“Ông Trầm Bê giảm sút sức khỏe trước phiên xử”
Bị bệnh tiểu đường không thể đứng lâu, song tinh thần nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank Trầm Bê được đánh giá là khá thoải mái.
Luật sư Phạm Ngọc Trung – một trong ba người bào chữa cho ông Trầm Bê (59 tuổi) – vừa có buổi tiếp xúc với thân chủ, sau khi Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank được di lý từ Hà Nội vào TP.HCM.
Hiện, sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Tuy nhiên, khi được gặp gia đình và thời tiết TP.HCM ấm, tinh thần ông ổn định, khá thoải mái trước phiên xét xử diễn ra vào ngày 8.1.
“Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, chúng tôi đã gửi bệnh án cho TAND TP.HCM, đề nghị để ông được ngồi trong quá trình xét xử”, luật sư Trung cho hay.
Ông Trầm Bê và cấp dưới Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 15 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty… bị bắt hồi tháng 8.2017 – trong quá trình điều tra bổ sung giai đoạn hai đại án Phạm Công Danh (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh).
Các bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) có khung hình phạt 10-20 năm tù.
Video đang HOT
Toà cũng triệu tập gần 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có nhiều đại gia và lãnh đạo các ngân hàng như: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)…
Ông Bê bị cáo buộc giúp ông Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng.
Ông Bê và Khang bị cáo buộc giúp ông Danh rút hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB bằng hình thức nhận thế chấp tiền gửi của nhà băng này, để 6 công ty của ông Danh vay khống.
Theo điều tra, ông Bê và ông Danh có mối quan hệ từ khi còn làm việc tại Ngân hàng Phương Nam. Khoảng tháng 4.2013, ông Danh đến trụ sở Sacombank (quận 3, TP.HCM) gặp ông Bê đặt vấn đề vay 2.000 tỷ đồng.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng tín dụng, ông Bê đồng ý cho vay 1.800 tỷ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Đây cũng là mức tối đa ông Bê được phép phê duyệt mà không phải trình HĐQT.
Ông Bê dẫn đối tác xuống phòng làm việc của Phan Huy Khang, thống nhất để Sacombank cho ông Danh vay. Ông Danh sau đó chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới gồm Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB) chuẩn bị hồ sơ và nguồn tiền thế chấp.
Theo chỉ đạo của ông Bê “giải ngân trước bổ sung chứng từ sau”, chỉ trong một ngày giám đốc các chi nhánh đã chuyển toàn bộ số tiền 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty của Danh.
Số tiền này ông Danh trả nợ cho BIDV 1.700 tỷ đồng – khoản vay để chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng.
Do 6 công ty của ông Danh không trả tiền, Sacombank đã trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi từ tài khoản của VNCB gửi tại đây.
Liên quan việc này còn có 9 lãnh đạo và cán bộ chi nhánh của Sacombank. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định họ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, không tham gia bàn bạc với ông Danh, nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên, phong tỏa hai quyền sử dụng đất tại quận 6 và quận Bình Tân của ông Bê để phục vụ cho việc thu hồi tài sản.
Bằng hình thức tương tự, ông Danh vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và được đảm bảo bằng khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại nhà băng này; vay BIDV 4.700 tỷ đồng, gián tiếp rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Phiên xử dự kiến kéo dài đến 7.2.
Quá trình tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín ( TrustBank) thành Ngân hàng Xây dựng, ông Danh cùng đồng phạm bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của nhà băng.Trong giai đoạn đầu của vụ án, TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Toà cũng buộc các bị cáo liên đới nộp lại số tiền này. Hiện, cục Thi hành án TP.HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng.Trong giai đoạn hai, ông Danh và đồng phạm được xác định là móc nối với nhiều lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV rút tiền của VNCB gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo Hải Duyên (VNE)
Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh
Ngày 8.1, TAND TP.HCM đưa vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm ra xét xử về tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Hữu Nhân - Hoài Thanh (Zing)
Đại án Phạm Công Danh: Triệu tập 200 người, 70 luật sư tham gia tố tụng Trong giai đoạn 2 của vụ án, Phạm Công Danh được xác định đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên của mình thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập các hồ sơ khống để vay tiền tại 3 ngân hàng lớn, gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng (VNCB) hàng ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch từ ngày 8.1 - 7.2.2018, TAND...