Ông Tập được chào đón bằng 103 phát đại bác ở Anh
Chủ tịch Trung Quốc sẽ được Anh chào đón bằng lễ khai khỏa đại bác và một bữa quốc yến do nữ hoàng tổ chức.
Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân bước xuống sân bay Heathrow, London, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân hôm qua đặt chân xuống sân bay Heathrow, bắt đầu chuyến thăm Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland kéo dài 4 ngày.
China Daily dẫn lời Liu Xiaoming, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, tuần trước cho biết chuyến thăm cấp nhà nước được hưởng sự tiếp đón cấp cao nhất ở Anh. Một lễ chào mừng, một quốc yến do nữ hoàng chủ trì, một bữa tiệc tại thành phố London và lễ bắn 103 phát đại bác sẽ diễn ra để đón mừng ông Tập. 41 phát đại bác sẽ được khai hỏa tại Công viên Xanh và 62 phát sẽ được bắn tại Tháp London.
Về ẩm thực, theo Daily Mail, vợ chồng ông Tập từ chối đề xuất ăn món cá bơn và cua trong bữa khai vị, vì họ thích ăn cá xông khói hơn. Hơn nữa, dường như vợ chồng chủ tịch Trung Quốc muốn tự mang theo nước riêng thay vì dùng nước sẵn có. Đầu bếp hoàng gia phụ trách một đội gồm 20 đầu bếp sẽ phục vụ cho tiệc quốc yến.
Ông Tập và phu nhân sẽ ở lại Cung điện Buckingham, gặp ba thế hệ hoàng gia Anh. Ông cũng sẽ gặp Thủ tướng Anh David Cameron và phát biểu trước các nghị sĩ ở Westminster. Ông dự kiến tham gia một số sự kiện ở London cùng ông Cameron và thăm thành phố Manchester, miền bắc nước Anh.
Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm cấp nhà nước này, ông Liu nói. “Trong những chuyến công du nước ngoài trước đây, chủ tịch thường thăm một số nước trong một chuyến đi. Nhưng lần này, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập chỉ tới một nước duy nhất – Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland “.
Chuyến thăm Anh của ông Tập là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc đến nước này kể từ năm 2005.
Trọng Giáp
Theo VNE
Video đang HOT
Mối tình có điều kiện giữa Trung Quốc và Anh
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Anh sẽ phải đánh đổi nhiều điều, kể cả quan hệ với Mỹ, khi ngày càng trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc.
Ông Tập và phu nhân bước ra khỏi máy bay tại sân bay Heathrow, Anh. Ảnh: BBC
Ngày 20/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đặt chân tới sân bay Heathrow ở thủ đô London, bắt đầu chuyến công du cấp nhà nước kéo dài 4 ngày, đánh dấu một thời kỳ mới trong quan hệ Anh - Trung, BBC đưa tin.
Kỷ nguyên vàng
Trong chuyến công du này, ông Tập sẽ đến thăm thành phố London và Manchester, đọc diễn văn trước Quốc hội Anh và gặp gỡ ba thế hệ của hoàng gia Anh. Ông sẽ dự tiệc quốc yến do Nữ hoàng Elizabeth chủ trì ở cung điện Buckingham.
Theo bình luận viên Katie Hunt của CNN, những tuyên bố mà hai bên đưa ra trước chuyến thăm cho thấy quan hệ Anh - Trung đang chứng kiến sự nồng ấm bất ngờ, được thể hiện qua kế hoạch chào đón nồng hậu của Anh.
"Anh đã tuyên bố họ là quốc gia phương Tây cởi mở nhất với Trung Quốc. Đây là sự lựa chọn chiến lược và sáng suốt, đáp ứng đầy đủ các lợi ích lâu dài của chính nước Anh", ông Tập nói với Reuters trước chuyến thăm.
Còn Thủ tướng Anh David Cameron khi phát biểu trên đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc nhấn mạnh chuyến thăm của ông Tập sẽ đánh dấu "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ hai nước.
Những lời lẽ hoa mỹ và kế hoạch đón tiếp long trọng có phần khác với chuyến công du hồi tháng 9 của ông Tập tới Mỹ - nơi ông Tập bị lu mờ trước Giáo hoàng Francis. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập được cho là không đạt kết quả như mong đợi và cũng không đóng góp nhiều vào việc cải thiện quan hệ hai nước, Washington và Bắc Kinh vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong một loạt các vấn đề.
Sự nồng nhiệt của Anh thể hiện thay đổi đột ngột trong quan hệ với Trung Quốc. Theo giới phân tích, quan hệ Anh - Trung chưa bao giờ nồng ấm vì một số vấn đề nổi cộm và dai dẳng, chẳng hạn như Hong Kong, thuộc địa được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Quan hệ hai bên cũng trở nên lạnh nhạt sau khi Thủ tướng Anh Cameron gặp gỡ Dalai Lama - lãnh tụ tinh thần Tây Tạng vào năm 2012.
Gần đây, quan hệ hai nước bắt đầu được cải thiện khi nhiều quan chức Anh cho rằng Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho họ so với những vướng mắc về nhân quyền. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Anh năm ngoái đã lên mức 8,5 tỷ USD, gấp nhiều lần so với mức 510 triệu USD năm 2011.
Theo kế hoạch, Anh và Trung Quốc sẽ thảo luận các thỏa thuận kinh tế lớn trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Tập. Nhiều khả năng Trung Quốc tham gia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Anh và đầu tư vào một dự án đường sắt cao tốc ở nước này.
Về chính trị, Anh kín tiếng hơn so với Mỹ trong vấn đề Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và an ninh mạng. Anh cũng là một trong 5 nước phương Tây đầu tiên ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng để làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới. Mỹ đã từ chối tham gia ngân hàng này.
Trung Quốc cũng có cái nhìn tích cực hơn đối với nước Anh. Mới chỉ hai năm trước đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn mô tả Anh Quốc là một "đế chế già cỗi đang suy yếu" và "chỉ là một quốc gia lâu đời của châu Âu phù hợp với du lịch và học tập".
Biểu ngữ chào đón ông Tập tại khu phố Hoa kiều ở thủ đô London, Anh. Ảnh:Reuters
Gần đây, người Trung Quốc đã bắt đầu tiếp nhận văn hóa Anh bằng sự đam mê. London đã trở thành địa điểm chụp ảnh cưới ưa thích của các đôi tình nhân trẻ Trung Quốc. Hàng triệu độc giả Trung Quốc bị mê hoặc bởi những cuộc triển lãm về "Sherlock Holmes" và "Downton Abbey." Các gia đình Trung Quốc giàu có sẵn sàng chi tiền cho con em mình theo học tại các cơ sở của những trường danh tiếng nhất nước Anh mở tại Trung Quốc.
Tình yêu có điều kiện
Trong khi nhiều nhà quan sát nhìn nhận chuyến công du của ông Tập là sự khởi đầu cho một "mối tình mới" giữa Anh và Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích và học giả quốc tế lại cho rằng đây là một "tình yêu có điều kiện", và Anh có thể phải đánh đổi mối quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ cho "mối tình mới" này.
Trong một bài bình luận gần đây, tờ Times của Anh cho rằng các quan chức nước này "không nên lấy làm tự hào khi được truyền thông Trung Quốc tán dương vì không nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền". "Không mối quan hệ nào đáng bị đánh đổi bằng sự phản bội các giá trị của Anh", bài báo nhấn mạnh.
Một số chuyên gia phân tích quan ngại rằng việc Anh ngày càng gần gũi với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến "mối quan hệ đặc biệt" với đồng minh thân cận Mỹ.
"Anh đang tự cúi mình để chứng minh tình bạn với Trung Quốc", tờWashington Post của Mỹ nhận định trong một bài bình luận tuần trước về chính sách đối ngoại của Anh. Hồi tháng ba, tờ Financial Times cho rằng quyết định tham gia ngân hàng AIIB thể hiện "xu hướng muốn làm hài lòng Trung Quốc" của Anh.
Carrie Gracie, chuyên gia về Trung Quốc của BBC, cho rằng mong muốn "trở thành đối tác phương Tây tốt nhất của Trung Quốc đã làm dấy lên những câu hỏi về cái giá mà Anh phải trả trong các lĩnh vực đối ngoại khác, và tác động tiêu cực đối với các quan hệ đồng minh hiện nay".
Ông Kerry Brown, giáo sư chính trị Trung Quốc ở Đại học Sydney và từng là một nhà ngoại giao Anh, cho rằng chuyến thăm của ông Tập có thể đánh dấu "thời khắc tế nhị" trong quan hệ Mỹ-Anh.
"Mỹ sẽ lo ngại rằng những công sức truyền tải thông điệp cứng rắn với các lãnh đạo Trung Quốc của họ sẽ trở nên công cốc sau cuộc gặp này".
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:PA Wire
"Chỉ khi nào Anh khẳng định rằng khi xây dựng mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc, họ có thể đối thoại thực chất hơn với Trung Quốc về các vấn đề khác, lúc đó quan hệ Mỹ-Anh mới có thể vượt qua được khó khăn", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trước sự chỉ trích của báo chí và nhiều chuyên gia phân tích trong nước, Thủ tướng Cameron đã khẳng định rằng sẽ "không có gì không được bàn đến" trong cuộc gặp với ông Tập, trong đó có những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền và an ninh mạng.
"Bằng cách phát triển huống tiếp cận mạnh mẽ, sát sao mang tính xây dựng, chúng tôi có thể nêu những vấn đề khác biệt giữa hai nước một cách thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi sẽ áp dụng hướng đi này trong cuộc gặp với ông Tập, và sẽ không có gì bị né tránh", người phát ngôn thủ tướng Anh cho hay.
Nguyên Trần
Theo VNE
Trưởng đội vệ sĩ bí mật của ông Tập lộ mặt ở Mỹ Người đứng đầu đơn vị vệ sĩ bí mật của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lần xuất hiện hiếm hoi khi nằm trong danh sách khách mời quốc yến tại Nhà Trắng. Nhà trắng tổ chức quốc yến thiết đãi ông Tập hôm 25/9. Ảnh: AFP Theo WSJ, trong danh sách khách mời, tên của ông được viết là "Ngài...