Ông Tập Cận Bình và quan chức Trung Quốc quyên góp tiền chống Covid-19
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu của nước này quyên góp tiền để chống lại dịch Covid-19, đáp lại lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc quyên góp tiền chống Covid-19, cho biết thêm rằng các quam chức này là những người trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không cho biết số tiền quyên góp là bao nhiêu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi tất cả các đảng viên quyên góp “tự nguyện” để hỗ trợ các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19. Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc đối mặt với thách thức không chỉ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà còn ổn định tăng trưởng kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng do các nhà máy, văn phòng và trường học trên khắp Trung Quốc bị đóng cửa với thời gian kéo dài.
“Các ủy ban đảng và chính quyền các cấp nên quan tâm đến cả việc phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế, để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và đáp ứng các mục tiêu giảm nghèo”, Tân Hoa Xã dẫn lời phát biểu của ông Tập Cận Bình tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hôm 26/2.
Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc quyên góp tiền chống Covid-19. (Ảnh: Bloomberg)
Điều này lặp lại lời kêu gọi tương tự đưa ra sau trận động đất kinh hoàng năm 2008 ở tỉnh Tứ Xuyên, khi các đảng viên được khuyến khích quyên góp khoản “phí đặc biệt” cho các nỗ lực tái thiết và phục hồi.
Tân Hoa Xã cho biết hơn 45 triệu đảng viên đã quyên góp được tổng cộng 9,7 tỷ Nhân dân tệ.
Dịch Covid-19 được xem là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất đối với ông Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền. Đến này, dịch bệnh này đã lây nhiễm hơn 78.000 người ở Trung Quốc kể từ khi bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12 năm ngoái. Nhiều quốc gia trên thế giới đã báo cáo về các trường hợp nhiễm mới virus corona,
Đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã chi hơn 100 tỷ Nhân dân tệ để chống lại dịch Covid-19, Economic Daily trích dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết hôm 27/2.
Video: Bác sĩ chữa Covid-19 từ xa với công nghệ 5G
KÔNG ANH (Nguồn: Straitstimes)
Theo vtc.vn
Tỷ lệ tử vong vì virus corona cao bất thường ở Iran
Với số ca tử vong vì nhiễm virus corona được Iran công bố thời gian qua, tỷ lệ tử vong tại nước này lên đến 16%, vượt xa con số trung bình tại nhiều nước khác trên thế giới.
Iran đang là nước có số ca tử vong vì nhiễm virus corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, Kianoosh Jahanpour, ngày 25/2 xác nhận nước này có 15 bệnh nhân tử vong trong số 95 ca dương tính với chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).
Theo nhận định của NBC News, điều này đặt ra nhiều câu hỏi về cách chính phủ Tehran đối phó cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và liệu giới lãnh đạo Iran có thông tin đầy đủ hoặc đủ năng lực kiểm soát lây lan của dịch virus corona (được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi tắt là Covid-19).
Nhân viên chính phủ Iran phun thuốc khử trùng trên tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran ngày 25/2. Ảnh: AP.
Tỷ lệ tử vong đến 16%
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), số người tử vong vì nhiễm virus corona ở Trung Quốc đại lục là 2.715 trên tổng số 78.064 ca dương tính, tính đến hết ngày 25/2. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc đại lục khoảng 2-3%. Còn tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC) tính đến sáng 26/2 ghi nhận 12 ca tử vong trên tổng số 1.261 ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 1%.
Trong khi đó, chính phủ Iran công bố 95 ca nhiễm tính đến hết ngày 25/2. Bộ Y tế Iran xác nhận có 15 ca tử vong trong số này. Truyền thông nhà nước sau đó thông tin đã có bệnh nhân thứ 16 qua đời. Tỷ lệ người nhiễm virus tử vong lên đến 16%, vượt xa con số của Hàn Quốc và tâm dịch ở Trung Quốc.
Giới chuyên gia y tế cộng đồng lo sợ Iran sẽ trở thành cầu nối cho một đợt bùng phát dịch bệnh khắp Trung Đông. Nước này vừa thiếu hụt khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay sát khuẩn, lại có biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia mất ổn định vì chiến tranh hoặc bất ổn chính trị xã hội.
Ca dương tính đầu tiên với virus corona tại Iran được công bố tại thành phố Qom vào giữa tuần trước. Chỉ sau vài ngày, dịch bệnh đã lan đến ít nhất 7 tỉnh của nền Cộng hòa Hồi giáo. Hàng loạt quốc gia trong khu vực như Iraq, Kuwait, Bahrain, Afghanistan và Oman đã xuất hiện người nhiễm. Chính phủ các nước nói người nhiễm đều từng đến Iran.
Nhiều chuyên gia lo ngại Iran thiếu hụt trang thiết bị y tế có thể dẫn đến lây nhiễm quy mô lớn tại nước này và khu vực. Ảnh: AP.
Lo ngại về độ minh bạch
Diễn biến lây nhiễm quá nhanh dẫn đến nhiều ý kiến chỉ trích trong và ngoài Iran về cách chính phủ nước này ứng phó dịch bệnh. Mức độ minh bạch và chính xác trong cách Iran công bố thông tin bị hoài nghi, dù giới chức nước này đã bác bỏ mọi cáo buộc Tehran đang che giấu tình hình dịch bệnh.
Hiệu trưởng Đại học Khoa học Y thành phố Qom, Mohammad Reza Ghadir, tiết lộ trên sóng truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế Iran cấm công bố số liệu bùng phát virus corona ở địa phương. Khi được hỏi về số người đang được cách ly ở Qom, ông Ghadir nói Bộ Y tế Iran "yêu cầu chúng tôi không thông báo bất kỳ số liệu nào". Vị hiệu trưởng cho biết "phần lớn xét nghiệm được tiến hành tại Tehran và chỉ Tehran công bố kết quả".
Trước đó, một chính trị gia Iran tiết lộ số người tử vong tại thành phố Qom vì nhiễm virus corona cao hơn con số được chính phủ công bố. Tuyên bố này lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi, lãnh đạo nhóm chuyên trách ứng phó dịch bệnh. Vị thứ trưởng một ngày sau cũng được xác nhận dương tính với virus corona.
Mức độ tin cậy trong cách Tehran công bố thông tin giải quyết khủng hoảng tụt giảm sau sự cố bắn nhầm máy bay thương mại Ukraine hồi tháng 1. Gần 3 ngày sau khi máy bay rơi, giới lãnh đạo Iran và lực lượng vũ trang nước này mới chính thức nhận trách nhiệm cho thảm họa khiến 176 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25/2 bày tỏ quan ngại trước "thông tin ám chỉ chính quyền Iran có thể đang che giấu những chi tiết quan trọng" về bùng phát virus corona tại nước này.
"Mọi quốc gia, trong đó có Iran, nên nói đúng sự thật về dịch virus corona và hợp tác với các tổ chức viện trợ quốc tế", ông Pompeo nhấn mạnh.
Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi (trái), được xác nhận dương tính với virus corona một ngày sau buổi họp báo kêu gọi người dân tin tưởng vào nỗ lực chống dịch của chính phủ. Ảnh: The Australian.
Vấn đề trong truy tìm ca nhiễm
Các chuyên gia y tế ngoài Iran nhận định tổng số ca nhiễm được Tehran công bố chính thức đang được cập nhật chậm hơn số ca tử vong được xác nhận. Điều này có thể vì giới chức Iran bỏ sót những ca không có bệnh lý nghiêm trọng trên khắp cả nước vì phần lớn xét nghiệm và chẩn đoán được tiến hành ở thủ đô. Những lý do khả dĩ khác bao gồm vấn đề trong chia sẻ thông tin và trang thiết bị y tế lỗi.
"Có thể là vấn đề về mặt báo cáo thông tin. Báo cáo ca nhiễm có thể chậm hơn báo cáo ca tử vong", bác sĩ Yanzhong Huang, chuyên gia tại Đại học Seton Hall (New Jersey, Mỹ), nhà phân tích y tế toàn cầu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định.
Việc Iran có đủ năng lực để thống kê số lượng người nhiễm trên toàn quốc vẫn còn là một ẩn số. Để làm được điều này, giới chức y tế cần tiếp cận mọi thị trấn và làng xã để tiến hành xét nghiệm, chứ không đơn thuần tập trung vào bệnh nhân có triệu chứng nặng được đưa đến bệnh viện lớn, theo bác sĩ William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vandebilt (Tennessee, Mỹ).
"Điều này đòi hỏi đến tận khu dân cư và gõ cửa từng nhà, quyết liệt tìm kiếm ca nhiễm. Tôi không rõ họ có đủ năng lực cho điều đó hay không. Có nhiều nước thiếu khả năng và họ cũng không có truyền thống đó trong hệ thống y tế cộng đồng. Điều này đối với họ rất lạ lẫm", ông nhận định.
Một giả thuyết khác trong trường hợp Iran là nhóm bệnh nhân nhiễm virus corona. Có khả năng phần lớn ca nhiễm là người cao tuổi, vốn là nhóm dễ tổn thương hơn với dịch bệnh. Theo Schaffner, nếu virus lây nhiễm cho nhóm dân số là người cao tuổi, thường sẵn có nhiều vấn đề khác về sức khỏe, điều này có thể lý giải được tỷ lệ tử vong cao.
Một hướng giải thích khác, dù thiếu thuyết phục hơn, là các bệnh viện ở Iran quá tải và bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Cá nhân ông Schaffner không tin đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao vì Iran có hệ thống chăm sóc sức khỏe khá tiến bộ.
John Torres, chuyên gia mảng y tế của NBC, nhận định không có bằng chứng cho thấy thông tin di truyền của chủng virus thay đổi trong trường hợp Iran. Ngoài ra, những nơi khác trên thế giới cũng không phát hiện virus đột biến. Ông nhận định cách lý giải thuyết phục nhất cho tỷ lệ tử vong cao ở Iran là hệ thống truy tìm ca nhiễm của nước này đang có vấn đề.
Thứ trưởng Y tế Iran họp báo trước khi bị xác nhận nhiễm virus corona
Ngày 24/2, khi phát ngôn viên chính phủ Iran tự tin khẳng định rằng họ "không có vấn đề gì" với dịch Covid-19, Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi đứng cạnh liên tục lau mồ hôi.
Theo news.zing.vn
Hong Kong phát tiền cho dân, mỗi người nhận 1.200 USD Mỗi thường trú nhân Hong Kong từ 18 tuổi trở lên sẽ được nhận khoản tiền mặt trị giá 10.000 HKD (1.280 USD), được coi như tiền cứu trợ từ chính phủ để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Gói cứu trợ này có tổng trị giá 120 tỷ HKD (khoảng 15 tỷ USD) nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cá nhân...