Ông Phùng Quang Thanh: ‘Nên lập dự án khả thi sân bay Long Thành’
Giải thích việc làm sân golf cạnh phi trường, như tại Tân Sơn Nhất, không ảnh hưởng tới an toàn bay, Bộ trưởng Quốc phòng cũng ủng hộ việc đẩy nhanh nghiên cứu, xây dựng sân bay Long Thành.
Câu chuyện về dự án Sân bay Long Thành tiếp tục làm nóng bàn nghị sự của Quốc hội trong các phiên thảo luận tổ chiều 4/11. Theo nghị trình, các đại biểu có 3 nội dung cần thảo luận, nhưng không ít đoàn đã dành toàn bộ thời lượng để nói về dự án trị giá 18,7 tỷ USD.
Còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chủ trương dự án, đoàn TP. HCM là một trong những nơi thảo luận sôi nổi nhất về vấn đề này. Trong khi đại biểu Phạm Văn Gòn cho rằng dù có nợ cũng phải xây dựng công trình này thì ý kiến của các vị như Võ Thị Dung, Nguyễn Văn Minh… lại nghi ngờ con số 140.000 dân phải di dời nếu mở rộng Tân Sơn Nhất.
Đại biểu Dung cũng không đồng tình với đánh giá sân bay của TP HCM quá tải trong khi ông Huỳnh Minh Thiện cho rằng việc dành 150ha làm sân golf là không hợp lý, ảnh hưởng đến quốc phòng trong bối cảnh Tân Sơn Nhất thiếu diện tích mở rộng.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Chí Hiếu
Thắc mắc của đại biểu Thiện được Bộ trưởng Quốc phòng – Phùng Quang Thanh làm rõ khi tham gia ý kiến tại đoàn Hưng Yên. Theo đó, đất làm sân golf ở Tân Sơn Nhất và ngay cả sân bay Gia Lâm (Hà Nội) là tận dụng phần lưu không, không dùng vào mục đích phục vụ xây dựng hạ tầng bên dưới.
Đại tướng cho biết 2 dự án nêu trên đều do một doanh nghiệp thuộc ngành Quốc phòng làm chủ đầu tư, đã được các cơ quan chức năng chấp thuận. Ông cũng khẳng định việc làm sân golf không ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn bay mà thậm chí là ngược lại. Thêm vào đó, khi có nhu cầu dùng cho quốc phòng an ninh, cần thu hồi, chủ đầu tư sẽ hoàn trả mà Nhà nước không phải đền bù.
Tham gia ý kiến về dự án Long Thành, Bộ trưởng thông báo tập thể Chính phủ đã nhiều lần thảo luận, trình xin ý kiến Bộ Chính trị và được chấp thuận báo cáo ra Quốc hội tại kỳ họp này.
Theo Bộ trưởng, nhiều phương án đã được nghiên cứu song song với Long Thành, song việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải di dời hàng nghìn hộ dân, gây ô nhiễm tiếng ồn… nên ít khả thi. “Tôi đồng ý Quốc hội thông qua chủ trương để Chính phủ lập báo khả thi. Từ lập dự án qua thẩm định, đến khi triển khai còn nhiều bước nữa, nếu không làm, e sẽ chậm”, Đại tướng bày tỏ.
Chia sẻ việc nhận được nhiều ý kiến, tâm tư của cử tri, chuyên gia lo ngại, song theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), cá nhân ông ủng hộ việc thông qua chủ trương, để Bộ Giao thông vận tải tiến hành lập báo cáo khả thi. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng giao thông 5 cho biết báo cáo này mới đề cập sâu về vấn đề vốn. “Lúc này, nếu thấy không khả thi, Quốc hội có thể không cho đầu tư”, ông Nam nói.
Vị này nhấn mạnh, nếu chỉ vì lo bội chi ngân sách cao mà không làm thì không theo kịp các nước trong khu vực. Sau giải phóng đến nay, các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều được xây dựng theo kiểu chắp nối, cơi nới. Do đó, ông cho rằng xây dựng sân bay Long Thành chính là một chiến lược có chiều sâu.
Video đang HOT
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Thân Đức Nam. Ảnh: Chí Hiếu
Không khí thảo luận nảy lửa cũng diễn ra tại nhóm thảo luận của các tổ Bà Rịa – Vũng Tàu và Lâm Đồng. Trong khi đại biểu Nguyễn Bá Thuyền dẫn ví dụ dự án đường dây 500KV Bắc Nam để nói rằng dù từng bị phản đối, nhưng dự án sau này đã chứng minh sự cần thiết. Ông cho rằng Long Thành cũng là một công trình như vậy.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiến lại dẫn câu chuyện Bộ Giao thông “đính chính” nhầm lẫn về nguồn tài trợ 2 tỷ USD và lo rằng dường như có một “sự vận động” để Quốc hội thông qua dự án. Ông Hiến cho biết đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và kết luận “chưa cần dự án bây giờ dù cá nhân mong đất nước có nhiều công trình tầm vóc”. “Sân bay quốc tế Cần Thơ đó, đầu tư 3.000 tỷ nhưng có khách quốc tế đâu !”, ông này dẫn chứng.
Trước khi kết thúc buổi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Chính phủ phải trả lời thỏa đáng những băn khoăn mà Ủy ban Kinh tế cũng như qua thảo luận các đại biểu đã đặt ra, nếu không rất khó để Quốc hội bấm nút”.
Trước đó, theo nghị trình, Quốc hội mới cho ý kiến chứ chưa biểu quyết về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Đến ngày 14/11 tới, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về siêu dự án này.
Chí Hiếu – Đoàn Loan
Theo VNE
Lương chưa tăng được, tiền đâu làm "siêu dự án" Long Thành?
Ngổn ngang những mối lo, hoang mang những câu hỏi, nghi hoặc những con số... Những yếu tố đó được đưa lên bàn cân để đối chứng với những đòi hỏi cần thiết về việc đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...
Chiều 4/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại các đoàn ĐBQH về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Long Thành - bài toán của 2016 hay 2020
Đại biểu Nguyễn Văn Bình: "Vấn đề đặt ra với sân bay Long Thành cũng giống dự án đường dây 500KV Bắc Nam 10 năm trước".
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng, việc đặt vấn đề đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cần trả lời 3 câu hỏi. Trước hết, việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải thì không có gì phải nghi ngờ. Phương án mở rộng sân bay này cũng không khả thi vì vấn đề chiếm dụng đất, sử dụng cho mục đích khác, không còn khả năng "cơi nới" thêm.
"Tôi đã từng tham gia quân tiếp quản vào Sài Gòn sau giải phóng. Vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày ấy và đến giờ nhìn lại mới thấy xót xa vì sự thiếu quản lý khiến toàn bộ quy hoạch bên trong, bên ngoài khu vực này đều vị phá vỡ cả. TPHCM đã thống kê, muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển gần nửa triệu dân - một con số kinh khủng. Hạ tầng xung quanh sân bay cũng khó có phương án đáp ứng khi chỉ có 2 tuyến giao thông hướng đến đây đều đã tắc nghẽn, áp lực" - ông Nam nói.
Trả lời câu hỏi thứ 2, có thể làm sân bay này trong những năm tới, đại biểu Lê Nam nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là bản thân ông cũng trăn trở vì "siêu dự án" có khả năng gây áp lực lên ngân sách đang khó khăn. Tuy nhiên, ông Nam phân tích lại, kỳ họp này Quốc hội chưa quyết việc đầu tư ngay, mới chỉ là trình xin ý kiến, trên cơ sở nếu được ủng hộ, chấp thuận mới tiếp tục xây dựng phương án đầu tư cụ thể để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Mới xin chủ trương trong khi dự án thì thấy rõ là rất cần thiết, vậy thì, ông Nam quả quyết, "không có gì mà không đồng ý cả" vì chưa phải lo chuyện có tiền chi tiêu lúc nợ công đang "găng", chưa có gì phải đặt ra chuyện cân đối ngân sách cho việc này. Đại biểu cũng bày tỏ lạc quan với hướng đề xuất của Bộ GTVT là để DN vay lại vốn ODA từ Chính phủ, tự vay tự trả.
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) dẫn lại chuyện đầu tư đường dây 500KV Bắc - Nam. Dự án ban đầu cũng gây hoang mang cho là quá "khủng", quá lãng phí. 10 năm sau, cho đến bây giờ mới thấy tác dụng, sự đúng đắn, thức thời của những người làm dự án khi đó.
Thêm một phiếu ủng hộ chủ trương đầu tư làm Long Thành, ông Bình cũng gạt đi lo ngại số vốn khủng của dự án. Đại biểu lập luận, miễn là cơ quan chuẩn bị chứng minh được tính hiệu quả của dự án, chắc chắn việc huy động các đối tác, các nhà đầu tư tham gia không cần phải lo.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, tính cần thiết của dự án ai cũng có thể thấy rõ nhưng tính cấp thiết trong thời điểm hiện tại thì chưa thể hiện được trong báo cáo đầu tư. Ông Hiếu chia sẻ lo lắng về thực tế nhiều công trình đầu tư xây dựng, ngốn hàng nghìn tỷ xong rồi để đấy, như dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, mỗi năm chỉ dùng được ít ngày vào việc lễ tiết.
Tướng Hiếu cho rằng, cần tính lại thời gian thực hiện dự án, không nên vội vàng, 2020 sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự quá tải khi vượt ngưỡng công suất thiết kế 25 triệu khách thì thời điểm đó làm Long Thành sẽ chắc chắn hơn, 5 năm tới (2015 - 2020) nên được dành cho việc chuẩn bị đầu tư thật kỹ lưỡng.
"Ít năm nữa, kinh tế đất nước chắc cũng khá hơn nhiều rồi, tích lũy cũng ổn hơn, việc khởi công dự án sẽ chắc ăn, đỡ áp lực hơn. Lúc đó, các đối tác nước ngoài cũng nhìn thấy triển vọng lớn, rõ ràng hơn ở Việt Nam, ta sẽ dễ thuyết phục, kêu gọi đầu tư hơn"- ông Hiếu lập luận.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng gợi ý một vấn đề khác là phương pháp lên kế hoạch. Không đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lúc cả 5000ha cho dự án có 3 giai đoạn thực hiện, kéo dài đến tận 2030, ông Hiếu cho là tự "ôm" khó khăn. Theo đại biểu, nên lấy đất dần cho từng giai đoạn triển khai vì chưa dùng đến thì đất để đấy cũng là lãng phí, cần để người dân tiếp tục canh tác trong bối cảnh đất nông nghiệp đang rất thiếu hiện nay.
Mối lo khác trong mắt tướng Hiếu là mục tiêu xác định xây dựng Long Thành là một cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực. Câu hỏi ông Hiếu đặt ra, việc cạnh tranh với các sân bay trung chuyển đã có sẵn của Thái Lan, Singapore sẽ khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng, Malaysia cũng xây dựng sân bay trung chuyển nhưng chưa thu hút được khách vì phải cạnh tranh với sân bay của Thái, của Sing.
Ai chịu trách nhiệm nếu trì hoãn Long Thành
Những ý kiến "can gián" có thể ghi nhận nhiều nhất tại tổ thảo luận của đoàn ĐBQH TPHCM.
Đại biểu Võ Thị Dung của đoàn này cũng không phủ nhận tính cần thiết của dự án nhưng cho rằng báo cáo đầu tư có nhiều điểm chưa thuyết phục. Đại biểu lo ngại hướng "đóng cửa" sân bay Tây Sơn Nhất để dồn khách cho Long Thành vì mục tiêu hút 100 triệu hành khách/năm của dự án này quá lớn.
Nữ đại biểu khái quát, đông đảo cử tri TPHCM không đồng tình nếu để mở cửa Long Thành lại đóng cửa Tân Sơn Nhất. Còn nếu không đóng cửa sân bay này thì quy mô đặt ra của Long Thành quá lãng phí.
"Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói, với tốc độ phát triển kinh tế 8-9%/năm thì 40 năm nữa Việt Nam mới bằng Hàn Quốc. Vậy thì ta có cần ngay một sân bay lớn như Long Thành, để phục vụ ai, phục vụ việc gì?" - bà Dung đặt câu hỏi.
Bà Dung cũng cho rằng, dự án "làm mất lòng tin" của người dân khi Chính phủ lập luận là không thể mở rộng Tân Sơn Nhất. Bỏ qua lý giải về việc khu đất hơn 160ha trong khuôn viên sân bay này đang được dùng làm sân golf khó chuyển sang làm đường băng được vì có hình tam giác, đại biểu lý luận, các chuyên gia hàng không mà đoàn ĐBQH TPHCM đã tiếp xúc đều khẳng định có thể làm được.
Đại biểu cũng không tin số liệu đưa ra là khoảng 140.000 hộ dân phải giải tỏa nếu muốn làm thêm đường băng ở Tân Sơn Nhất. Số liệu dự báo sản lượng khai thác hàng năm của sân bay này cũng có sự vênh lớn, chênh đến 2 lần giữa nguồn thống kê của UBND TPHCM và TCty Hàng không VN.
Về vấn đề vốn cho dự án, phản bác đề xuất giữ lại 5.000 tỷ đồng tiền cổ phần hóa TCty Cảng Hàng không VN để dành cho việc giải phóng mặt bằng, đại biểu lật lại, không coi số tiền đó là tiền ngân sách là không được vì tiền vốn của DNNN cũng là tiền của người dân.
Nữ đại biểu đề nghị "gác" lại câu chuyện Long Thành, đến 2030 mới tính tiếp.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh: "Chuyện tăng lương năm tới chưa biết thế nào mà giờ đã bàn chuyện sân bay Long Thành".
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị xem xét lại dự án, xem lại tính xác thực của các con số 140.000 hộ dân phải di dời nếu muốn mở rộng, làm thêm một đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất, 9 tỷ USD tiền bồi thường cho phương án này, tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn của Long Thành... vì đó đều chỉ là ước tính, là kỳ vọng, là tình huống đẹp nhất đặt ra.
"Nợ công đang chồng chất. Trong nước thì không có tiền tăng lương. Chuyện 2016 tới chưa biết thế nào mà giờ này đã bàn chuyện Long Thành. Người dân chỉ mong một điều, làm sao nhà nước tiết kiệm chi hơn để tăng lương được, nếu không tăng chung cho cả nước thì cũng tăng trước cho những đối tượng khó khăn, người có lương hưu thấp, công chức đang phải thắt lưng buộc bụng, gồng mình gánh sức ép mấy năm nay. Một người lái xe ngày kiếm 150.000 đồng, một công chức, viên chức lương chì vài ba triệu đồng/tháng. Đồng tiền bỏ ra phải xót lắm" - ông Minh ta thán.
Giữ quan điểm bình tĩnh hơn, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, báo cáo giải trình bố sung của Chính phủ đã làm rõ được nhiều điểm mờ về dự án. Việc cần tính là phương án thu xếp để nâng công suất khai thác của Tân Sơn Nhất lên 30-40 triệu khách/năm được không, nếu nâng được thì sau 2020 mới phải tính tới làm Long Thành.
Cái khó hiện tại, ông Lịch nhìn thẳng là Tân Sơn Nhất khai thác 1 đường băng đã có có thể đảm bảo gánh 25 triệu hành khách/năm. Vì khoảng cách 2 đường băng hiện tại quá hẹp nên dùng 2 đường băng này thì cũng chỉ nâng được công suất lên đôi chút (26 triệu khách/năm). Nếu không dám đảm bảo nâng công suất Tân Sơn Nhất lên được thì đến 2020, khi sân bay quá tải, ai sẽ phỉ chịu trách nhiệm về việc trì hoãn Long Thành?
P.Thảo
Theo Dantri
Tên cướp giết 3 người chấn động đi bụi sau hôn nhân đổ vỡ Từng có vợ nhưng tên cướp giết 3 người không chí thú làm ăn, gia đình bất hòa, hôn nhân đổ vỡ khiến Nam đi bụi rồi lún sâu vào tội lỗi. Nghi can giết người cướp tài sản Nguyễn Hoài Nam, 20 tuổi ở ấp Long Thạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có thời gian bỏ nhà đi...