Ông Obama sẽ thảo luận kỹ với lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận kỹ với lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông trong chuyến thăm vào cuối tháng 5 này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào tháng 7-2015
Tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay 10-5 tại Hà Nội trong chuyến công cán được cho là bước đi chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5 này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel đã trả lời các câu hỏi của báo giới về vấn đề Biển Đông.
Theo ông Russel, vấn đề tình hình Biển Đông là một mối quan tâm lớn của các nước trong khu vực và trên thế giới, không chỉ là các nước có tuyên bố chủ quyền Việt Nam hay Philippines mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế. “Vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của tôi hay bạn là vấn đề 2 bên nhưng vấn đề phương thức hành xử tại một vùng biển quốc tế là vấn đề được sự quan tâm của toàn thế giới” – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Ông Daniel Russel nhận định nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về một số hành động của Trung Quốc, là một nước lớn tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đã tiến hành cải tạo các thực thể địa lý, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn của họ tại Biển Đông. “Cách đây 2 ngày, tôi ở Lào để tham dự cuộc các quan chức cấp cao của ASEAN và các đối tác. Gần như tất cả đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông, bày tỏ rõ ràng rằng tất cả các bên cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế” – ông Daniel Russel thông tin.
ông Daniel Russel nêu rõ Mỹ không đứng về bên nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để chống lại bên kia song đứng về phía luật pháp quốc tế, cụ thể là ủng hộ Luật Biển quốc tế năm 1982. “Mỹ là nước hùng mạnh nhất trên trái đất và các tàu thuyền, máy bay của Mỹ có thể đi lại bất cứ đâu trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép song chúng tôi không thỏa mãn nếu cả các nước khác, kể cả các nước nhỏ, không được hưởng những quyền mà chúng tôi được hưởng” – ông khẳng định.
Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều là bạn bè của Mỹ nên Mỹ mong muốn khu vực ổn định. Do đó, Mỹ đang hợp tác với Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN để giảm căng thẳng và khuyến khích các bên thực hiện theo tiến trình ngoại giao, kiềm chế, giảm bất đồng, góp phần ổn định và phát triển thịnh vượng.
Video đang HOT
“Ngoại trưởng John Kerry đã thảo luận kỹ với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về vấn đề này trong chuyến thăm Mỹ của ông Minh. Tôi cũng đã thảo luận vấn đề này với các đối tác của tôi ở Việt Nam. Tôi tin rằng trong chuyến thăm sắp tới, vấn đề Biển Đông sẽ được Tổng thống Obama thảo luận kỹ với những lãnh đạo Việt Nam” – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những chuyến tuần tra của tàu chiến Mỹ khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo để thực hiện quyền tự do hàng hải nhưng việc quân sự hóa của Trung Quốc dường như mạnh hơn, gây khó khăn cho các nước thời gian qua, ông Daniel Russel khẳng định việc hải quân Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra thực hiện theo quyền tự do hàng hải, là quyền được luật pháp quốc tế quy định. Đó là những quyền không chỉ dành cho Mỹ mà cả các nước khác như Trung Quốc hay Việt Nam. Đó là chính sách được Mỹ thực hiện hàng thập kỷ để nhằm thể hiện sự ủng hộ với một hệ thống quốc tế cởi mở.
“Nếu hải quân của một nước hùng mạnh nhất thế giới không thực hiện được các hoạt động theo luật pháp quốc tế thì làm sao hải quân của các nước nhỏ hơn thực hiện được quyền như vậy? Nếu các tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế thì làm sao các tàu thuyền của ngư dân, các tàu chở hàng thực hiện được việc đó mà không bị các lực lượng khác ngăn cản?” – ông Russel nói.
Theo ông Daniel Russel, Mỹ không có tuyên bố chủ quyền nào và không mong muốn có 1 hòn đảo nào ở Biển Đông và cũng không muốn chiếm đoạt bất cứ thứ gì từ ai. “Chúng tôi đang cố gắng làm 2 việc: giữ cho vùng biển này được mở, tự do với tất cả mọi người; nhằm đảm bảo rằng các quyền theo quy định của luật pháp quốc tế không bị xói mòn. Những chuyến tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ không phải là hành động khiêu khích mà là hoạt động nhằm thể hiện quyền của người dân quốc tế” – ông Daniel Russel lưu ý.
Theo Người lao động
Nghị sĩ Mỹ hối thúc can thiệp sâu hơn vào tình hình Biển Đông
Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành thêm nhiều chiến dịch tuần tra áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Các nghị sĩ Mỹ hối thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường tuần tra trên Biển ĐôngReuters
Theo AP ngày 28.4, trong phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ ngày 27.4, các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama nhanh chóng tiến hành thêm các cuộc tuần tra trên Biển Đông. Những đề nghị này được đưa ra trong lúc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Bắc Kinh gây căng thẳng và tự cô lập mình với cách hành xử hung hăng trên Biển Đông thời gian qua.
Hối thúc tuần tra nhiều hơn
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa nói rằng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông cần phải là một hoạt động thường xuyên. "Tôi không thấy lý do nào để chúng ta không tiến hành hoạt động đó hàng tuần, hàng tháng cả, trong khi chúng ta có đến 60% tàu thuyền hải quân tại khu vực Thái Bình Dương", theo thượng nghị sĩ Bob Corker.
Ông Corker còn cho rằng Trung Quốc đang tự đặt mình ở vị thế là đối thủ địa chính trị của Mỹ. Trong tình hình đó, "giải quyết những khác biệt với Trung Quốc không phải cách để thành công, đặc biệt khi nó làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, đặt lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào nguy hiểm".
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhận định Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông Reuters
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cory Gardner của đảng Cộng hòa nhận định việc điều tàu Mỹ tới khu vực Biển Đông nếu chỉ 3 tháng một lần thì không đủ để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken từng khẳng định Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra một cách thường xuyên. Ông cùng với thượng nghị sĩ Marco Rubio, cựu ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, đều cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Theo ông Blinken, Trung Quốc đang xa rời các nước láng giềng, có thể "gây xung đột, bất ổn và cô lập" tại khu vực nếu Bắc Kinh không thay đổi cách tiếp cận cũng như yêu sách trên biển của mình cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy vậy, AP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chỉ cần Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện đầy đủ trong khu vực, mọi lợi thế chiến thuật của Trung Quốc từ các tiền đồn cũng sẽ bị đè bẹp, vì chính Bắc Kinh đang tự bao vây mình thông qua sự tức giận ngày càng gia tăng của các nước láng giềng, và những nước này đang ngày càng xích lại gần với Mỹ".
Về phía đảng Dân chủ, nghị sĩ Robert Menendez của bang New Jersey cho rằng Trung Quốc đang "thống trị" khu vực. Ông chủ trương đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Nghị sĩ này cũng nhấn mạnh các công cụ quyền lực quốc gia của Mỹ chỉ hữu ích khi được triển khai đầy đủ.
Dự luật kêu gọi hỗ trợ đồng minh Đông Nam Á
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng quân đội Mỹ phải tuần tra áp sát nhiều hơn nữa đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông Reuters
Trong buổi điều trần, 4 thượng nghị sĩ đã giới thiệu một dự luật, trong đó kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ an ninh cho các đồng minh Đông Nam Á, đồng thời tăng cường sự hiện diện trong các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực. Sự hiện diện được nói đến chính là các hoạt động tuần tra trên Biển Đông đã được các nghị sĩ nhấn mạnh, theo Foreign Policy.
Khi đưa ra dự luật này trước Ủy ban đối ngoại thượng viện, thượng nghị sĩ Robert Menendez nói: "Đã rất lâu từ khi Trung Quốc có những chính sách bành trướng và hung hăng, Mỹ đóng vai trò là người giám sát hoặc có lẽ là phản đối nhưng lại chưa phải là một chủ thể trong đó".
Nội dung dự luật có tên "Sáng kiến an ninh hàng hải châu Á-Thái Bình Dương" yêu cầu chính quyền phải báo cáo cho quốc hội về kế hoạch tuần tra của Mỹ cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Bên cạnh đó, dự luật nhấn mạnh đến vị trí của Philippines theo những quy định viện trợ an ninh của Mỹ, theo đó cho phép Philippines nhận thêm nhiều trang thiết bị quân sự tinh vi hơn.
Dự luật mà các nghị sĩ Mỹ đưa ra cũng nhằm gửi thông điệp đến phía Trung Quốc để cho thấy giới lập pháp Mỹ nhìn nhận về sự hung hăng của Trung Quốc như thế nào, cũng qua đó nhấn mạnh sự đảm bảo của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.
Theo Foreign Policy, dự luật được đưa ra tại thời điểm này nhằm gây ảnh hưởng lên chính sách của chính quyền Tổng thống Obama trước chuyến công du tại châu Á. Cụ thể, trong chuyến công du vào tháng 5, Tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam và tham dự một số hội nghị tại khu vực.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Các Ngoại trưởng ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa khu vực này tại Hội nghị hẹp ở Lào hôm nay. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5 từ trái sang) và các đại biểu tại hội nghị....