, vốn phải trả tiền cho việc thu hồi đất để xây dựng, duy trì (có nghĩa cũng phải cấp kinh phí) và bảo quản cơ sở hạ tầng này.
Việc sửa luật nhập cư để bảo đảm cho việc trục xuất hàng loạt như thế cũng là một thủ tục pháp lý không đơn giản: trên đường xây dựng và sửa chữa bộ luật này chắc chắn phải có sự can thiệp của Tòa án Tối cao.
Báo bày bán ở TP Ciudad Juarez, Mexico ngày 9-11 với trang bìa giật dòng tựa "Lạy Chúa tôi, Trump thắng!" - Ảnh: Reuters
Rút lại ObamaCare
Ý tưởng của ông Trump: Một trong những kế hoạch của ông Trump là xem lại cải cách dưới thời Tổng thống Obama trong việc chăm sóc sức khỏe mà ObamaCare được xem là một trong những cải cách quan trọng nhất của an sinh xã hội từ thời Franklin Roosevelt, khiến bảo hiểm y tế trở thành bắt buộc, giảm giá thuốc cơ bản cho người nghèo và bảo đảm các điều kiện bình đẳng trong việc chăm sóc y tế.
Từ quan điểm của các nhà Cộng hòa cứng rắn mà ông Trump đại diện, chương trình ObamaCare đó "gần như là chủ nghĩa xã hội" - một từ mang tính phỉ báng của những người bảo thủ. Ngoài ra, cải cách này động chạm đến lợi ích của những tập đoàn bảo hiểm lớn, vốn là những nhà tài trợ vĩnh viễn của phe Cộng hòa.
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Rất phức tạp. Bởi ObamaCare là kết quả của một thỏa hiệp cực kỳ phức tạp giữa phe Dân chủ và Cộng hòa, giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang, đã trải qua một quá trình bàn thảo nhiều năm.
Cải cách này cho phép cung cấp bảo hiểm y tế giá rẻ và được trợ cấp tới 10 triệu người mà trong đó, chi phí trợ cấp của nhà nước cho y tế cơ bản (được gọi là MediCare và MediAid) không tăng, mà thậm chí còn giảm trong hai năm gần đây. Một số tiểu bang bảo thủ đã ủng hộ kế hoạch cải cách này của ông Obama, còn những tiểu bang dân chủ, tự do thậm chí còn đẩy nó đi xa hơn, về phía chuyển sang y tế miễn phí.
Cải cách thuế
Ý tưởng của ông Trump: Như bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào, ông Donald Trump ủng hộ việc giảm gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp và vốn. Kế hoạch của ông trong lĩnh vực này khá rõ ràng: giảm thuế lợi tức cho các tập đoàn, giảm thuế cho những tầng lớp giàu nhất (hiện chúng ở mức 34,9% nếu thu nhập của mỗi thành viên gia đình lên hơn 400.000 USD/năm), bãi bỏ thuế cho việc tăng vốn, giảm hoặc bãi bỏ thuế thừa kế v.v...
Ông Trump thường xuyên nhắc về "kỷ nguyên vàng Reagan" khi việc cắt giảm thuế các doanh nghiệp lớn đã bảo đảm kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng.
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Trung bình. Bởi chính sách thuế là đặc quyền của Quốc hội, được kiểm soát bởi phe Cộng hòa.
Các nhà hoạt động thuộc Liên đoàn sinh viên Philippines biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Manila ngày 10-11 - Ảnh: Reuters
Tăng cơ số quân đội
Ý tưởng của ông Trump: Mặc dù nhìn chung chương trình đối ngoại của ông Donald Trump xuất phát từ việc giảm tham gia của Mỹ vào các hoạt động của NATO, nhưng ông đề nghị không cắt giảm, mà tăng lực lượng vũ trang. Ông Trump muốn tăng cơ số quân lên 10%, đặt thêm tàu chiến mới và xây dựng thêm đội máy bay.
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Trung bình, và lệ thuộc phần lớn vào tình trạng ngân sách sau năm 2017, mà đề nghị của ông Trump trong lĩnh vực kinh tế có thể dẫn tới giảm sút đáng kể thu nhập, và khi đó Quốc hội có thể sẽ có thái đọ tiêu cực với việc tăng chi phí quốc phòng.
Chính sách năng lượng
Ý tưởng của ông Trump: Ở đây, ông Trump đối lập với người tiền nhiệm Obama và kế hoạch của bà Clinton. Ông phủ nhận nạn ấm lên toàn cầu, cho rằng Thỏa thuận chống biến đối khí hậu Paris là sự phản bội lợi ích của Mỹ, khẳng định sẽ từ bỏ những hạn chế trong việc cắt giảm khí thải CO2, tháo dỡ những hạn chế trong việc tăng tiêu thụ và sản xuất năng lượng tại Mỹ.
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Trung bình, tuy nhiên chính phần này trong chương trình của Trump lại được phe Cộng hòa trong Quốc hội đón nhận nhiệt thành. Về đối ngoại, việc rời khỏi thỏa thuận Paris sẽ không mấy khó khăn cho ông Trump vì đây là lĩnh vực gần như là nhiệm vụ của chính quyền Nhà Trắng.
Cuộc chiến chống khủng bố và an ninh quốc gia
Ý tưởng của ông Trump: Cũng đối nghịch với thời Obama và kế hoạch của bà Hillary, ông Trump không chuẩn bị rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, mà tăng cường sự hiện diện "đánh bom, đánh bom và đánh bom nữa vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo", giữ lại nhà tù Guantanamo, cho phép tra tấn những kẻ tình nghi khủng bố, mà chủ yếu là trả lại cho Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) toàn quyền mà họ đã mất sau các tố giác của "người thổi còi" Edward Snowden.
Mức độ phức tạp của việc thực hiện: Khá cao, do một loạt các nguyên nhân - từ các hạn chế ngân sách đến việc đạt được thỏa thuận trong Quốc hội liên quan đến việc ngăn chận các hoạt động của các cơ quan mật vụ. Là Tổng thống, ông Trump đương nhiên có thể đưa ra các quyết định qua các sắc lệnh hành pháp; thế nhưng điều đó cũng không giúp chính quyền thoát khỏi quá trình thỏa thuận cần thiết và kéo dài với một số ủy ban của Quốc hội.
Thương mại quốc tế, Trung Quốc và các thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương
Ông Trump dứt khoát không ủng hộ chủ nghĩa kiến tạo mềm mỏng của ông Obama liên quan đến các hợp đồng thương mại với Trung Quốc, các nước Thái Bình Dương và châu Âu. Không dưới một lần, ông đã phát biểu chống hiệp định NAFTA (ủng hộ tự do buôn bán và dịch chuyển vốn ở Bắc Mỹ). Ông khẳng định sẽ "thương lượng lại" với các nước khác, xuất phát từ quan điểm cứng rắn và có lợi nhất cho Mỹ; ông thường xuyên nhấn mạnh, theo kiểu của một tỉ phú và doanh nhân, rằng ông "biết cách làm việc".
Chính từ đó khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa). Chính sách toàn cầu hóa (vốn được các chính quyền tiền nhiệm ủng hộ hết lòng) và sự thâm hụt cán cân thương mại, mất nhiều việc làm (do đã bị chuyển sang những nước có nhân công rẻ và thuế suất thấp), đã khiến ông Trump thường nhân đó chỉ trích khi nói chuyện với cử tri.
Và cuối cùng, với Nga
Ông Trump không dưới một lần lên tiếng về việc phục hồi quan hệ với Tổng thống Putin và nước Nga, giảm bớt sự liên can của Mỹ vào những việc của châu Âu (bắt đầu từ phương án khá triệt để: "hãy để người châu Âu trả chí phí của họ nếu họ sợ đến thế", khi phát biểu liên quan đến việc cùng NATO bảo vệ các nước vùng Baltic trong trường hợp Nga tấn công).
Ông Trump không phát biểu trực tiếp về vấn đề cấm vận chống lại Nga, nhưng có thể dự báo việc cải thiện quan hệ này đòi hỏi - như một điều kiện thương lượng - phải giảm nhẹ hay tháo dỡ cấm vận. Chưa kể là những vấn đề thiết thân của Nga, như Ukraine, hay Crimea, lại không phải là mối quan tâm chính của ông Trump.
(Theo Tuổi Trẻ)
'Gia đình tôi bỏ phiếu cho Trump, xin lỗi nước Mỹ' Buổi sáng đầu tiên nước Mỹ thức dậy với Donald Trump đắc cử tổng thống, rất nhiều người vẫn bàng hoàng chưa tin đây là sự thật. New York choàng dậy với màu trời xám xịt và những cơn mưa phùn trái mùa. Thành phố nổi tiếng không ngủ và nhịp sống ồn ào dường như trầm lắng vài cung bậc. Mọi người...