Ông Phạm Công Danh: ‘Tôi tin chắc khắc phục được toàn bộ thiệt hại’
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng nói rằng, nếu HĐXX tạo điều kiện xử lý khối tài sản là khu đất tại Đà Nẵng cũng như bàn bạc với gia đình, ông tin đủ khả năng khắc phục 100% hậu quả vụ án.
Chiều 1/8, trước khi tiếp tục phần thẩm vấn, thông qua luật sư của mình, ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) một lần nữa đề xuất toà cho phép rao bán khối tài sản là các bất động sản thuộc Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Trinh, TP Đà Nẵng, song song với quá trình xét xử để khắc phục hậu quả vụ án.
HĐXX cho phép bị cáo Danh được gặp em trai trong giờ giải lao sáng mai để bàn cách khắc phục hậu quả. Ảnh: H. Đ.
Theo ông Danh, quyết định thành lập Hội đồng giám định độc lập, thẩm định lại giá trị lô đất này thay cho các kết quả định giá trước đây mà HĐXX vừa ban hành là “không cần thiết” bởi vừa tốn kém chi phí mà giá trị có thể không thay đổi. Ông xin phép HĐXX được để cho người đại diện của Tập đoàn Thiên Thanh là em trai Phạm Công Trung, hoặc vợ, làm việc với các đối tác thông báo chào bán, đầu tư vào lô đất này với giá tốt nhất. Nếu các nhà đầu tư đồng ý mua, thì mong HĐXX tạo điều kiện mời họ đến phiên tòa để làm việc.
HĐXX sau đó quyết định cho ông Danh gặp em trai trong giờ giải lao của phiên xử sáng mai, bàn bạc việc bán tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Buổi gặp gỡ sẽ diễn ra trong sự giám sát của điều tra viên Bộ Công an.
Ngay sau khi được tòa chấp nhận, ông Danh tiếp tục có ý kiến. Ông bày tỏ muốn được khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi của mình gây ra.
“Không riêng gì bất động sản ở Chi Lăng. Tôi tin có khả năng khắc phục 100% hậu quả trong vụ án này. Thực lòng, tôi không có mưu mô quỷ kế gì để tư lợi”, ông nói và cho biết, nếu chỉ có 5-10 phút gặp mặt thì sẽ không giải quyết được hết các vấn đề. Tuy nhiên, chủ tọa lưu ý bị cáo nghiên cứu phương án trước để quá trình trao đổi với em trai không mất nhiều thời gian.
Video đang HOT
Trước đó, trong phiên thẩm vấn hôm 29/7, HĐXX cho biết, hiện những bất động sản thuộc sân vận động Chi Lăng của bị cáo đang được Hội đồng định giá Công ty cổ phần định giá TP Đà Nẵng cho là 2.600 tỷ đồng, còn Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Danh không đồng ý với cả hai mức giá này và xin HĐXX cho cơ chế giải quyết riêng. Chủ tọa sau đó đã đồng ý ra quyết định thành lập Hội đồng định giá mới độc lập.
Cũng trong buổi làm việc chiều nay, ông Danh đề nghị được gặp và đối chất với ông Trần Quí Thanh (bố bà Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát) để làm rõ mối quan hệ với nhóm này và các khoản tiền vay, cũng như chi trả lãi ngoài cho họ. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được HĐXX xem xét.
Hiện ông Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đang bị xét xử về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng dẫn đến thất thoát 9.000 tỷ đồng. Ngoài vụ án này, những sai phạm của ông Danh và đồng phạm trong thời gian tham gia tái cơ cấu VNCB còn được tách ra xử lý trong vụ án khác.
Dự kiến phiên xử tiếp tục làm việc đến cuối tháng.
Hải Duyên
Theo VNE
Ông Phạm Công Danh phủ nhận chỉ đạo rút 5.490 tỷ đồng
Liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ đồng bị rút khỏi Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh khẳng định "hoàn toàn không chỉ đạo cấp dưới".
Ngày 1/8, phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm bước sang tuần làm việc thứ 3. HĐXX tập trung hỏi ông Danh về khoản tiền 5.490 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát).
Bị cáo Danh không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới chuyển 5.490 tỷ đồng vào tài khoản của mình. Ảnh: X.D.
Ông Danh cho biết, những giao dịch vay mượn liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích tính đến ngày 21/6/2013 khoảng 17.000 tỷ đồng. Số tiền này đã được tất toán trên sổ sách trước khi vụ án được khởi tố nên được cáo trạng nhận định là giao dịch dân sự. Nhưng thực chất cũng giống như khoản tiền 5.490 tỷ giải ngân cho nhóm Trần Ngọc Bích vào ngày 21/8 và 26/8/2013 thông qua các hợp đồng vay bằng hình thức thế chấp hơn 124 sổ tiết kiệm.
"Bà Bích khai tôi chỉ đạo ông Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) và ông Mai về việc chuyển tiền vào tài khoản của tôi không được sự đồng ý của bà Bích. Khi đọc cáo trạng tôi rất bàng hoàng. Tại sao có thể dựng khống lên như vậy được", ông Danh nói và cho biết không trực tiếp chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền này ra khỏi tài khoản bà Bích.
Được gọi lên thẩm vấn sau đó, bị cáo Quyết một mực khẳng định chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tải khoản ông Danh "là theo chỉ đạo của ông Danh". Việc bà Bích trước đó khai không biết số tiền 5.490 tỷ đồng chuyển ra khỏi tài khoản của mình là không đúng sự thật.
"Đây là sự lợi dụng bối cảnh ngân hàng khó khăn, không chịu chuyển chứng từ. Tôi đề nghị HĐXX làm rõ hết cả quá trình trước đó", ông Danh bức xúc và nói rằng số tiền này cũng không phải bà Bích vay để tập trung vào việc sử dụng vốn.
Chủ tọa cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của bị cáo.
Trong các buổi thẩm vấn trước đó, bà Bích cho rằng không quen biết ông Danh. Các quan hệ gửi tiền tại VNCB đều thông qua người tên Trang (gọi là Trang Phố Núi) là đối tác của ông Danh. Trả lời HĐXX về vấn đề này, ông Danh cho rằng bà Bích khai không đúng. "Sáng gặp, trưa gặp, có khi tối gặp sao lại không biết nhau", cựu Chủ tịch Danh nói.
Ông Danh cho hay quen bà Bích không phải một năm mà nhiều năm từ khi bà này còn đang gửi tiền vào Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank - tiền thân của VNCB). Quá trình tái cơ cấu Trustbank ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nên rất chú ý đến việc chăm sóc khách hàng lớn, trong đó có nhóm bà Bích. Ông không chỉ gặp bà Bích mà còn gặp trực tiếp ông Trần Quí Thanh (bố bà Bích), lúc gặp tại Công ty Tân Hiệp Phát, lúc gặp tại Thiên Thanh.
Những khoản gửi của nhóm bà Bích tại ngân hàng VNCB khoảng gần 6.000 tỷ đồng thông qua 124 sổ tiết kiệm. Nhóm bà Bích gửi tiền và sau đó vay ra lúc nào để sử dụng vào mục đích gì thì bị cáo không nắm rõ. "Việc điều hành tổ chức quản lý thì tôi thừa nhận bản thân mình không có kinh nghiệm, chỉ biết làm mọi việc để có nguồn tiền duy trì cho ngân hàng VNCB", ông Danh khai.
Áp lực lớn nhất của ông trong thời gian tái cơ cấu VNCB chính là khoản tiền gửi của nhóm bà Bích. "Nếu một ngày trả không đủ lãi cho nhóm bà Bích thì họ gọi điện tới tấp, mọi hoạt động của ngân hàng bị ngưng trệ", ông này nói.
Trả lời HĐXX về việc có gì chứng minh việc chi vượt trần lãi suất, bị cáo Danh cho hay không trực tiếp trả lãi. Ông chỉ là người đi huy động vốn về cho ngân hàng, việc trả lãi ngoài được giao cho một tổ của ngân hàng thực hiện. Tuy không có giấy tờ về việc chi trả lãi ngoài nhưng vấn đề này cũng được đưa ra các cuộc họp hội đồng thường xuyên.
Theo cáo buộc, trong quá trình tham gia tái cơ cấu VNCB, ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Danh chỉ đạo làm thủ tục cho nhóm của bà Bích vay 3 khoản tổng cộng 5.490 tỷ đồng thông qua hình thức thế chấp 124 số tiết kiệm. Số tiền này sau đó được chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của ông Danh mà không có chữ ký của chủ tài khoản và hồ sơ vay.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Hải Duyên
Theo VNE
Lần chiếm đoạn 5.490 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh Bằng 124 sổ tiết kiệm của khách hàng, ông Danh chỉ đạo mang cầm cố cho chính ngân hàng của mình vay gần 5.500 tỷ đồng rồi chuyển lòng vòng cho nhiều người. Ngày 27/7, phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công...