Ông Trump mạnh tay trừng phạt quan chức Iran, Venezuela
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đồng loạt công bố biện pháp trừng phạt mạnh tay mới đối với các quan chức chính phủ của cả Iran và Venezuela.
Trong một thông báo chí phát đi ngày 25/9, Nhà Trắng tiết lộ, ông Trump đã ký lệnh cấm các quan chức cấp cao và họ hàng của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng như những đối tượng khác đang hưởng lợi ích tài chính vì hợp tác với chính phủ Venezuela, nhập cảnh vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYPost
Trích dẫn lí do “một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo” do Caracas gây ra, Văn phòng Thư ký Nhà Trắng công bố quyết định ngưng cấp phép nhập cảnh Mỹ, dù vì mục đích nhập cư hay không nhập cư, đối với những người “đe dọa các cơ quan dân chủ của Venezuela”.
Các đối tượng chịu lệnh cấm bao gồm mọi quan chức chính phủ Venezuela giữ chức vụ từ thứ trưởng trở lên, các sĩ quan quân đội cấp tá trở lên, thành viên Hội đồng lập hiến ủng hộ Tổng thống Maduro cũng như tất cả các thành viên trong gia đình ông.
Động thái được coi là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông Trump nhằm lật đổ tổng thống Venezuela.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trao đổi với Sputnik bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza khẳng định, lệnh cấm nhập cảnh mới công bố của Washington thực tế đã được triển khai từ trước và hiện Washington chỉ ra văn bản chính thức thông báo.
Chỉ hai phút sau, Nhà Trắng cũng công bố lệnh cấm nhập cảnh tương tự đối với các quan chức cấp cao thuộc chính phủ Iran và các thành viên gia đình họ.
Washington cáo buộc Tehran đã “gây khủng hoảng nhân đạo, đe dọa các nước láng giềng và hoạt động vận tải hàng hải quốc tế cũng như tiến hành nhiều vụ tấn công phá hoại trực tuyến”. Nhà Trắng gọi chính phủ Iran là “chính quyền tài trợ chủ nghĩa khủng bố”.
Diễn biến mới nhất xảy ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại một hội nghị quốc tế chống hạt nhân Iran ngày 26/9 rằng, Washington sẽ tiếp tục áp các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran và những ai hỗ trợ họ.
Chính quyền ông Trump cũng ban hành lệnh cấm vận chống Công ty dầu khí Trung Quốc và các công ty vận tải tình nghi đã hỗ trợ Iran xuất khẩu xăng dầu.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên án các hành động chống nước này của chính phủ Mỹ. Theo ông Zarif, các biện pháp trừng phạt mới chỉ nhằm ngăn chặn các giao dịch quốc tế của Iran cũng như hạn chế người dân nước này tiếp cận với lương thực và thuốc men.
Nhà ngoại giao hàng đầu Iran mô tả đây là động thái “không thể chấp nhận và nguy hiểm”.
Tuấn Anh
Theo vietnamnet
Cố vấn An ninh Quốc gia mới của TT Trump có khiến căng thẳng Mỹ - Iran hạ nhiệt?
Theo chuyên gia Trung Đông Gwenyth Todd, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn nhà thương thuyết giải cứu con tin Robert O'Brien làm tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao với những nước như Iran và Triều Tiên.
"Tôi coi ông O'Brien là nỗ lực nhằm xoa dịu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cánh diều hâu của ông Trump trong lúc ông hi vọng có thể thật sự tìm được một người sẽ ủng hộ nhiệt thành và đóng góp vào kế hoạch đàm phán với các nước như Iran và Triều Tiên của Tổng thống Mỹ", bà Todd cho biết.
Việc bổ nhiệm cố vấn an ninh mới có thể giúp căng thẳng giữa Mỹ và Iran dịu bớt?
Ông Trump đã sa thải ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba kể từ khi ông nhậm chức, vào tuần trước sau khi hai bên có những bất đồng về một loạt chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iran, Triều Tiên, Venezuela, Cuba và nhiều nước khác.
Mặc dù ông O'Brien không có quan điểm cứng rắn như ông Bolton, song ông cũng có một phần "diều hâu" trong suy nghĩ. Trong một cuốn sách năm 2016 của mình, ông O'Brien đã tỏ ra thù địch với Nga và chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Bà Todd cho biết mặc dù việc bổ nhiệm một nhà thương thuyết làm cố vấn an ninh quốc gia có thể coi là một bước đi tích cực trong lúc chính quyền Mỹ tìm kiếm những thỏa thuận mới, chỉ thời gian mới có thể trả lời được "liệu ông O'Brien là người của ông Trump hay của ông Pompeo".
"Ông Pompeo có thể sẽ thống trị các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ sắp tới nhưng điều quan trọng là Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ có những đề xuất gì cho ông Trump, người lúc này muốn được nghe về những giải pháp ít hậu quả nhưng mang lại nhiều đột phá nhất", bà giải thích.
Chuyên gia người Mỹ cũng cho rằng tầm ảnh hưởng của ông Bolton trong Nhà Trắng đã bị phóng đại. "Ông Bolton có mặt trong nội các như là một công cụ để xoa dịu cánh diều hâu. Ông ta luôn bị coi là người bị ghét nhiều ở Washington và có thể sẵn sàng bị sa thải nếu ông Trump cần người gánh tội. Tôi cảm thấy những lo ngại của nhiều người về Bolton là khá kỳ lạ", bà Todd nói.
Về Iran, bà Todd cho biết điều quan trọng đó là cần phải nhìn thấy rằng ông Trump đang tỏ ra ngần ngại không muốn đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới. "Mỹ sẽ không chọc tổ ong bầu và rồi biến mất, để lại vùng Trung Đông và hàng ngàn gia đình Mỹ được triển khai đến Vùng Vịnh đứng trước sự phản kháng quân sự khủng khiếp từ Iran cũng như nhiều lực lượng Hồi giáo khác", bà nói.
"Nếu thành hiện thực, điều đó sẽ gây hại lớn cho hình ảnh và những giá trị sẽ để lại cho tương lai của ông Trump", bà Todd cho biết, đồng thời khẳng định mặc dù ông Trump thích đe dọa gây chiến đối với kẻ thù của mình, song đây chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán của ông.
Ông Trump đã bổ nhiệm ông O'Brien vào ngày 18/9 trong lúc Nhà Trắng đang xem xét đánh bom Iran sau khi cáo buộc nước này có liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê út gần đây, mặc dù lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm vụ việc này.
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo infonet
Loạt ông lớn châu Á "hưởng lợi" từ sự ra đi của John Bolton? Việc cố vấn an ninh cứng rắn Mỹ rời khỏi chức vụ làm giảm nguy cơ chiến tranh và đã có tác động tới thị trường năng lượng, theo trang Asia Times. Giá dầu đã giảm 1 USD/thùng trong vòng vài giờ sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu hoặc chấp nhận đơn từ chức cố vấn an ninh...