Ông Tập biên chế cùng lúc ba chiến hạm cỡ lớn
Hải quân Trung Quốc tiếp nhận cùng lúc tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay trực thăng và khu trục hạm cỡ lớn trong buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hải quân Trung Quốc biên chế tàu ngầm, tàu sân bay trực thăng và khu trục hạm tại đảo Hải Nam ngày 23/4. Video: CCTV .
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/4 dự lễ biên chế tàu ngầm Trường Chinh 18, tàu sân bay trực thăng Hải Nam và khu trục hạm Đại Liên tại căn cứ ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
Ông Tập trao cờ hiệu hải quân Trung Quốc và giấy chứng nhận đặt tên cho các hạm trưởng cùng chính ủy, sau đó lên thị sát ba chiến hạm, kiểm tra thiết bị trên tàu, duyệt đội danh dự và nói chuyện với các thủy thủ.
Giới chuyên gia quân sự nhận định biên chế cùng lúc ba chiến hạm cỡ lớn thể hiện sự phát triển nhanh chóng của hải quân và ngành đóng tàu Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại các vùng biển quanh nước này. Biên chế cùng lúc ba chiến hạm khác loại trong một ngày là điều “chưa từng có tiền lệ” và “chưa diễn ra ở các nước khác”, tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc cho hay.
Truyền thông Trung Quốc không nêu cụ thể lớp tàu của ba chiến hạm. Video cho thấy Trường Chinh 18 có thể là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược lớp Type-094 và khu trục hạm Đại Liên thuộc lớp Type-055 với lượng giãn nước 13.000 tấn.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận định Trường Chinh 18 có thể là bản nâng cấp của tàu ngầm Type-094, có độ ồn thấp hơn và năng lực tập kích tên lửa chính xác hơn, giúp Trung Quốc duy trì khả năng răn đe và đáp trả hạt nhân đáng tin cậy hơn.
Đại Liên là khu trục hạm cỡ lớn thứ ba của hải quân Trung Quốc và là chiếc đầu tiên được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, đơn vị đóng quân tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam và hoạt động tại Biển Đông. Hai chiến hạm Type-055 đầu tiên là Nam Xương và Lhasa thuộc biên chế hạm đội Bắc Hải, đóng tại căn cứ Thanh Đảo.
Khu trục hạm lớp Type-055 có lượng giãn nước khoảng 13.000 tấn, lớn hơn tuần dương hạm lớp Ticonderoga và khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ. Type-055 được trang bị 112 ống phóng thẳng đứng với tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa chống hạm YJ-18 cùng tên lửa hành trình CJ-10, một tổ hợp phòng không tầm ngắn HQ-10, hai cụm ống phóng ngư lôi 324 mm, một pháo hải quân 130 mm và có thể mang theo hai trực thăng.
Giới chuyên gia nhận định Type-055 sẽ đóng vai trò chiến hạm hộ tống chủ lực trong nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc dẫn đầu các nhóm chiến đấu của hải quân Trung Quốc.
Hải Nam là tàu sân bay trực thăng Type 075 đầu tiên của Trung Quốc, hạ thủy hồi tháng 9/2019. Chiến hạm lớp Type-075 dự kiến kết hợp với tàu đổ bộ Type-071 trong các nhiệm vụ đổ bộ, có thể phối hợp với tàu sân bay và chiến hạm khác của Trung Quốc.
Ông Tập ngầm chỉ trích Mỹ bá quyền
Ông Tập Cận Bình ngầm chỉ trích Mỹ khi kêu gọi "lãnh đạo các nước xung quanh" không can thiệp công việc nội bộ của nước khác và phản đối bá quyền.
"Vấn đề hội nhập nên được tiến hành bằng cách đàm phán và thảo luận. Vận mệnh tương lai của thế giới nên do tất cả các quốc gia cùng quyết định", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ở tỉnh đảo Hải Nam qua video.
"Một hoặc một số quốc gia không nên áp đặt quy tắc của họ lên những nước khác, và thế giới không nên bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa đơn phương của vài quốc gia", ông Tập nói thêm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc qua liên kết video tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) ở tỉnh Hải Nam hôm nay. Ảnh: Xinhua .
Trong bài phát biểu ngầm chỉ trích nỗ lực của Mỹ giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu hàng hóa, như chip máy tính tiên tiến, ông Tập nói rằng "bất cứ nỗ lực nào nhằm xây dựng rào cản và chia tách đều đi ngược nguyên tắc kinh tế, thị trường, sẽ chỉ gây hại cho các nước khác và không mang lại lợi ích gì cho chính mình".
"Những gì chúng ta cần trong thế giới ngày nay là công lý, không phải bá quyền", ông Tập cho hay, thêm rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia chạy đua vũ trang. "Lãnh đạo các nước xung quanh hay can thiệp và vấn đề nội bộ của nước khác sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào".
Chủ tịch Trung Quốc cũng nhấn mạnh phản đối Chiến tranh Lạnh mới và đối đầu ý thức hệ dưới mọi hình thức. "Đại dịch Covid-19 đã làm mọi người trên thế giới thấy rõ hơn rằng chúng ta phải loại bỏ Chiến tranh Lạnh và tâm lý một mất một còn, đồng thời phản đối Chiến tranh Lạnh mới và đối đầu ý thức hệ dưới mọi hình thức", ông Tập nói.
Sau khi BFA bị hủy năm ngoái do đại dịch, Trung Quốc đang báo hiệu mở cửa trở lại cho hoạt động kinh doanh bằng việc tổ chức hội nghị thường niên, vốn được coi là phiên bản châu Á của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Ngoài 2.000 quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tham dự trực tiếp, các lãnh đạo toàn cầu và những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên Hợp Quốc cũng dự lễ khai mạc qua liên kết video.
Trung Quốc đang nỗ lực phối hợp để cải thiện mối quan hệ với các doanh nghiệp Mỹ. Một loạt giám đốc điều hành người Mỹ sẽ tham dự hội nghị, gồm Tim Cook của Apple, Elon Musk của Tesla, Stephen Schwarzman của Blackstone Group và Ray Dalio của Bridgewater Associates.
Một vấn đề trọng tâm khác của hội nghị sẽ là liệu Mỹ và Trung Quốc có đặt mục tiêu mới nào về khí hậu theo cam kết của hai nước sau chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ John Kerry đến Thượng Hải tuần trước.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể công bố các mục tiêu mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, như một phản ứng trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì với sự tham dự của 40 lãnh đạo thế giới cuối tuần này.
Chiến hạm Nhật Bản bám sát tàu sân bay Trung Quốc Khu trục hạm Nhật Bản di chuyển song song phía trước tàu sân bay Liêu Ninh và hộ vệ hạm Type 054A của Trung Quốc. Tài khoản Twitter shiwenye3, được cho là của thủy thủ trên khu trục hạm USS Mustin, đăng ngày 17/4 cho thấy một chiến hạm Nhật Bản di chuyển gần tàu sân bay Liêu Ninh và hộ vệ hạm...