Ông Trump đổ lỗi cho chính quyền Obama vì thiếu bộ xét nghiệm virus
Tổng thống Mỹ hôm 4/3 đổ lỗi cho một quyết định của cơ quan y tế dưới thời ông Obama, cho rằng điều đó khiến cho việc cung cấp các bộ xét nghiệm virus corona trở nên khó khăn hơn.
“Chính quyền Obama đã đưa quyết định về việc thử nghiệm mà hóa ra lại rất bất lợi cho những gì chúng tôi đang làm, và chúng tôi đã hủy bỏ quyết định đó vài ngày trước để việc xét nghiệm có thể diễn ra một cách chính xác và nhanh chóng hơn nhiều”, ông Trump nói với các phóng viên trong cuộc gặp ở Nhà Trắng với giám đốc điều hành của các hãng hàng không, những người ông muốn gặp để thảo luận về thiệt hại kinh tế của đợt bùng phát, theo Guardian.
“Đó là một quyêt định mà chúng tôi không đồng ý. Tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ ra một quyết định như vậy, nhưng bởi lý do nào đó, nó đã được đưa ra”, ông Trump nói thêm.
Không rõ tổng thống Mỹ đề cập đến quyết định nào, nhưng ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết các phóng thí nghiệm tư nhân từng được phép phát triển các phương pháp xét nghiệm lâm sàng, nhưng “trong các chính quyền trước thì việc đó đã được kiểm soát”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 4/3. Ảnh: AP.
“Để có thể phát triển các phương pháp xét nghiệm lâm sàng, ai đó sẽ phải nộp đơn đề nghị tới FDA”, ông Redfield cho biết, đề cập đến Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ – nơi nổi tiếng là khắt khe trong việc cấp giấy phép.
Nhưng các chuyên gia về xét nghiệm phòng lab nói rằng họ không biết một quyết định nào của chính quyền Obama đã cản trở việc việc phát triển phương pháp xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm của trường đại học, hoặc cơ sở tư nhân, trong trường hợp khẩn cấp.
Theo ProPublica, trách nhiệm với việc thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm ở Mỹ là do CDC đã quyết định phát triển và phân phối bộ dụng cụ của riêng họ, thay vì sử dụng bộ dụng cụ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuy nhiên, bộ dụng cụ do CDC phát triển lại bị lỗi và không cho kết quả chính xác, khiến các mẫu bệnh phẩm nhiễm Covid-19 lại cho kết quả dương tính với các virus khác.
Chính quyền ông Trump đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã không có phản ứng đủ mạnh để kiềm chế sự lây lan của virus trong giai đoạn đầu của dịch ở Mỹ, thậm chí là còn có những phát biểu làm giảm nhẹ mối đe dọa của Covid-19.
Cách đây vài ngày, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump, tuyên bố virus corona đã “được kiềm tỏa” tại Mỹ, mặc dù các số liệu cho thấy điều ngược lại.
Trong một diễn biến khác, trong cuộc họp ngày 4/3 ở Nhà Trắng, ông Trump tiếp tục tỏ ra là một người rất biết đùa.
Khi một chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên tích cực rửa tay và không sờ tay lên mặt, ông Trump đã nói: “Tôi đã không sờ tay lên mặt tôi trong vòng vài tuần rồi, và tôi rất nhớ việc đó”.
Theo news.zing.vn
Video đang HOT
Bài toán kinh tế sau quyết định ám sát tướng Soleimani của TT Trump
Theo Foreign Policy, các yếu tố kinh tế đã đưa Tổng thống Trump đến câu trả lời khác với hai vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm - quyết định ám sát tướng Soleimani.
Hai tổng thống Mỹ gần nhất - ông Barack Obama và ông George W. Bush - đã từ chối bóp cò với thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Vậy điều gì đã dẫn đến quyết định của Tổng thống Donald Trump?
"Một câu trả lời từ góc nhìn kinh tế chính trị: Đó là kinh tế", Joseph W. Sullivan của Foreign Policy bình luận.
"Con người làm nên lịch sử của chính họ, nhưng họ không làm theo ý muốn của họ, họ cũng không tạo nên (lịch sử) với những hoàn cảnh được chọn sẵn, họ tạo ra (lịch sử) trong các hoàn cảnh đang tồn tại", Karrl Marx từng viết.
Đúng vậy, ông Trump không phải cựu Tổng thống Obama hay cựu Tổng thống Bush. Trách nhiệm cho cái chết của tướng Soleimani thuộc về Tổng thống Trump bất kể quyết định này sáng suốt hay không.
"Nhưng ít nhất ông Trump đã đưa ra một quyết định dựa trên ưu thế hiện tại hơn ông Obama hay ông Bush", Foreign Policy nhận định.
Vũ khí giá dầu hết tác dụng với Mỹ
Sự phát triển trong ngành năng lượng của Mỹ những năm gần đây đã cho Washington chiếc "áo giáp" làm chệch hướng vũ khí yêu thích của Tehran - cú sốc giá dầu.
Ở chiều ngược lại, tại Iran, sự sụp đổ của các yếu tố kinh tế vĩ mô đã hạn chế khả năng làm tổn hại lợi ích của người Mỹ. Cả ông Bush và ông Obama đều không tận dụng những hoàn cảnh tương tự. Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ vừa ra tay.
Tháng 9/2019, Mỹ lần đầu là một quốc gia xuất siêu dầu kể từ những năm 1940. Giá dầu tăng trở thành một trạng thái tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Sự thay đổi này khiến Iran không thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ bằng cú sốc giá dầu kéo dài.
Lần đầu tiên trong lịch sử của Cộng hòa Hồi giáo, việc làm gián đoạn dòng chảy dầu ra khỏi Trung Đông không gây thiệt hại cho các điều kiện kinh tế vĩ mô ở Mỹ.
Mỹ không còn sợ cú sốc giá dầu - vũ khí yêu thích của Iran. Ảnh: ABC News.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng từ bên ngoài "tương đương chiến tranh", nhấn mạnh rằng sự đảm bảo của dòng chảy dầu là "lợi ích của Mỹ ở Trung Đông".
Nhưng chỉ một vài tháng trước, ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên có cơ hội xây dựng một chính sách đối ngoại ở Trung Đông mà không gây ra bất cứ mối nguy hiểm nào cho nền kinh tế Mỹ. "Đó là một bước tiến đáng hoan nghênh", tờ Foreign Policy viết.
Tháng 9/2019, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia khiến giá dầu tăng vọt. Các quan chức Mỹ quy trách nhiệm cho Iran về cuộc tấn công này. "Bởi vì chúng ta đã làm rất tốt với năng lượng trong vài năm qua. Chúng ta là quốc gia xuất siêu năng lượng. Chúng ta không cần dầu từ Trung Đông", tổng thống Mỹ đăng tweet.
Kinh tế Iran bất ổn
Tuy nhiên, tại Iran, các lệnh trừng phạt đã cho thấy tác dụng ngược. Giới chức trách phải đối mặt nhiều ràng buộc và đánh đổi hơn so với những người tiền nhiệm trước các cuộc tấn công từ phía Mỹ.
Hiện nay, các hành động trả đũa của Iran sẽ phải trả giá đắt vì gia tăng lạm phát vốn đã gây nên tình trạng bất ổn trong nước.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sản lượng kinh tế của Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm 2019. Sự thiếu hụt đồng ngoại tệ cũng làm hạn chế khả năng của chính quyền nước này trong các hoạt động ở nước ngoài.
Tehran sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ cho kế hoạch trả thù Mỹ mà không hy sinh những lợi ích khác.
Iran sẽ gặp khó trong việc tài trợ cho kế hoạch trả thù cho cái chết của tướng Soleimani. Ảnh: Bloomberg.
Sự thiếu hụt bất cứ mặt hàng nào ở thị trường trong nước cũng đẩy giá tăng cao. Vậy nên sự thiếu hụt đồng ngoại tệ tại Iran cũng khiến giá của ngoại tệ tăng cao so với đồng nội tệ. Người tiêu dùng vì thế phải trả giá đắt hơn cho những sản phẩm nhập khẩu, dẫn đến lạm phát tăng cao.
Mùa hè năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo quyết định về lệnh trừng phạt vào tháng 11/2018. Thông báo này khiến đồng tiền Iran sụt giá.
Trong năm 2016, trước khi ông Trump đắc cử và thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn hiệu lực, 1 đồng USD đổi khoảng 34.000 đến 37.000 rial.
Đến mùa xuân năm 2018, khi các tin đồn về lệnh trừng phạt bùng nổ, đồng rial bắt đầu trượt giá. Đến cuối tháng 8, 1 đồng USD đổi khoảng 110.000 rial, đồng tiền Iran mất giá khoảng 300%.
Sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng vào tháng 11/2018, tỷ giá dao động trong khoảng 110.000 rial đến 150.000 rial đổi 1 USD.
Đồng rial mất giá dẫn đến lạm phát tăng cao. Ảnh: Press TV.
Lạm phát tăng vọt khi tỷ giá sụp đổ bất chấp mọi nỗ lực che giấu của Tehran. Ngân hàng trung ương nước này đã ngừng báo cáo dữ liệu lạm phát công khai vào năm 2018. Vào lần công bố cuối cùng, tỷ lệ lạm phát tăng vọt hơn 200% trong vòng 6 tháng.
Trung tâm Thống kê Iran ước tính lạm phát tiêu dùng hàng năm xấp xỉ 40% trong tháng 12/2019. Trong danh mục bao gồm thực phẩm, tỷ lệ này là hơn 50%.
Tiến thoái lưỡng nan
Lạm phát cùng tình trạng bất ổn khiến người dân Iran tràn ra đường. Những người biểu tình đốt hàng trăm ngân hàng ở Iran, chính phủ cũng phản ứng dữ dội làm 1.500 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Điều kiện kinh tế hiện tại buộc các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo phải lựa chọn giữa bạo lực ở nước ngoài và an ninh trong nước. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, người dân chỉ càng thêm bất mãn. Điều này đe dọa đến tương lai của chế độ.
Tuy nhiên, bất cứ hành động trả đũa nào cho cái chết của tướng Soleimani cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ngoại hối của Iran.
Trả đũa thông qua các cuộc khủng bố ở nước thứ ba hoặc leo thang bạo lực qua đại diện nước ngoài đều cần chi tiêu ngoại tệ.
Thêm vào đó, bạo lực diễn ra ở nước ngoài cũng gây tác động lên ngoại tệ, cụ thể là đồng tiền châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc - những quốc gia được tiếp tục mua bán với Iran sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Các lựa chọn trả đũa của Iran không chỉ bị giới hạn bởi lạm phát. Báo cáo vào tháng 2/2019 chỉ ra khoản thâm hụt ngân sách trung ương là 10,7 tỷ USD. Hồi tháng 11/2019, chính phủ thừa nhận con số này đã lên đến 30 tỷ USD.
Không giống các quốc gia khác, Iran không thể chuyển sang thị trường trái phiếu quốc tế bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thêm vào đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng không có nguồn thu để tài trợ cho kế hoạch trả đũa Mỹ. Tổ chức này có cơ cấu kinh tế giống mafia, chủ yếu thu lợi từ buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác.
3 tổng thống Mỹ cùng nhắm đến tướng Iran nhưng chỉ một người trong số họ "bóp cò". "Ông ấy đã đưa ra một câu trả lời khác. Vì sao? Đó là yếu tố kinh tế", Foreign Policy khẳng định.
Phương Thảo
Theo news.zing.vn
Ông Biden: Sẽ đưa ông Obama vào Tòa án Tối cao, nếu thắng cử Ông Biden nói sẽ đưa ông Obama vào Tòa án Tối cao nếu ông thắng cử tổng thống 2020, nhưng ông Obama chưa bao giờ công khai nói mình muốn làm trong tòa án. Ông Joe Biden - cựu Phó Tổng thống Mỹ vừa nói rằng nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ông sẽ không ngần ngại đưa...