Ông Tập Cận Bình đang bị sức ép lớn vì kinh tế suy thoái?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp sức ép như lúc này khi thị trường chứng khoán liên tục biến động và tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, theo nhận định từ các chuyên gia và nguồn tin chính trị tại Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi tại Bắc Kinh vào ngày 2.9 – Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc đã chủ trì buổi lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai tại quảng trường Thiên An Môn hôm 3.9. Ba tuần sau, ông sẽ thăm chính thức nước Mỹ. Tuy nhiên, vị thế của ông Tập đang trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết từ lúc lên nắm quyền năm 2012, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đầu tuần này dẫn nhận định của các nhà phân tích và nguồn tin nội bộ tại Trung Quốc.
Hình tượng người lãnh đạo quyết tâm và có khả năng hơn những người tiền nhiệm của ông Tập đang bị lung lay bởi cách xử lý khủng hoảng trên thị trường tài chính, cách đối phó với suy thoái kinh tế, chính sách phá giá đồng nhân dân tệ và cách xử lý vụ cháy nổ kho hóa chất ở Thiên Tân, theo các nguồn tin của The Wall Street Journal. Suy thoái về kinh tế càng khiến thông tin trong nội bộ Trung Quốc cho rằng ông Tập đã tự quyết định quá nhiều chuyện, và đã tập trung quá nhiều vào các mục tiêu chính trị và các vấn đề đối ngoại, khiến kinh tế trong nước “lãnh đủ”.
“Mọi người dường như đều muốn ông ấy phải có tuyên bố về mọi việc trước khi hành động”, một quan chức cấp cao giấu tên trong đảng Cộng sản Trung Quốc bình luận.
The Wall Street Journal cho biết kể từ sau khi nhậm chức hồi năm 2012 và đề xướng “Hoa Mộng” (giấc mơ Trung Hoa), Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo dựng hình ảnh của mình như người lãnh đạo quyền lực bậc nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua bằng việc nắm quyền chỉ huy quân đội và triển khai chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.
Tuy nhiên, những sự kiện mới đây đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu vừa tăng cường sức mạnh trong đảng vừa tạo ra một trật tự mới về địa chính trị thế giới của Trung Quốc, tờ báo Mỹ đánh giá.
Sai nước cờ trong xử lý khủng hoảng thị trường chứng khoán?
Một nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu tại một công ty môi giới chứng khoán ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc – Ảnh: AFP
The Wall Street Journal cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình đã tránh công khai phát biểu về đợt sụt giảm mạnh mới đây trên thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư và quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường thất bại trong việc vực dậy thị trường. Tuy nhiên, một số thành viên trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc lại cho rằng chính ông Tập cũng góp phần vì đã trao quyền quyết định các công việc hằng ngày, bao gồm các quyết định về quản lý kinh tế vốn thuộc quyền hạn của thủ tướng, cho các ủy ban dưới quyền ông. Quyền hạn bị hạn chế của ông Lý đã lộ ra sau khi thị trường chứng khoán tụt dốc.
Tại một phiên họp khẩn vào ngày 4.7, ông Lý đã yêu cầu các cơ quan giám sát tài chính trong nước phải có biện pháp hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhưng chỉ có cơ quan quản lý chứng khoán phản ứng ngay lập tức yêu cầu của Thủ tướng Trung Quốc khi thông báo rằng ngân hàng trung ương sẽ cấp gói tín dụng không giới hạn cho một công ty nhà nước để mua lại cổ phiếu.
Video đang HOT
Mãi đến 4 ngày sau, ngân hàng trung ương mới lên tiếng xác nhận thông tin này sau khi thị trường tiếp tục giảm sâu thêm 2 ngày nữa; và sau khi ông Tập đưa ra chỉ đạo thị trường “phải đỏ trở lại”, một nguồn tin trong nội bộ chính phủ Trung Quốc tiết lộ vớiThe Wall Street Journal.
Tại Trung Quốc, trên bảng điện tử tại các sàn giao dịch chứng khoán, giá chứng khoán có màu đỏ khi tăng điểm vì người Trung Quốc quan niệm màu đỏ là màu mang lại tài lộc.
Chỉ đạo nói trên được ông Tập đưa ra ngay trước khi sang Nga dự hội nghị vào ngày 8.7, và nhiều quan chức Trung Quốc cho biết Chủ tịch Trung Quốc muốn bình ổn thị trường trước khi gặp nguyên thủ các quốc gia khối BRIC (khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi). The Wall Street Journal cho biết đại diện chính phủ Mỹ đã không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này của tờ báo Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật – Ảnh: Reuters
Sức ép cực lớn từ suy thoái kinh tế
Những người ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng ông đã làm suy yếu đối phương bằng chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn và bằng việc tước đi quyền ra quyết định của bộ máy nhà nước quan liêu.
Dẫu vậy, ông Tập vẫn đang rất cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong nội bộ nhằm thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tại cuộc họp của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới. Ông Tập còn cần hậu thuẫn để đảm bảo rằng các đồng minh của ông sẽ được thăng chức trong đợt bổ nhiệm lãnh đạo sắp tới trong năm 2017.
“Ông Tập Cận Bình đã gây được ấn tượng rằng ông ấy rất mạnh, nhưng thực chất ông đang phải đối mặt với sự chống đối khốc liệt và dai dẳng. Giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đang bị sức ép cực lớn về tình trạng suy thoái kinh tế”, ông Hoàng Tĩnh, chuyên gia về chính trị và ngoại giao Trung Quốc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn?
Trong khi kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thị trường chứng khoán biến động và nạn tẩu tán tài sản ra nước ngoài vẫn diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các quan chức chính phủ khác lại kín tiếng một cách khó hiểu, theo bình luận của tờ The Wall Street Journal (Mỹ).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Trong bài xã luận đăng ngày 29.8, The Wall Street Journal cho biết trong khi người dân phương Tây thường quen với việc lãnh đạo đất nước lên truyền hình để trấn an hoặc động viên dư luận khi có phát sinh khủng hoảng, việc giới lãnh đạo Trung Quốc "im hơi lặng tiếng" trong giai đoạn hiện tại là điều khó lý giải.
Tuy nhiên, những ai đinh ninh tình hình bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ khiến ông Tập mất tập trung đối với các mục tiêu lớn hơn đều là những người không nhận ra các ưu tiên của chủ tịch Trung Quốc, tờ báo Mỹ cho hay.
"Sự thật là hơn bao giờ hết, chính chính trị chứ không phải kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình", The Wall Street Journal nhận định.
"Để giữ vững quyền lực, diệt trừ tham nhũng là mục tiêu hàng đầu đối với chủ tịch Trung Quốc, thậm chí trước cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông Tập tin rằng chỉ có cách này mới có thể biến "Hoa Mộng" (giấc mơ Trung Hoa) thành hiện thực. Đây là lời cam kết sẽ biến Trung Quốc thành một đất nước vừa giàu có, vừa hùng mạnh do chủ tịch Trung Quốc khởi xướng, vốn đang bắt đầu mờ nhạt dần", theo tờ báo Mỹ.
Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập cho tới nay đã khiến hàng chục quan chức cấp bộ mất chức và ảnh hưởng hàng ngàn quan chức cấp thấp hơn, The Wall Street Journal thống kê. "Con hổ" lớn nhất sa lưới của Chủ tịch Trung Quốc chính là Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Và thay vì ngừng lại sau khi ông Chu bị bắt, chiến dịch bài tham nhũng vẫn tiếp tục tăng tốc, cho thấy quy mô cuộc đợt thanh trừng sẽ còn tiếp tục mở rộng, tờ báo Mỹ phân tích.
Sau con "hổ lớn" Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa dừng lại - Ảnh: Reuters
"Tiếp tục trấn áp quan chức tham nhũng sẽ đưa đến những kết quả tích cực về mặt kinh tế trong dài hạn. Vì hiện đang có các thành viên quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, những người hưởng lợi từ các tập đoàn độc quyền nhà nước, ra sức ngăn cản công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập, nhằm nâng cao vai trò của các thành phần khác trong thị trường", The Wall Street Journal bình luận.
"Nhưng trong ngắn hạn, cuộc chiến này đang khiến tình trạng suy thoái kinh tế thêm trầm trọng. Toàn bộ bộ máy hành chính đang sợ cứng người. Quan chức địa phương miễn cưỡng đưa ra các quyết sách vì sợ nếu có sơ suất, họ sẽ bị &'soi'. Tinh thần của viên chức thuộc khối dịch vụ công đang xuống rất thấp. Những người có khả năng về mảng tổ chức hành chính đang chạy sang đầu quân cho các công ty, tổ chức tư nhân và tỉ lệ tuyển được viên chức hành chính đang giảm mạnh", theo tờ báo Mỹ.
Thế nhưng ít có khả năng điều này khiến ông Tập ngừng chiến dịch chống tham nhũng. Ông được bầu làm người đứng đầu Trung Quốc không chỉ vì thành tích quản lý kinh tế ấn tượng tại các tỉnh thành, mà còn vì với tư cách là một thành viên thuộc gia đình có truyền thống cách mạng lâu năm, ông được cho là người có đủ dũng khí để cứu đảng Cộng sản Trung Quốc khỏi "những bệnh dịch" bằng mọi giá, The Wall Street Journal cho biết.
Trong ngắn hạn, cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đang khiến tình trạng suy thoái kinh tế thêm trầm trọng - Ảnh: Reuters
Ảnh hưởng của vụ cháy nổ Thiên Tân
The Wall Street Journal cho biết vụ cháy nổ kho hóa chất tại Thiên Tân vào ngày 12.8 khiến khoảng 150 người thiệt mạng, là có động cơ chính trị.
Thiên Tân, thành phố cảng nằm cách thủ đô Bắc Kinh chưa đầy 30 phút di chuyển bằng tàu cao tốc, là mô hình cho chính sách phát triển đô thị trong tương lai của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đang trông chờ vào sự tăng trưởng của các thành phố để tạo ra sức tiêu thụ mới cho nền kinh tế, vốn đang hứng chịu nạn quá tải về mặt công nghiệp và ngập trong nợ công.
Một trong các dự án điển hình của ông Tập là đề xuất sáp nhập Thiên Tân với Bắc Kinh và nhiều vùng quanh tỉnh Hà Bắc, đông bắc Trung Quốc, để tạo ra một siêu đô thị với dân số lên đến 130 triệu người, đông hơn cả dân số của toàn Nhật Bản và chỉ ít hơn một chút so với Nga.
Vụ nổ kinh hoàng giữa tháng 8 đã làm bộc lộ những mặt tồi tệ của Thiên Tân - Ảnh: Reuters
Thế nhưng vụ cháy nổ đã làm bộc lộ những mặt tồi tệ tại Thiên Tân, cũng là thực trạng tại nhiều thành phố khác, chẳng hạn việc các chung cư dân sinh tọa lạc sát các khu vực lưu trữ hóa chất độc hại. Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà chức trách đã bắt giữ 12 quan chức Thiên Tân vì tội xao nhãng nhiệm vụ.
"Không có gì quan trọng đối với ông Tập bằng việc diệt trừ những thứ thối rữa kể trên, vốn đang đe dọa sự sống còn của đảng cầm quyền. Nếu điều này dẫn đến tình trạng bất ổn trong một thời gian nhất định, thì cũng phải chấp nhận. Ông Tập thậm chí có lẽ còn hoan nghênh điều này nếu nó cho phép ông có được một đảng cầm quyền đóng vai trò như cứu tinh duy nhất giải quyết các tệ nạn trong nước", The Wall Street Journal kết luận.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Dân Trung Quốc 'nén nhịn' hàng xa xỉ khi chứng khoán lao dốc Trong các cửa hiệu hàng xa xỉ, tiếng ồn ã mua sắm ngày trước giờ biến thành bầu không khí im lìm, vắng vẻ, khi người Trung Quốc, vốn là đối tượng tiêu thụ chính, đang rụt rè trước mặt hàng này. Nhân viên chờ đợi khách hàng tại một của hàng đồng hồ xa xỉ ở Hong Kong. Ảnh: Bloomberg News Một...