“Ông Trần Văn Vót nói còn sống ngày nào còn kêu oan ngày đó”
“Người tù Trần Văn Vót liên tục kêu oan trong nhiều năm. Khi gặp tôi, ông đã nói ông là người khổ nhất trong số hơn 90 triệu dân…”, bà Trần Thị Quốc Khánh – Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – chia sẻ.
Thưa bà, bà có thể nói về hoàn cảnh đưa bà vào cuộc vụ án có dấu hiệu oan sai của ông Trần Văn Vót?
- Sau khi tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, có người đã nói cho tôi biết vụ án của ông Trần Văn Vót. Tôi là người rất quan tâm đến đơn thư kiến nghị của người dân, nhất là với những người yếu thế nên đã đồng ý gặp người nhà ông Vót và anh Trần Ngọc Thanh (Hà Nam, người bị kết án cùng ông Vót, nay đã ra tù – PV).
Bà Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: VPQH)
Qua trao đổi, nghiên cứu kỹ hồ sơ, tôi thấy vụ án Trần Văn Vót có vấn đề. Tôi đã đánh dấu những điểm vô lý, có dấu hiệu oan sai trong hồ sơ đó. Sau đó, tôi có liên hệ với người nhà ông Vót thì được biết ông đang bị bệnh nặng, thế nên điều đầu tiên tôi nghĩ tới là cần phải vào ngay trong trại giam để gặp ông. Tôi đã liên hệ và nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, giám thị Trại giam Nam Hà nên đã được gặp ông Vót.
Đó có phải là lần đầu tiên bà vào thăm một người tù có dấu hiệu oan sai?
- Đúng, đây là lần đầu tiên tôi vào trại giam thăm một người tù kêu oan. Sau khi đọc hồ sơ vụ án của ông, tôi rất xúc động. Tôi biết ông Vót đang bị bệnh nặng, tôi nghĩ phải vào trại giam gặp ngay để xem tình hình thế nào, để có kiến nghị gửi đến các cơ quan tố tụng T.Ư một cách kịp thời nhất. Nếu không vào ngay, tôi sợ mọi việc sẽ quá muộn.
Cảm giác của bà thế nào khi tiếp xúc với ông Vót – người tù liên tục kêu oan trong hơn 20 năm qua?
Video đang HOT
- Khi gặp ông Trần Văn Vót, tôi đã bị sốc vì biết ông từng là người lính, có những đóng góp nhất định cho đất nước, nhưng giờ trông tiều tụy quá, mắt thì mờ, tai điếc, đi liêu xiêu. Chính vì bị xúc động mạnh nên khi nói chuyện với ông, những câu hỏi liên quan tới vụ án mà tôi đã chuẩn bị sẵn bỗng dưng trôi đi đâu mất, tôi không thể nhớ nổi nên đành phải hỏi nhiều câu mà chính tôi cũng cảm thấy thật ngô nghê.
Cảm nhận nữa là tôi thấy ông Vót là người bản lĩnh khá vững vàng, có chất của người đã từng khoác áo lính tham gia chiến đấu. Ông cho biết đã ở trong quân ngũ 18 năm, ra quân, trở về địa phương ông làm Bí thư chi bộ xóm nên không bao giờ lại có hành vi phạm tội như bản án đã quy kết.
Qua trò chuyện, tôi thấy ông Vót vẫn tin tưởng vào pháp luật.
Tôi có đặt câu hỏi: “Vụ án của ông đã xảy ra lâu rồi (23 năm), nếu cơ quan chức năng không giải quyết thì sao?”. Ông Vót trả lời: “Tôi vẫn tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng xem xét”. Tôi hỏi tiếp: “ Sức khỏe ông càng ngày càng kém, nếu đề nghị mãi mà không được xem xét thì sao?”. Ông Vót nói còn sống ngày nào thì vẫn phải kêu oan, trường hợp xấu thì phải chịu, bởi không có tội không thể nhận tội được.
Là TS Luật học, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án Trần Văn Vót, bà thấy có sự bất thường gì?
- Tôi đã nghiên cứu rất kỹ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 (áp dụng xử lý vụ án ông Vót) để đối chiếu với toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì thấy có những việc cơ quan tiến hành tố tụng đã không chấp hành đúng quy định pháp luật.
Bà đã kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng T.Ư đề nghị xem xét vụ án, thưa bà?
- Sau khi gặp ông Vót về, tôi suy nghĩ nhiều. Khi tôi chưa viết ra được dòng chữ nào để kiến nghị các cơ quan tố tụng T.Ư xem xét vụ án của ông Vót, tôi cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Khi viết xong bản kiến nghị, tôi mới cảm thấy người nhẹ nhõm. Có thể nói lần đầu tiên trong cuộc đời làm đại biểu Quốc hội, tôi phải viết một bản kiến nghị đầy nước mắt.
Ngoài việc gửi bản kiến nghị, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, tôi có gặp Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an để nói trực tiếp về vụ án ông Trần Văn Vót. Tôi mong vụ án được xem xét một cách thỏa đáng và sớm kết luận, nếu thực sự ông Vót bị oan thì phải sớm minh oan cho ông.
Xin cảm ơn bà.
Vụ án Trần Văn Vót xảy ra cách đây hơn 20 năm. Ông Vót bị tuyên án tù chung thân về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Vụ án sau nhiều năm kêu oan, đến nay đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tố tụng T.Ư xem xét. Nếu có oan sai thì phải giải oan cho người vô tội.
Theo Danviet
Vụ Trần Văn Vót: "Tôi lo bố không còn sức chờ đến ngày được minh oan"
Theo con gái của ông Trần Văn Vót (người kêu oan suốt hơn 20 năm), ở trong trại giam ông Vót sức khỏe ngày càng yếu vì căn bệnh lao kháng thuốc.
Ngày 2.8, trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Trần Thị Chi (con gái út của ông Trần Văn Vót) cho biết, hôm qua chị vừa đến Trại giam Nam Hà của Tổng cục VIII, Bộ Công an (hay còn gọi trại giam Ba Sao) ở huyện Kim Bảng, Hà Nam để thăm bố.
"Bố tôi trông rất tiều tụy, đi liêu xiêu, mắt mờ, tai điếc một bên, da thì xám ngắt lại, chân tay run lẩy bẩy thấy rất tội", chị Chi nghẹn ngào nói.
Ông Trần Văn Vót nói chuyện với gia đình (ảnh gia đình cung cấp).
Theo chị Chi, đầu năm 2016, chị và gia đình đến trại giam thăm thấy người cha vẫn bình thường, chỉ mấy tháng sau, đến đầu tháng 5.2016, vào thăm thấy người cha sọp đi hẳn.
"Trông ông rất tiều tụy, tôi mới đi tìm bác sĩ ở trong trại giam để hỏi thì được biết bố mình bị bệnh lao kháng thuốc từ cách đây khoảng 3 - 4 năm. Năm nào bố tôi cũng điều trị nhưng mỗi lần gia đình vào thăm ông đều giấu. Tôi gặng hỏi tại sao đợt này bố xuống sức nhanh thế, ông mới nói là do suy nghĩ nhiều và cảm thấy thất vọng. Sau nhiều năm kêu oan, được báo chí vào cuộc, giữa năm 2015 các vị lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ (ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng - PV) đều có chỉ đạo các cơ quan tố tụng T.Ư nhanh chóng làm rõ vụ án có dấu hiệu oan sai của bố tôi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", chị Chi cho biết.
Cũng theo chị Chi, được sự gợi ý của cán bộ trại giam, chị đã làm đơn xin cho bố được tạm hoãn thi hành án để về gia đình điều trị (vì đã thi hành án 23 năm), tuy nhiên bố chị đã không đồng ý.
"Bố tôi bảo, cơ quan bảo vệ pháp luật đã tuyên ông có tội, ông khẳng định không phạm tội và liên tục kêu oan. Chỉ có khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật kết luận ông không phạm tội và trả tự do thì ông mới rời trại giam, còn ông không xin. Bố tôi kiên quyết như vậy khiến gia đình rất lo lắng, bệnh lao kháng thuốc của ông ngày càng nặng nếu không được ra ngoài để điều trị thuốc thang kịp thời, sợ ông chẳng còn đủ sức để chờ đến ngày được minh oan", chị Chi nói trong sự lo lắng.
Như Dân Việt đã thông tin, vào giữa năm 2015, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã có kiến chỉ đạo yêu cầu TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét, làm rõ vụ án có dấu hiệu oan sai của ông Trần Văn Vót. Vào cuối tháng 4.2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị liên ngành xem xét, cho xác minh các vấn đề liên quan đến vụ án trên. Nếu thực sự có oan sai thì phải giám đốc thẩm lại vụ án để giải oan cho người vô tội. Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội đã cho biết, 6 tháng trước, đoàn công tác liên ngành cũng đã được thành lập để xem xét lại vụ án và sẽ có kết luận trong thời gian sớm nhất.
Vụ án Trần Văn Vót (67 tuổi) xảy ra cách đây hơn 20 năm, bắt nguồn từ mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dẫn tới vụ ném lựu đạn diễn ra vào ngày 29.11.1992 khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người dân khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định ông Vót là người tàng trữ quả lựu đạn và đưa cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném khiến 1 người chết, 21 người bị thương.
Sau đó ông Vót bị truy tố về 4 tội: Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi Giết người.
Tháng 2.1994, ông Vót bị TAND tỉnh Nam Hà đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân vì 4 tội trên, còn ông Thanh bị tuyên 15 năm tù về tội giết người. Hai bị cáo kháng án.
Tháng 8.1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.
Cho rằng bị kết án oan, bị cáo và gia đình liên tục kêu oan. Trong vụ án này, điều lạ lùng là chính bố của bị hại Trần Văn Việt - cụ Trần Anh Điền (82 tuổi, ở xã Phú Phúc) cũng liên tục kêu oan cho hai ông Vót và Thanh suốt hơn 20 năm qua. Chứng cứ mà cụ Điền đưa ra là Thanh không có mặt ở hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. 4 công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang phía người dân Nhân Phúc.
Ông Trần Văn Vót là người đã có 18 năm quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, Trần Văn Vót là bệnh binh mất 71% sức khỏe.
Theo Danviet
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Nơi nào còn oan sai, tôi sẽ đến Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 29-7, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) khẳng định: Tôi đã hứa với cử tri, nơi nào còn oan sai, tôi sẽ đến tham gia giải quyết, tháo gỡ. Bà Khánh nói điều này khi tâm sự về vụ án Trần Văn Vót (Hà Nam), có dấu hiệu oan suốt...