Ông Putin chính thức lên tiếng vụ rò rỉ Tài liệu Panama
Ông Putin cho rằng vụ rò rỉ tai tiếng là một phần của một âm mưu do Mỹ dẫn đầu nhằm làm suy yếu nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/4 đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan điểm về vụ rò rỉ Tài liệu Panama và phủ nhận mọi mối liên hệ với các tài khoản trái phép ở nước ngoài như được đề cập đến trước đó.
Phát biểu trong một diễn đàn truyền thông tại St Petersburg, ông Putin cho rằng vụ rò rỉ tai tiếng là một phần của một âm mưu do Mỹ tạo, dẫn nhằm làm suy yếu nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Rian
Nhà lãnh đạo Nga cũng bảo vệ một người bạn nghệ sĩ cello Sergei Roldugin, người được cho là chủ sở hữu một công ty ở nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế. Theo ông Putin, người bạn này là một nhà từ thiện đã lập ra một quỹ riêng để mua các nhạc cụ hiếm cho bộ sưu tập quốc gia
Ông Putin cho biết, các phương tiện truyền thông phương Tây đã thổi phồng những tuyên bố về mối liên hệ của ông với các doanh nghiệp ở nước ngoài mặc dù chính thức tên tuổi của ông không được đề cập tới trong các tài liệu bị rò rỉ.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng điều đó là một phần của chiến dịch làm sai lệch thông tin do Mỹ tiến hành với nỗ lực chống lại Nga, làm suy yếu chính quyền Moscow hiện nay trong bối cảnh Mỹ trở nên lo ngại về sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Nga.
“Họ đang cố gắng gây bất ổn cho chúng ta từ bên trong và đi theo con đường họ muốn”, ông nói. “Những sự kiện ở Syria đã chứng minh khả năng của Nga trong việc giải quyết vấn đề ở xa biên giới của mình”.
Trước đó, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ) có trụ sở tại Washington tuyên bố rằng các tài liệu họ thu thập được từ hãng luật Panama cho thấy nghệ sĩ Roldugin giống như một mắt xích trong mạng lưới những người trung thành với Tổng thống Putin, đứng ra thực hiện các giao dịch tài chính nước ngoài lên tới 2 tỷ USD.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định Roldugin là một người bạn lâu năm của mình và nghệ sĩ này đã không làm gì sai.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định ông tự hào về việc Roldugin đã bỏ tiền túi thúc đẩy các dự án văn hóa vì lợi ích quốc gia.
Trong cuộc hội đàm, ông Putin cũng khẳng định việc Nga đã đạt được mục tiêu ở Syria là “củng cố chính quyền hợp pháp của Damascus”.
Theo quan điểm của nhà lãnh đạo này, điều đó là cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước Syria và ngăn chặn dòng chảy của những người tị nạn đến châu Âu.
Ông ca ngợi sự hợp tác giữa Moscow và Washington trong nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, trong đó đã có hiệu lực từ ngày 27/2, nhưng không áp dụng đối với các nhóm IS và các chi nhánh al-Qaeda được gọi là Mặt trận al-Nusra.
Hoàng Hải
Theo_Người Đưa Tin
Tài liệu Panama lật tẩy sự mờ ám của các đại gia ngân hàng
Vụ rò rỉ dữ liệu từ hãng luật ở Panama hé lộ hàng trăm ngân hàng trên thế giới thành lập hàng chục nghìn công ty bình phong ở nước ngoài nhằm giúp khách hàng giấu tài sản.
Vụ rò rỉ tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca đang gây chấn động dư luận. Ảnh minh họa: DW
Tài liệu khổng lồ bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama cho thấy hơn 500 ngân hàng cùng công ty con và chi nhánh đã đăng ký 15.600 công ty vỏ bọc nhằm giúp những khách hàng giàu có che đậy tài sản ở các "thiên đường né thuế".
Theo Kyodo News, danh sách này gồm cả ngân hàng khổng lồ như UBS của Thụy Sĩ và HSBC của Anh. Dù các công ty bình phong che đậy danh tính của chủ sở hữu là hợp pháp, chúng cũng có thể là công cụ che giấu tài sản, rửa tiền và trốn thuế.
Vụ rò rỉ được gọi là Tài liệu Panama (Panama Papers) cho thấy phần lớn công ty vỏ bọc liên kết với hãng Mossack Fonseca được hình thành từ những năm 1990. Theo hồ sơ, ngân hàng UBS và một nhà băng lớn khác của Thụy Sĩ là Credit Suisse đều lập khoảng 1.100 công ty bình phong ở hải ngoại.
Phản ứng trước thông tin này, UBS và Credit Suisse đều khẳng định hoạt động kinh doanh của họ tuân thủ đầy đủ luật pháp và quy định hiện hành. "Chúng tôi không quan tâm tới các khoản tiền không bị đánh thuế hoặc có được từ những hoạt động bất hợp pháp", đại diện UBS nói.
Ngoài UBS, Credit Suisse, ngân hàng Societe Generale của Pháp đứng tên cho khoảng 1.000 công ty bình phong, trong khi số công ty ở hải ngoại mà ngân hàng khổng lồ HSBC của Anh lập ra là khoảng 2.300.
HSBC phủ nhận và cho biết, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhằm chống tội phạm tài chính và thực thi các biện pháp trừng phạt.
Mối liên hệ giữa các bên với công ty luật Mossack Fonseca ở Panama trong các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị rò rỉ. Đồ họa: Irishtimes
Tài liệu Panama cũng cho thấy các ngân hàng bắt đầu giảm tận dụng công ty bình phong sau khi chính phủ Mỹ đẩy mạnh hoạt động điều tra danh tính của các tài khoản đăng ký ở nước ngoài.
Trước nguy cơ bị truy tố hình sự tại Mỹ về tội trốn thuế và rửa tiền, UBS đã thay đổi chính sách trong năm 2010 và tuyên bố đã thành lập công ty vỏ bọc ở hải ngoại.
Ngày 3/4, báo Đức Sddeutsche Zeitung tiết lộ về khối tài liệu gồm 11,5 triệu tài liệu liên quan đến các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Dữ liệu khổng lồ gồm thông tin của hơn 500 ngân hàng ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sau đó được tờ báo Đức chia sẻ với Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ).
Hãng luật Mossack Fonseca với trụ sở ở Panama và chi nhánh ở Hong Kong, Miami, Zurich và hơn 35 địa điểm khác trên toàn cầu, cho rằng họ hoạt động hợp pháp trong 40 năm qua và không "khuyến khích hay thúc đẩy hành vi bất hợp pháp".
Mossack Fonseca cũng nói việc thành lập các công ty để che giấu danh tính của những người chủ thực sự hoàn toàn "không được ủng hộ và là hành động sai trái".
Tuy nhiên, dữ liệu bị rò rỉ cho thấy, công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Tài liệu khổng lồ bị lộ từ Công ty luật Mossack Fonseca cho thấy quy mô của các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền mà những công ty ma trên khắp thế giới thực hiện. Những công ty ma này núp dưới hình dạng của một doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền nhưng che đậy thân phận của người sở hữu. Tuy nhiên, trụ sở của những công ty ma thường đặt ở những nơi nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu trong trường hợp họ muốn.
Các khách hàng cũng cần một trung tâm tài chính nước ngoài, cái thường được gọi là Thiên đường trốn thuế. Nó thường là các quốc đảo nhỏ, với rất nhiều ngân hàng bí mật cùng mức thuế thấp hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch. Những cái tên điển hình là quần đảo Bristish Virgin, Bahamas, Panama.... Nó giúp rửa các khoản tiền phi pháp từ tham nhũng, trốn thuế, buôn bán ma túy....
Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp. Nó giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát, khiến bại lộ các hành vi phi pháp. Khi tham nhũng, một chính trị gia cần rửa số tiền bẩn để không bị lộ. Nó sẽ được chuyển tới một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của công ty ma mà không ai có thể truy tìm nguồn gốc. Từ tài khoản này, số tiền có thể được dùng hợp pháp trên khắp thế giới.
"Tài liệu Panama" là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt. Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad... Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin...
Hải Anh
Theo Zing News
Một loạt chính phủ lao đao với Tài liệu Panama Pháp, Australia, New Zealand cho biết sẽ điều tra các tài liệu và khách hàng trong vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ có liên quan đến nhiều chính trị gia và ngôi sao nổi tiếng thế giới. Cả Australia và New Zealand quyết điều tra các các nhân liên quan tới hãng Mossack Fonseca, tâm điểm của vụ rò rỉ thông tin...