Ông Putin có mọi “quân cờ” trong khủng hoảng Ukraine
Theo The National Interest (Mỹ), chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc đàm phán gần đây giữa Nga và Ukraine không có tiến bộ gì đáng kể, bởi ông Putin đang có mọi “quân cờ” và không việc gì phải vội vã.
The National Interest (TNI) nhận định, những gì chúng ta đã thấy trong cuộc gặp giữa ông Putin và ông Poroshenko tại Milan ít nhiều cũng tương tự với cuộc gặp trước đó giữa hai nhà lãnh đạo tại Minsk hôm 26/8. Ông Putin luôn ở thế mạnh hơn trong các cuộc đàm phán với Ukraine dù Nga có đang bị áp đặt các biện pháp trừng phạt hay chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây.
Dù tình hình nội tại của Ukraine, mối quan hệ giữa Ukraine với châu Âu hay những thay đổi trong NATO đều dường như đang đem lại lợi thế cho ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Milan, Italy để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á- Âu ASEM, hôm 17.10.2014.
Nội tại Ukraine
TNI cho rằng, ông Poroshenko đã thua trong cuộc chiến quân sự ở miền Đông. Hơn nữa, mặc dù khối của ông đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử quốc hội vào ngày 26.10 tới, nhưng ông Poroshenko đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác, và không thể không kể đến một nền kinh tế đang có nguy cơ sụp đổ.
Video đang HOT
Theo ước tính, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm tới 10% trong năm nay và người dân đã bắt đầu cảm thấy tức giận về cách chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng cũng như tình trạng tham nhũng.
Mối quan hệ với châu Âu
Và trong thời gian tới, theo TNI, ông Putin còn có vị thế mạnh mẽ hơn nữa khi cuộc khủng hoảng bắt đầu chuyển từ đối đầu quân sự giữa ly khai ủng hộ Nga (hay Nga, theo cáo buộc của phương Tây) và Ukraine sang đối đầu giữa Ukraine và châu Âu về nguồn cung khí đốt từ Nga.
Ukraine hiện đang là điểm trung chuyển 50% lượng khí đốt Nga bán sang các nước EU. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa thể quên được việc nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine đã từng bị gián đoạn vào mùa đông 2006 và 2009 vì Ukraine đã hút lấy phần khí đốt chuyển sang cho khu vực đông nam châu Âu.
Ngoài ra, việc Tổng thống Poroshenko kí đạo luật thanh lọc đã làm gia tăng các hành vi bạo lực đối với các quan chức có liên hệ với chính phủ cũ. Một điều không hề có lợi cho môi trường chính trị hiện nay ở cả Ukraine và Đông Âu.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Poroshenko (phải) trong một cuộc họp tại Milan.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng giữa Ukraine và Ba Lan, một quốc gia trước giờ được xem là bên ủng hộ nhiệt tình nhất cho Ukraine ở châu Âu. Có rất nhiều lý do để dẫn đến tình trạng đó.
Do cuộc khủng hoảng ở miền Đông, Ukraine từ một nước xuất khẩu than, theo ước tính, sẽ cần phải nhập từ 3 tới 4 triệu tấn than cho mùa đông tới. Bất chấp những căng thẳng hiện tại, Ukraine vẫn tiếp tục nhập một số lượng lớn than của Nga. Theo Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan, Ukraine chỉ quan tâm tới than của Ba Lan khi được “cho miễn phí”.
Trong khi đó, tranh cãi về lệnh cấm của Kiev đối với các sản phẩm thịt của Ba Lan, bề ngoài là về vấn đề sức khỏe, tiếp tục thổi bùng thêm căng thẳng giữa hai nước.
Hơn thế nữa, những thay đổi gần đây về nhân sự trong văn phòng thủ tướng và ngoại trưởng Ba Lan cũng có tác động đến ít nhiều đến cách hành xử của Ba Lan đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tân Thủ tướng Ba Lan, bà Ewa Kopacz, tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đệ đơn từ chức để nhận chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã bổ nhiệm bà Ewa Kopacz, Chủ tịch Quốc hội nước này, vào cương vị Thủ tướng, thay thế ông Donald Tusk.
Hôm 19/9, bà Ewa Kopacz tuyên bố Ba Lan sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine, hay nói cách khác là sẽ không can dự vào cuộc xung đột ở nước láng giềng này. Bà nói: “Chúng ta không nên tham gia vào cuộc xung đột vũ trang đó”.
Thay đổi lãnh đạo trong NATO
Một diễn biến khác cũng được cho là sẽ đem lại lợi thế cho ông Putin đó là những thay đổi gần đây trong ban lãnh đạo của NATO. Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đã chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thư ký NATO, thay thế cho ông Anders Fogh Rasmussen.
Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) bắt tay Tổng thống Nga Putin.
Ngược lại với Rasmussen, ông Stoltenberg dường như ôn hòa hơn và đặc biệt trong thời gian làm Thủ tướng Na Uy, ông Stoltenberg là người có mối quan hệ tích cực với nước Nga và với cá nhân Tổng thống Putin cũng như Thủ tướng Medvedev. Ông Putin đã từng nói về ông Stoltenberg rằng: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt , bao gồm cả các mối quan hệ cá nhân”.
Với tất cả những điều trên, có vẻ như ông Putin sẽ không phải cố vội vàng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo Dân Việt