Ông Tập có thể đến Nga vào tháng 7
Ông Tập có thể thực hiện chuyến công du đầu tiên sau khi Covid-19 bùng phát vào tháng 7, khi dự hai hội nghị ở St Petersburg.
Tổng thống Nga Putin dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối kinh tế và an ninh khu vực, ở St Petersburg vào giữa tháng 7.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị BRICS ở Brazil năm 2019. Ảnh: Reuters.
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andre Denisov xác nhận trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay rằng lịch trình nói trên vẫn được xúc tiến. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng đến Nga dự sự kiện. Ngoài ra, đang có thảo luận về việc Tổng thống Nga Putin thăm Trung Quốc vào tháng 9, dù chưa ấn định ngày cụ thể.
“Chúng tôi vẫn hy vọng vào nửa cuối năm nay, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để các lãnh đạo đến thăm nhau cả ở Trung Quốc lẫn Nga”, Denisov nói.
Kể từ khi ông Tập nhậm chức năm 2013, ông và Putin đã duy trì mối quan hệ cá nhân thân thiết với hơn 30 lần gặp nhau. Ông Tập gọi ông Putin là “bạn thân nhất” trước chuyến thăm cấp nhà nước tới Moskva vào năm ngoái.
Hai lãnh đạo đã điện đàm ba lần kể từ tháng ba. Khi Bắc Kinh chịu áp lực ngày càng tăng về cách họ xử lý Covid-19, Putin là lãnh đạo cường quốc duy nhất chỉ trích Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Covid-19 có thể phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai nước, một phần do Nga đã sớm đóng biên với Trung Quốc vào cuối tháng một, bất chấp Bắc Kinh phản đối. Hiện tại, khi Trung Quốc về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm ở Nga tăng mạnh mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh ở Nga đang đe dọa thành quả của Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh biên giới Hắc Long Giang.
Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 5 triệu người nhiễm, gần 326.000 người tử vong và gần hai triệu người bình phục.
Video đang HOT
Nga là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với gần 309.000 ca nhiễm, gần 3.000 người chết, số tử vong thấp hơn nhiều các nước châu Âu khác. Nga ghi nhận hơn 8.700 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, thấp nhất kể từ ngày 1/5. Giới chức nói rằng dữ liệu cho thấy tình hình dịch có dấu hiệu ổn định. Thủ đô Moskva đã phong tỏa 8 tuần và Thị trưởng Sergei Sobyanin khẳng định còn quá sớm để bỏ yêu cầu người dân ở nhà.
Covid-19 phơi bày lỗ hổng hệ thống y tế Nga
Covid-19 khiến nhiều bất cập trong hệ thống y tế Nga lộ ra, khi các bệnh viện nước này lúng túng ứng phó với làn sóng ca nhiễm nCoV gia tăng.
Việc Nga liên tục "tăng hạng" trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không phải là điều dễ chịu đối với Tổng thống Vladimir Putin. Hồi đầu tháng 3, Nga chỉ ghi nhận vài ca nhiễm nCoV, nhưng đến nay, nước này đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với gần 300.000 ca nhiễm, chỉ xếp sau Mỹ, quốc gia đông dân gấp hơn hai lần.
Rất ít chính phủ trên thế giới có thể kiểm soát đại dịch thành công. Tuy nhiên, sự gia tăng chóng mặt ca nhiễm mới đã phơi bày những điểm yếu của hệ thống y tế Nga: thiếu đầu tư, cải cách nửa vời cũng như sai lầm trong kế hoạch thay thế toàn bộ thuốc men và thiết bị y tế nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa.
Cơ quan giám sát y tế Nga Roszdravnadzor ngày 13/5 thông báo mở cuộc điều tra chất lượng và độ an toàn của máy thở nội địa Aventa-M được dùng tại hai bệnh viện ở thủ đô Moskva và thành phố St. Petersburg sau hai vụ chập cháy gây chết người.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại một bệnh viện ở thủ đô Moskva hồi đầu tháng này. Ảnh: NYTimes.
Nước Nga hiện nay thừa hưởng hệ thống y tế từ thời Liên Xô, thời kỳ người dân chăm sóc sức khỏe miễn phí, nhưng các bệnh viện không thực sự được ưu tiên đầu tư. Chất lượng chắp vá, dịch vụ y tế không hiệu quả và luôn trong tình trạng thiếu ngân sách. Bác sĩ, hầu hết là phụ nữ, bị trả lương rất thấp và bị xem là công chức có địa vị thấp.
Từ tháng 5/2012, Tổng thống Putin đã đề ra kế hoạch cải cách hệ thống y tế, ưu tiên tinh giản và hiện đại hóa bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, với một loạt chương trình được đưa ra để đẩy mạnh việc cung ứng, tăng thêm bác sĩ ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng lương và cải thiện việc đào tạo đội ngũ nhân viên.
Khi dân số Nga sụt giảm, Tổng thống Putin tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và tìm cách giảm tỷ lệ tử vong sớm, phần lớn là do các bệnh về tim mạch, lạm dụng rượu bia và hút thuốc.
Không cải cách nào trong số đó không hợp lý, theo Judy Twigg, giáo sư tại Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia. Tỷ lệ tử vong của người Nga nhìn chung đã giảm, nhưng Twigg chỉ ra điều đáng buồn là nhiều cải cách không được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Khi được thực thi ở cấp địa phương, tình trạng tham nhũng, tha hóa của một số quan chức đã khiến hàng trăm bệnh viện bị đóng cửa, hàng nghìn nhân viên y tế bị cắt giảm trên cả nước, nhưng hiệu quả thu lại không đáng kể.
Dù các phòng khám chất lượng thấp đã bị loại bỏ và số lượng bệnh viện đã giảm một nửa trong giai đoạn 2000-2015, người dân vẫn không được cung cấp các lựa chọn thay thế và cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn yếu kém. Đồng thời, việc tăng tiền lương cho y bác sĩ khiến ngân sách cho các hoạt động khác bị cắt giảm và việc mua bán công nghệ, vật tư y tế mới đã tạo điều kiện cho nạn tham nhũng hoành hành.
Theo một phân tích của Bloomberg năm 2018, Nga vẫn là một trong những nước có hệ thống y tế kém hiệu quả nhất thế giới.
Covid-19 là lời cảnh tỉnh về cái giá phải trả cho những sai lầm của quá khứ. Điều dễ thấy nhất là phòng tuyến đầu tiên của Nga đã sớm thất bại. Chính phủ này đã nhanh chóng nhìn thấy mối đe dọa và sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ tháng 1, nhưng lại chậm chạp hơn rất nhiều khi đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong nước.
Theo bình luận viên Clara Ferreira Marques của Bloomberg, Nga đã phủ nhận một vấn đề rõ ràng là sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm trong thời gian dài. Trong khi mải mê theo đuổi "cuộc chiến thông tin" về Covid-19 ở các nước khác, Nga dường như đã quên mất cuộc chiến với nCoV tại chính quốc gia này.
Marques cho rằng nếu quan tâm hơn, Nga có thể đã kiểm soát được vấn đề, thậm chí tính đến khả năng các xét nghiệm nCoV ban đầu có thể có quá nhiều kết quả âm tính giả.
Khi quá nhiều bệnh nhân đổ xô tới bệnh viện, hệ thống y tế của Nga đối mặt nguy cơ "gục ngã". Nhiều người cho rằng nhân viên y tế có ít kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm và việc thiếu thiết bị bảo hộ nghiêm trọng đã vô tình làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn, khi để lẫn lộn các bệnh nhân bình thường và người nhiễm nCoV. Một số y bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc dù đã bị ốm.
Nga hiện có 400 điểm nóng Covid-19 liên quan tới các bệnh viện và hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm nCoV. Một danh sách không chính thức cho biết hơn 220 người chết vì nCoV là nhân viên y tế, chiếm gần 8% trong tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Nga. Đại dịch cũng tấn công y bác sĩ tại các nước phương Tây khác, nhưng tỷ lệ nhân viên y tế tử vong ở Nga vẫn được cho là cao nếu xét trên tổng số người chết vì nCoV trên toàn quốc.
Thậm chí những nhân viên y tế không nhiễm bệnh cũng đang gánh chịu rất nhiều áp lực. Một số y tá đã xin nghỉ việc. Trong những tuần gần đây, ba bác sĩ Nga đã tử vong sau khi rơi từ cửa sổ bệnh viện, hai trong số đó xảy ra sau những phàn nàn về điều kiện làm việc.
Thất bại lớn nhất trong cuộc cải cách của Tổng thống Putin có thể là điều mà mọi người ít để ý: sự lãng quên các khu vực nông thôn, theo Marques.
Thủ đô Moskva là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV nhất ở Nga, nhưng cũng là nơi có bệnh viện điều trị Covid-19 chất lượng cao Kommunarka cùng nhiều cơ sở y tế hàng đầu khác. Ngoài các trung tâm đô thị lớn, đa số cơ sở y tế ở phần còn lại ở các khu vực khác của Nga đều không được đầu tư nhiều.
Trong thời gian thực hiện cải cách y tế từ 2013 đến cuối 2019, Nga đã cắt giảm hơn một nửa số nhân viên y tế, trong đó có nhiều điều dưỡng viên sơ cấp và nhân viên vệ sinh, lao công. Đội ngũ y tá chuyên nghiệp bị cắt giảm 9,3%, theo MoscowTimes.
Nỗi đau của chính sách cắt giảm có thể được cảm nhận rõ ràng nhất ở các vùng xa xôi của nước Nga, nơi dân số đang giảm nhanh. Năm 2016, các nghị sĩ Nga được báo cáo rằng trong số 130.000 khu định cư nông thôn, chưa đến một nửa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Lúc dịch bùng phát, Nga có 42.000 máy thở, gấp vài lần so với Anh, nhưng 1/4 số này đều tập trung ở Moskva.
Xe cứu thương xếp dài bên ngoài một bệnh viện ở thành phố St. Petersburg hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Nhiều thống đốc cấp vùng của Nga cũng đang vật lộn với cuộc chiến kiểm soát dịch tại địa phương. Số ca nhiễm tăng nhanh ở Komi, phía bắc Nga, đã cho thấy mọi thứ có thể tệ đến mức nào.
Hồi đầu tháng 4, một bác sĩ nhiễm nCoV ở Komi vẫn tiếp tục làm việc đã tạo ra một ổ dịch lớn khiến hàng chục người khác nhiễm. Tỉnh rộng lớn và thưa dân này nhanh chóng trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại thành phố Yekaterinburg, một nhân viên y tế khác đã lây nhiễm cho 78 người. Trong khi đó, vùng Dagestan nghèo đói ở phía nam nước Nga cũng trở thành "điểm nóng" Covid-19 ở Nga. Giới chức tuần này báo cáo với Tổng thống Putin rằng tình hình "cực kỳ khó khăn" với nhiều ca tử vong không được báo cáo.
Tuy nhiên, Marques cho rằng Nga vẫn có những dấu hiệu đáng hy vọng. Khả năng xét nghiệm của Nga đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Nga cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Dù vậy, bình luận viên này nhận định tương lai của hệ thống y tế Nga sẽ khá ảm đạm khi Covid-19 có thể kéo dài. "Suy thoái của Nga năm nay có thể ở mức tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã do tác động kép từ giá dầu giảm và lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế Nga nhiều khả năng sẽ vẫn không được coi là một ưu tiên hàng đầu", Marques nhận định.
Bác sĩ Nga gục ngã trên tuyến đầu chống Covid-19 Bác sĩ Rimma Kamalova cho biết từng cảnh báo lãnh đạo bệnh viện ở Ufa về các ca viêm phổi khó lý giải hồi tháng 3, nhưng bị phớt lờ. Vào ngày phát hiện một bệnh nhân đã tử vong dương tính với nCoV, bệnh viện Kuvatova tại thành phố Ufa của Nga, nơi Kamalova làm việc, vẫn tiếp nhận hơn 50 người...