Ông Trump đang dùng chiến thuật gì đối phó Iran?
Nếu cuộc khẩu chiến hiện tại giữa Iran và Mỹ có mang âm hưởng từ năm 2017, thì là bởi Washington đang sử dụng chiến lược tương tự khi đó.
Chính quyền Trump đang sử dụng chiến dịch “sức ép tối đa” – cùng kiểu chiến thuật đã sử dụng với Bình Nhưỡng : Dồn đối phương vào chân tường rồi tìm cách đàm phán. Đáp trả một mối đe dọa bằng cách leo thang chính đe dọa của mình, sau đó đàm phán để xuống thang căng thẳng và tuyên bố chiến thắng.
Ảnh: Business Insider
Theo CNN, trong trường hợp Triều Tiên, chính tối hậu thư “lửa và cơn thịnh nộ” của Tổng thống Donald Trump đã đẩy căng thẳng lên cao. “Triều Tiên tốt nhất không có thêm đe dọa nào với Mỹ nữa. Họ sẽ bị đáp trả bằng lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến…”, ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter.
Đe dọa nhằm vào Iran giờ đây cũng xuất hiện theo cách thức tương tự trên Twitter: “Nếu Iran muốn chiến tranh thì đó sẽ là kết thúc chính thức đối với Iran. Đừng bao giờ dọa Mỹ nữa”, ông Trump viết.
Van Jackson – cựu quan chức Bộ Quốc phòng thời Barack Obama và là tác giả của cuốn “Bên bờ vực: Trump, Kim, và mối đe dọa Chiến tranh Hạt nhân” – nói với CNN rằng ông Donald Trump “đang đánh cược với các mối đe dọa lớn nhằm vào Triều Tiên, đến nay ông vẫn chưa phải trả giá, và ông nghĩ mình là một tay chơi bạc giỏi”.
Video đang HOT
Van Jackson nhận định thêm, với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, ông Trump đã tiến sát chưa từng có đến chiến tranh hạt nhân kể từ năm 1962 và những sai lầm liên tục đã suýt dẫn tới thảm họa năm 2017.
Khi xuất hiện trước máy quay, Tổng thống Trump dùng giọng điệu dịu bớt hơn trong cuộc phỏng vấn của Fox News phát sóng ngày 19/5. “Tôi chỉ không muốn họ có vũ khí hạt nhân, và họ không thể dọa chúng ta”, ông Trump nói về Iran.
“Với mọi thứ đang diễn ra hiện nay, và tôi không phải người tin rằng – bạn biết đấy, tôi không phải người muốn lao vào chiến tranh, bởi chiến tranh gây tổn hại cho các nền kinh tế, và quan trọng nhất là chiến tranh giết chết con người”.
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei luôn phủ nhận Iran đang chế bom, nói rằng đạo Hồi cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tổng thống Trump còn nhắc đến Triều Tiên như một chiến thắng ngoại giao. Ông nói rằng đã có những vụ thử hạt nhân, có những tên lửa được phóng đi và “chúng ta đã có một khoảng thời gian rất khó khăn, và sau đó chúng ta đã thích nghi. Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra ngay bây giờ”.
Vấn đề là hiện nay chiến lược Triều Tiên của ông Trump vẫn chưa rõ có mang lại kết quả hay không. Mọi dấu hiệu hiện nay cho thấy tình hình không mấy tốt đẹp.
Giáo sư Vipin Narang, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định chiến lược của Tổng thống dường như là gia tăng căng thẳng và sức ép lên Iran, để họ phải đàm phán lại về JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran), mà ông tin là có nhiều lỗ hổng.
Ông Trump chính thức từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, khiến nước Cộng hòa Hồi giáo cùng các bên tham gia ký kết rất thất vọng.
“Thật nguy hiểm khi dùng chiến thuật tương tự với Iran dựa trên niềm tin sai lầm rằng nó đã hiệu quả với Triều Tiên, trong khi bằng chứng vẫn chưa rõ ràng, nếu không muốn nói là mâu thuẫn”, giáo sư Narang nói thêm.
Thanh Hảo
Theo VNN
Zelensky vừa nhậm chức đã phải đối phó cú đòn của Putin
Tổng thống đắc cử Ucraine Volodimyr Zelensky chưa chính thức nhậm chức thì đã phải đối phó cú đòn của tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống đắc cử Ukraine Zelensky.
Ông Putin không chúc mừng ông Zelensky đã được bầu làm tổng thống mới của Ukraine mà ra sắc lệnh tạo điều kiện thuận lợi và xử lý nhanh việc người dân Ukraine ở những vùng lãnh thổ ly khai chính phủ Ukraine nhận hộ chiếu Nga, tức là được coi như công dân Nga, có quốc tịch Nga và được nhà nước Nga bảo hộ mọi quyền công dân. Sắc lệnh này của ông Putin còn áp dụng cho cả những người Ucraine hiện đang sống và làm việc ở Nga. Ông Putin còn đo xa hơn cả như thế khi ngỏ ý rằng nước Nga sẵn sàng cho tất cả hơn 40 triệu người Ukraine nhập quốc tịch Nga. Ông Zelensky đáp trả bằng ý định sẽ cho phép công dân Nga dễ dàng nhập quốc tịch Ukraine. Trên danh nghĩa và về chính trị, như thế là có đo có lại và ăn miếng trả miếng, là ngang bằng và người sao ta vậy. Trên thực tế đâu có mấy người Nga xin nhập quốc tịch Ucraine trong khi sẽ có nhiều triệu người Ukraine muốn nhập quốc tịch Nga.
Báo chí Phương Tây cho rằng ông Putin tung ra chiêu thức này để nhằm giải quyết vấn đề suy giảm dân số hiện tại ở Nga. Có thể như vậy nhưng cũng có thể không hẳn như vậy. Điều chắc chắn là nếu có như vậy thì đấy không phải là mục đích hàng đầu của ông Putin. Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine mà kết quả của mọi cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông Selensky sẽ đánh bại tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko - người luôn coi Nga như kẻ thù không đội trời chung của Ukraine -, Nga đã tung đòn ngừng cung ứng dầu và sản phẩm từ dầu cho Ukraine từ đầu tháng 6 này, tức là làm cho Ukraine bị thiếu hụt ngay 40% khối lượng cung ứng để đáp ứng nhu cầu. Ông Putin không chúc mừng ông Zelensky đắc cử tổng thống và giờ kích hoạt cái gọi là "cuộc chiến hộ chiếu" hay nói cho văn vẻ hơn là chơi "ngoại giao hộ chiếu".
Cái hiểm ở đây là hệ luỵ và tiền lệ. Một khi Nga đã cấp hộ chiếu cho người Ukraine ở Ukraine thì những người này đồng thời là công dân Nga và Nga có trách nhiệm bảo hộ. Phương Tây và phía Ukraine lo ngại rằng ông Putin ban hành sắc lệnh này để khi cần sẽ có cớ chính thức can thiệp chính trị cũng như quân sự vào Ukraine bởi chỉ cần những công dân mới này "kêu cứu" thì phía Nga có lý do chính đáng và hợp pháp để hành động mà các đối tác bên ngoài không thể phê trách gì được. Phương Tây và phía Ukraine có lý do để lo ngại vì đã có tiền lệ là Nga đã cấp hộ chiếu Nga cho những người ở vùng Nam Ossetia và Abkhazia ly khai Grudia và năm 2008 đã dùng chính lý do ấy để can thiệp quân sự vào hai khu vực lãnh thổ này.
Không có gì là khó hiểu khi Nga không muốn ông Poroshenko tiếp tục cầm quyền ở Ukraine. Nhưng Nga thừa hiểu là ông Zelensky cũng không thân thiện với Nga, có thể sẽ xử lý khác người tiền nhiệm chuyện quan hệ của Ukraine với Nga, nhưng chắc chắn cũng lại cứng rắn với Nga. Ở ông Poroshenko, Nga có thể dự liệu được người này sẽ hành xử như thế nào trong khi ở ông Zelensky Nga không thể biết người này ngày mai sẽ hành xử như thế nào trong quan hệ của Ucraine với Nga và trong mọi chuyện có liên quan đến lợi ích của Nga.
Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc chiến hộ chiếu giữa Nga và Ukraine phản ánh ông Putin không thật sự tin tưởng rằng mối quan hệ song phương này sẽ được cải thiện ở thời Ukraine có tổng thống mới. Nó cho thấy phía Nga tiếp tục gia tăng áp lực và gây khó cho chính quyền Ukraine. Nó phục vụ cho mưu tính của Nga là tạo thế và tăng thế trong quan hệ với Ukraine để nếu rồi đây có đối thoại trực tiếp với Ucraine thì cũng ở trên thế mạnh hay như nếu tiếp tục khuôn khổ đàm phán 4 bên ở Minsk (Belarus) thì cũng ở thế có lợi nhất cho Nga.
Qua đó cũng còn có thể thấy là Nga hiện không sốt ruột hay vội vàng với việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Ukraine. Một khi đã chấp nhận và có đối sách thích ứng với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU thì Nga không có nhu cầu cấp thiết về giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Ucraine. Những vấn đề này càng dai dẳng thì trong thực chất càng thêm bất lợi cho EU, Nato và chính quyền ở Ukraine chứ không phải cho Nga.
Các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ liệu có thành công? Mục tiêu đưa xuất khẩu dầu Iran về 0 với hàng loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể thành công hay chỉ khiến khu vực gia tăng khủng hoảng địa chính trị? Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, kinh tế Iran đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt...