Ông Trần Hùng kêu oan, nói ‘10 năm không một ai mua chuộc được tôi’
Cựu tổ trưởng quản lý thị trường (QLTT) Trần Hùng kêu oan, khẳng định không nhận hối lộ và nói “suốt 10 năm công tác, không một ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.
Chiều 19.7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử ông Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục QLTT, Bộ Công thương) cùng 35 bị cáo khác liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn.
Bị cáo Trần Hùng tại phiên tòa ngày 19.7. Ảnh PHÚC BÌNH
Bị cáo Trần Hùng nói “bị vu khống”
Theo cáo trạng, từ đầu năm đến tháng 6.2021, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát, gọi tắt là Công ty Phú Hưng Phát) cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, thu lời bất chính hơn 30 tỉ đồng.
Tháng 7.2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 (Hà Nội) kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đưa cho ông Trần Hùng 300 triệu đồng.
Dù ông Trần Hùng không thừa nhận, nhưng cơ quan tố tụng vẫn cáo buộc ông này đã nhận số tiền trên để hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai, đồng thời chỉ đạo tạo điều kiện xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển sang cơ quan điều tra.
00:30:23
Xem nhanh 20h: Ông Trần Hùng hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng
Trả lời tại tòa, cả hai bị cáo Cao Thị Minh Thuận và Nguyễn Duy Hải đều thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Trong khi đó, ông Trần Hùng nói rất ngạc nhiên khi bị “vu khống không đúng sự thật”.
Hội đồng xét xử hỏi ông Trần Hùng có mâu thuẫn gì với những người này không, cựu cán bộ QLTT khẳng định là không. “Không mâu thuẫn gì tại sao họ lại khai thế?”, chủ tọa đặt vấn đề. Bị cáo Hùng cho rằng, những người này đang mắc tội, đang có tội, vì muốn thoát tội nên mới bịa đặt cho ông.
Ông Hùng khai, trước khi bị bắt đang là Tổ trưởng 304, nay là Tổ 1444 thuộc Tổng cục QLTT, Bộ Công thương. Theo thẩm quyền, ông là người nhận thông tin, chỉ đạo các cục nghiệp vụ triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLTT.
Ngày 8.7.2020, ông Trần Hùng trực tiếp nhận nguồn tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc đề nghị kiểm tra đột xuất một kho hàng nghi có nhiều sách giả. Sau khi trực tiếp đi kiểm tra, ông Hùng chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội cùng Đội QLTT số 17 kiểm tra, xử lý. Kết quả, phát hiện hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát.
Hội đồng xét xử hỏi ông Trần Hùng, khi phát hiện thông tin về sách giả như vậy vì sao không báo cáo cấp trên?. Ông Trần Hùng cho rằng, “phải tuyệt đối bí mật, chỉ lộ ra là hỏng”. Bị cáo còn dặn cán bộ cấp dưới chỉ khi nào bắt quả tang mới kiểm tra và báo cáo triển khai tiếp.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh PHÚC BÌNH
“Không một ai buôn bán hàng giả mua chuộc được tôi”
Vẫn theo lời khai cựu cán bộ QLTT, việc phát hiện sách giả diễn ra buổi sáng thì ngay buổi chiều, bị cáo Cao Thị Minh Thuận đã tiếp cận ông để xin xỏ, nhưng ông lập tức từ chối. Đến sáng 13.7.2020, bị cáo Nguyễn Duy Hải tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Hùng chỉ đạo xử lý nhẹ vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát.
“Tôi nói thẳng với Hải là Thuận cũng gọi rồi, nhưng không được. Tôi còn bảo Hải cứ dặn Thuận có gì thì khai đấy, đúng theo quy định pháp luật mà làm. Bởi thế, chính Hải mới là người chạy án, bao che cho Thuận”, bị cáo Trần Hùng nói và bị chủ tọa ngắt lời, yêu cầu tập trung vào câu hỏi.
Tiếp tục thẩm vấn, hội đồng xét xử hỏi rằng, nếu bị cáo từ chối thì tại sao ngày 15.7.2020, ông Hải lại mang tiền đến?. Cựu tổ trưởng QLTT nói rằng ông Hải tự đến chứ mình không mời. Tại phòng làm việc, có sự chứng kiến của 2 người khác, ông Hải nói bà Thuận muốn biếu tổ công tác mấy trăm triệu.
“Tôi chỉ thẳng tay vào mặt Hải mắng luôn, mày định hối lộ tao à, có muốn báo công an không”, ông Hùng kể, và cho hay, sau đó đuổi ông Hải ra khỏi phòng làm việc. Bị cáo cũng khẳng định suốt 10 năm công tác “không một ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.
Cuối phần trình bày, bị cáo Trần Hùng một lần nữa kêu oan, cho rằng cả kết luận điều tra và cáo trạng truy tố mình đều sai sự thật. “Lẽ ra phải biểu dương thành tích chống hàng giả của tôi chứ không phải xử lý như bây giờ”, bị cáo Trần Hùng nói, và tiếp tục khẳng định, “chẳng ai có thể mua chuộc được tôi”.
Do ông Trần Hùng không thừa nhận, hội đồng xét xử gọi bị cáo Nguyễn Duy Hải lên đối chất. Bị cáo này bác bỏ lời khai của cựu tổ trưởng QLTT.
Bị cáo Hải khai, sáng 14.7.2020 có gặp ông Trần Hùng cùng 2 người khác ở quán cà phê trên đường Nguyễn Xí (Hà Nội). Tại đây, ông Hải đặt vấn đề bà Thuận xin bỏ qua vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát và sẽ gửi 400 triệu đồng cảm ơn.
“Lúc đó, anh Hùng còn cười rất to, vỗ mạnh vào đùi nói là chúng mày đã thấy bọn nhà sách giàu chưa”, bị cáo Hải thuật lại, và cho rằng, ông Trần Hùng đồng ý, hẹn mình cầm tiền lên tận phòng chứ không bị cáo phải tự ý lên phòng.
Ngày mai 20.7, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Cựu điều tra viên 'tố' bỏ lọt tội với cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội
Tự bào chữa trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu", cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kêu oan và cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ lọt hành vi phạm tội của cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
Chiều 17.7, phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh luận. Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an), cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu", tự bào chữa.
Trước đó, bị cáo Hưng bị viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến phi vụ "chạy án" lên tới 2,65 triệu USD (hơn 61 tỉ đồng).
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (áo trắng) tại phiên tòa. Ảnh TRẦN PHAN
Bỏ lọt tội với cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội?
Đầu tiên, bị cáo Hưng kêu oan, cho rằng lời khai của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, là hoàn toàn không đúng sự thật, đổ trách nhiệm cho mình; lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó giám đốc Công ty Bluesky, cũng không chính xác, được "tạo dựng nhằm bảo vệ anh Tuấn và gây bất lợi cho bị cáo".
Một lý do nữa, theo bị cáo Hưng, cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, "ra quyết định khởi tố đối với bị cáo mà không có chứng cứ nào, chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Tuấn". Bị cáo cũng không có cơ hội nào được giải trình trước khi bị khởi tố.
Bị cáo Hưng còn nói ngay khi bị khởi tố đã kêu oan, nhưng cơ quan điều tra không tiến hành hỏi cung, phải đến 3 tháng sau (gần kết thúc điều tra) mới "dành ra 10 tiếng để hỏi cung". Phía viện kiểm sát cũng không có buổi hỏi cung nào khi bị cáo đã kêu oan ngay từ đầu.
Toàn cảnh mức án đề nghị trong đại án "chuyến bay giải cứu"
Quá trình điều tra, 3 bị cáo Hưng, Tuấn và Hằng được cho đối chất. Nhưng theo lời bị cáo Hưng, việc đối chất có nhiều điểm bất hợp lý. Ví dụ, nội dung đối chất chỉ có lời khai của các bị cáo Tuấn và Hằng mà không có lời khai của bị cáo Hưng; khi đối chất các bị cáo Hằng và Tuấn được "tạo lợi thế" và "gây bất lợi" với ông Hưng...
Riêng về cáo buộc hướng dẫn bị cáo Hằng khai báo, bị cáo Hưng nói bà Hằng từng có lời khai thể hiện bị cáo Tuấn mới là người hướng dẫn chứ không phải Hưng, "có thể kiểm tra băng ghi âm ghi hình để kiểm chứng điều này".
Tiếp đó, bị cáo Hưng cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với cả 2 bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Với bị cáo Hằng, việc đưa hối lộ để cấp phép chuyến bay và đưa hối lộ để "chạy án" là hoàn toàn khác nhau, phải xử lý ở 2 vụ án độc lập, nhưng cơ quan điều tra lại nhập thành một.
Với bị cáo Tuấn, từ tháng 2 đến tháng 10.2022, người này nhiều lần yêu cầu bị cáo Hằng chuyển hơn 1,8 triệu USD, nhưng không đưa cho ai, không làm gì, hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Tiếp đó, từ giữa tháng 10 đến tháng 12.2022, bị cáo Tuấn yêu cầu chuyển thêm 800.000 USD, nếu xác định không chuyển cho ai thì vẫn là hành vi lừa đảo, còn nếu xác định chuyển cho ai khác thì là môi giới hối lộ. Như vậy, hành vi của bị cáo Tuấn phải là 2 tội chứ không phải một. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh với ông Tuấn từ lừa đảo sang môi giới hối lộ.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (trái) và Nguyễn Anh Tuấn được dẫn giải tới tòa. Ảnh TRẦN PHAN
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
"Bị cáo tin anh Tuấn sẽ suy nghĩ lại"
Tiếp tục tự bào chữa, bị cáo Hưng khẳng định việc tiếp xúc với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng chỉ vì bị cáo Nguyễn Anh Tuấn "gửi gắm", không có động cơ nào, chỉ muốn khuyên bà Hằng ra tự thú để được hưởng khoan hồng.
"Không chỉ Hằng, bị cáo còn vận động 3 người khác ra tự thú, hoàn toàn không đòi hỏi hay ra điều kiện gì. Những người đó đều đang ở đây, có thể làm chứng", cựu điều tra viên thanh minh.
Bị cáo Hưng cũng nói, rất tôn trọng và biết ơn bị cáo Tuấn. "Anh Tuấn từng là Phó giám đốc công an, thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra; còn bị cáo chỉ là điều tra viên, liệu có điều kiện và có thể lừa anh Tuấn như cáo buộc. Nếu có, khác gì học sinh giảng bài cho giáo viên, đây là điều không thể", bị cáo Hưng khai.
Cựu Trưởng phòng 5 còn trình bày 5 nội dung để chứng minh bản thân bị oan. Trong đó, bị cáo không gặp bị cáo Hằng nhiều lần như cáo trạng nêu, không hướng dẫn bà Hằng khai báo (bởi sau khi bà Hằng ra tự thú và khai báo thì 2 tuần sau bị cáo mới gặp, bà Hằng còn từng khai bị cáo Tuấn mới là người hướng dẫn lời khai), không biết hành vi đưa hối lộ của ông Lê Hồng Sơn (chỉ khi nhận kết luận điều tra mới biết)...
Bị cáo cũng đưa ra nhiều lập luận cho rằng không nhận 800.000 của bị cáo Hằng thông qua bị cáo Tuấn rồi chiếm đoạt, gồm một khoản 350.000 USD và một khoản 450.000 USD.
Với khoản 350.000 USD, ông Hưng nói bị cáo Tuấn không đưa ra được ngày giờ, cách thức giao nhận tiền. Theo như bị cáo Tuấn khai, bà Hằng rất nhiều lần đưa tiền cho ông Tuấn để ông Tuấn đưa cho Hưng, mọi lần đều đưa đủ nhưng chỉ có lần này là thiếu 100.000 USD khiến ông Tuấn phải bỏ tiền túi ứng trước. Điều này rất vô lý.
Với khoản 450.000 USD, giống với những ngày xét xử trước, bị cáo Hưng xác nhận có nhận chiếc cặp số do ông Tuấn chuyển, nhưng bên trong chỉ có 4 chai rượu vang chứ không hề có tiền.
"Ngoài lời khai của anh Tuấn không có chứng cứ nào chứng minh bên trong cặp có tiền. Nếu bị cáo lừa đảo, liệu bị cáo có nhận chiếc cặp đó ở ngay cổng Bộ Công an không, bởi nơi đây có nhiều camera và người ra vào. Bị cáo hoàn toàn có thể nhận ở chỗ khác", bị cáo Hưng tự bào chữa.
Cuối phần trình bày, cựu điều tra viên vụ án "chuyến bay giải cứu" nói rằng, "nếu anh Tuấn không có sự tác động nào đó thì sẽ không trình bày như vậy. Bị cáo tin khi anh Tuấn suy nghĩ thông suốt, nhận thức rõ ai là bạn, anh Tuấn sẽ suy nghĩ lại...".
Vụ "Chuyến bay giải cứu": Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng có dấu hiệu xâm phạm tư pháp Viện Kiểm sát nhận định cựu trưởng phòng 5 Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an có dấu hiệu Xâm phạm hoạt động tư pháp nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm, sau khi vụ án "Chuyến bay giải cứu" kết thúc Sáng nay 17-7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội...