Ông Putin: Nga từng nhận được đề xuất bí mật từ Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow từng nhận được một đề xuất từ phía Ukraine thông qua bên thứ 3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Putin cho biết Nga đã nhận được một đề xuất từ Ukraine thông qua một đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nắm được đề xuất của Kiev trong phiên họp tháng 9 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ và sau đó đã chuyển thông tin cho Điện Kremlin.
Ông Putin không nêu rõ cụ thể đề xuất của Ukraine là gì.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra sáng kiến liên quan đến tình hình Biển Đen: Đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải, thiết lập một số thỏa thuận nhất định. Ankara kêu gọi 2 bên đạt được các thỏa thuận an ninh liên quan đến các cơ sở năng lượng hạt nhân.
Theo ông Putin, ông ban đầu đã đồng ý với đề xuất nhưng sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố kế hoạch chiến thắng Moscow, Nga cho rằng động thái này đã “vô hiệu hóa khả năng 2 bên đàm phán”.
Khi được yêu cầu đánh giá cơ hội giải quyết cuộc chiến với Ukraine theo thang điểm từ 1-10, ông Putin cho biết ông thấy không phù hợp khi đưa ra bất kỳ điểm số nào.
Tuần trước, ông Zelensky đã trình lên quốc hội lộ trình để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, bao gồm 5 điểm công khai và 3 phụ lục bí mật.
Video đang HOT
Trong kế hoạch ông Zelensky trình bày, ông kêu gọi các nước phương Tây nên mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức để chứng minh ý định rõ ràng là đưa Ukraine vào hệ thống an ninh phương Tây. Theo ông Zelensky, đây cũng là dấu hiệu cho thấy lòng dũng cảm và quyết tâm của phương Tây.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí tầm xa cho Ukraine và cho phép dùng chúng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ông Zelensky cũng đề nghị các nước phương Tây triển khai lực lượng quân sự phi hạt nhân ở Ukraine sau chiến sự để ngăn chặn Nga tiếp tục tấn công.
Ngay sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ kế hoạch của ông Zelensky, cho rằng nó chỉ khiến xung đột kéo dài hơn. Ông kêu gọi Ukraine “tỉnh táo lại và suy ngẫm về những nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột”.
Nga cũng kêu gọi Kiev cần phải công nhận “thực tế lãnh thổ” mới, điều mà Ukraine nhiều lần bác bỏ. Sự lệch pha trong quan điểm giữa Nga và Ukraine khiến cho 2 bên chưa thể nối lại đàm phán, hoạt động vốn đã bị gián đoạn từ hơn 2 năm trước.
Trong một diễn biến khác, ông Putin bác bỏ thông tin trên giới truyền thông rằng ông vẫn còn duy trì liên lạc với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
“Vấn đề này đã được quan tâm nhiều năm nay. Có một thời điểm, ông Trump và Nga bị cáo buộc có liên quan tới nhau. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra được tiến hành tại Mỹ, mọi người, bao gồm cả Quốc hội Mỹ, đều kết luận rằng đó là điều hoàn toàn vô lý và không có chuyện gì như vậy từng xảy ra. Lúc đó, chúng tôi không có liên lạc nào cả, và bây giờ cũng không có”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống Liên bang Nga cảnh báo Trung Đông bên bờ vực chiến tranh toàn diện
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cảnh báo tại hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng Trung Đông đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến toàn diện khi căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực ở khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh BRICS theo định dạng BRICS và mở rộng tại thành phố Kazan, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng vòng đối đầu mới nhất giữa Palestine và Israel đã trở thành một trong những cuộc đụng độ đẫm máu nhất từ trước đến nay.
Ông Putin cho biết cuộc chiến ở Dải Gaza đã làm hơn 40.000 người chết, trong đó phần lớn là dân thường và Liên bang Nga luôn phản đối mọi hành động khủng bố.
Tổng thống Putin cảnh báo rằng cuộc xung đột bắt đầu từ một năm trước ở Dải Gaza đã lan sang cả Liban (Lebanon) và ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga nhấn mạnh rằng mức độ đối đầu giữa Israel và Iran đã tăng mạnh, tạo ra một phản ứng dây chuyền, đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.
Ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, với số lượng người tị nạn và phải di dời vượt qua con số 1,5 triệu người. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của xung đột và những hệ lụy lan rộng mà nó gây ra trong khu vực.
Tổng thống Liên bang Nga nhấn mạnh rằng giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông nên dựa trên các quy tắc quốc tế đã được công nhận, đồng thời kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập, sống chung hòa bình với Israel.
Ông Putin cho rằng việc sửa chữa những bất công lịch sử đối với người Palestine có thể là chìa khóa đảm bảo hòa bình ở khu vực này và khi vấn đề này chưa được giải quyết thì vòng xoáy bạo lực sẽ không thể bị chấm dứt.
Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng, với sự tham dự của đại diện 36 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế diễn ra từ ngày 22-24/10 tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hoà Tatarstan thuộc Liên bang Nga.
Đây là sự kiện cuối cùng trong khuôn khổ vai trò Chủ tịch luân phiên của Nga, được tổ chức với phương châm tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Kazan ghi nhận sự xuất hiện của những trung tâm quyền lực mới trong việc thông qua các quyết định chính trị và trong vấn đề tăng trưởng kinh tế, có thể đặt nền móng cho một trật tự thế giới đa cực công bằng, dân chủ và cân đối hơn.
Tuyên bố Kazan đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của BRICS nhằm tăng cường vai trò của mình trong trật tự thế giới đa cực.
Về Trung Đông, BRICS "nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng tồi tệ và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Vùng Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là tình trạng bạo lực leo thang chưa từng có ở Dải Gaza và Bờ Tây do cuộc tấn công quân sự của Israel, dẫn đến việc hàng loạt dân thường thương vong, buộc phải di dời và cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy trên diện rộng".
Về cuộc chiến tại Ukraine, các nước BRICS cho rằng tất cả các quốc gia cần "hành động nhất quán với Mục đích và Nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc", ghi nhận và trân trọng các đề xuất liên quan về hòa giải và các nỗ lực điều phối, trung gian "nhằm giải quyết hòa bình xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao".
Kể từ khi thành lập năm 2006, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành tập hợp các nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 4/2024, trong số các thành viên BRICS, Trung Quốc có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) đứng đầu thế giới với quy mô 35.000 tỷ USD, Ấn Độ chiếm vị trí thứ 3 với GDP theo PPP là 14.600 tỷ USD và Liên bang Nga đứng thứ 4 với 6.450 tỷ USD.
BRICS hiện đang chiếm tỷ trọng hơn 35% kinh tế toàn cầu cũng như sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người và dự kiến đến năm 20230 sẽ chiếm 50% quy mô kinh tế toàn cầu.
Hiện 4 nước thành viên BRICS nằm trong Top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về sở hữu tài nguyên khoáng sản gồm LB Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỷ USD, Iran đứng thứ 5 (27.300 tỷ USD), Trung Quốc - thứ 6 (23.000 tỷ USD), và Brazil - thứ 7 (21.800 tỷ USD).
Xung đột Nga - Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS Ngày 20/10, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết, vấn đề Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự sắp tới của Hội nghị thượng đỉnh BRICS, diễn ra ở Kazan (Nga), nhưng các nước tham gia có thể tự quyết định đưa vấn đề này ra thảo luận. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, phát biểu tại...