Ông Tập đang thay đổi “luật chơi” trong giới lãnh đạo TQ
Ông Tập Cận Bình được đánh giá là người kế nhiệm xuất sắc nhất từ thời Mao Trạch Đông với những quyết sách mạnh mẽ và cứng rắn.
Ông Tập Cận Bình đang bước vào giai đoạn chính trị quan trọng trong sự nghiệp khi Đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra vào năm sau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là luôn tự hướng mình theo hình mẫu của Mao Trạch Đông. Nhằm củng cố quyền lực và sự ảnh hưởng trong đảng Cộng sản, ông Tập đã làm theo một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất của Mao: “Không thể xây nếu không có phá, không thể tuôn chảy nếu không có ngăn dòng và không chuyển động nếu không có dừng lại: đó là hai phạm trù trong một cuộc đời luôn tranh đấu”.
Đoạn trích này trong bài phát biểu quan trọng tiêu đề “Về dân chủ mới” của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1940.
Cụm từ “không thể xây nếu không có phá” ám chỉ việc quét sạch tàn dư của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến. Sau này, Mao cùng những người ủng hộ đã dùng chính câu nói trên để xóa bỏ các giá trị văn hóa lâu đời.
Kể từ khi nắm quyền, ông Tập cho thấy một quyết tâm rất lớn nhằm phá bỏ các luật bất thành văn và không chính thức chi phối nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc suốt 30 năm qua.
Dấu hiệu đầu tiên là ông củng cố quyền lực bằng những bước đi cứng rắn thay vì hành động dựa trên sự đồng thuận của đại đa số như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tội phạm tham nhũng quy mô lớn, ông Tập đã xóa bỏ luật bất thành văn về việc miễn tội cho những thành viên trong Ban Thường vụ Bộ chính trị.
Chính sách đồng thuận của đại đa số của ông Hồ Cẩm Đào đã bị ông Tập thay thế.
Ông Tập Cận Bình yêu cầu điều tra quan tham Chu Vĩnh Khang, một lãnh đạo cao cấp về hưu của đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ Bộ chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Chu Vĩnh Khang sau đó bị kết án tù chung thân.
Quan trọng hơn, ông Tập đã có cuộc thanh lọc hàng ngũ quân đội lớn nhất lịch sử bằng việc điều tra hàng loạt tướng tá, quan chức cấp cao trong bộ máy an ninh vì nghi ngờ tham nhũng. Sự tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và việc thành lập một đơn vị chiến đấu mới từng được cho là điều bất khả trong quá khứ.
Khi Tập Cận Bình củng cố quyền lực, nhiều đồn đoán cho rằng ông sẽ xóa bỏ luật bất thành văn về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của chính trị Trung Quốc, đó là lựa chọn người kế nhiệm.
Vòng xoay của nền chính trị Trung Quốc đã bắt đầu và tới mùa thu năm sau, Đại hội đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra, trong đó một Ban Thường vụ Bộ chính trị mới sẽ được bầu ra.
Video đang HOT
Vương Kì Sơn, “cánh tay nối dài” của Tập Cận Bình.
Một luật lệ phi chính thức khác là những người dưới 67 tuổi có thể ở lại Bộ Chính trị thêm 5 năm nữa, trong khi những cá nhân từ 68 tuổi trở lên buộc phải nghỉ hưu. Không một lãnh đạo cấp cao nào được phép tại vị trong hai nhiệm kỳ.
Nếu chiểu theo luật này, chỉ có Tập Cận Bình 63 tuổi và Thủ tướng Lí Khắc Cường, 61 tuổi là tiếp tục 5 năm tới trong Ủy ban Thường vụ, trong khi 5 thành viên khác sẽ phải nhường vị trí. Phân nửa thành viên trong Bộ Chính trị cũng phải thay đổi nhân sự.
Dựa theo khát vọng và quyền lực của ông Tập, nhiều chuyên gia dự đoán rằng ông sẽ thay đổi quy định nghỉ hưu cho lãnh đạo cấp cao nhằm có trong tay đội ngũ hùng mạnh cho nhiệm kỳ 2 của mình dự kiến kết thúc vào năm 2022.
Tương lai của Vương Kì Sơn, một trong những lãnh đạo tinh hoa và là trợ thủ thân tín nhất của ông Tập Cận Bình, cũng sẽ được quyết định trong thời gian tới. Là thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị, Vương chỉ huy kế hoạch phòng chống tham nhũng với kết quả xuất sắc.
Vương Kì Sơn đã 68 tuổi nhưng dự kiến một ngoại lệ sẽ được chiếu cố để ông làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Với thành tích chống tham nhũng và khả năng kinh tế nhạy bén, chắc chắn Vương Kì Sơn sẽ được cân nhắc ở thêm 5 năm.
Bắc Đới Hà, thành phố dự kiến tổ chức phiên họp không chính thức mùa hè năm sau.
Nếu Vương được phép tại vị thì đây là tiền lệ đầu tiên trong lịch sử chính trị Trung Quốc. Việc củng cố quyền lực và xây dựng tầm ảnh hưởng của ông Tập sẽ được kéo dài thêm 5 năm nữa.
Khi Đại hội đảng chỉ còn cách đúng một năm, nhiều đồn đại lại xuất hiện quanh phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương dự kiến bắt đầu vào hôm nay 24.10.
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao tuyên bố phiên họp toàn thể này chú trọng vào các quy tắc đạo đức điều chỉnh hành vi cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là hàng ngũ tinh hoa.
Truyền thông phương Tây cho rằng ngoài chương trình nghị sự chính thức, phiên họp toàn thể sẽ bàn thảo khả năng thay đổi nhân sự chủ chốt. Một số tờ báo Trung Quốc cũng cho rằng chức danh lãnh đạo Hong Kong cũng sẽ tìm được chủ nhân mới trong đại hội lần này.
Nếu theo lịch sử chính trị Trung Quốc thì việc thay đổi chức danh chủ chốt thường được thực hiện phi chính thống trước khi đưa ra bàn thảo ở những phiên họp toàn thể quan trọng. Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ chú trọng vào việc xây dựng quy tắc đạo đức cho cán bộ cấp cao để phòng chống tệ tham nhũng đang tràn lan hiện nay ở Trung Quốc.
Mao Trạch Đông (trái) và Đặng Tiểu Bình.
Quyết định lựa chọn lãnh đạo cấp cao có lẽ sẽ được đưa ra trong phiên họp không chính thức ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc vào mùa hè tới. Với việc tuyển chọn vị trí lãnh đạo Hong Kong, một số nhà quan sát cho rằng hành động này thực sự không quan trọng lắm. Việc thay đổi người đứng đầu đặc khu Hong Kong không mang tính quyết định trong phiên họp toàn thể lần này.
Về khả năng ông Tập ở lại tới năm 2022, hiện nay chưa có nhiều thông tin xoay quanh quan điểm này. Thay đổi luật lệ hiện hành sẽ mang lại nhiều rủi ro, gây ra mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ đảng, ảnh hưởng tới quyết tâm củng cố quyền lực và tính chính danh của đảng Cộng Sản như Tập Cận Bình mong mỏi.
Ngoài ra, luật bất thành văn giúp thể chế hóa việc chọn đội ngũ kế cận và tránh tình trạng tranh giành trong đảng kể từ khi thành lập tới nay. Ông Tập có thể là một người kế nhiệm xuất sắc của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, tuy nhiên việc “phá hủy để xây dựng” của ông vấp phải nhiều trở lực.
Đồn đoán về khả năng ở lại của ông Tập được cho là xuất phát từ những người ủng hộ ông và họ dùng truyền thông phương Tây để thăm dò bầu không khí chính trị trong nước.
Tuy nhiên, lời đồn này hoàn toàn có thể do những kẻ thù ghét Tập Cận Bình tung ra. Đây được xem là cách thức thường thấy khi cung cấp thông tin thất thiệt cho truyền thông quốc tế nhằm hạ bệ những nhân vật quan trọng trong chính giới Trung Quốc.
Theo Danviet
Dụng ý đằng sau chiếc áo gió ưa thích của ông Tập Cận Bình
Chiếc áo gió màu xanh hải quân, có khóa kéo luôn đồng hành cùng ông Tập trong mọi chuyến đi, không khác nào vệ sĩ riêng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc chiếc áo gió quen thuộc khi đến thăm một vùng nông thôn. Người nông dân ngồi bên cạnh ông cũng mặc chiếc áo tương tự. Ảnh: Xinhua
Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thường xuất hiện với chiếc áo khoác kiểu nhà binh, cổ kín. Tiếp sau đó, ông Đặng Tiểu Bình cũng thường xuất hiện với chiếc áo khoác giống của ông Mao, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc sau này lại chọn Âu phục.
Khi ông Tập lên lãnh đạo, chiếc áo gió là trang phục được ông ưa thích trong các chuyến công cán. Trong một chuyến công tác hồi tháng 4 tới vùng nông thôn, ông Tập đã mặc chiếc áo này trong lúc được dân làng chào đón. Một trong những người dân còn mặc chiếc áo giống của ông Tập.
Không chỉ có vậy, tại những sự kiện mang tính nghi thức hơn, ông Tập cũng xuất hiện với chiếc áo gió này, gần đây nhất vào giữa tháng trước, tại một buổi diễn thuyết ở Bắc Kinh về vai trò của triết học và khoa học xã hội.
Mặc dù ông Tập chưa khi nào công khai bàn luận về lựa chọn trang phục của mình, chiếc áo gió đã trở thành trang phục biểu tượng cho sự lãnh đạo của ông. Theo NYTimes, dáng vẻ "người của nhân dân" mà chiếc áo mang lại, cùng với một chiến dịch truyền thông gọi ông là "cha Tập", đang giúp hình ảnh của ông Tập trở nên mềm mại hơn, làm dịu đi hình ảnh lãnh đạo cứng rắn của nhà lãnh đạo này.
Vẻ bình dị, không xa hoa của chiếc áo cũng phù hợp với một nhà lãnh đạo đang phát động chiến dịch chống tham nhũng và lãng phí trong quan chức. Và cũng giống như hầu hết những thứ gắn với ông Tập, như thói quen ăn uống, cách nói chuyện hay vị phu nhân nổi danh, chiếc áo gió của ông Tập được truyền thông Trung Quốc tung hô như bằng chứng về sự thông thái chính trị.
Xinhua đăng một bài báo nói rằng chiếc áo đã toát lên một phần khí chất của "Ngài Làm việc Hiệu quả".
"Không cần là ủi, gọn gàng, chống bám bụi, và phổ dụng", bài báo bình luận. "Chính điều đó đã khiến chiếc áo khoác trở thành trang phục không chính thức yêu thích của giới quan chức Trung Quốc".
Quả thực, và có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên ở một chính phủ mà lãnh đạo luôn đòi hỏi sự đồng nhất từ trên xuống, nhiều cộng sự và cấp dưới của ông Tập cũng chọn loại áo này. Tại một sự kiện trồng cây hồi năm ngoái, hầu như toàn bộ quan chức cấp cao của Trung Quốc có mặt đều mặc cùng loại áo khoác.
Hồi tháng hai, khi ông Tập tới thăm các cơ quan tin tức của đảng và Nhà nước, ông Tập cùng các tùy tùng đã xuất hiện tại đài truyền hình trung ương Trung Quốc với cùng loại áo khoác. Những bức ảnh chính thức được đăng tải sau đó cho thấy ông Tập ngồi tại bàn của phát thanh viên với toàn bộ quan chức tháp tùng có chung diện mạo, ngoại trừ hai phát thanh viên ăn vận bảnh bao hơn.
Các quan chức tháp tùng ông Tập cũng mặc áo giống ông trong chuyến thăm đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Ảnh: haiwainet.cn
Bình dị, thực dụng và cho thấy quyết tâm tránh xa sự kiểu cách, xa hoa, chiếc áo khoác chính là công dụ giúp nhà lãnh đạo Trung Quốc truyền đi thông điệp dân túy và con người của hành động.
"Chiếc áo đủ tạo ra sự khác biệt so với bộ áo khoác của Mao Trạch Đông nhưng vẫn toát lên tinh thần của bộ trang phục đó: thanh đạm, thực dụng, gần với nhân dân", bà Louise Edwards, giáo sư Đại học New South Wales tại Australia nhận định. "Ông ấy mặc chiếc áo gió khi muốn chứng tỏ mình là con người của công việc".
Theo nhà nghiên cứu về ý nghĩa biểu tượng chính trị trong các trang phục của Trung Quốc này, chiếc áo gió mang thông điệp: "Điều hành đất nước là công việc của tôi, tôi làm việc đó một cách chăm chỉ".
Ông Tập không phải nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc chọn áo gió làm trang phục cho những chuyến đi gặp gỡ người dân. Người tiền nhiệm của ông, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng rất thường xuyên mặc loại áo này.
"Nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thích loại áo khoác đó, bởi nó đa năng và tiện dụng", Ta Kung Pao, một tờ báo Hong Kong thân đảng Cộng sản Trung Quốc viết trong một bài báo năm 2014. "Chiếc áo khoác trông toát lên sự mạnh mẽ".
Dù nhiều người nỗ lực tìm kiếm, họ vẫn chưa thể tìm ra thương hiệu áo gió ông Tập mặc. Tại Bắc Kinh, những chiếc áo gió màu xanh hải quân có khóa kéo có mức giá rất đa dạng, từ 70 USD tới khoảng 700 USD.
"Ở quê tôi, giá của nó rẻ hơn nhiều", Li Chuande, một người đã về hưu đến từ tỉnh Hồ Bắc cho biết. "Ông Tập Cận Bình đang cho thấy ông ấy cũng giống như những người dân thường chúng tôi. Bạn có thể mặc chiếc áo này ở bất kỳ đâu cũng ổn cả", ông Li nói trong lúc đang mặc trên người chiếc áo gió có khóa kéo giống của ông Tập.
Ngay cả những đôi giày mà ông Tập đi cũng được thiết kế để cho thấy mình là con người của công việc, và không có thời gian cho sự xao lãng, Deborah M. Lehr, nhà nghiên cứu tại Viện Paulson, Chicago, Mỹ nhận xét.
"Chủ tịch Tập Cận Bình trong các cuộc họp chính thức luôn mặc một chiếc áo khoác đen, nhìn chung không có gì đặc biệt, cùng áo sơ mi trắng, cà vạt sáng màu và ống quần thường được kéo lên cao hơn những người khác", nhà nghiên cứu này cho biết. "Đó là những bộ đồ đẹp nhưng không quá bảnh, và thực dụng giống như những đôi giày có dây giả".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Tập Cận Bình thay đổi 'bí kíp' Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc nguy hiểm Về cơ bản, những gì ông Tập Cận Bình đã làm là từ bỏ công thức vốn thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua. Công thức đó được Đặng Tiểu Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 1978, và sau đó được những người kế nhiệm ông hiệu chỉnh, Financial Times đánh giá. Tờ...