Ông Putin bất ngờ rút quân khỏi biên giới với Ukraine
Nga đã rút quân khỏi đường biên giới với Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin hôm qua (7/5) đã bất ngờ thông báo như vậy trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thụy Sỹ Didier Burkhalter ở thủ đô Moscow.
Tổng thống Putin (bên phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ
“Chúng tôi được bảo rằng, binh lính của chúng tôi đóng gần biên giới với Ukraine là một mối lo ngại, vì vậy, chúng tôi đã rút quân. Họ bây giờ không còn đóng ở đường biên giới với Ukraine mà đang ở trong các căn cứ của họ và ở những khu vực huấn luyện”, Tổng thống Putin nói với ông Burkhalter – người cũng đang giữ vị trí Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Ông chủ điện Kremlin không cho biết cụ thể liệu những vị trí mà quân Nga rút về có gần với biên giới với Ukraine hay không.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất tổ chức một “hội nghị bàn tròn” về tình hình Ukraine và đề xuất này nhanh chóng được Moscow ủng hộ nhiệt thành.
Moscow và OSCE về căn bản nhất trí với nhau trong phương cách tiếp cận nhằm giải quyết tình hình Ukraine, ông Putin cho biết đồng thời nhấn mạnh đến biện pháp đàm phán.
“Moscow rất mong giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi xem xét đến lợi ích của tất cả người dân trong nước này”, Tổng thống Putin phát biểu.
Trong khi đổ lỗi cho chính quyền lâm thời ở Kiev đã làm leo thang căng thẳng ở Ukraine, ông Putin kêu gọi họ hãy ngừng ngay lập tức “chiến dịch trừng phạt” ở miền đông, nam.
Các phe nhóm cánh hữu ở Ukraine đứng đằng sau những diễn biến gần đây ở quốc gia Đông Âu và Kiev không giải trừ vũ khí của những nhóm đó, ông Putin cho biết. Ông này kêu gọi lực lượng biểu tình chống Kiev hãy hoãn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về chế độ liên bang dự kiến diễn ra vào ngày 11/5 tới.
“Nga tin rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát ban đầu từ Ukraine và đang tích cực phát triển theo kịch bản tồi tệ nhất. Lỗi ở đây là những người tổ chức cuộc đảo chính ở Kiev hôm 22 và 23/2 và họ vẫn không quan tâm đến việc giải trừ vũ khí của các thành phần cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo ông chủ điện Kremlin, đối thoại trực tiếp giữa Kiev và lực lượng biểu tình chống chính phủ ở miền đông nam Ukraine là “chìa khóa” để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Vì thế, “việc tạo các điều kiện cần thiết cho cuộc đối thoại này” và vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, để cuộc đối thoại diễn ra, lực lượng biểu tình cũng phải sắp xếp lại kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. “Chúng tôi kêu gọi các đại diện của khu vực miền đông nam Ukraine, những người ủng hộ chế độ liên bang của đất nước hãy hoãn kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để tạo các điều kiện cần thiết cho một cuộc đối thoại”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo với ông Burkhalter.
Phản ứng trước đề nghị trên của ông chủ điện Kremlin, một trong những nhà lãnh đạo của nước cộng hòa Donetsk – ông Denis Pushilin cho biết, khả năng hoãn cuộc trưng cầu dân ý sẽ được đưa ra thảo luận trong ngày hôm nay (8/5).
“Chúng tôi tôn trọng lập trường của ông Putin. Ông ấy là một chính khách công bằng. Vì thế, chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất này trong cuộc họp hội đồng nhân dân vào ngày mai”, ông Pushilin cho hay.
Tổng thống Putin cũng miên tả cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới là một động thái “đi đúng hướng” nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách hiến pháp. Đây là điều cần phải diễn ra trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào ở Ukraine, ông Putin nói thêm.
Căng thẳng ở miền đông Ukraine đã leo thang kể từ hồi giữa tháng 4 sau một cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng an ninh Kiev với những người biểu tình ủng hộ Moscow đang đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ tự trị và mối quan hệ thân thiết hơn với Nga.
Cao trào của những cuộc đụng độ giữa những thành phần thân Kiev và lực lượng chống Kiev đã diễn ra ở Odessa hồi cuối tuần trước. Vụ việc này đã khiến 43 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương.
Kiev liên tục đổ lỗi cho Moscow đã kích động tình hình bất ổn ở miền đông nam và chia rẽ nước này. Tuy nhiên, Nga thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
NATO tung số quân kỷ lục "ra oai" với Nga
NATO vừa tung ra một số quân kỷ lục cho cuộc tập trận rầm rộ sát nách Nga. Hành động "ra oai" này của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đang diễn ra ngày một nghiêm trọng và phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho Nga về việc này.
NATO vừa khai hỏa cuộc tập trận sát nách Nga
Cuộc tập trận "Bão tố Mùa xuân" (Spring Storm) kéo dài 3 tuần của NATO đã bắt đầu được khai hỏa ở Estonia với số quân tham gia kỷ lục là 6.000 binh lính. Lần đầu tiên, một đội an ninh mạng của Pháp đến tham gia vào đợt diễn tập quân sự lần này.
"Cuộc tập trận Bão tố Mùa xuân năm nay quy tụ một con số kỷ lục binh lính liên minh đến tham gia, bao gồm lực lượng bộ binh đến từ Trung đoàn Duke of Lancaster của Anh, các binh lính Latvia, lực lượng binh sĩ thuộc Sư đoàn Chiến đấu Không quân thứ 173 của quân đội Mỹ cũng như đội quân đến từ Lithuania", Bộ Quốc phòng Estonia cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, Ba Lan cũng phái 3 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-22 của họ cùng một đơn vị phòng thủ tên lửa SA-8 đến tham gia cuộc tập trận Bão tố Mùa xuân. Lực lượng này sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ một căn cứ không quân gần Tallinn và vùng không phận xung quanh đó.
Cũng giống như năm ngoái, cuộc tập trận lần này có sự tham gia của các binh lính phòng không đến từ Bỉ.
Mục tiêu chính của các cuộc tập trận kiểu trên là nhằm để đánh giá kỹ năng của một loạt tiểu đoàn bộ binh, tập luyện khả năng hợp tác giữa các đơn vị khác nhau và cải thiện phương cách quản lý các đơn vị trong lực lượng, Bộ Quốc phòng Estonia cho biết thêm.
Các cuộc tập trận Bão tố Mùa xuân được tổ chức hàng năm ở những khu vực khác nhau trên lãnh thổ Estonia kể từ năm 2003 đến giờ.
Năm nay, các cuộc diễn tập quân sự sẽ được tổ chức ở 5 trong số 15 hạt ở Estonia, trong đó có các khu vực phía nam và đông nam giáp với biên giới Nga. Cuộc tập trận lần này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 23/5.
Anh, Pháp và Mỹ đã triển khai một loạt binh lính đến khu vực Baltic từ hôm 29/4, một tuần trước khi khai hỏa cuộc tập trận ở Estonia . Một ngày trước đó, khoảng 150 binh sĩ đến từ một sự đoàn không quân của Mỹ đã đi trực thăng vận tải quân sự đến căn cứ không quân Amari. Sau khi hoàn thành cuộc tập trận Bão tố Mùa xuân, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sẽ ở lại Estonia cho đến cuối năm 2014.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine, Anh và Pháp cũng đã triển khai 8 chiếc chiến đấu cơ đến Lithuania và Ba Lan để củng cố khả năng phòng không của liên minh NATO ở khu vực Baltic.
Hôm 2/5, một nhóm tàu của NATO đã đến cảng Klaipeda của Lithuana để "đảm bảo an ninh khu vực".
Nga xem việc NATO tăng cường lực lượng đến sát biên giới của nước này là một hành động khiêu khích và tin rằng đó là động thái phản tác dụng trong nỗ lực làm nhằm dịu tình hình khủng hoảng ở Ukraine .
Moscow tố cáo, NATO đang tăng cường các hoạt động quân sự chưa từng có ở gần biên giới với họ. Ngày hôm qua (4/5), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel hãy hạ giọng trong vấn đề Ukraine và cùng bắt tay hợp tác để hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thỏa thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .
Lực lượng biểu tình ở Kiev sau đó đã lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên cầm quyền mang theo chính sách thân phương Tây và bài Nga rõ rệt.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là "cuộc đấu" giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine - chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Cuộc đấu ở Ukraine giữa một bên là Nga và bên kia là Mỹ với Châu Âu đã biến thành cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên ném vào nhau những lời chỉ trích, đổ lỗi lẫn đe dọa, cảnh báo sắc lạnh nhất đồng thời tung ra không ít những hành động quân sự nhằm thị uy lẫn nhau.
Sự mâu thuẫn, đối đầu quyết liệt giữa Nga với các cường quốc phương Tây đã khiến cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine mỗi lúc một thêm nghiêm trọng, một thêm đẫm máu và bế tắc.
Giới quan sát và phân tích đang lo ngại, tình hình Ukraine sắp bùng nổ thành một cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" giữa một bên là những thành phần thân phương Tây và bên còn lại là lực lượng ủng hộ Nga. Moscow và Washington đang kêu gọi lẫn nhau về việc dùng ảnh hưởng của mỗi nước để gây sức ép nhằm ngăn chặn bạo lực, đổ máu.
Hy vọng đang được nhen nhóm lên khi chính quyền lâm thời mới ở Kiev phát đi tín hiệu ủng hộ việc tổ chức hội nghị Geneva thứ 2. Hội nghị Geneva thứ nhất giữa 4 bên gồm Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine đã kết thúc bằng một tuyên bố nhằm làm dịu tình hình ở Ukraine. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không được thực hiện khi chính quyền ở Kiev leo thang hành động bằng chiến dịch quân sự đàn áp người biểu tình ở miền đông Ukraine .
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Mỹ có dám chống lại Trung Quốc trên Biển Đông? Nhiều đồng minh châu Á nghi ngờ về khả năng đương đầu với Trung Quốc của Mỹ. Chính sách "xoay trục" châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dẫn tới những hiểu nhầm trong các đồng minh của Mỹ ở châu Á về việc Mỹ sẽ làm gì để giúp họ trong trường hợp nổ ra xung đột nghiêm trọng trên...