Ông Park sẽ ‘biến tấu’ đội tuyển Việt Nam
“Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến kế hoạch của đội tuyển bị đảo lộn hoàn toàn. Đáng lý việc thay đổi chiến thuật phải được thực hiện từ cách đây 6, 7 tháng nhưng giờ chúng tôi mới chính thức bắt tay vào công việc quan trọng này”, HLV Park Hang-seo nói.
Các tuyển thủ Việt Nam hào hứng với buổi tập “biến tấu chiến thuật” chiều qua của ông Park
Thay đổi hay là “chết”
Thực ra đây không phải lần đầu tiên ông Park phát ngôn về vấn đề chiến thuật của đội tuyển cần có sự biến hóa. Ngay sau khi trầy trật hòa Thái Lan 0-0 tại vòng loại World Cup 2022 vào tháng 11 năm ngoái, thầy Park đã khẳng định sẽ có sự thay đổi trong đội hình cũng như lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Ở thời điểm đó, Việt Nam vừa thi đấu xong 5 trận đầu tiên của vòng loại World Cup và tạm đứng vị trí nhất bảng G khu vực châu Á (hòa Thái Lan cả lượt đi lượt về, thắng Malaysia 1-0, thắng Indonesia 3-1, thắng UAE 1-0). Dù kết quả có thể xem là khá mỹ mãn nhưng ông Park vẫn tuyên bố: “Chúng ta còn 3 trận đấu của lượt về vòng loại World Cup và chắc chắn đối thủ đã thuộc nằm lòng đấu pháp của đội tuyển Việt Nam. Do đó không thể giữ nguyên những cái cũ”.
Đến tháng 4 năm nay, khi chứng kiến đội tuyển Malaysia ồ ạt nhập tịch, ông Park lại sốt ruột bảo “thế là không ổn cho chúng ta rồi” và tuyên bố: “Tôi cùng ban huấn luyện liên tục thảo luận, tìm ra những chi tiết dù là nhỏ để cải thiện chiến thuật đã có cũng như chuẩn bị những chiến thuật mới. Nhưng chiến thuật phải phù hợp với những cầu thủ mà chúng ta có. Thời điểm hiện tại Việt Nam có nhiều tiền vệ tốt. Chúng tôi muốn làm sao để tận dụng sức mạnh ở hàng tiền vệ, giúp đội chơi tốt hơn. Xây dựng các hệ thống chiến thuật khác nhau nhằm giúp đội tuyển có những phương án sẵn sàng trước các đối thủ khác nhau là cách tốt nhất để chúng ta có thể làm nên lịch sử là đi vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022″. Nhưng suốt thời gian qua, đội tuyển đã không thể tập trung, thậm chí vào tháng 8 ông Park đã lên danh sách mà phải hủy bỏ vì Covid-19 tái bùng phát. Đến bây giờ ông và các học trò mới có thể xắn tay làm được điều mình muốn với đội tuyển Việt Nam.
Tuyển Việt Nam tập luyện tích cực
Video đang HOT
Sử dụng nhân tố X ?
Sơ đồ 3-4-3 với 2 tiền vệ trung tâm có thể bị chính tay thầy Park “đập bỏ” để xây dựng lại sơ đồ mới với 3 tiền vệ trung tâm. Đại ý, ông muốn biến tấu từ 3-4-3 sang 3-5-2. Sự biến tấu này đã từng được chính ông Park thử nghiệm và đạt hiệu quả gần như ở mức tuyệt đối tại SEA Games 30 vào cuối năm 2019. Hai cầu thủ đá cao nhất trên hàng công là Đức Chinh và Tiến Linh. Phía sau họ thường là bộ ba Hùng Dũng, Quang Hải (khi Hải bị chấn thương, lập tức ông Park trám bằng Đức Chiến), Hoàng Đức. Đội U.22 Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử bởi hai thứ vũ khí lợi hại: Đội hình có chiều sâu – có sự dày dặn ở tuyến giữa với các tiền vệ cực kỳ chất lượng và vũ khí nữa là chơi bóng bổng.
Ở đợt tập trung đầu tiên và duy nhất của năm 2020 này, ông Park sở hữu những tiền vệ rất tốt. Ngoài Lương Xuân Trường, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, không thể không nhắc đến Cao Văn Triền, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hai Long. Số lượng và chất lượng đội ngũ tiền vệ đủ để người ta hy vọng, tin tưởng tạo nên một tuyến giữa kiểm soát được không gian và thế trận ở mức hoàn hảo. Khu trung tuyến của đội tuyển sẽ càng trở nên chắc chắn hơn nếu như sau lưng Tuấn Anh và Hùng Dũng là một máy quét như Văn Triền hoặc một chiến binh băm bổ kiểu Đức Chiến. Hay sẽ là đủ sự mềm mại, kiểm soát không gian tốt và thoát pressing nhịp nhàng đến từ cách đi bóng khôn ngoan của Hai Long hoặc kỹ thuật từ Hoàng Đức.
Ông Park hội ý với Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
22 ngày tập trung của đội tuyển Việt Nam cộng với 2 trận giao hữu với U.22 hứa hẹn sẽ là những thử nghiệm mang tính đột phá của ông Park. Mà như nhận xét của chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Ông Park sẽ đủ tỉnh táo và sự khôn ngoan để tạo dựng một hệ thống chiến thuật với nhiều yếu tố mới lạ nhưng vẫn dựa trên sự ổn định có sẵn. Lối chơi của tuyển Việt Nam sẽ đa dạng hơn, phong phú hơn nhưng vẫn phải đạt hiệu quả ở mức cao. Ông Park sẽ điều chỉnh ở tuyến tiền vệ khi nhân tố ở tuyến này rất dồi dào. Sẽ có sự cạnh tranh gay gắt mà với ông Park rất có thể sẽ có sự thử nghiệm khiến chúng ta bất ngờ. Dĩ nhiên, cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng 3 tiền vệ ăn ý nhất vẫn sẽ là Hùng Dũng, Tuấn Anh, Quang Hải. Nhưng sang năm, đội tuyển không chỉ có vòng loại World Cup mà còn dự AFF Cup. Cần phải có những phương án khác nhau nhằm tránh sự quá tải và cũng là cách đẩy đối phương vào thế bị động. Chúng ta sẽ không dễ dàng “làm mưa làm gió” ở Đông Nam Á và phải có sự chuẩn bị khiến các đội không kịp trở tay. Đội tuyển đang có những nhân tố X mà các đối thủ chưa hề biết đến. Ông Park sẽ sử dụng nhân tố X như thế nào, hãy chờ xem”.
Tuyển Việt Nam sẽ rèn chiến thuật mới
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Hầu hết mỗi vị trí trên tuyển có 3 cầu thủ có thể đảm đương, tạo ra tính ganh đua gay gắt. Hàng công với 8 tiền đạo cũng là con số kỷ lục và biết đâu ông Park sẽ sử dụng nhân tố mới. Tôi chỉ hơi tiếc vị trí hậu vệ trái thiếu vắng Văn Hậu. Nhưng ông Park còn có Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh hay Xuân Mạnh. Nhân lực cho phép ông Park đưa ra những toan tính phù hợp”.
Văn Hậu được chọn dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định thành lập đoàn đại biểu của Bộ dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tổ chức vào ngày 9, 10.12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội. Đoàn của Bộ VH-TT-DL gồm 16 thành viên, trong đó có 2 VĐV là Bùi Thị Thu Thảo – HCV nội dung nhảy xa môn điền kinh tại ASIAD 18 năm 2018 và cầu thủ Đoàn Văn Hậu – vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games 30. Hai VĐV ưu tú sẽ nằm trong danh sách 2.300 đại biểu dự đại hội.
Thầy Park làm điều hiếm thấy ở đội tuyển Việt Nam
HLV Park Hang-seo muốn các cầu thủ thảo luận nhóm, tự nói lên suy nghĩ, hành động của mình để làm sau thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2021 là vòng loại World Cup và AFF Cup.
Khi được hỏi về việc sẽ làm gì ở đợt tập trung đội tuyển quốc gia lần này, thì ngoài tiết lộ sẽ thay đổi chiến thuật, Park Hang-seo còn đặc biệt thích thú với ý tưởng lần đầu áp dụng, đó là để học trò tự nói lên suy nghĩ, góp ý vào kế hoạch thực hiện mục tiêu tiêu năm 2021.
"Đội sẽ chia làm 3 nhóm, có nhóm trưởng và các thành viên. Các nhóm sẽ phải thảo luận về các mục tiêu năm 2021 và làm thế nào để đạt được. Tôi muốn cầu thủ trực tiếp nêu ý tưởng, phương thức giải quyết và bản thân tôi cũng vậy", HLV Park Hang-seo nói và cho biết "rất mong chờ điều này".
Dưới thời HLV Park Hang-seo, mọi cầu thủ đều bình đẳng, có quyền nói lên suy nghĩ và cùng xắn tay vào lo công việc chung.
Hoạt động chia nhóm cầu thủ và tự luận bàn cách thực hiện các chiến dịch được ghi nhận là lần đầu tiên diễn ra trong nội bộ đội tuyển, cũng là lần đầu tiên thầy Park áp dụng sau 3 năm gắn với với bóng đá Việt Nam. Đó là một ý tưởng thú vị song cũng đầy thực tế và sáng tạo của chiến lược gia người Hàn Quốc, một mũi tên trúng nhiều đích.
Đầu tiên, hoạt động thảo luận nhóm giúp các cầu thủ gần gũi, hiểu nhau hơn, hoàn thiện kỹ năng làm việc nhóm và tự ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của bản thân trong các chiến dịch - giải đấu.
Ông Park đề cao sự bình đẳng. Trong thảo luận, dù là cựu binh hay tân binh đều có quyền nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói đó được tập thể tôn trọng. Cách làm này không chỉ tập hợp chất xám mà còn xoá đi những khoảng cách giữa các cá nhân, giữa những "cái tôi". Điều này thực sự cần thiết khi đội tuyển đang có tới 1/3 quân số là tân binh và đang trong quá trình chuyển giao thế hệ.
Ba năm qua, ông Park đã rất nỗ lực và gặt hái thành công nhờ khơi dậy "tinh thần Việt Nam" trong mỗi cầu thủ, để từ đó xây dựng một tập thể đoàn kết, giàu khát khao, tinh thần chiến đấu. Yếu tố này kết hợp với dàn cầu thủ chất lượng đã tạo nên một đội tuyển mạnh mà những chiến tích cấp khu vực, châu lục.
Nhưng nay, so về chất lượng, đội tuyển hiện tại chưa được đánh giá cao trong khi các nhiệm vụ trước mắt - phải lần đầu tiên lọt vào vòng 3 vòng loại World Cup, bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup - lại rất nặng nề. Vì thế, ngoài huấn luyện chuyên môn trên sân thì việc khơi dậy phẩm chất, tận dụng chất xám mỗi cá nhân và thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân là rất cần thiết.
HLV Đặng Trần Chỉnh từng có câu nói để đời: "Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3", hàm ý về việc HLV có thể bị thất bại, cách chức bất cứ lúc nào nếu đa số cầu thủ chủ đích chống lại.
Còn cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng - người tiền nhiệm của HLV Park Hang-seo - sau thất bại ở AFF Cup 2012 cũng đã ám chỉ về việc một nhóm cầu thủ không nghe lời, khiến sức mạnh đội tuyển giảm sút.
Hơn ai hết, ông Park ý thức được điều này, và ý tưởng thảo luận nhóm ra đời không chỉ để giải "mối nguy" này mà còn cho cầu thủ thấy mình luôn được tôn trọng và có ý thức cùng xắn lo vào lo việc chung.
Ông Park đề cao sự bình đẳng
Sau thông điệp "cánh cửa đội tuyển luôn mở với mọi cầu thủ" hay "mọi thành viên đội tuyển đều có quyền nói lên suy nghĩ của mình", HLV Park Hang-seo tiếp tục đề cao sự bình đẳng bằng cách khá hài hước, đó là giao tiền đạo Nguyễn Tiến Linh chức danh "người quản lý đội bóng".
"Tiến Linh có nhiệm vụ... đi thu tiền nộp phạt của đồng đội. Chúng tôi có quy tắc riêng, áp dụng cho tất cả thành viên một cách bình đẳng. Bản thân tôi cũng hay đi muộn, bị phạt tiền nhiều lắm", ông Park hóm hỉnh chia sẻ.
Ông Park gọi Văn Quyết để gây bất ngờ cho đối thủ? Trong bối cảnh sơ đồ quen thuộc 3-4-3 đã bị nhiều đối thủ bắt bài, việc thay đổi chiến thuật là điều cần làm với đội tuyển Việt Nam. Chia sẻ với báo chí trong ngày tập đầu tiên (6.12), HLV Park Hang-seo đã quả quyết như vậy. Văn Quyết mang áo số 11 sẽ trụ lại đội tuyển nhờ sơ đồ mới...