‘Ông Tập Cận Bình khó xử vụ tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lâm vào thế khó xử khi phải có phản ứng với việc Mỹ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông, tờ Taipei Times (Đài Loan) dẫn lời một học giả có uy tín nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Anh: Reuters
Ông Đinh Thụ Phạm, chủ nhiệm Viện Quan hệ Quốc tế (Đài Loan), cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ chiến thuật “đánh nhưng tránh làm vỡ”, theo đó hai bên sẽ tự kiềm chế để tránh làm gia tăng căng thẳng, nhưng vẫn tiếp tục đối đầu với nhau.
Chuyên gia này còn nói thêm rằng hành động của Mỹ hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), vốn quy định rằng tàu nước ngoài, cả dân sự lẫn quân sự, đều được phép đi ngang lãnh hải.
Thông qua hành động cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo tại Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ngày 27.10, Washington muốn “bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” tại khu vực này, ông Đinh bình luận. Nếu Trung Quốc ngăn tàu Mỹ, Washington sẽ lên tiếng cáo buộc nước này vi phạm luật pháp quốc tế, theo chuyên gia Đài Loan.
Tuy nhiên, nếu ông Tập không phản ứng mạnh, điều này sẽ cho khiến chính sách ngoại giao của chủ tịch Trung Quốc bị chất vấn bởi những người thuộc phe diều hâu như Thiếu tướng La Viện, người từng kêu gọi Bắc Kinh cần phải ra đòn với bất kỳ nước nào xâm phạm quyền lợi quốc gia Trung Quốc.
Video đang HOT
Tờ Taipei Times cho hay sau khi khu trục hạm USS Lassen áp sát đảo nhân tạo, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích tàu Mỹ xâm nhập bất hợp pháp vùng biển của Trung Quốc tại Quần đảo Trường Sa (?).
Ông này còn nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc đã “theo dõi sát và cảnh báo” tàu chiến này, đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gửi công hàm phản đối cái mà ông Lục gọi là “hành động tắc trách của Mỹ”.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Nhật Bản dè dặt trong việc tuần tra Biển Đông cùng Mỹ
Trong khi các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á như Úc, Philippines bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tại Biển Đông mới đây, thì Nhật Bản lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này.
Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình Biển Đông trước khi có biện pháp phù hợp - Ảnh: Reuters
Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại đá Xu Bi và đá Vành Khăn ở Biển Đông. Phía Mỹ nói rằng sẽ còn thực hiện nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) như vậy nữa tại khu vực.
Các nước đồng minh của Mỹ cũng đã lên tiếng về động thái này. Úc cho biết sẽ cân nhắc thực hiện các chiến dịch của riêng mình, theo Wall Street Journal. Philippines thì cho rằng việc tuần tra của Mỹ không có vấn đề gì. Trong khi đó, Nhật Bản lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này, mặc dù hồi tháng 6, đô đốc Katsutoshi Kawano, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuyên bố sẽ cân nhắc thực hiện việc tuần tra Biển Đông tùy thuộc vào tình hình, theo tạp chí The Diplomat ngày 29.10.
Các quan chức Nhật, gồm cả Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đều từ chối bày tỏ ủng hộ hay chỉ trích hành động của Mỹ, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe tỏ ý ủng hộ.
The Diplomat nhận định, Nhật Bản tỏ ra dè dặt vì bị mắc kẹt giữa 2 vấn đề trái ngược nhau: một là mong muốn giữ chặt mối quan hệ đối tác với Mỹ, và thứ hai là việc Biển Đông không phải vấn đề sống còn đối với người Nhật.
Về vấn đề thứ nhất, các quan chức quốc phòng Nhật Bản và các nhà phân tích an ninh đều cho rằng việc giữ chặt mối quan hệ liên minh với Mỹ sẽ giúp Nhật Bản đảm bảo được nền tảng an ninh quốc gia. Giáo sư Satoru Mori, chuyên ngành chính trị toàn cầu tại khoa Luật đại học Hosei (Nhật Bản) nhận định sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc khiến Nhật Bản phải tăng cường khả năng răn đe, thông qua việc tăng cường hợp tác với đồng minh. Mục tiêu của việc răn đe nhằm lái Trung Quốc phải cùng tuân theo trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.
Biển Đông là một trong những khu vực then chốt mà Trung Quốc đang làm trái luật ở đó, vì vậy cần phải có những trật tự dựa trên quy tắc như trên để áp đặt. Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng tỏ ra hoan nghênh việc Nhật Bản cùng tham gia tuần tra tai Biển Đông. Vì 2 lý do đó mà việc tham gia cùng Mỹ sẽ giúp Tokyo giữ được vai trò chủ động hơn trong vùng biển này.
Nhật Bản tỏ ra dè dặt trong việc tuần tra Biển Đông cùng Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tuy nhiên, Giám đốc chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Koji Kano cho rằng xét về mặt quân sự thì những việc mà Nhật Bản có thể làm tại Biển Đông là rất hạn chế và sẽ chỉ tiếp tục quan sát, vì Nhật Bản không phải là nước có tranh chấp tại Biển Đông. "Chúng tôi không liên quan, chúng tôi chỉ quan tâm sự việc tiến triển tại Biển Đông và các công ty quốc tế sẽ phản ứng như thế nào với những điều có thể xảy ra tại khu vực này", ông Kano nói.
Giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Keio (Nhật Bản), ông Yuichi Hosoya cũng cho rằng chính phủ Nhật sẽ không tiến hành các hoạt động tuần tra, trinh sát tại Biển Đông, vì Nhật đang phải tiến hành nhiều công việc tại biển Hoa Đông. Thay vào đó, Nhật Bản sẽ cố giúp lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Giáo sư Hosoya nhận định, Nhật Bản không thể làm được gì nhiều hơn là các tuyên bố ngoại giao ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Một số nước trong khu vực đã hiểu nhầm cải cách an ninh của Nhật gần đây và tin rằng Nhật sẽ đóng vai trò lớn hơn tại Biển Đông.
Ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật, cũng đồng tình rằng những hiểu nhầm như trên là điều Nhật Bản cần tránh và quan trọng là Mỹ cần phải hiểu sự hạn chế về vị thế an ninh của Tokyo. "Chúng ta cần làm rõ trong bối cảnh nào chúng ta có thể thực hiện các quyền phòng vệ tập thể. Luật an ninh mới được thông qua không đồng nghĩa với việc Nhật sẽ tuần tra tại Biển Đông", ông Ishiba cho biết.
Ngoài ra, các nhà phân tích người Nhật đánh giá rằng chính phủ Nhật Bản không có được sự ủng hộ của người dân để thực hiện việc tuần tra với Mỹ tại Biển Đông, dù điều đó nhằm bảo vệ an ninh đất nước. Cùng quan điểm với nhận định trên, giáo sư Hosoya cho rằng người dân Nhật sẽ chỉ ủng hộ cho việc chính phủ thực hiện hành động an ninh ở nước ngoài nếu điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của Nhật Bản. Người dân Nhật không coi tình hình Biển Đông là vấn đề như thế.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Vụ tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo: Báo đài kiềm chế, dân mạng hùng hổ Trong khi truyền thông Trung Quôc lên án có chừng mực việc Mỹ cho tàu chiến áp sát đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, cư dân mạng nước này giận dữ đổ xô lên internet đòi chính phủ có biện pháp cứng rắn hơn với Washington. USS Lassen, khu trục hạm Mỹ đã áp sát đảo nhân tạo phi pháp của...