Ông Trump lấn lướt đồng minh, lấy gì đấu Trung Quốc?
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đã thống nhất sẽ tiến hành đàm phán song phương về hợp tác thương mại của hai quốc gia
Lấn lướt nước Nhật?
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo nhất trí tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Hai bên không tiết lộ thêm chi tiết nội dung cuộc đàm phán, nhưng nhấn mạnh phía Nhật Bản sẽ có những cam kết chế tạo nhiều ô tô hơn tại Mỹ, còn phía Mỹ sẽ đảm bảo mở cửa hơn nữa cho thị trường nông phẩm của Nhật Bản. Hiện chưa rõ thời điểm hai bên bắt đầu cho quá trình đàm phán song phương này.
Thực tế, việc ngồi vào bàn đàm phán song phương với Mỹ đang đi ngược lại những mong muốn của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã luôn tìm cách trì hoãn những cuộc đàm phán song phương với Mỹ dù phía đối tác luôn thôi thúc.
Điều Nhật Bản coi trọng và ưu tiên hơn là tiến hành những thỏa thuận thương mại tư do đa phương có sự tham gia của Mỹ hơn là các thỏa thuận song phương với riêng từng đối tác như cách mà Washington đang thực hiện kể từ ngày Tổng thống Trump lên nắm quyền đến nay.
Nhật Bản thực chất không muốn đàm phán song phương với Mỹ vì e sợ gặp bất lợi
Tuy nhiên, Nhật Bản đang nằm trong diện có hàng hóa xuất sang Mỹ bị áp thuế quan bảo hộ thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và phụ kiện xe.
Nếu Nhật Bản tiếp tục trì hoãn việc ngồi vào bàn đàm phán song phương với Mỹ, chắc chắn những lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump sẽ thành hiện thực, khi đó nền công nghiệp ô tô của quốc gia châu Á sẽ chịu tác động rất nặng. Việc chấp nhận đàm phán lần này của ông Abe được cho là hành động xuống nước mang tính chất câu giờ.
Việc Nhật và Mỹ còn tiến hành đàm phán sẽ có tác dụng như một phương án tình thế tốt nhất lúc này cho phía Nhật Bản. Chưa kể, Tokyo còn hi vọng thông qua đàm phán có thể giành được những lợi thế khác có thể bù đắp được cho những thiệt thòi mà lĩnh vực ô tô phải gánh chịu.
Video đang HOT
Nước Mỹ đang bị đồng minh…tức và sợ
Động thái chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán song phương từ phía Nhật Bản được đánh giá là thắng lợi chính trị đáng chú ý của Tổng thống Donald Trump trong quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu “America First” – nước Mỹ trên hết với quan điểm từ bỏ chủ trương đa phương và hướng tới song phương.
Cần biết rằng, Tổng thống Donald Trump là tỉ phú của nước Mỹ trước khi tham gia chính trị, ông còn là bậc thầy của nghệ thuật đàm phán. Việc ép đối tác ngồi vào bàn đàm phán với mình sẽ đảm bảo khả năng thắng lợi và lợi ích nước Mỹ được tối đa hóa sau những đàm phán đó.
Ông Donald Trump đã khéo léo sử dụng lợi thế của mình như một vũ khí. Nó tạo ra sự ngột ngạt đến mức tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải thẳng thắn chỉ trích cách làm của ông Trump đang tự cô lập nước Mỹ. Thậm chí, phía Pháp còn cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Mỹ dưới sự dẫn dắt của Donald Trump.
Trong khi đó, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ra khẩu hiệu Together First – Cùng nhau, trước hết để đối đáp lại khẩu hiệu của nước Mỹ. Chính những hành động đơn phương của Mỹ với đồng minh đã khiến cho mối quan hệ giữa Washington với đối tác của mình không còn được xây dựng trên nền tảng đồng thuận tin tưởng mà có thể đã thay thế bằng áp đặt và phủ đầu.
Ngoại trưởng Đức kêu gọi EU xem lại mối quan hệ với Mỹ
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 22/8 cũng từng vận động Berlin phải xem xét lại mối quan hệ với Mỹ, thay vì coi nhau là “đồng minh thân thiết không thể xoay chuyển”, đã đến lúc xem Mỹ thành “đối tác cân bằng”.
Việc này cho phép nước Đức tạo ra một sự đối trọng cần thiết “trong các trường hợp mà nước Mỹ vượt qua lằn ranh đỏ” hoặc “tại những nơi mà nước Mỹ rút lui”. Câu chuyện trách nhiệm mà Đức và EU gánh vác thay Mỹ tại Ukraine cũng được Ngoại trưởng Maas nhắc lại.
Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5 1 với Iran cũng không nhận được sự ủng hộ của EU. Đáng chú ý, một số quốc gia thành viên của EU đang tiến hành đàm phán với Iran để tổ chức một phương án thanh toán năng lượng từ quốc gia Trung Đông mà không phải thông qua đồng USD, vốn đang là một trong những biện pháp Mỹ dùng để cấm vận Iran.
Theo ông Maas, nước Đức cần sự đoàn kết và ủng hộ của toàn bộ châu Âu, với tầm nhìn biến “Liên minh châu Âu thành một trụ cột của trật tự thế giới”.
Ngoài EU, các nhóm quốc gia thân hữu với Mỹ cũng đang có những khó chịu với cách cư xử của Washington – Donald Trump. Hàn Quốc cáo buộc sự chấp nhặt, thiếu thiện chí và kẻ cả bề trên của Mỹ đang làm tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dậm chân tại chỗ. Và Seoul cũng tuyên bố vẫn đảm bảo thực hiện lộ trình với Bình Nhưỡng bất chấp ý kiến của Washington.
Cách làm của Tổng thống Donald Trump có thể khiến ông lấn lướt, chiến thắng từng đối thủ trên bàn đám phán, mang lại cho nước Mỹ những thắng lợi chiến thuật. Nhưng về chiến lược, Washington đang đẩy mình vào thế cô lập. Điều cần chú ý, Mỹ đang tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, trong khi các đồng minh của Mỹ chưa có ý định sẽ cắt giảm với siêu cường kinh tế thứ 2 thế giới này.
Thắng lợi chiến thuật, nhưng thua về chiến lược, như Tổng thống Pháp Macron đánh giá “sẽ chẳng ai có thể thành công khi đi một mình”.
Theo baodatviet
Nhật Bản: 'Thay máu' nội các
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thực hiện tiến trình "thay máu" nội các nước này trong hôm 2/10, sau khi Chính phủ từ chức để ông Abe thành lập một nội các mới. Nếu suôn sẻ, nội các mới có thể được công bố vào tuần sau.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thay đổi nhiều vị trí
Thủ tướng Abe được dự đoán sẽ giữ lại các vị trí Bộ trưởng quan trọng, trong đó có Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế - người đang tham gia vào quá trình đàm phán thương mại đầy chông gai với nước Mỹ. Ông Abe, người trở lại vị trí Thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012, đã tái đắc cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) hồi tháng trước, giúp ông tiến bước trên con đường trở thành vị Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất nước này.
Quá trình "thay máu" nội các mà ông Abe thực hiện dường như tập trung vào sự ổn định, bởi ông đang chuẩn bị thúc đẩy các nỗ lực sửa đổi lại Hiến pháp hòa bình của nước Nhật thời hậu chiến - giới phân tích chính trị cho hay. Trước đó, ông Abe từng nói rằng ông muốn giữ lại các đồng minh thân cận như Phó Thủ tướng Taro Aso - người kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính - và Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga.
Giới truyền thông Nhật Bản cũng cho hay ông Abe có thể giữ nguyên vị trí của Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hiroshige Seko, Ngoại trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi.
Trong khi đó, Thủ tướng Abe sẽ bổ nhiệm ông Takeshi Iwaya, từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, để thay thế vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của ông Itsunori Onodera. Được biết ông Iwaya thời gian qua đã trở nên khá nổi bật trong cộng đồng nước Nhật vì lên tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa các sòng bạc ở Nhật Bản.
Đồng minh thân cận của ông Abe, ông Akira Amari - người từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế nhưng sau đó từ chức vì một vụ bê bối năm 2016 - đã được chỉ định vào vị trí dẫn dắt chiến lược bầu cử của đảng cầm quyền LDP, trong bối cảnh cuộc bầu cử Thượng viện sắp được tổ chức vào năm sau.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe từng hứng chịu một đòn giáng mạnh khi chính trị gia mà đảng LDP ủng hộ chịu thất bại nặng nề trước một ứng viên được phe đối lập hậu thuẫn trong kỳ bầu cử chức Thống đốc tỉnh Okinawa, nơi có căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản.
Người chiến thắng trong kỳ bầu cử đó, Denny Tamaki, đã phản đối kế hoạch của Mỹ-Nhật trong việc di dời căn cứ Futenma của Hải quân Mỹ tới một khu vực ít dân cư hơn ở Okinawa và muốn căn cứ này di dời ra khỏi đảo Okinawa.
Đối diện thách thức
Thủ tướng Abe từng nhấn mạnh rằng ông muốn thúc đẩy mọi nỗ lực nhằm sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, nhằm tăng cường vai trò của lực lượng quân sự nước này, có tên gọi là Các Lực lượng phòng vệ (SDF). Tuy nhiên, thách thức trước mắt mà ông phải đương đầu chính là sửa chữa mối quan hệ thương mại đang rạn nứt với Washington và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế nước nhà.
Niềm tin của giới doanh nghiệp vào các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đã suy giảm nghiêm trọng trong tháng 9 năm nay, chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua - một bản báo cáo do Ngân hàng Trung ương nước này công bố hôm đầu tuần chỉ ra. Nhiều công ty trong nước Nhật đã bị ảnh hưởng bởi giá vật liệu thô gia tăng cùng một loạt các thảm họa thiên nhiên khiến hoạt động của họ bị gián đoạn.
Tuần trước, Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thỏa thuận sẽ mở ra các vòng đàm phán mới để tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại song phương mới, trong đó Washington sẽ không áp hàng rào thuế quan đối với mặt hàng xe hơi xuất khẩu của Nhật. Tuy nhiên, Washington có thể vẫn áp thuế nếu như tiến trình đàm phán diễn ra chậm chạp.
Theo báo giới Nhật, Thủ tướng Abe có khả năng sẽ bổ nhiệm ông Satsuki Katayama - một nhà lập pháp bảo thủ trong đảng LDP từng giữ chức vụ trong Bộ Tài chính - vào vị trí Bộ trưởng chuyên trách các nỗ lực phục hồi nền kinh tế nước nhà. Nội các mới của Nhật Bản sẽ chính thức được Nhật Hoàng bổ nhiệm vào thứ Ba tuần sau.
Bên cạnh những thách thức về thương mại và kinh tế, Thủ tướng Abe cũng phải nhanh chóng giải quyết các tranh chấp biển đảo với Nga và hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt tình trạng thù địch từ Thế chiến II. Ông Abe cũng muốn tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết một số tranh chấp song phương.
Ở trong nước, ông cũng đối mặt với nhiều thách thức chính trị trong bối cảnh đất nước Nhật Bản đang gặp vấn đề già hóa dân số và thuế tiêu dùng lên tới 10% mà ông đã từng 2 lần trì hoãn. Cuối cùng, ông Abe cũng là người chịu trách nhiệm chuẩn bị cho buổi lễ kế vị của Hoàng gia Nhật Bản vào mùa Xuân năm sau.
Khánh Duy
Theo daidoanket
Việt Nam - Thành công đầu tiên của Nga trong "Tháng hướng Đông" Ngay sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngày 10-9-2018, trang mạng riafan.ru của Nga đã đăng bài viết đánh giá chuyến thăm này là một thành công của Nga trong "Tháng hướng Đông". Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN...