Ông Obama có thể là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Hiroshima
Hơn 70 năm sau ngày Mỹ thả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima, ông Obama có thể là tổng thống Mỹ đầu tiên tới đây tưởng nhớ hàng chục ngàn nạn nhân.
Nhiều người Nhật mong đợi ông Obama có chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima. Ảnh: Reuters
Sau khi Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 vào cuối tháng 5, ông Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tới Hiroshima, tờ Nikkeihôm nay dẫn nguồn tin quan chức Mỹ giấu tên.
Đầu tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Hiroshima, tưởng niệm nơi xảy ra một trong những hoạt động cuối cùng của Thế chiến II. Ông Kerry đã tới thăm bảo tàng hòa bình và mái vòm nguyên tử, công trình hiếm hoi còn trụ vững sau khi Mỹ thả bom nguyên tử.
Người Nhật quan tâm tới chuyến thăm mang tính lịch sử của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết đây là vấn đề của phía Washington, hiện chưa thể xác thực thông tin cho rằng chuyến thăm sẽ diễn ra.
Việc ông Obama tới Hiroshima rất có thể sẽ dấy lên tranh luận giữa các ứng viên đang chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ. Ngày 6/8/1945, Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, ba ngày sau đến lượt Nagashaki phải hứng chịu thứ vũ khí hủy diệt này. Người Mỹ coi đây là hành động đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh ở châu Á – Thái Bình Dương, buộc Nhật đầu hàng.
Theo Nikkei, ông Obama chắc chắn sẽ sắp xếp để chuyến thăm “không phải là lời xin lỗi”, thay vào đó là bài phát biểu kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Video đang HOT
Cuộc họp của các ngoại trưởng G7 hôm 10-11/4 đã ra “Tuyên bố Hiroshima”, khẳng định “thế giới không vũ khí hạt nhân là cách thúc đẩy ổn định tình hình quốc tế”.
80.000 người Nhật đã thiệt mạng ngay lập tức khi chiếc máy bay ném bom B-29 Enola Gay ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Hàng nghìn người khác chết sau đó do chấn thương và bức xạ. Nhiều người còn sống đến nay vẫn được chính phủ trợ cấp.
Ở Nagasaki, 40.000 người thiệt mạng vì bom nguyên tử. Hai vụ thả bom khiến Nhật hoàng Hirohito phải tuyên bố đầu hàng bởi “những loại bom mới quá sức tàn nhẫn”.
Trở thành đồng minh của Mỹ sau Thế chiến II và được Washington bảo vệ dưới chiếc ô hạt nhân, Nhật tuyên bố ba nguyên tắc phi hạt nhân năm 1967: không sở hữu, không sản xuất, không cho phép vũ khí hạt nhân được mang vào lãnh thổ.
Văn Việt
Theo VNE
Nạn nhân thảm họa Hiroshima mong mỏi ông Obama tới thăm
Cụ ông 91 tuổi sống sót sau vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima sẵn sàng tha thứ nếu ông Obama đến thăm thành phố.
Những người sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima mong đợi ông Obama sẽ giúp loại bỏ vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters
"Nếu tổng thống Mỹ tới đây để xem những gì đã xảy ra, nếu ông ấy coi đây là một bước trong tiến trình loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới, tôi nghĩ chúng tôi không cần lời xin lỗi", Reuters hôm nay dẫn lời ông Takeshi Masuda, 91 tuổi.
Ông Masuda là một trong số ít người sống sót sau khi quân đội Mỹ thả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945 làm hơn 140.000 người chết.
Mẹ của ông Masuda cũng thiệt mạng trong thảm họa này. Tại những ngôi trường nơi Masuda giảng dạy sau Thế chiến II, nhiều học sinh bị mồ côi cả cha lẫn mẹ vì bom nguyên tử Mỹ, một số khác bị bỏng nghiêm trọng.
"Điều này thật khó khăn cho những người có thân nhân thiệt mạng do bom nguyên tử. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết đòi hỏi lời xin lỗi, có lẽ sẽ khó khiến tổng thống Mỹ tới đây", Masuda nói.
Ông Miki Tsukishita, 75 tuổi, kể lại rằng lúc quả bom phát nổ, ông đã chạy vào nhà, hét lên với mọi người: "Mặt trời đang rơi xuống". Hành động này đã giúp ông tránh tiếp xúc trực tiếp với bức xạ nhiệt và phóng xạ sau vụ nổ.
Tsukishita hy vọng ông Obama, người được giải Nobel Hòa bình, sẽ dùng ảnh hưởng của mình để mời lãnh đạo các quốc gia có vũ khí hạt nhân tới thăm thành phố này để "hiểu rằng vũ khí hạt nhân là vô nhân đạo".
Tsukishita cũng là người đã đăng một quảng cáo trên tờ Washington Post để thúc giục tổng thống Ronald Reagan đến Hiroshima năm 1983.
"Lúc thành phố bị ném bom, tôi mới 6 tuổi, và phải chứng kiến hình ảnh những thi thể bị cháy đen. Chuyện này khác với việc người sống sót sau đó được đón chào", Hiroshi Harada, cựu giám đốc bảo tàng bom nguyên tử ở Hiroshima, cho biết.
Harada cho rằng ông Obama sẽ "đưa ra quyết định chính trị tinh tế" khi tới Hiroshima để tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Thông tin về chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Obama đã thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản, khi nó được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo trong chuyến thăm thành phố hôm 11/4.
Ông Kerry cho biết Tổng thống Obama muốn tới thăm Hiroshima khi đến Nhật tham dự một hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng 7. Tuy nhiên, ông Kerry nói ông không biết liệu tổng thống Mỹ có thời gian cho việc này hay không.
Sau hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki, chưa tổng thống Mỹ nào đặt chân lên hai thành phố này.
Nếu ông Obama xin lỗi tại Hiroshima, điều này sẽ gây tranh cãi ở Mỹ khi phần đông ý kiến cho rằng hai vụ ném bom là cần thiết để chấm dứt Thế chiến II và cứu nước Mỹ khỏi chiến tranh. Trong khi đó, nhiều người dân Nhật Bản coi việc ném bom nguyên tử vào thời điểm đó là không cần thiết.
Văn Việt
Theo VNE
G7 ra tuyên bố chung, ám chỉ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 ngày 11.4 tuyên bố cực lực phản đối những hành động gây hấn trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nội dung được cho là ám chỉ Trung Quốc. Ngoại trưởng các nước G7 đặt vòng hoa tưởng niệm tại khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Nhật Bản - Ảnh: Reuters "Chúng tôi quan ngại tình...