“Ông trùm” và luật ngầm của giới siêu trộm Hà thành P1
Theo đúng những gì Khánh “khai” ở CQĐT, “ thế giới ngầm” ấy được tổ chức một cách bài bản, có đại ca lãnh đạo, có lớp học truyền nghề và cả những luật ngầm.
Chu Xuân Khánh tại cơ quan điều tra.
Mới đây, ngay sau khi báo điểm mặt những siêu trộm Hà Thành, thật bất ngờ, Chu Xuân Khánh (SN 1989), một trong những “Cao thủ” được xếp vào TOP đầu bảng vẫn tiếp tục hành nghề và bị Tổ số 1, thuộc tổ công tác đặc biệt 142/CATP Hà Nội tóm gọn khi đang “ăn hàng” trên xe buýt.
Tuy nhiên, điều khiến phóng viên ngạc nhiên không phải sự “liều lĩnh” của cao thủ “hai ngón” mà bởi những hé lộ của Khánh về thế giới ngầm trong giới siêu trộm Hà Thành. Theo đúng những gì Khánh khai ở CQĐT, “thế giới ngầm” ấy được tổ chức một cách bài bản, có đại ca lãnh đạo, có lớp học truyền nghề và cả những luật ngầm khiến bất kỳ “anh hùng hảo hán” nào trong giới cũng phải run lên bần bật khi nhắc đến.
Khánh quê ở xã Đồng Tâm, Ứng Hòa, Hà Nội, một làng quê bình dị mà người dân lâu nay quen với cây lúa, củ khoai. Hắn có một hoàn cảnh “khá đặc biệt”. Từ khi còn nhỏ, không hiểu lý do gì, bố mẹ Khánh đã bỏ nhau, rồi cả hai bỏ luôn đứa con bé dại cho ông bà ngoại nuôi nấng. Lớn lên trong môi trường thiếu sự dạy dỗ, chăm bẵm của bố mẹ, Khánh học hành dang dở. Không có học vấn, chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, Khánh bỏ quê ra Hà thành phồn hoa đô hội kiếm sống.
Những ngày đầu, hắn vật vờ, lang thang ở trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy. Sau đó, không biết “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào, hắn rơi vào tầm ngắm của một “đại ca lãnh đạo”, một cao thủ “hai ngón” chuyên nghiệp ở thủ đô, được gọi một cách vừa giản dị, vừa kỳ quặc là “anh Chuồn”.
Khánh bảo, sở dĩ gọi là “anh Chuồn”, bởi vì đó là người cao thủ nhất, sư phụ của tất cả các cao thủ khác trong giới ở thành phố Hà Nội. Và cũng bởi vì, khi ra tay, Chuồn là người vô cùng chuyên nghiệp, dứt khoát và nhanh như cắt, nên tài năng của hắn làm anh em vô cùng nể phục.
“Anh Chuồn” không những cho Khánh cơm ăn, áo mặc mà còn “truyền nghề” cho Khánh. Ban đầu, Khánh phải theo Chuồn và hơn chục đàn anh trong vòng 1 tháng để quan sát, học hỏi các mánh khóe. Với tố chất nghề nghiệp sẵn có, chẳng bao lâu sau khi “hạ sơn”, Khánh được “anh Chuồn” tin tưởng, giao cho vị trí phó soái, thay mặt hắn điều chuyển, phân bổ anh em mỗi khi tên này vắng mặt.
Trong lớp học truyền nghề của sư phụ Chuồn, các siêu trộm đã được học khá kỹ về giá trị các loại điện thoại, máy ảnh …. cho nên, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị bắt, hiếm khi các siêu trộm dám “chôm” đồ đắt tiền. Với sự bài bản ấy, chẳng mấy khi các siêu trộm bị bắt quả tang và dù có bắt được thì hiếm khi bị phạt án tù là vì thế.
Video đang HOT
Khánh kể rằng, Chuồn là người “kỹ nghề” và vô cùng cẩn thận. Trước khi cho anh em ra quân, hắn cho quân của mình dò la, thám thính các địa điểm hoạt động. Ban đầu, các siêu trộm được tung đến các địa bàn chỉ để quan sát, phát hiện ra các trinh sát hình sự. Những ai chờ xe mà nhiều tuyến xe đi tới vẫn không lên xe thường được đưa vào diện khả nghi.
Sau đó, Khánh có nhiệm vụ chụp lại hình ảnh địa bàn, mang về “đại bản doanh” giảng giải, phân tích từng bức ảnh về đặc điểm địa bàn và nhận diện trinh sát hình sự. Chính nhờ sự chuyên nghiệp này, mà các đàn em của Chuồn chẳng mấy khi bị “tóm”.
Điểm dừng xe bus là địa bàn hoạt động quen thuộc của các siêu trộm.
Thông thường, lúc hành sự, nhóm siêu trộm liên thủ với nhau rất chặt chẽ. Một người “chôm đồ”, rồi ngay lập tức “tuồn” cho đồng nghiệp. Đến điểm xe bus gần nhất, tất cả cùng xuống xe.
Theo “luật”, mỗi lần “ăn” được hàng, Khánh và các anh em khác được Chuồn cắt lại 30% giá trị để thưởng. Tuy “làm nhiều, hưởng ít” nhưng không ai trong “đám anh hùng” ấy dám qua mặt Chuồn.
Đặc biệt, khi bị công an “tóm”, bằng mọi giá, không bao giờ họ dám hé răng khai ra Chuồn đích thị là ai? Sống ở đâu? Chỉ biết rằng, theo lời Khánh nói “nếu em khai ra, em chỉ có nước chết”.
Trong hơn 1 ngày làm việc với Khánh, điều khiến phóng viên cảm thấy day dứt, băn khoăn nhất không phải ở câu chuyện đầy màu sắc huyền bí, ” xã hội đen” mà hắn khai ra. Mà chính ở hình ảnh người vợ có khuôn mặt thanh tú, dáng hình mảnh mai của hắn ở trước cửa cơ quan CSĐT. Bước chân tới cơ quan công an, ánh mắt cô hoảng hốt, miệng lắp bắp không nói nên lời.
Người vợ trẻ cứ lặng lẽ tay cầm bánh mỳ, tay kia cầm nước mang đến cho chồng. Nhưng khi biết chồng bị bắt vì tội trộm cắp, ánh mắt cô đờ đẫn, miệng lắp bắp không nói nên lời. Dáng đứng chơ vơ, lạc lõng ấy cùng với những giọt nước mắt lã chã trên khuôn mặt xinh đẹp có lẽ là điều khó quên nhất của Khánh trong quãng thời gian cải tạo sắp tới.
Theo xahoi
Kẻ giang hồ mê truyện chưởng Kim Dung
Hắn bảo sống bằng nghề "đao kiếm", đôi khi đi đòi nợ giúp chẳng phải vì tiền mà chỉ vì nể hoặc vì ganh đua, khẳng định tên tuổi, "số má" trong thế giới ngầm.
Hắn là Quách Anh Văn (30 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), kẻ bị bắt vì dùng súng hoa cải "giải quyết nợ nần" vào đêm 16/4 trên phố Tô Tiền, Đống Đa.
Từ nhỏ, Văn đã thích dạt nhà đi bụi, giao du với đám bạn du thủ du thực. Lời bố mẹ răn, hắn nghe như gió thổi ngoài sông. Mẹ mang trọng bệnh, nghĩ chả sống được với "thằng Văn oặt ẹo" kia được bao lâu nên dồn hết tình thương cho gã. Nhờ thế, Văn có tiếng là được cưng chiều.
Văn tại cơ quan điều tra. Ảnh: An ninh thủ đô
Càng lớn, máu giang hồ càng ngấm vào hắn. Văn thần tượng những nhân vật anh hùng trong truyện chưởng Kim Dung. Năm 2007, đang khi "bám mặt vào đường, rịt tay vô lăng" để mưu sinh, hắn đã đứng ra giúp một "thằng em xã hội" đi đòi nợ mấy triệu đồng của Nguyễn Văn Quyết, sinh viên Đại học Công nghiệp HN. Đòi mãi không được, hắn bắt giữ Quyết và yêu cầu gọi điện báo cho gia đình mang tiền xuống trả. Trong khi chờ đợi, ngồi buồn, hắn "tẩm quất" anh Quyết một trận.
Văn bảo, những kẻ giang hồ như hắn, sống bằng nghề "đao kiếm", đôi khi đi đòi nợ giúp chả phải vì tiền. Đơn giản, bọn hắn làm mọi việc chỉ vì nể hoặc vì ganh đua, khẳng định tên tuổi, "số má" trong "thế giới ngầm".
Và hắn, lúc bấy giờ mới tấp tễnh giang hồ, đang cố tạo lập danh tiếng, không giúp "thằng em" thì "mất mặt", "nó lại bảo mình xoắn". Chỉ nghĩ được đến thế, cũng chả cần biết có vi phạm pháp luật hay không, hắn ra tay. Sau lần nổi máu "yêng hùng" đó, hắn bị TAND huyện Từ Liêm xử 45 tháng tù về các tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cướp tài sản.
Những ngày hắn sống ở trại giam, thỉnh thoảng cha mẹ hắn lại chắt bóp tiền bạc, lặn lội vào tận Nghệ An thăm nuôi, động viên mong hoàn lương. Văn cũng từng nghĩ ra trại sẽ rũ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời, sẽ tiếp tục làm công việc lái xe như khi chưa "nhập trại".
Năm 2010, khi hắn ra tù, cha mẹ lo hắn không công ăn việc làm ổn định, lại sinh lêu lổng đã đưa mấy chục triệu lấy vốn làm ăn, những mong "hồi tâm, chuyển ý", còn lấy vợ sinh con. Ban đầu, hắn cũng định học nghề ảnh rồi sau đó, nếu có lấy vợ thì mở một cửa hàng cho thuê áo cưới, chụp ảnh cô dâu. Nhưng khi còn đang bị bủa vây bởi những dự định, toan tính làm ăn, số tiền trong túi hắn vơi dần. Lúc đó, hắn phải viện nhờ đến sự giúp đỡ của một số "đàn anh". Trong số đó, hắn "cảm" nhất Nguyễn Tuấn Anh, chủ nhà nghỉ trên phố Tây Sơn.
Số hung khí thu sau cuộc hỗn chiến tại ngõ Tô Tiền.
Nguyễn Tuấn Anh có bà cô họ tên Trần Thị Lan làm nghề kinh doanh khách sạn. Trong quá trình giao dịch làm ăn, bà Lan có mâu thuẫn chuyện tiền bạc với chị Phạm Thị Thu Trang (28 tuổi, ở ngõ Tô Tiền). Hai bên lời qua tiếng lại đã nhiều, không giải quyết được bằng lời, họ cậy nhờ đến xã hội đen.
Bà Lan nhờ Tuấn Anh, Tuấn Anh lại nhờ Quách Anh Văn, còn phía chị Trang cũng nhờ anh trai là Phạm Ngọc Toản làm "đại diện" cho mình "đàm phán". Giang hồ gặp nhau, mỗi bên có đến hàng chục người, toàn những gương mặt "máu lạnh", chẳng bên nào chịu nhún nhường. Chúng hẹn "quyết chiến" tại ngõ Tô Tiền.
Đêm 16/4, trước khi "lâm trận", Văn dặn đám đệ tử là Đỗ Đức Lân và Trần Mạnh Linh mang theo "hàng nóng". Vừa vào trận, hắn bị đối phương tấn công dồn dập nên rơi vũ khí. Trong lúc cấp bách, "đồng đội" lại chưa đến kịp để tiếp ứng, hắn rút khẩu súng hoa cải được "hóa trang" trong chiếc túi đựng vợt ra bóp cò. Thấy đối phương tháo chạy, hắn cùng đám đàn em (vừa đến kịp) truy sát nhưng không thành.
Xong việc, hắn cất giấu vũ khí, về nhà nghỉ của Nguyễn Tuấn Anh để ngủ, và cũng là để "báo công". Sau đó, hắn và Trần Mạnh Linh bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, còn Đỗ Đức Lân và những người liên quan đang bỏ trốn...
Giờ đây, ngồi trong buồng giam, Văn thấm thía cái giá phải trả của "nghĩa khí giang hồ" mà rất nhiều những kẻ như hắn bám vào. Nhắc đến cha mẹ, hắn khóc. Con người ta, dù là những kẻ "rạch giời rơi xuống", hay tội phạm vô luân tàn độc nhất thì khi chạm tới một góc nào đó trong tâm hồn mà họ dành cho gia đình, người thân cũng khó tránh khỏi rưng rưng.
Hy vọng thẳm sâu trong con người hắn còn một chút gì đó gọi là lương tri, để giúp thức tỉnh tu tâm sám hối. Như thế, hắn còn có cơ hội được trở với cuộc sống đời thường, được phụng dưỡng cha già, mẹ yếu. Và cũng mong, những kẻ giang hồ như hắn, hãy buông "đao kiếm" quay đầu về nẻo thiện. Được như thế, xã hội mới vơi đi nhiều những nỗi đau.
Theo VNE
Nghi can bắn vỡ tim hai thanh niên đầu thú Nguyễn Văn Tùng, (biệt danh Tùng "lốp", trú tại khu dân cư Vinh Quang, thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh) là một trong 6 kẻ liên quan đến vụ nổ súng bắn vỡ tim hai thanh niên, đã ra đầu thú. Trước đó, cơ quan công an Quảng Ninh đã truy nã Tùng vì cùng đồng bọn dùng súng bắn đạn ghém bắn...