Ông Trump rộng đường thực hiện chính sách khi phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện
Ông Donald Trump đã giành được chiến thắng quyết định trong cuộc đua tổng thống và trở thành ứng viên Cộng hòa đầu tiên trong hai thập kỷ thắng cả về số phiếu phổ thông.
Đảng của ông cũng giành được quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, giúp ông rộng đường thực hiện các chính sách.
Theo tờ The Economist, khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện ở Quốc hội Mỹ, khả năng ông Trump có thể tự do bổ nhiệm thành viên nội các, xác nhận thẩm phán và gây ảnh hưởng đến các luật về chi tiêu và thuế tại Quốc hội là rất lớn. Chiến thắng của ông Trump đã củng cố quyền lực đối với đảng Cộng hòa và cho thấy sức mạnh hệ tư tưởng của ông. Trong nhiệm kỳ đầu tiên và trong thời gian vắng bóng sau thất bại vào năm 2020, ông Trump gặp khó khăn khi áp đặt ý chí của mình nhưng với chiến thắng “3 trong 1″ thì nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu từ tháng 1/2025 sẽ ít bị hạn chế hơn.
Nội các dễ dàng được thông qua hơn
Ông Donald Trump (trái) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong chiến dịch vận động tranh cử ở Raleigh, Bắc Carolina, ngày 4/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, nơi chịu trách nhiệm xác nhận nội các và các đề cử tư pháp của tổng thống, bao gồm cả việc bổ nhiệm vào các vị trí trống trong Tòa án Tối cao.
Các phiên điều trần xác nhận nội các có thể căng thẳng và kéo dài khi ứng viên gây tranh cãi. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tổng thống phải rút lại đề cử nếu thấy rõ ràng ứng viên không nhận được đủ sự ủng hộ để được xác nhận.
Ví dụ, trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã rút đề cử ứng viên Patrick Shanahan làm bộ trưởng quốc phòng do cáo buộc bạo lực gia đình và rút đề cử ông Ronny Jackson làm bộ trưởng cựu chiến binh vì lo ngại ông thiếu kinh nghiệm quản lý. Tổng thống Joe Biden cũng đã rút đề cử bà Neera Tanden vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách do lo ngại bà quá thiên vị.
Nhưng hầu hết các đề cử vào nội các đều thành công khi Nhà Trắng và Thượng viện do cùng một đảng kiểm soát, đặc biệt từ khi đảng Dân chủ loại bỏ “filibuster” (chiến thuật câu giờ) để cho phép các đề cử của tổng thống được phê chuẩn chỉ bằng đa số đơn giản. Một tổng thống mới nhậm chức cũng thường được tạo điều kiện khi đề xuất các lựa chọn ban đầu để lập nên chính phủ sau cuộc bầu cử, nhất là khi Thượng viện do cùng đảng quản lý.
“Filibuster” là một chiến thuật được sử dụng bởi một nhóm các thành viên trong Thượng viện Mỹ để phản đối và ngăn cản một dự luật được thông qua, mặc dù dự luật có đủ người ủng hộ để được thông qua. Chiến thuật này liên quan đến việc tận dụng quy tắc rằng cần phải có 60 phiếu bầu mới có thể ngừng tranh luận về một dự luật. Tranh luận về một dự luật có thể kéo dài vô thời hạn và phải kết thúc trước khi dự luật được biểu quyết và thông qua.
Video đang HOT
Dễ dàng thông qua chính sách hơn
Bên cạnh các ưu tiên của ông Trump như kiềm chế nhập cư trái phép và rút lại các quy định trong mọi lĩnh vực từ xây dựng nhà ở đến sản xuất năng lượng, còn có một số vấn đề mà Quốc hội cần giải quyết bất kể ứng viên tổng thống nào nắm quyền vào năm tới.
Nhiều điều khoản của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017 sẽ hết hạn vào năm 2025. Đây là đạo luật trị giá 1,5 nghìn tỷ USD – một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất của chính quyền Trump đầu tiên. Đạo luật này hết hạn sẽ mở ra cơ hội để Mỹ tái định hình chính sách thuế quốc gia.
Các ưu tiên của đảng Cộng hòa có thể sẽ mở đầu các cuộc đàm phán, trong đó có các cam kết mà ông Trump đã đưa ra khi tranh cử như loại bỏ thuế tiền boa, miễn thuế thu nhập cho khoản làm thêm giờ và mở rộng các khung thuế trong luật năm 2017.
Quốc hội cũng sẽ cần cấp ngân sách cho chính phủ mà nhiều khả năng sẽ phản ánh các ưu tiên của đảng Cộng hòa như cắt giảm tài trợ cho các chương trình về tính đa dạng, công bằng và hòa nhập của chính phủ liên bang hay cắt giảm ngân sách cho các cơ quan như Bộ Giáo dục.
Một cuộc tranh luận lớn khác mà Quốc hội và chính quyền của ông Trump sắp tới phải đối mặt là về việc có nên tăng trần nợ. Cuộc thảo luận này sẽ được khôi phục vào đầu năm tới và nếu không nâng trần nợ thì chính phủ cạn kiệt tiền và có thể vỡ nợ.
Thử thách trong thực hiện những cam kết lớn
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Trong suốt chiến dịch bầu cử này, đảng Cộng hòa đã cam kết không thông qua lệnh cấm phá thai cấp liên bang, trong khi đảng Dân chủ khẳng định rằng đảng Dân chủ sẽ có lệnh cấm cấp liên bang.
Giờ đây, đảng Cộng hòa có khả năng sẽ bị thử thách: Với toàn quyền kiểm soát Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng, liệu đảng Cộng hòa sẽ hành động thế nào khi các cử tri là thành viên Cơ đốc giáo tin lành tiếp tục kêu gọi áp đặt biện pháp cấm phá thai ở cấp liên bang?
Công chúng Mỹ phần lớn phản đối lệnh cấm phá thai ở cấp liên bang, bao gồm khoảng 2/3 người đăng ký ủng hộ đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ cũng đã cảnh báo rằng đảng Cộng hòa có kế hoạch bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng, vốn hiện có mức độ phổ biến rộng rãi. Đảng Cộng hòa bác bỏ và nói rằng họ không có ý định loại bỏ đạo luật này và chỉ thay đổi đạo luật này nếu có thể cải thiện để giảm chi phí và mở rộng phạm vi bảo hiểm.
Đảng Cộng hòa cũng cam kết không đụng đến quy tắc “filibuster” của Thượng viện. Theo quy tắc này, ngưỡng 60 phiếu là ngưỡng cần có để thông qua các vấn đề mà theo đó đảng chiếm đa số phải thuyết phục ít nhất một số thành viên của đảng thiểu số tham gia cùng để thông qua luật quan trọng.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, phát biểu với các phóng viên: “Một trong những kết quả đáng hài lòng nhất khi đảng Cộng hòa giành kiểm soát Thượng viện là quy tắc filibuster sẽ được duy trì”. Những ứng viên hàng đầu để kế nhiệm ông McConnell cũng đã nói rằng họ ủng hộ duy trì quy tắc này.
Đảng Cộng hòa giờ sẽ đối mặt với thách thức để giữ lời cam kết đó, đặc biệt nếu đảng Dân chủ đoàn kết phản đối các ưu tiên của đảng Cộng hòa.
Thách thức trong nội bộ
Dù không gặp khó khăn từ đảng Dân chủ khi hoạch định chính sách, nhưng có khả năng ông Trump sẽ gặp khó nếu có bất đồng trong nội bộ.
Việc chia sẻ quyền lực với các thượng nghị sĩ độc lập và hạ nghị sĩ bất đồng ý kiến là điều không thể tránh khỏi, kể cả với ông Trump.
Thượng viện đã có nhiều thành viên Cộng hòa theo tư tưởng của ông Trump trong những năm gần đây, nhưng vẫn là pháo đài chủ nghĩa bảo thủ thời trước khi ông Trump xuất hiện. Quy mô đa số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện sẽ quyết định liệu các thượng nghị sĩ ôn hòa như Susan Collins của bang Maine và Lisa Murkowski của bang Alaska có thể kìm hãm các quyết định bốc đồng nhất của ông Trump hay không, đặc biệt là trong việc bổ nhiệm nhân sự. Ngoài nội các, các thượng nghị sĩ cũng phải phê duyệt hơn 1.000 vị trí cấp cao, từ thứ trưởng đến các tướng và đại sứ.
Tổng thống đắc cử Trump dự kiến chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng
Ông Donald Trump dự kiến chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên một chính trị gia gốc Latinh giữ vị trí ngoại giao cao nhất của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Ảnh: NBC News
Trong danh sách ứng viên ngoại trưởng của ông Trump, ông Rubio được đánh giá là người có quan điểm cứng rắn nhất về chính sách đối ngoại, đặc biệt là với các đối thủ địa chính trị của Mỹ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông đã có phần mềm mỏng hơn để phù hợp với quan điểm của ông Trump. Tổng thống đắc cử Trump từng chỉ trích các đời tổng thống tiền nhiệm vì đã đưa nước Mỹ vào những cuộc chiến tốn kém và vô ích, đồng thời ủng hộ chính sách đối ngoại thận trọng hơn.
Chính quyền mới sẽ đối mặt với tình hình thế giới bất ổn và nguy hiểm hơn so với năm 2017 khi ông Trump nhậm chức với các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông, cùng với việc Trung Quốc ngày càng xích lại gần hơn với các đối thủ của Mỹ như Nga và Iran.
Khủng hoảng Ukraine sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Rubio. Ông Rubio, 53 tuổi, gần đây tuyên bố Ukraine cần tìm kiếm một giải pháp đàm phán với Nga thay vì tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất trong thập kỷ qua. Ông cũng là một trong 15 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống gói viện trợ quân sự trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4 vừa qua.
Việc lựa chọn ông Rubio làm ngoại trưởng có ý nghĩa cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ông Trump đã đánh bại Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử ngày 5/11 một phần nhờ thu hút được số lượng lớn cử tri gốc Latinh. Trước đây, nhóm cử tri này thường bỏ phiếu áp đảo cho đảng Dân chủ, nhưng gần đây đã trở nên đa dạng hơn về quan điểm chính trị, khi ngày càng nhiều người ủng hộ đảng Cộng hòa.
Khi chọn ông Rubio cho vị trí then chốt này, ông Trump có thể củng cố thêm sự ủng hộ trong cộng đồng Latinh và khẳng định vai trò của họ ở cấp cao nhất trong chính quyền của ông.
Một số người ủng hộ ông Trump có thể hoài nghi về quyết định chọn ông Rubio, người mà cho đến gần đây vẫn duy trì lập trường đối ngoại cứng rắn trái ngược với ông Trump.
Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ 2017-2021 của ông Trump, ông Rubio đã đồng bảo trợ dự luật yêu cầu phải có 2/3 phiếu thuận của Thượng viện để rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm ngăn ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi tổ chức này. Ông Trump đã nhiều năm chỉ trích các nước thành viên NATO không đáp ứng chỉ tiêu chi tiêu quân sự đã thỏa thuận. Trong chiến dịch tranh cử, ông cảnh báo sẽ không bảo vệ các nước "chây ì" đóng góp và thậm chí khuyến khích Nga "muốn làm gì thì làm" với họ.
Tại Thượng viện, ông Rubio là một trong những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Đáng chú ý nhất là vào năm 2019, ông đã kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ đánh giá an ninh quốc gia đối với thương vụ TikTok mua lại Musical.ly, dẫn đến cuộc điều tra và yêu cầu thoái vốn gây tranh cãi.
Là thành viên đảng Cộng hòa cao cấp nhất trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông Rubio cũng gây sức ép với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, yêu cầu chặn mọi giao dịch với Huawei sau khi công ty công nghệ Trung Quốc bị trừng phạt này ra mắt laptop mới sử dụng chip AI của Intel.
Giá vàng cắm đầu lao dốc, chuyên gia nói không phải chỉ do Trump Vàng mất giá mạnh sau chiến thắng của Trump trong khi nhu cầu bạc từ năng lượng mặt trời tăng trưởng tích cực Các chuyên gia kim loại quý từ Heraeus cho biết, sự giảm giá của vàng gần đây không chỉ do ảnh hưởng của chiến thắng của Trump, mà còn do xu hướng chính trị chung. Trong khi đó, nhu cầu...