Ông Trump gỡ lệnh của Obama, cho phép vũ trang hạng nặng cho cảnh sát
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mới nhằm bãi bỏ những hạn chế mà người tiền nhiệm BaracK Obama từng đưa ra để ngăn cảnh sát tiếp cận trang thiết bị quân sự hạng nặng, từ đó cho phép chính phủ liên bang tiếp tục chuyển giao lưỡi lê, súng phóng lựu và xe bọc thép cho lực lượng hành pháp trên toàn nước Mỹ.
Cảnh sát vũ trang trong cuộc biểu tình phản đối vụ thiếu niên da màu Michael Brown bị bắn chết năm 2014 tại thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ (Ảnh: Reuters)
Năm 2014, cựu Tổng thống Barack Obama đã hạn chế chương trình chuyển giao vũ khí dư thừa của Lầu Năm Góc sau khi lực lượng hành pháp địa phương dùng xe thiết giáp quân sự và súng ống hạng nặng để trấn áp đám đông biểu tình giận dữ vì cảnh sát bắn người da màu ở thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ. Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp, các chuyên gia điều tra khẳng định việc làm đó của cảnh sát đã “gây ra căng thẳng” và vi phạm quyền hiến định.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump ngày 28/8 đã ký sắc lệnh mới nhằm bãi bỏ những hạn chế mà người tiền nhiệm từng đưa ra để ngăn cảnh sát tiếp cận trang thiết bị quân sự hạng nặng, từ đó cho phép chính phủ liên bang tiếp tục chuyển giao lưỡi lê, súng phóng lựu, xe bọc thép và nhiều thiết bị khác cho lực lượng hành pháp trên toàn nước Mỹ.
Ngoài ra, những trang thiết bị mà chính phủ liên bang có thể tiếp tục cung cấp cho nhân viên hành pháp địa phương còn bao gồm quân phục ngụy trang, máy bay vũ trang và đạn dược trên 50 ly.
Trước đó, giới chức Lầu Năm Góc đã không thể giải thích lý do cảnh sát cần trang bị lưỡi lê trong một cuộc điều trần quân sự năm 2014. Tuy nhiên, một số quan chức hành pháp đã đề nghị coi lưỡi lê như dao đa năng và quan điểm này được chính quyền Trump tán thành. Trong khi đó, các khẩu phóng lựu sẽ được sử dụng để bắn các loại đạn phi sát thương và lựu đạn gas.
Video đang HOT
Sắc lệnh mới của ông Trump cũng loại bỏ những hạn chế đặt ra với cơ quan hành pháp khi cần sử dụng trực thăng, máy bay, mũ chống bạo động, dùi cui, thiết bị bay không người lái, xe bọc thép, chất nổ và pháo sáng. Theo lệnh của ông Obama trước kia, sở cảnh sát sẽ phải xin phép chính quyền địa phương, hoàn thành việc huấn luyện sử dụng và đưa ra lý do để thuyết phục rằng vì sao họ lại cần đến những thứ như vậy.
Những ý kiến e ngại
Liên quan tới vấn đề cấp vũ khí hạng nặng cho cảnh sát, bà Vanita Gupta, cựu lãnh đạo Văn phòng Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng: “Các sở cảnh sát không cần đến lựu đạn và lưỡi lê để bảo vệ công dân; họ nên được huấn luyện cẩn thận khi sử dụng chúng. Chính phủ liên bang nên kiểm soát chặt chẽ, cũng như có trách nhiệm giải trình khi cho phép cơ quan hành pháp dùng thiết bị quân sự”.
Bà Gupta cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các nguyên tắc trong việc xây dựng lại lòng tin với các cộng đồng dân cư, nhất là người da màu. Theo bà, trong trường hợp không có mệnh lệnh từ chính quyền liên bang, chính quyền địa phương phải tự hạn chế việc mua sắm thiết bị quân sự và sử dụng nó một cách thận trọng.
Trong khi đó, phát ngôn viên Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ Kanya Bennett nhận định “sự căng thẳng giữa cơ quan thực thi luật pháp và các cộng đồng vẫn còn ở mức cao, nhưng tổng thống và tổng chưởng lý lại trang bị vũ khí quân đội cho cảnh sát thay vì đưa ra những biện pháp thực tế để bảo vệ, cũng như phục vụ người dân”.
Đỗ Anh
Theo PRI
Lý do Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân thông minh "kẻ hủy diệt"
Chuyên gia phân tích quân sự Oleg Glazunov nhận định việc Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm bom hạt nhân B61-12 trên sa mạc Nevada gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.
Mẫu bom B61-12 được gắn trên máy bay chiến đấu F-15E tại căn cứ không quân Eglin ở Florida, Mỹ (Ảnh: PBS)
Theo Sputnik, vào ngày 8/8 vừa qua, Mỹ đã hoàn tất một loạt chuyến bay thử nghiệm thứ hai của phiên bản nâng cấp bom hạt nhân B61-12, sau các cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra hồi tháng 3.
Chuyên gia phân tích quân sự Oleg Glazunov cho rằng mặc dù không đe dọa trực tiếp tới Nga nhưng các vụ thử bom B61-12 gần đây của Mỹ cho thấy Washington dường như "đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh".
"Phiên bản nâng cấp của bom B61 (B61-12) sẽ thay thế gần 200 bom B61 không được dẫn đường mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu. Người Mỹ sẽ nói rằng họ làm vậy để đối phó với Iran, nhưng vẫn còn Nga ở đó mà?", chuyên gia Glazunov nói.
Theo đánh giá của chuyên gia Glazunov, ngoài Nga, các vụ thử bom B61-12 cũng nhắm tới một mục tiêu khác mà Mỹ đang tìm cách đối phó là Triều Tiên. Mặc dù không cho rằng người Mỹ sẽ sử dụng chính xác loại bom này để chống lại Triều Tiên, nhưng ông Glazunov nhận định việc Washington nỗ lực phát triển loại vũ khí mới có thể là cách để nước này "hăm dọa" Bình Nhưỡng.
Các thông số kỹ thuật của bom B61-12 (Ảnh: SCMP)
Trong vụ thử gần đây, Mỹ đã thả bom trọng lực B61-12 từ máy bay ném bom chiến đấu F-15E tại khu thử nghiệm Tonopah ở Nevada. Theo thông báo của Cục Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA), mục tiêu của cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra các chức năng phi hạt nhân của bom B61-12 cũng như khả năng mang loại bom này của máy bay.
Các chuyên gia cho biết bom B61-12 có thể được chở bằng các máy bay ném bom B2A hoặc B52, và một loạt mẫu máy bay khác như F16C/D, F16 MLU, F35 và PA-200. Theo NNSA, lô sản xuất bom B61-12 đầu tiên dự kiến sẽ "ra lò" vào năm 2020.
Với trọng lượng 350 kg, nếu được phóng ra, B61-12 có khả năng xuyên qua các cấu trúc nằm sâu vài mét dưới lòng đất. Loại bom thông minh này được thiết kế đánh trúng mục tiêu với khả năng chính xác cao nhưng không gây tổn thất lớn cho khu vực xung quanh.
B61-12 được xem là loại bom hạt nhân đắt nhất của Mỹ hiện nay. Chi phí sản xuất 400 quả bom ước tính khoảng 11 tỷ USD. Đây cũng là trọng tâm trong chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, với tổng chi phí lên tới 1.000 tỷ USD trong vòng 30 năm.
Thành Đạt
Theo Sputnik
Quan chức Mỹ bị điều tra vì muốn ông Trump bị ám sát Mật vụ Mỹ điều tra bình luận trên mạng của một nhà lập pháp bang Missouri về mong muốn Tổng thống bị ám sát dù bà đã xin lỗi. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. "Tôi hy vọng ông Trump bị ám sát!", Maria Chappelle-Nadal, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Missouri, hôm 17/8 đăng một bình luận trên Facebook,...