Ông trùm nuôi dế và giấc mơ “bột dế Việt Nam”
Từ một thợ sửa xe máy kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng chạy gạo từng bữa, từ khi “bén duyên” với con dế, anh Út Dũng (Trương Thanh Dũng, ở xã Trung Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) kiếm tiền tỷ mỗi năm. Và bây giờ anh đang ấp ủ kế hoạch “bột dế” Việt Nam.
Khởi nghiệp từ ổ trứng dế
Trong phút chốc, mặt bàn đá dưới tán cây vú sữa ở sân trước nhà anh Út Dũng đã bày một mâm đủ thứ côn trùng thuộc loại “ông nuốt bà khen” của giới mày râu, như: Bò cạp, rết, sâu… và chẳng thể thiếu món đặc sản dế xào mặn của chị Út (vợ anh).
Anh Út Dũng (phải) bán dế sống cho một khách hàng về nhà nuôi chim. Ảnh: Q.H
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính côn trùng sẽ là một phần trong chế độ dinh dưỡng của ít nhất 2 tỷ người khắp thế giới, dù đó là món sâu bướm rán ở Tanzania, châu chấu nướng ớt ở Mexico, bọ nước khổng lồ giòn tan ở Thái Lan, hay dế xào mặn của Việt Nam… Charles Wilson – một vận động viên thể hình (Mỹ) đã lập công ty sản xuất bột dế để cung cấp protein cho con người.
Gắp con dế xào mặn bụng đầy ắp trứng bỏ vào chén mời tôi nếm thử, anh Dũng không quên tiếp thị: “Thử đi, ngon quên đường về luôn”. Nhấm nháp con dế trứng béo, ngọt, thơm lừng, giòn tan tôi mới giải tỏa thắc mắc vì sao gần đây dân Đức Hòa đưa món dế vào các buổi tiệc, giỗ chạp. Đây cũng là lý do mỗi tháng 6 tấn dế thịt nhà anh Út nhảy lên bàn ăn.
Mà cuộc đời anh Út gắn với con dế cũng khá buồn cười – như anh thổ lộ. Cày cục với con lợn, con gà, thậm chí nhảy qua nghề sửa xe mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Tình cờ, đọc báo thấy “nêu gương điển hình” nông dân nuôi dế, anh cười ngất: “Đời thuở ai nuôi con dế chỉ biết gáy te te, ai ăn, bán ở đâu?”. Tối nằm gác tay lên trán thấy đang bí đường làm ăn, bỗng gặp con dế như một lời giải hiệu nghiệm. Thế là, sáng ra anh Út lật đật chạy qua Củ Chi (TP.HCM) mới tá hỏa người ta đầu tư cả tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi dế. “Nhìn cơ ngơi trại dế, tôi mới biết họ làm thiệt, con dế kiếm ăn được chứ không phải làm chơi như tui nghĩ” – anh Út bộc bạch.
Mua ổ trứng dế giá 80.000 đồng, anh Út quay về khởi nghiệp. Cái chuồng nuôi lợn nái rộng chục mét vuông được anh cải tạo thành trại nuôi dế. Không có tiền mua thùng nhựa làm ổ dế, anh chuốt tre tầm vông đan thành sọt lót nhựa mà nuôi. “Dế dễ nuôi lắm, chẳng bao giờ bệnh, cho cái gì cũng ăn. Từ khi mới nở cho đến 20 ngày gần như nó chẳng ăn gì, nhưng từ ngày thứ 20 đến 30 (ngày thu hoạch) nó ăn dữ lắm” – anh Út cho biết.
Để tìm thức ăn cho dế, anh Út tận dụng các phế phẩm nông nghiệp từ các chợ đầu mối, xí nghiệp, thậm chí trên đồng ruộng, như: Các loại rau, củ, cám, bã bia, bã mì…
Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nuôi dế thành công, anh Út không biết đem bán cho ai. “Tôi loay hoay mãi, bí bách vô cùng khi nhìn thấy sản phẩm mà không biết nơi tiêu thụ”-anh Út cho biết. Nhờ một người mách, anh in danh thiếp rồi tiếp cận các khu giải trí câu cá, chợ chim cảnh tại TP.HCM để tiếp thị. “Trời không phụ lòng người có công, số lượng đặt hàng ngày càng tăng, cho đến lúc tôi không đủ cung cấp”-anh Út cười nói.
Không đủ hàng cung cấp nhu cầu thị trường cho dù có lúc anh có đến 2 trại nuôi dế (mỗi trại rộng hàng trăm m2), anh Út quay sang mở vệ tinh nuôi dế gia công và thu mua dế. Hiện, anh có đến 5 trại dế vệ tinh cung cấp hàng ngày cho anh. Từ chỗ chỉ chuyên cung cấp sản phẩm thịt dế thô cho thị trường, giờ anh Út còn mở cơ sở chế biến côn trùng và đóng hộp thịt dế. Chưa hết, anh còn liên kết với một doanh nghiệp ở Đà Lạt thử nghiệm sản phẩm “dế Snack” đưa vào hệ thống siêu thị.
Ngày khởi nghiệp nuôi dế anh chỉ ao ước nuôi thành công. Khi nuôi thành công anh chỉ mong mỗi tháng có 300kg dế thịt để bán mà trang trải sinh hoạt gia đình. Giờ mỗi tháng anh bán đến 6 tấn dế thịt. Chưa dừng lại đó, sắp tới anh có kế hoạch tăng lên hàng chục nghìn tấn dế thịt/năm cung cấp cho thị trường. Đặc biệt hơn là kế hoạch xây dựng xưởng sản xuất “bột dế” cung cấp protein cho con người.
“Bột dế” Việt Nam…
Video đang HOT
Đặc sản dế xào mặn của Trại dế Trương Thanh Dũng. Ảnh: Q.H
Nuôi dế cho siêu lợi nhuận. Tôi tính chi phí để sản xuất 1kg thịt dế chỉ khoảng 30.000 đồng, nhưng hiện tôi bán ra 100.000 đồng/kg dế thịt, 200.000 đồng kg dế trứng. Hiện, mỗi năm lợi nhuận tôi thu về từ con dế khoảng 1 tỷ đồng”. Anh Trương Thanh Dũng
Nhấm nháp ly bia và con dế trứng xào mặn béo ngậy trong tiết xuân đầu năm, thật như anh Út nói “quên mất đường về”. Anh Út cho biết, đợt Tết Nguyên đán, anh bán hết vèo 3 tấn dế trứng chỉ loanh quanh khu vực huyện Đức Hòa. Dế trứng đã trở thành quà biếu tết, là món nhậu khoái khẩu không thể thiếu trong dịp tết ở đây.
Suốt buổi nói chuyện mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ xoay quanh con dế. Đôi lúc anh ôm vai tôi rồi tâm sự chỉ muốn phát triển thêm để tìm kiếm lợi nhuận từ con vật này: “Tôi ấp ủ dữ lắm với con dế. Vừa rồi một doanh nghiệp nước ngoài có đến đặt vấn đề làm bột dế cung cấp protein cho con người. Bước đầu chúng tôi đã thống nhất sơ khởi với nhau một số vấn đề”. Theo anh Út, anh cảm nhận được cơ hội kinh doanh từ thực phẩm này. Qua trao đổi, doanh nghiệp này cần mỗi tháng 300 tấn bột dế. Anh Út tính, để có 300kg bột dế cần 1.000 tấn dế tươi, đồng nghĩa với việc phải có khoảng 30ha để nuôi dế. “Tôi nghĩ đất không phải là vấn đề, nông dân ở đây còn đất khá nhiều. Vấn đề là tiền đầu tư trang trại nuôi dế. Tôi tính mỗi ha phải đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Và cứ sau mỗi tháng, mỗi ha cho 40 tấn thịt dế”- anh cho biết.
Theo anh Út, kỹ thuật làm bột dế không có gì quá phức tạp. Theo đó, dế sau khi thu hoạch sẽ được làm sạch rồi đưa vào hệ thống sấy khô và tán nhuyễn. “Nhà sản xuất có thể từ bột này ép thành thanh hay đóng hộp rồi cung ứng cho thị trường”-anh Út nói.
Tôi không biết chắc loại thực phẩm này tương lai thành bại thế nào với thị hiếu ẩm thực của con người, nhưng tôi biết chắc anh Út đang mê mẩn lắm. Anh thấy ở đấy một tiềm năng hợp tác làm ăn tốt, một chiều hướng phát triển của nghề nuôi dế và trên hết là việc tìm hướng đi, cải thiện đời sống cho bà con nông dân tham gia.
Lúc chia tay, anh Út bảo, nếu không có gì thay đổi, dự án này có thể sẽ triển khai giữa năm 2017. Đầu năm kỳ vọng cho một dự án khởi nghiệp mới của anh Út và của bà con nông dân để đưa con dế bay cao, bay xa.
Theo Danviet
Thầy giáo trẻ và quyết định "điên khùng", bỏ bục giảng đi nuôi dế
Đang là một thầy giáo trẻ giảng dạy tại trường THPT, tình cờ một lần anh Thắng xem chương trình về kỹ thuật nuôi dế. Từ đó, niềm đam mê nuôi dế làm giàu gắn với cả cuộc đời anh.
Thầy giáo trẻ và quyết định "điên khùng"
Anh Nguyễn Thế Thắng (SN 1979, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) sinh ra tại làng quê nghèo thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Với ước mơ thoát khỏi "lũy tre làng", sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh vào học tại Trường Đại học Vinh khoa Sư phạm Toán.
Tốt nghiệp đại học, anh được nhận vào giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Văn Tố (huyện Diễn Châu). Tưởng rằng, nghiệp thầy giáo sẽ giúp anh thoát nghèo, nhưng thực tế, mức lương giáo viên không đủ giúp anh chi trả cho cuộc sống.
Anh Thắng đang chăm sóc đàn dế nuôi trong những chiếc hộp.
Năm 2008, xem chương trình nuôi dế trên truyền hình, anh Thắng bị ám ảnh và luôn suy nghĩ về nó. "Khi xem xong chưa trình trên tivi, ngày nào ăn, ngủ, dạy tôi đều nghĩ về dế... ", anh kể.
Sau đó, anh quyết định đặt thử giống ở TP.HCM về để nuôi thử nghiệm. Kết quả ban đầu không được như mong đợi vì thời điểm đó, tại Nghệ An chưa có mô hình cũng như cơ sở đào tạo kỹ thuật nuôi loại côn trùng này.
Tuy nhiên, thầy giáo trẻ vẫn ấp ủ giấc mơ nuôi dế. Hàng ngày, anh tìm hiểu tài liệu trên internet, nghiên cứu về đặc tính của dế.
Thức ăn của dế chủ yếu là cám và rau muống.
Các tấm bìa cát-tông đựng trứng được dùng làm nơi ở cho những chú dế.
Năm 2010, anh Thắng quyết định nghỉ dạy, chuyển vào TP. Vinh sinh sống để chuyên tâm vào việc nghiên cứu và nuôi dế. "Lúc đó, nhiều người trong gia đình cho rằng dự định của mình thật điên khùng", anh nói.
Sau thời gian chuyên tâm nghiên cứu, nuôi thử nghiệm, cuối cùng anh Thắng cũng thành công. Anh còn truyền lại kiến thức cho nhiều nông dân muốn nuôi dế.
Năm 2013, anh quyết định học thạc sỹ quản lý kinh tế, đề tài bảo vệ luận văn tốt nghiệp "Dế mèn học". Anh Thắng lý giải, việc đi học là để anh trau dồi thêm kiến thức và dễ dàng truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người hơn.
Hiện anh đã có trong tay một trang trại nuôi dế và các loại côn trùng, cung cấp sản phẩm cho 5 tỉnh miền Trung.
"Vua" côn trùng Thắng "Dế"
Anh Thắng giới thiệu về con tắc kè được nuôi trong trang trại.
Thành công từ việc nuôi dế để cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn TP. Vinh, anh Thắng tiếp tục phát triển thêm nhiều loại côn trùng để làm món ăn lạ khác như: rắn mối, kỳ nhông, bọ cạp, tắc kè,...
Theo anh Thắng, nhờ nuôi dế nên anh rất dễ phát triển các loại côn trùng khác, vì dế lại là thức ăn của chúng.
Hiện tại, trạng trại của Thắng "dế" có nhiều loại côn trùng để chế biến làm món ăn tại các nhà hàng.
Khó khăn lớn nhất, theo anh, là côn trùng chưa phải là món ăn quen thuộc, phổ biến nên việc tiêu thụ còn cầm chừng. Tuy nhiên, anh Thắng vẫn tự tin sẽ tạo nên bước đột phá sớm.
Một lồng nuôi những con tắc kè.
Rắn mối cũng được nuôi trong trang trại môi trường tự nhiên.
Hiện anh Thắng có 176 đại lý phân phối các thương phẩm như dế, rắn mối, tắc kè... Ngoài ra, có 316 thành viên được anh Thắng cung cấp dế để nuôi phát triển khu vực 5 tỉnh miền Trung.
Với thành công không tưởng, anh Thắng được bạn bè đặt cho biệt danh "Vua côn trùng Thắng dế".
Càng ngày thương hiệu Thắng "dế" lại càng được nhiều người biết đến, tìm đến để học tập và đặt hàng. Bằng cách phân phối hàng tươi sống cho các nhà hàng, cung cấp cho các buổi tiệc, đám cưới,... thu nhập từ côn trùng của anh ngày một tăng.
Ngoài ra, cac loai: cào cào, bọ vừng, ve sâu cung đươc anh thu mua về sơ chế và cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu.
Anh Thắng cho biết, mỗi tháng thu nhập của anh dao động từ 25-30 triệu đồng, doanh thu mỗi năm khoảng 900 triệu từ việc phân phối giống dế, chế biến món ăn từ các loại côn trùng.
Với tấm bằng thạc sỹ trong tay, anh Thắng dự định sẽ mở rộng hơn nữa mô hình và đào tạo kỹ thuật nuôi dế, các loại côn trùng khác cho nhiều người nếu có nhu cầu.
Theo Văn Bình (VietNamNet)