Ông Putin dự APEC trong ánh hào quang của người “quyền lực nhất thế giới”
Theo RFI, đến Bắc Kinh dự Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong ánh hào quang của người được đánh giá là có “quyền lực nhất thế giới”.
Tổng thống Nga V.Putin (G) vỗ vai đồng nhiệm Mỹ B. Obama (T) tại Thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh, Trung Quốc, 11/11/2014 REUTERS
Theo RFI, đến Bắc Kinh dự Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong ánh hào quang của người được đánh giá là có “quyền lực nhất thế giới”, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với những thách thức to lớn trong lĩnh vực đối ngoại, mà theo ví von của AFP, thì giống như một người bị đẩy xuống hố phải đấu với cọp để bảo toàn mạng sống. Thế nhưng, như thông lệ, ông Putin không phải là một con cừu dễ bị ăn thịt.
Dưới sức ép của công luận bị chấn động sau vụ chiếc máy bay của Malaisia Airlines MH17, bị bắn rơi tại Ukraine, làm 298 hành khách thiệt mạng, trong đó có 38 người Úc, Thủ tướng Úc Tony Abbott chắc chắn nhân dịp này, sẽ trực tiếp chất vấn Tổng thống Nga.
Video đang HOT
Thế nhưng, trong hành lang Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, không hề có tiếng cãi cọ. Tổng thống Nga, tỳ tay vào một chiếc bàn nhỏ, thảo luận với Thủ tướng Úc. Ông Tony Abbott có bộ mặt đanh lại, trong khi đó, ông Putin thì thỉnh thoảng mỉm cười.
Vào theo điện Kremlin, lãnh đạo Nga và Úc kêu gọi gia tăng tốc độ cuộc điều tra về vụ chiếc Boieng bị bắn rơi và vẫn theo Moscow, trong dịp này, Tổng thống Putin đã nhắc lại rằng “ngay từ đầu, Nga đã yêu cầu phải có một cuộc điều tra không thiên vị, nhanh chóng và có hiệu quả”.
Có thể nói, Thượng đỉnh APEC giống như một cuộc tập dượt cho Thượng đỉnh G20, sẽ được tổ chức tại Brisbane, Úc, trong các ngày 15 và 16/11/2014, với sự tham dự của 19 nước giàu có và Liên Hiệp Châu Âu.
Lịch trình chính thức không hề dự kiến có cuộc gặp giữa ông Barack Obama và ông Vladimir Putin tại Bắc Kinh, thế nhưng, nguyên thủ Nga và Mỹ đã nói chuyện với nhau tới ba lần, về những hồ sơ nóng bỏng hiện nay, như cuộc khủng hoảng Ukraine hồ sơ hạt nhân Iran, thảm họa khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Hôm thứ Hai, 10/11, hai người đã gặp nhau, nhưng không có thời gian để có được các trao đổi thực sự. Kể từ sau lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào Normandie (tháng 6/1944), được tổ chức tại Pháp, hồi tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Nga chưa gặp lại nhau.
Thứ Ba, 11/11, theo phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, hai người đã gặp nhau ba lần, tổng thời gian từ 15 đến 20 phút.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Ben Rhodes, cố vấn của Tổng thống Obama nhấn mạnh là Hoa Kỳ tiếp tục rất lo lắng về các hành động của Nga tại Ukraine vào lúc các cuộc tập trận gây lo ngại về nguy cơ tái phát một cuộc chiến tranh toàn diện ở Donetsk, cứ địa của phe ly khai thân Nga.
Trước các ống kính của giới báo chí, Tổng thống Obama luôn giữ vẻ mặt khô đanh. Trong khi đó, Tổng thống Putin lại tỏ ra thân mật, vỗ vai đồng nhiệm Hoa Kỳ.
Với tỷ lệ được lòng dân rất cao tại Nga cũng như mối lo ngại mà ông ta dấy lên ỏ Châu Âu và Hoa Kỳ, Tổng thống Nga Putin đang ở thế mạnh, tại Bắc Kinh hay ở Brisbane.
Ông Fiodor Loukianov, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, có trụ sở tại Moscow, nói với AFP: “Ban đầu, người ta muốn biến Thượng đỉnh G20 tại Úc thành nơi mà tất cả mọi người lên án nước Nga về hành động xâm lược” Ukraine. Thế nhưng, điều này chắc chắn sẽ không xẩy ra, bởi vì một nửa các nước thành viên G20 không có lợi ích gì trong việc làm ầm ĩ về chủ đề này. Sẽ không có một sự trừng phạt công khai nhắm vào Nga.
Vào lúc Washington và Liên Hiệp Châu Âu liên tục tố cáo Moscow làm mưa làm gió trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thì có nhiều nước, như Trung Quốc, lại ủng hộ và chủ trương tăng cường hợp tác với Nga.
Ông Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại đại học quốc gia Úc, nhận định: “Các cuộc gặp Thượng đỉnh luôn tạo các khả năng làm dịu căng thẳng, nhưng tôi nghi ngờ là có một sự sụt giảm thực sự về nguy cơ đối đầu giữa Nga và phương Tây”. “Sự đối đầu này dựa trên các bất đồng rất sâu đậm liên quan đến tương lai trật tự quốc tế tại Đông Âu và không một bên nào dường như sẵn sàng chấp nhập một thỏa hiệp đáng kể”.
Đến lúc này, ông Putin dường như là người chiến thắng. Theo chuyên gia White, “từ đầu năm đến nay, ông Putin chứng tỏ khả năng gây ảnh hưởng tại các nước láng giềng của Nga và làm lộ rõ sự yếu kém của phương Tây”.
Theo Bizlive