Ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” hay “tự thú”?
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã giải thích rõ hơn về việc ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã “tự thú” hay “đầu thú” tại cơ quan điều tra và có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự? Đây là vấn đề đang gây thắc mắc trong dư luận.
Lá đơn của ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngay sau khi bản tin thời sự phát lúc 19h trên kênh VTV1 ngày 3/8 phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – viết “Đơn xin tự thú”, vấn đề này đã gây băn khoăn, thắc mắc trong dư luận. Vì trước đó Bộ Công an đã thông tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra “đầu thú”.
Vậy ông Thanh đã “đầu thú” hay “tự thú” và có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này?
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định, lá đơn của ông Trịnh Xuân Thanh có thể viết như vậy nhưng “đầu thú” hay “tự thú” do cơ quan tiến hành tố tụng xác định.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh từ tháng 9/2016. Đến ngày 31/7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh mới ra trình diện cơ quan điều tra, nên có thể khẳng định rằng ông Thanh thuộc trường hợp ra “đầu thú”, không phải “tự thú”.
“Tự thú” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Còn “đầu thú” không được quy định trong luật nhưng vẫn được giảm nhẹ do trước đây liên ngành tư pháp có văn bản hướng dẫn để vận động người phạm tội ra đầu thú.
“Tự thú có ý nghĩa hơn vì quy định trong luật. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh nếu được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì là dựa trên tình tiết đầu thú thôi, chứ không phải tự thú”- ông Nguyễn Sơn nói.
Ông Trịnh Xuân Thanh trả lời phỏng vấn trên VTV1.
Liên quan đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi ra đầu thú, trao đổi với phóng viên Dân trí trước đó, TS Dương Thanh Biểu- nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho biết pháp luật hiện hành quy định để được giảm án có mấy điều kiện như tự thú, khai báo thành khẩn, chủ động khắc phục hậu quả,…
Video đang HOT
“Thanh là một nhân vật được dư luận quan tâm đặc biệt, vụ việc của Thanh đang được điều tra nên lúc này đặt vấn đề xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm án là quá sớm. Nếu Thanh muốn được xem xét giảm nhẹ thì không có cách nào khác là phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra làm rõ được trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc nghiêm trọng này và chủ động khắc phục hậu quả”- ông Biểu nói.
Trong đơn xin đầu thú của ông Trịnh Xuân Thanh có đoạn: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.
Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.
Trả lời trong phóng sự của VTV1, ông Thanh nói: “Trong quá trình trốn chạy mình cứ nghĩ về việc mình làm, thời điểm đó rất nông nổi, suy nghĩ không chín chắn, quyết định đi trốn. Trong quá trình như thế, mình thấy rằng mình cần phải về để đối diện với sự thật. Cái thứ hai nữa là mình về mình ngẫm lại, nhận thức được, báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình đã động viên mình xin tự thú tại công an”.
Làm rõ tài sản đang được cất giấu ở đâu để kê biên, phong toả
Liên quan đến việc phong toả, kê biên tài sản trong vụ án xảy ra tại PVC, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ chứng cứ buộc tội và xem xét vật chứng liên quan đến tội phạm là tài sản đang ở đâu, gồm những cái gì.
“Cơ quan điều tra phải làm rõ các tài sản này để đảm bảo thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt”- ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, khi toà án thụ lý vụ việc mà thấy kết luận điều tra chưa làm chặt chẽ, chưa đầy đủ thì có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung; nếu thấy tài sản rõ rồi mà chưa bị kê biên, phong toả thì toà án có thể ra quyết định kê biên. “Còn hiện tại, việc xác định tài sản có hay không và đang ở đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra”- ông Sơn nói.
Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) đều bày tỏ thái độ đặc biệt quan tâm tới việc thu hồi tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh và những đồng phạm tại PVC.
Thế Kha
Theo Dantri
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh như vậy
Sau Đại hội Đảng 12, đặc biệt sau hội nghị TƯ 4, những vụ án lớn được đưa ra như vụ Trịnh Xuân Thanh, tập đoàn Dầu khí và mới đây nhất là kỷ luật một loạt cán bộ. Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh và kết quả nhiều như vậy.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, vừa rồi UB Kiểm tra TƯ kỷ luật một loạt cán bộ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, của cấp cao nhất của Đảng từ Tổng bí thư đến Bộ Chính trị. Chính điều này củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Ông cho rằng, tham nhũng không phải sau 1 đêm mới có mà đã có 30-40 năm nay rồi, ít ra từ thời kỳ đổi mới 1986 và chúng ta cũng có gần 100 nghị quyết TƯ đụng đến tham nhũng và tha hóa. QH cũng có nghị quyết, Chính phủ có chương trình hành động về việc này.
"Chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng rõ ràng nhất là sau Đại hội 12, quyết tâm này thể hiện rõ hơn nhiều. Chỉ trong vòng 1 năm đã xử lý hàng chục cán bộ cấp cao liên quan vụ Formosa, Trịnh Xuân Thanh, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một loạt vụ khác như Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa... Tôi thấy cách làm như thế thể hiện sự nghiêm túc, nghiêm minh của Đảng", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Theo ông, cán bộ, đảng viên rất yên tâm, vui mừng trước quyết tâm chính trị của Đảng bằng mọi cách khắc phục, đẩy lùi tham nhũng, quan liêu, tha hóa và việc này được thực hiện có kết quả.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh và kết quả nhiều như vậy", Tướng Cương khẳng định.
Còn sơ hở để nhiều người trốn bằng đường chữa bệnh
Nói về câu hỏi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng mới đây: "Nên chăng cần biện pháp chống hiện tượng sắp xử lại trốn ra nước ngoài, cứ chuẩn bị đưa ra tòa lại cáo ốm, huyết áp cao, rồi bệnh nọ bệnh kia, trì hoãn", Tướng Cương cho rằng đó là thực tiễn có thật.
Trong 3 năm vừa qua, nhiều vụ án có những người chuẩn bị đưa ra xét xử thì vào viện. Có ốm thật, có ốm giả.
Yêu cầu của Tổng bí thư là đúng. Tổng bí thư nêu vấn đề và đặt vấn đề trước thực tế như vậy thì xử lý kiểu gì? Có lẽ cơ quan quản lý nhà nước phải tính khi ai bị khởi tố thì dứt khoát không cho ra nước ngoài, phải có biện pháp giám sát.
Vừa rồi chúng ta sơ hở quá, rất nhiều người trốn chạy bằng con đường đi chữa bệnh. Nhưng cũng không riêng gì ta mà Trung Quốc cũng vậy, 5.000 cán bộ trung cao cấp chạy ra nước ngoài có tội, trong 3 năm trở lại đây có khoảng 2.000 đầu thú chạy về.
Tổng bí thư nêu ra điều này là đặt ra hàng loạt vấn đề cho các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp phải có biện pháp khắc phục.
Thứ nhất, phải giám sát những người có vấn đề bị khởi tố. Thứ 2, cơ quan y tế phải khách quan, người ta khai đau ốm thì phải tổ chức hội đồng y khoa thẩm định.
Tự thực tiễn vừa qua, buộc lòng các cơ quan phải xem lại hoạt động của mình, kể cả bổ sung luật pháp, tổ chức lực lượng.
Nút thắt quan trọng được cởi bỏ
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng từ trước đến nay chúng ta có quy định và đã có thực hiện về công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là đối với tội phạm trốn đi nước ngoài.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Phạm Hải
Tuy nhiên sau vụ Trịnh Xuân Thanh, có thể nói cũng có những sơ hở nhất định trong công tác quản lý cán bộ.
"Đã thấy có những dấu hiệu như thế thì đáng lẽ các cơ quan phải quản lý chặt chẽ hơn nhưng chúng ta lại chưa làm được việc này. Cần phải rút kinh nghiệm", ĐB Nhưỡng lưu ý.
Nói về quy trình tố tụng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trước đây có liên quan đến vấn đề truy nã, và bây giờ liên quan đến vấn đề đầu thú.
"Về khía cạnh luật pháp, đầu thú là một trong những quy trình đã được luật tố tụng quy định rồi. Bây giờ người ta sẽ tiếp nhận việc đầu thú này để thực hiện quá trình điều tra theo đúng quy định của luật tố tụng. Và việc đầu thú được tính như một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của luật tố tụng", ĐB Nhưỡng nói.
Ông cho rằng với sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh, nút thắt quan trọng nhất trong vụ án này sẽ được cởi bỏ.
"Việc đầu thú có thể sẽ là một trong những cơ sở để tháo gỡ một số các nút thắt liên quan đến quá trình điều tra cũng như bản chất vụ việc", ĐB Nhưỡng nói.
Theo P.V (VNN)
Hàng loạt "sếp" công ty vướng vòng lao lý trong vụ án Trịnh Xuân Thanh Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với hàng chục đối tượng. Chuyên án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng... Thuyền trưởng Trịnh Xuân Thanh "chèo lái" PVC ngập trong thua lỗ Liên quan đến vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây...