Ông Putin hé lộ thời điểm đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus, Mỹ phản ứng
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng vào đầu tháng 7.
Hồi tháng 3, ông Putin thông báo đã nhất trí đưa các vũ khí nguyên tử nói trên tới quốc gia đồng minh láng giềng Belarus. Ông cũng trích dẫn việc Mỹ đã có động thái như vậy ở một loạt nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại cuộc gặp ở Sochi ngày 9/6. Ảnh: Reuters
Reuters dẫn tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã nói với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại cuộc gặp ở khu nghỉ dưỡng mùa hè tại Sochi hôm 9/6 rằng: “Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Việc chuẩn bị các cơ sở liên quan kết thúc vào ngày 7 – 8/7. Chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu các hoạt động liên quan đến việc đưa những loại vũ khí thích hợp đến lãnh thổ của các bạn”.
Tháng trước, Moscow và Minsk đã ký một hiệp ước về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, các đầu đạn hạt nhân sẽ được gắn trên tên lửa Iskander-M và máy bay chiến đấu được sửa đổi đặc biệt cho mục đích này.
Video đang HOT
Theo đài RT, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby sau đó trong ngày đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Putin. Ông Kirby nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao công tác chuẩn bị triển khai vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giám sát. Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì ngoài đó phản ánh dấu hiệu di chuyển các năng lực hạt nhân hoặc nguy cơ xung đột hạt nhân sắp xảy ra bên trong Ukraine hay ở châu Âu. Chúng tôi chưa thấy điều gì có thể khiến chúng tôi phải thay đổi tư thế răn đe của mình”, người phát ngôn Mỹ nhấn mạnh.
Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã đạt thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của quốc gia láng giềng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc gặp tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, Nga ngày 17/2. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin, ông Putin khẳng định động thái này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông nói thêm Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh châu Âu.
"Không có gì bất thường ở đây cả. Thứ nhất, Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh. Chúng tôi đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Tôi nhấn mạnh động thái này không vi phạm các nghĩa vụ của chúng tôi, không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về thoả thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân", hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Putin cho biết.
Ông Putin tuyên bố Moskva sẽ hoàn tất quá trình xây dựng cơ sở lữu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7, trong bối cảnh Minsk liên tục kêu gọi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Theo ông Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, quốc gia có biên giới giáp với Ba Lan.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nói rằng Moskva không có kế hoạch trao quyền kiểm soát bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cho Minsk, mà sẽ chỉ triển khai vũ khí của mình tới lãnh thổ nước này. Ông cũng không tiết lộ thời điểm chính xác chuyển loại vũ khí này đến kho mới, song cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể đến Belarus sớm nhất là vào mùa hè này.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ông cũng cho hay Moskva đã chuyển giao cho Belarus một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin giải thích động thái trên đưa ra sau khi London quyết định cung cấp cho Kiev các loại vũ khí uranium nghèo. Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch gửi những quả đạn này tới Ukraine để sử dụng cho xe tăng chiến đấu Challenger 2 vào đầu tháng 3. Moskva chỉ trích động thái này là dấu hiệu của "sự liều lĩnh tuyệt đối, vô trách nhiệm" từ phía London và Washington.
Về phần mình, Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của Nga khi gọi đạn uranium nghèo là "loại đạn thông thường đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ". Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo việc sử dụng loại vũ khí này có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, viện dẫn hậu quả của việc NATO sử dụng những loại vũ khí này ở Iraq.
Tổng thống Lukashenko trước đây đã nhiều lần nêu vấn đề về các mối đe dọa đối với Belarus bởi vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tới các nước EU. Hồi tháng 10/2022, ông đã đề cập đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được đưa đến Ba Lan, quốc gia giáp Belarus.
"Minsk cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mối đe dọa này", ông Lukashenko nhấn mạnh vào thời điểm đó. Nhà lãnh đạo Belarus đồng thời cho biết thêm ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moskva.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga đã kêu gọi Washington rút vũ khí hạt nhân mà nước này triển khai ở nước ngoài về lãnh thổ Mỹ, song phía Mỹ và NATO đã từ chối .
Tổng thống Putin nói Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, động thái có khả năng gây leo thang căng thẳng với NATO. Phát biểu trên truyền hình ngày 25.3, Tổng thống Putin cho biết Nga sắp xây dựng xong một cơ sở lưu trữ đặc biệt dành cho vũ khí hạt nhân tại Belarus...