Ông Tập Cận Bình sang thăm: Ấn Độ tuyên bố bảo vệ biên giới
Ấn Độ tuyên bố bảo vệ vững chắc 3.500 km đường biên giới giáp Trung Quốc trước thềm chuyến thăm nước này của ông Tập Cận Bình.
Hãng tin Hindustan Times liệt kê một số vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong thời gian qua. Cụ thể, hơn 2.000 binh lính của Quân đội Trung Quốc (PLA) vượt quan biên giới vào lãnh thổ vùng Ladakh ở phía tây dãy Himalaya (thuộc chủ quyền của Ấn Độ) hồi tuần trước. Chưa kể, nhóm binh sĩ này thậm chí còn sử dụng xe cần cẩu, xe ủi đất và một xe tải Hummer để xây dựng con đường dài 2 km bên trong khu vực này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lần gặp nhau tại Hội nghị BRICS ở Brazil hồi mùa hè 2014.
Các quân nhân Ấn Độ đã tới khu vực trên và yêu cầu lính Trung Quốc rút về bên kia biên giới. Sau đó, vào đêm 10/9, các binh sĩ Ấn Độ đã phá dỡ con đường đang xây dở của lực lượng Trung Quốc. Cho tới nay, vẫn chưa có bình luận chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Tuy nhiên, cả phía Ấn Độ và Trung Quốc đều cố gắng bỏ qua các hiềm khích gần đây để hướng về Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi vị lãnh đạo Ấn Độ lên cầm quyền hồi tháng 5. Theo lịch trình, Chủ tịch Cận Bình sẽ tới Ấn Độ vào ngày 17/9 sau khi dừng chân ở Maldives và Sri Lanka.
Dự kiến, hai quốc gia sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại và mở đường cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, bao gồm cả đường sắt. Tuy nhiên, vấn đề biên giới vẫn là một rào cản lớn để cải thiện mối quan hệ chính trị giữa hai bên.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đứng gác ở điểm chốt ở dọc trên đường ranh giới giữa hai nước.
Cả hai bên đều đòi hỏi quyền chủ quyền đối với một dải đất rộng lớn dọc biên giới. Sau 2 thập kỉ đàm phán, hai bên đã không đi đến bất cứ thống nhất nào về việc này.
Họ thậm chí còn không thể nhất trí về Đường Kiểm soát thực tế, nơi quân đội hai bên được điều tới để canh gác. Điều này dẫn tới việc hai bên luôn vi phạm biên giới của nhau.
Trong vòng 2 năm qua, Ấn Độ ghi nhận các vụ xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Bắc Kinh, dấu hiệu mà các chuyên gia quân sự cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán hơn nữa của Bắc Kinh đối với cuộc tranh chấp biên giới này. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc phủ nhận chuyện xâm nhập sang lãnh thổ Ấn Độ.
Theo Kiến Thức
Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 4: Chuyện chưa kể về cột bia chiến thắng Khánh Khê
Đã từ ba năm nay, vào mỗi dịp 27.7, lễ tri ân, tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 được tổ chức tại nhà bia chiến thắng Khánh Khê (bản Pa Pách, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).
Video đang HOT
Nhà bia mới được hoàn thành
Nhà bia Khánh Khê mới được khánh thành hai năm trước, đúng vào dịp 27.7.2012 với dòng chữ hùng hồn: "TẠI ĐÂY, VÀO 3.1979 QUÂN, DÂN HUYỆN VĂN QUAN VÀ SƯ ĐOÀN 337 ĐÃ ĐÁNH BẠI VÀ CHẶN ĐỨNG QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC".
Trong cuộc chiến diễn ra 34 năm về trước, cũng như hàng loạt các cuộc xâm lược từ các triều đại phương Bắc xuống phía Nam từ hàng nghìn năm qua, Lạng Sơn tiếp tục là một trong những mục tiêu đánh chiếm chính yếu.
Nằm yên bình trên một quả đồi nhỏ bên bờ sông Kỳ Cùng, nếu chỉ đọc những dòng chữ ngắn ngủi được khắc trên hai mặt tấm bia chiến thắng, có lẽ nhiều người không thể hình dung chính nơi đây hơn 34 năm về trước từng là một chiến trường ác liệt đầy máu xương của quân, dân ta trong việc gìn giữ từng tấc đất cha ông.
Oai hùng Khánh Khê
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc ngang nhiên phát động cuộc chiến tranh xâm lược, xua 60 vạn quân mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn đánh vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Chiến sự nổ ra kéo dài suốt một dải từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Quảng Ninh.
Chiến thuật "lấy thịt đè người", "đánh nhanh, thắng nhanh" của Trung Quốc hoàn toàn bị phá sản và đội quân xâm lược đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Ngày 19.2.1979, sư đoàn 337 (F337) đang trong giai đoạn huấn luyện, xây dựng lực lượng tại Quân khu 4 thì được điều động lên mặt trận Lạng Sơn. Mới được thành lập vào tháng 7.1978 trên cơ sở một đoàn kinh tế quốc phòng, nên khi nhận nhiệm vụ ra Bắc, F337 là một đơn vị cực kỳ non trẻ mới trải qua hơn 6 tháng huấn luyện.
"Gọi là sư đoàn nhưng F337 mới có một trung đoàn đủ quân còn lại hầu hết là cán bộ khung, sức mạnh chiến đấu mới đạt khoảng 60%. Nhưng khi có lệnh, về mặt tinh thần sư đoàn hoàn toàn không bất ngờ, lãnh đạo không bị rối mà bình tĩnh bước vào trận đánh", đại tá Nguyễn Chấn, nguyên chính ủy F337 nhớ lại.
Sau cuộc hành quân thần tốc, vượt hơn 500 km vừa đi vừa bổ sung quân số, nhận thêm vũ khí từ Nghệ An, ngày 25.2 F337 đã đến vị trí tập kết tại Lạng Sơn. Sau chỉ một ngày "Đặt ba lô chưa kịp nghỉ chân/Đã bật dậy ầm ầm súng nổ" F337 đã chiếm lĩnh trận địa, đối mặt với quân thù. Nhiệm vụ của sư đoàn lúc đó được trên giao là ngăn chặn thê đội 2 của địch tấn công theo hướng đường 1B.
Câu chuyện về việc phân giới cắm mốc sau này với Việt Nam đã cho thấy rằng khi Trung Quốc đã xâm chiếm được đất đai láng giềng thì rất khó để đuổi chúng đi hoặc nếu có đi cũng sẽ kèm theo những cái giá rất đắt
Đại tá Nguyễn Chấn
Ý đồ của địch là đánh vượt sông Kỳ Cùng, vu hồi về Sài Hồ và Đồng Mỏ để bao vây cô lập Lạng Sơn sau khi chiếm được.
Lúc này ở hướng đường 1A quân Trung Quốc tập trung một lực lượng lớn nhằm bao vây thị xã Lạng Sơn, nếu ở hướng đường 1B địch vượt qua được cầu Khánh Khê thì Lạng Sơn sẽ hoàn toàn bị chia cắt.
"Nếu chúng chiếm được Lạng Sơn, cuộc chiến tranh có nguy cơ sẽ còn kéo dài và khốc liệt hơn nữa chứ chúng không chịu dừng lại sau một tháng với tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" đâu" - đại tá Nguyễn Chấn phân tích.
Chính vì nhận thức được nhiệm vụ nặng nề nhưng cực kỳ quan trọng ấy những người lính của F337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bám trụ, quyết tâm chặn địch.
Từ 28.2 - 5.3.1979 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Với quân số áp đảo địch đã mở nhiều cuộc tấn công một mất một còn nhằm vượt sông đều bị ta đánh bật trở lại.
Ở hướng đường 1A, ngày 4.3 một mũi tiến công của Trung Quốc thọc được vào thị xã Lạng Sơn nhưng ngay ngày 5.3.1979 địch đã phải tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới. Mặc dù vậy những cuộc giao tranh chặn địch ở khu vực cầu Khánh Khê còn kéo dài đến tận ngày 11.3.1979.
Trong suốt 12 ngày đêm chống quân xâm lược tại tuyến phòng thủ này, ước tính đã có 2.000 tên địch bị tiêu diệt, 8 xe tăng địch bị phá. Quan trọng hơn cả, F337 đã hoàn thành nhiệm vụ, đập tan ý đồ bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.
Trong 12 ngày đêm ấy đã có hơn 650 người lính của F337 đã ngã xuống. Nhưng không chỉ có vậy. Trong những cuộc xung đột nhỏ lẻ kéo dài đến giai đoạn 1985 những hi sinh của F337 cũng vô cùng to lớn.
Theo đại tá Nguyễn Chấn, từ 2.1979-1985, đã có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ của F337, trong đó có rất nhiều người mới ở độ tuổi mười chín đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại để gìn giữ và bảo vệ cho mảnh đất thiêng liêng này.
Tấm bia cũ
Hành trình tấm bia lịch sử
Theo đại tá Nguyễn Chấn, cuối năm 1979, đầu năm 1980, ngay tại vị trí đầu cầu Khánh Khê, sư đoàn 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã xây dựng một cột bia chiến thắng để tưởng niệm những người đã hi sinh. Đã 34 năm trôi qua, nhưng đại tá Nguyễn Chấn vẫn nhớ như in câu chuyện về việc xây dựng cột bia ngày ấy.
"Lúc đó tình hình vẫn còn rất căng thẳng, đất nước thì vô cùng khó khăn. Để kiếm được nguyên vật liệu xây dựng được cột bia cũng phải vận động chỗ này một chút, xin chỗ kia một chút, không hề dễ dàng gì. Ở bên kia biên giới quân xâm lược vẫn lăm le gây chiến và tiếp tục nhiều hành động phá hoại. Nhưng sư đoàn vẫn quyết làm bằng được vì đó thực sự là một công trình mang nhiều ý nghĩa", đại tá Nguyễn Chấn nói.
Cột bia chiến thắng Khánh Khê được xây dựng bằng gạch, xi măng cao 5 m, hai cạnh có kích thước 1,2 m x 1,5 m. Theo đại tá Nguyễn Chấn, cột bia Khánh Khê không chỉ là một cột bia kỷ niệm chiến thắng mà còn là cây cột thiêng để thờ và nhớ ơn các liệt sĩ đã ngã xuống. Cột bia ấy còn là cột mốc mang ý nghĩa chốt chặn, là cột mốc cảnh giác trước quân thù.
Không những thế cột bia ấy còn là một biểu tượng mang tính răn đe với những kẻ vẫn còn mang dã tâm xâm lược, lấn chiếm đất đai của Việt Nam.
"Chiến thắng Khánh Khê không phải là của riêng sư đoàn 337 mà đấy là xương máu chung của cả mặt trận, chiến thắng ấy cũng là một sự nối tiếp truyền thống những Bạch Đằng, Chi Lăng lịch sử. Nếu hiểu điều đó chúng ta mới thấy được ý nghĩa to lớn của chiến thắng này", đại tá Nguyễn Chấn nói.
Hơn ba năm sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (1991), vào tháng 12.1994, F337 được điều động trở lại Quân khu 4 làm nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Năm 1999 Sư đoàn được chuyển thành Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 làm nhiệm vụ tại Quảng Trị và đến nay vẫn mang tên "Đoàn Khánh Khê".
Tháng 2.2011 trong chuyến đi thu thập tư liệu biên soạn lịch sử sư đoàn, đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337 mới phát hiện ra rằng cột bia chiến thắng Khánh Khê đã bị hư hại nhiều. Trên tấm bia nhiều dòng chữ đã bị phai mờ, có chỗ còn có dấu hiệu bị hủy hoại. Nơi đặt cột bia cũng nằm trong khu vực xây dựng công trình thủy điện mà nay mai sẽ không còn dấu tích.
Câu chuyện này đã được Thanh Niên phản ánh trong bài viết Lạng Sơn, những ngày tháng hai trong số báo ra ngày 5.3.2011. Từ sự phản hồi của dư luận, cũng như sự quyết tâm của các cựu chiến binh và những cán bộ F337 hiện tại và sự ủng hộ của tỉnh Lạng Sơn, nhà bia Khánh Khê được hoàn thành sau gần một năm rưỡi trải qua không ít khó khăn.
Cũng chính tại quả đồi nơi vị trí đặt nhà bia hiện tại đã có 92 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 52 thuộc F337 hi sinh trong một trận đánh. Không chỉ trở thành địa chỉ hành hương truyền thống của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ F337, nhà bia chiến thắng Khánh Khê cũng đã được nhân dân địa phương chăm lo hương khói, và cũng là nơi gìn giữ, giáo dục truyền thống, đạo lý dân tộc.
Nhà bia chiến thắng Khánh Khê được hoàn thành (tháng 7.2012)
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 337 tại lễ khánh thành nhà bia chiến thắng Khánh Khê
Thắp hương tại bia chiến thắng Khánh Khê
Đại tá Nguyễn Chấn, nguyên chính ủy Sư đoàn 337 thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2.1979) tại lễ khánh thành nhà bia
Đại tá Nguyễn Chấn (trái) và đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337
...Mười hai ngày đêm máu trộn đất rừng! Một trận thư hùng, vang trời sấm nổ Vạn tinh binh giặc cỏ, ngông cuồng như lũ trâu điên Cánh cửa thép Lạng Sơn, thế trận hiên ngang thành lũy Tổ quốc lại lần nữa ngân vang lời Đại cáo bình Ngô Dân tộc thêm một kỳ hừng hực khí Lam Sơn tụ nghĩa. Hỡi ôi! Để giang sơn sạch quân xâm lược, bao chiến sĩ kiên trinh ngã xuống đất này Cho biên cương yên ả thái bình, bao đứa con hiếu trung không được về với mẹ... Sông Kỳ Cùng đâu thể phách, đâu máu đỏ dòng xanh Rừng xứ Lạng đâu cốt nhục, đâu bụi mờ núi thẳm Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công sẽ sáng chói từng dòng Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử. (Trích bài văn Tưởng niệm liệt sĩ ở Khánh Khê do đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đọc tại lễ khánh thành nhà bia Khánh Khê ngày 27.7.2012)
Theo TNO
Thủ tướng Chính phủ ra công điện về đảm bảo an ninh trật tự Khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc người có hành vi kích động, vi phạm pháp luật. Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Bộ Công an; các bộ,...