Ông tiến sĩ suốt đời đi tìm cá
Khởi duyên từ con chuột nhưng lại đam mê cá, tiến sĩ Nguyễn Thái Tự dành trọn tâm huyết cuộc đời mình cho việc tìm kiếm loài cá mới cho Việt Nam và thế giới.
Ngày xuân, trong căn nhà ở phường Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An), tiến sĩ Nguyễn Thái Tự (76 tuổi) say sưa kể về cuộc đời khoa học gắn với những loài cá nước ngọt.
Sinh ra ở xã Yên Sơn (Đô Lương, Nghệ An), từ nhỏ chàng trai Nguyễn Thái Tự đã nổi tiếng học giỏi, có chí phấn đấu hơn người. Lên cấp 3, Nguyễn Thái Tự cùng em trai xuống TP Vinh tiếp tục đèn sách ở Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Buổi đến trường, buổi làm thuê để kiếm tiền ăn học, Nguyễn Thái Tự luôn được thầy cô yêu mến bởi sự thông minh, chăm ngoan và ý thức vượt khó.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự luôn say sưa khi nói về các loài cá. Ảnh: Nguyên Khoa
Sau khi đậu vào ĐH Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thái Tự lựa chọn Khoa Vạn vật học với ước mơ làm được một điều gì đó cho quê hương, đất nước. Sau khi lựa chọn ngành động vật học, chàng sinh viên quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu chuột và các loài gặm nhấm ở Việt Nam. Hàng ngày, Nguyễn Thái Tự đánh vật với đàn chuột ở các kho lương thực ở thủ đô để thu mẫu, nghiên cứu về loài phá hoại này.
Một hôm đang bắt con chuột cống để đo kích thước thì trời tối, Nguyễn Thái Tự đành nhốt nó vào lồng sắt. Sáng mai ra, chú chuột đã tự thoát thân bằng cái lỗ nhỏ hơn kích thước của nó nhiều lần. Từ chi tiết này, Nguyễn Thái Tự phát hiện khả năng tự co mình của loài chuột để thích ứng với việc tiết kiệm năng lượng lúc đào hang. Nhờ phát hiện này mà cậu sinh viên xứ Nghệ đã được cố giáo sư đầu ngành về động vật học Đào Văn Tiến nhận là học trò ruột.
Video đang HOT
Ra trường, Nguyễn Thái Tự cùng nhóm bạn được phân công về giảng dạy tại ĐH Sư phạm Vinh. Tại đây, vừa chăm lo công tác giảng dạy, vừa làm phụ tá thí nghiệm, thầy giáo trẻ tiếp tục tâm huyết với những công trình nghiên cứu khoa học về đàn chuột đang còn dang dở.
Năm 1974, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, giảng viên ăn chưa đủ no, không thể có tiền để mua bẫy sắt tiếp tục nghiên cứu về chuột, giảng viên trẻ Nguyễn Thái Tự phải tạm dừng niềm đam mê với loài gặm nhấm, bắt đầu tìm hướng nghiên cứu khác.
Lúc này, các sông ngòi ở Nghệ An cá nhiều vô kể, rất nhiều hợp tác xã đánh cá ăn nên làm ra chỉ với những ngư cụ đơn giản, rẻ tiền. Thấy vậy, giảng viên Nguyễn Thái Tự chú ý đến các loài cá nước ngọt, một vấn đề mới đối với ngành động vật học Việt Nam thời bấy giờ.
Cũng vào thời điểm này, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh điều tra cơ bản nguồn tài nguyên để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế. Hướng nghiên cứu về các loài cá nước ngọt của Nguyễn Thái Tự được Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh Trần Quang Đạt và giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Vinh thời đó rất ủng hộ.
Nguyễn Thái Tự cùng học trò và cộng sự lăn lộn khắp sông suối, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với ngư dân để tìm tòi, thu mẫu và cho ra đời công trình “Cá nước ngọt sông Lam” được giới khoa học đánh giá rất cao.
Từ năm 1992, khi giáo sư Nguyễn Văn Hiệu khởi dựng chương trình “Nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên”, Nguyễn Thái Tự được tham gia với cương vị chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn” kéo dài 14 năm.
Nổi bật nhất trong đề tài này là công bố về các loài cá nước ngọt ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Bên cạnh đó ông lần lượt cho ra đời các công trình như: “Bảo tồn đa dạng sinh học cá vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng”, “Nguồn lợi cá và bảo vệ loài cá ở Vũ Quang (Hà Tĩnh)”, “Khu hệ cá Bến En”, “Một họ cá, một khu địa động vật quan trọng với nghề cá Việt Nam”…
Những công bố trên của tiến sĩ Tự được quốc tế ghi nhận. Nhiều nhà khoa học đã tìm đến ĐH Sư phạm Vinh để hợp tác cùng ông. Năm 1992, khi cùng tiến sĩ John Mackinnon, trưởng đoàn khảo sát đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới tại Việt Nam (WWF) đi tìm cá trên sông, lúc một con cá màu hồng cánh sen mắc lưới, tiến sĩ Tự mừng rỡ reo “đây là loài cá mới”. Vị chuyên gia nước ngoài không tin và nói “Đây là loài mới của ông Tự thôi, việc tìm ra loài cá mới cho thế giới đâu có dễ dàng như vậy”.
Tiến sĩ Tự có gần 200 tiêu bản các loài cá. Nhiều loài mới được thế giới công nhận. Ảnh:Nguyên Khoa
Để chứng minh cho khẳng định của mình, trong suốt 3 năm trời ông Tự đã trao đổi bằng thư từ, tài liệu phản biện với Tạp chí nghiên cứu Cá nước ngọt thế giới để được công nhận rằng loài cá La Giang mà ông tìm được ở miền Trung là loài mới của thế giới. Lúc này tiến sĩ John Mackinnon rất nể phục phát hiện của ông Tự, đồng thời tiếp tục đề nghị ông hợp tác trong các dự án nghiên cứu quy mô quốc tế. Con cá La Giang sau đó được đưa vào sách đỏ thế giới với tên gọi “Parazacco vuquangensis, Tu, 1995″.
Cũng trong thời gian ăn cơm nắm, ngủ cùng vắt, muỗi và giá lạnh giữa đại ngàn núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, tiến sĩ Nguyễn Thái Tự và cộng sự đã khiến thế giới phải chú ý vì những phát hiện mới. Tại đây, ông đã tìm ra hàng chục loài cá mới cho thế giới, như cá chép được ông đặt tên là Cyprimus Hieni (đặt theo tên cụ thân sinh Nguyễn Thái Hiến), cá Mại Quảng Bình… Trong hơn 500 loài cá nước ngọt được ghi nhận ở Việt Nam, tiến sĩ Tự đã tìm được 162 loài ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ông Tự cũng là người tìm ra và chứng minh Phong Nha – Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh thứ tư của chi cá chép Cyprimus và là trung tâm phát sinh của tộc cá diếc. Trong vùng địa lý nhỏ hẹp như Phong Nha – Kẻ Bàng có đầy đủ 4 bước quan trọng nhất của quá trình hình thành loài mới.
Tiến sĩ Tự cùng cộng sự đã lần mò theo từng khúc sông, con suối, tẩn mẩn thả lưới, giăng câu để tìm cá. Nhiều đợt ông phải nằm hàng tuần giữa đại ngàn Bắc Trường Sơn rét buốt chỉ để bắt bằng được mấy con cá nhỏ bằng đầu đũa. Để tìm ra loài cá chình nước ngọt ở Vũ Quang, ông Tự và sinh viên đã phải vừa đặt bẫy, vừa nằm vùng gần một tháng, đến khi đập nước xả cạn mới bắt được cá. Kết quả của những ngày tháng “mật phục” này giúp khẳng định loài cá chình nước ngọt ở Việt Nam chưa tuyệt chủng bởi từ năm 1936, sau khi một nhà khoa học Pháp bắt được con cá chình ở Hà Nội, không ai tìm thấy thêm cá thể nào.
Vừa say sưa kể về ngày tháng tìm cá, ông tiến sĩ có bộ râu bạc phơ vừa cầm những chiếc bình đựng tiêu bản cá được để cẩn thận trong tủ kính đặt giữa phòng khách. Ông Tự cho biết, đó là gần 200 tiêu bản các loài cá mà ông và cộng sự tìm được trong quá trình nghiên cứu. Hàng chục tiêu bản trong số đó là loài mới của thế giới do ông phát hiện.
“Việc nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện các loài cá mới, nguồn gốc hình thành, đặc tính tự nhiên của chúng không những có ý nghĩa đối với nền ngư loại học Việt Nam và thế giới mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các nguồn gen quý, bảo tồn sự đa dạng sinh học và cả sự phát triển của nghề cá, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội đất nước”, ông Tự tâm sự. Hiện không đủ sức khỏe để trèo đèo, lội suối, nhưng ông Tự vẫn được các tổ chức quốc tế mời làm cố vấn của chương trình bảo tồn hệ cá ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự hồ hởi bảo rằng thiên nhiên đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn thực sự là một phòng thí nghiệm tuyệt vời mà nhiều nước tiên tiến ở phương Tây không có được. Đây là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng và ưu ái, cha ông ta đã cố gắng bảo vệ, nhưng hiện nay chúng ta chưa biết sử dụng hết giá trị của nó, chưa có các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn cho thế hệ mai sau.
Đặt trang trọng ngay phòng khách là mô hình non bộ của khu đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi ông đã tìm ra 162 loài cá cho Việt Nam. Ảnh: Nguyên Khoa
“Việt Nam còn nghèo, chưa có được những phòng thí nghiệm triệu đô, nhưng chúng ta lại có phòng thí nghiệm tự nhiên lý tưởng. Nếu biết hợp tác, trao đổi, tạo điều kiện cho các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam thì các nhà khoa học trẻ của chúng ta cũng sẽ được ra nước ngoài, được học tập và nghiên cứu trong những phòng thí nghiệm đắt tiền. Đây thực sự là cơ hội và tiềm năng cho các nhà khoa học trẻ”, ông Tự khẳng định.
Nhắc đến nhà khoa học trẻ, tiến sĩ Tự có một chút trầm lắng. Ngồi nhìn khu non bộ tạo hình động Phong Nha – Kẻ Bàng dưới chân cầu thang phòng khách, ông Tự cho biết, điều đáng sợ nhất hiện nay là một số người trẻ coi khoa học là phương tiện để đạt đến tiền tài, danh vọng mà quên đi rằng cái đích cuối cùng của khoa học là chân lý.
“Hiện lộ trình giáo dục của chúng ta có gì đó chưa ổn. Ở phổ thông, các em phải cật lực, học ngày học đêm ở trường rồi học thêm để vào được đại học. Nhưng ở đại học thì hoàn toàn ngược lại, trở thành sinh viên rồi các em không tìm được lửa đam mê nghiên cứu, chơi nhiều hơn học, rất ít sinh viên có các công trình nghiên cứu khoa học. Vấn đề này chúng ta đang đi ngược với thế giới”, tiến sĩ Tự chia sẻ.
Theo xahoi