Ông Trump “không muốn làm tổng thống”
Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Michael Moore cho biết ông Donald Trump không muốn trở thành tổng thống Mỹ và ứng viên này đang tự phá hoại chiến dịch tranh cử của mình để tránh vào Phòng Bầu Dục.
Ông Moore hôm 17-8 viết trên báo Huffington Post rằng việc ông trùm bất động sản chạy đua vào Nhà Trắng chỉ là chiến thuật đàm phán với hy vọng được đài NBC trả thù lao cao hơn.
Nhà đài này trước đây từng mời ông Trump làm ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” (Người tập sự). Tuy nhiên, ứng viên Đảng Cộng hòa đã bị sa thải sau đó vì gọi những người nhập cư Mexico là “kẻ buôn ma túy và hiếp dâm” trong chiến dịch tranh cử của mình.
Theo ông Moore, nguồn tin của ông cho hay ứng viên Donald Trump tiếp tục cuộc tranh cử với hy vọng nâng cao danh tiếng của mình với các mạng lưới truyền hình và đơn giản là ông chỉ muốn kiếm tiền.
Ông Moore cho rằng: “Sau đó, một số chuyện đã xảy ra. Bản thân ông Trump cũng ngạc nhiên khi đã kích động nước Mỹ, đặc biệt trong giới bình dân. Ông ấy sớm quên đi mục đích của mình là có được một thỏa thuận tốt về chương trình truyền hình”.
Dẫn chứng cho những nhìn nhận của mình, ông Moore chỉ ra một loạt vụ việc trong những tuần qua cho thấy sự ủng hộ dành cho tỉ phú Trump giảm mạnh.
Cụ thể, ông Trump công kích gia đình binh sĩ người Mỹ đạo Hồi và kêu gọi những người ủng hộ luật sở hữu súng tấn công đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ông Moore đánh giá hành vi lạ lùng của tỉ phú Trump là nỗ lực “tự hy sinh” chiến dịch của mình.
“Không có sự hào hứng và hạnh phúc nào ở đây, tỉ phú Trump nhận ra rằng giờ đây ông phải tiếp tục vai trò diễn viên đóng thế do chính mình bắt đầu. Đây không còn là một màn trình diễn. Ông ta sẽ phải làm việc thực sự” – ông Moore nhận xét.
Mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho những bình luận trên nhưng ông Moore khẳng định có một số người khác cũng biết những điều ông nói là sự thật.
Trong khi đó, cùng ngày 17-8, tỉ phút Trump đã cải tổ ê kíp tranh cử của mình. Ông Stephen Bannon, chủ tịch trang tin Breitbart, trở thành người điều hành chiến dịch tranh cử của ông trùm bất động sản. Bà Kellyanne Conway, cố vấn cấp cao của ông Trump, đảm nhiệm vai trò quản lý chiến dịch.
Riêng ông Paul Manafort, chủ tịch chiến dịch tranh cử, vẫn giữ vị trí cũ dù đang bị tố có mối quan hệ với với cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych.
Video đang HOT
Theo Người Lao Động
Nghi án cố vấn số một cho Donald Trump nhận 'tiền đen' ở Ukraine
Paul Manafort, chủ tịch ban vận động tranh cử cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, đang nằm trong tầm ngắm của một cuộc điều tra tham nhũng ở Ukraine.
Paul Manafort, chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Donald Trump. Ảnh: AP
Nằm trên con phố cạnh quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, Ukraine, là văn phòng làm việc từng được Paul Manafort sử dụng nhiều năm khi ông còn làm cố vấn cho đảng Các khu vực (PR) của cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Đồ đạc và những vật dụng cá nhân của ông vẫn còn được lưu giữ tại nơi này cho đến hồi tháng 5.
Manafort mới đây bị nêu tên trong một cuộc điều tra tham nhũng ở Ukraine nhằm truy xét các khoản thanh toán bất hợp pháp của đảng PR. Ngày 15/8, Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) ra thông báo cho biết từ năm 2007 đến 2012, Manafort nhận các khoản tiền bí mật lên đến hơn 12,7 triệu USD từ đảng PR của ông Yanukovych. Cựu tổng thống Ukraine đã sang Moscow, Nga, sống lưu vong sau khi bị phế truất vào năm 2014, theo Washington Post. Tuy nhiên, Manafort phủ nhận mọi cáo buộc.
Paul Manafort, 67 tuổi, là nhà vận động hành lang kỳ cựu, một chiến lược gia giàu kinh nghiệm thuộc đảng Cộng hòa. Sau khi được ông Trump thuê hồi đầu năm, Manafort đã góp công lớn tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.
Khoản thanh toán bí ẩn
Darya Manzhura, người phát ngôn NABU, hôm 15/8 cho hay các khoản thanh toán cho Manafort được liệt kê trong sổ cái kế toán bị tịch thu từ trụ sở đảng PR song cơ quan điều tra không nêu lý do cụ thể đằng sau các khoản tiền chuyển cho Manafort.
Cuốn sổ trên ghi chép khoảng 20.000 đề mục nên các nhà điều tra phải sàng lọc kỹ lưỡng những cái tên xuất hiện trong đó. NABU không có thẩm quyền truy tố những người liên quan nhưng chịu trách nhiệm chuyển mọi bằng chứng cho các công tố viên.
Trước đó, New York Times cũng tiết lộ giới chức thực thi pháp luật Ukraine đang kiểm tra sổ cái lưu những khoản thanh toán bí mật ghi tên Manafort cũng như các công ty mà ông có mối làm ăn khi họ tìm cách bóc gỡ một mạng lưới tham nhũng ăn cắp tài sản của Ukraine và tác động đến các cuộc bầu cử trong suốt thời gian ông Yanukovych cầm quyền.
Các nhà điều tra khẳng định những khoản chi này là một phần của hệ thống quỹ đen dùng để trả cho rất nhiều người, bao gồm cả các quan chức bầu cử. Theo NABU, những khoản chi cho Manafort là trọng tâm trong cuộc điều tra dù họ chưa xác định được ông có thực sự nhận tiền hay không.
Trước khi sang Nga sống cách đây hai năm, cựu tổng thống Ukraine Yanukovych và đảng PR trông cậy rất nhiều vào những lời cố vấn của Manafort cũng như công ty ông này. Trong thời gian tư vấn cho Yanukovych, Manafort không đăng ký làm việc như một đại lý nước ngoài với Bộ Tư pháp Mỹ, vậy nên, ông không phải khai báo số tiền thù lao đã nhận.
Nhưng sau khi Yanukovych bị lật đổ, một cuốn sổ cái gồm 400 trang tập hợp sổ sách lưu giữ tại trụ sở đảng PR nằm trên phố Lipskaya ở Kiev đã hé lộ những khoản tiền được cho là của đảng này chi cho Manafort.
Theo thông báo từ NABU, tên Manafort xuất hiện 22 lần trên các giấy tờ kế toán trong hơn 5 năm.
Sau khi những thông tin bất lợi cho mình được công bố, Manafort lập tức lên tiếng phủ nhận việc mình nhận bất kỳ khoản tiền bất chính nào từ Ukraine.
"Các lời buộc tội nói rằng tôi nhận những khoản tiền mặt phi pháp là không có cơ sở, ngu ngốc và phi lý", Manafort quả quyết, đồng thời thêm rằng ông chưa bao giờ cộng tác với chính phủ Ukraine hay Nga. Ông khẳng định đã chấm dứt làm việc ở Ukraine sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2014 ở nước này.
"Câu trả lời đơn giản nhất là sự thật: Tôi là một nhà vận động chính trị chuyên nghiệp. Mọi người đều biết rõ tôi làm việc ở Mỹ cũng như từng tham gia hỗ trợ các cuộc vận động ở nước ngoài", Manafort nhấn mạnh.
Trong khi đó, Vitaliy Kasko, cựu quan chức cấp cao thuộc văn phòng tổng công tố Ukraine, lại nói Manafort "biết rõ những gì đang xảy ra ở Ukraine".
Richard A. Hibey, luật sư cho Manafort, nói thân chủ của mình không nhận bất cứ khoản tiền mặt nào giống như mô tả từ các quan chức NABU. Hibey cũng phản bác ẩn ý của Kasko cho rằng ông Manafort tán thành tham nhũng hoặc dính dáng đến những người tham gia các hoạt động bất hợp pháp ở Ukraine. Theo ông Hibey, "đây chỉ là các mối ngờ vực và có lẽ mang nặng màu sắc chính trị".
Bình luận viên Tom Hamburger và Andrew Roth từ Washington Post đánh giá những nghi ngờ về vai trò của Manafort trong bê bối tham nhũng ở Ukraine một lần nữa làm bật lên một thực tế là ông Trump đang dựa quá nhiều vào các cố vấn có mối quan hệ cá nhân hoặc tài chính với Moscow dù ông hiện bị cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ công kích vì lập trường thân thiện bất thường với Nga.
Công ty tư vấn chính trị của ông Paul Manafort đặt tại tầng trệt trong một căn nhà ở đường Sofiivska, thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: New York Times
Tranh chấp với tài phiệt Nga
Theo New York Times, khi ở Ukraine, Manafort cũng tận dụng các mối quan hệ có được nhờ công việc tư vấn chính trị để tìm kiếm những thương vụ kinh doanh béo bở. Một trong các mối quan hệ đó là mạng lưới công ty bình phong ở hải ngoại thuộc nhóm nội bộ của Yanukovych.
Cơ quan công tố Ukraine đang điều tra những nghi vấn về việc mạng lưới công ty bình phong này cung cấp tiền bạc cho các thành viên thuộc nhóm nội bộ của Yanukovych tiêu xài phung phí, chẳng hạn như xây dựng một tư dinh tổng thống nguy nga có sở thú, sân golf và sân tennis riêng.
Trong số hàng trăm giao dịch mờ ám mà có các công ty bình phong kể trên thực hiện là thỏa thuận bán tài sản của một đài truyền hình cáp Ukraine cho quỹ đầu tư Pericles Emerging Markets với giá 18 triệu USD. Manafort cùng một số đối tác, trong đó có nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska, đã thành lập quỹ đầu tư này vào năm 2007 và đăng ký hoạt động ở quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh.
Deripaska từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh vì những cáo buộc liên quan đến việc ông tham gia hoạt động tội phạm có tổ chức ở Nga.
Ban đầu, Deripaska cam kết góp 100 triệu USD vào Pericles Emerging Markets để mua những tài sản ở Ukraine và Đông Âu. Sau đó, Deripaska đã đóng 18,9 triệu USD để mua đài truyền hình cáp Black Sea của Ukraine.
Tuy nhiên, thương vụ Black Sea đã đẩy Deripaska và Manafort vào một cuộc tranh chấp pháp lý để xác định xem ai là người nắm giữ quyền kiểm soát tài sản của đài truyền hình này. Deripaska không biết Pericles Emerging Markets đã làm gì với số tiền ông đóng góp cũng như bên nào đang quản lý tài sản của Black Sea.
Năm 2014, Deripaska nộp đơn ra tòa án ở quần đảo Cayman nhằm đòi lại khoản đầu tư ở Pericles Emerging Markets mà hiện nay không còn hoạt động. Ông cũng cho biết đã trả phí quản lý 7,3 triệu USD cho Pericles Emerging Markets trong hai năm. Hibey, luật sư của Manafort, bác bỏ đơn kiện và cho rằng chính nhà tài phiệt Nga đã giám sát chi tiết giao dịch cuối cùng liên quan đến vụ thâu tóm. Hibey khẳng định Manafort không nhận phí quản lý do Deripaska đóng.
Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine công bố một trang ghi chép những khoản chi và tên người nhận tiền từ cuốn sổ cái tịch thu từ trụ sở đảng Các khu vực của ông Yanukovych. Ảnh: New York Times
Hồng Vân
Theo VNE
Donald Trump cải tổ đội ngũ lãnh đạo chiến dịch tranh cử Donald Trump hôm qua bổ nhiệm một người đứng đầu trang tin bảo thủ vào vị trí điều hành chiến dịch tranh cử và thăng chức cho một nữ cố vấn. Stephen Bannon, chủ tịch trang tin Breitbart. Ảnh: AP Theo AFP, Stephen Bannon, chủ tịch trang tin Breitbart sẽ là người điều hành chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống...