Ông Nguyễn Xuân Anh còn chức vụ nữa đang chờ xử lý
Sau khi bị Ban chấp hành T.Ư cách các chức vụ trong Đảng, ông Nguyễn Xuân Anh vẫn còn giữ một chức vụ quan trọng và đang chờ xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Anh (Ảnh: Infonet).
Ngày 6.10, ông Nguyễn Xuân Anh bị Ban chấp hành T.Ư thi hành kỷ luật bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Sau khi bị mất hết các chức vụ trong Đảng, ông Nguyễn Xuân Anh vẫn còn chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng. Theo PGS -TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân là do Hội đồng Nhân dân bầu ra và có thể coi đó là chức vụ bên chính quyền.
Vào tháng 6.2016, tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2016 -2021) lúc đó ông Nguyễn Xuân Anh đang là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng.
Một cán bộ Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết, một cán bộ đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc T.Ư, nếu được tổ chức điều động, phân công nhiệm vụ khác hay vì lý do sức khỏe hoặc một lý do chính đáng khác không thể tiếp tục công việc thì Hội đồng Nhân dân sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ của người đó ở kỳ họp gần nhất. Trường hợp người giữ chức vụ này có những vi phạm tới mức phải bãi nhiệm thì Hội đồng Nhân dân sẽ tiến hành bãi nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Vị Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết thêm, việc thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm được thực hiện đồng bộ, nghĩa là kỷ luật cả bên Đảng và kỷ luật bên chính quyền. Với một cán bộ có khuyết điểm, vi phạm sau khi bị kỷ luật bên Đảng, phía chính quyền căn cứ thấy tính chất mức độ thế nào sẽ ra quyết định kỷ luật, có thể mức kỷ luật sẽ tương đương bên Đảng, cũng có thể mức kỷ luật còn cao hơn nếu bên chính quyền thấy cán bộ đó còn những vi phạm khác.
Vẫn theo vị cán bộ này, một cán bộ như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, khi đã mất chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020, thôi Ủy viên Trung ương Đảng thì chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cũng sẽ bị xử lý. Vấn đề là cần có thời gian để tiến hành theo các quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Chiều 18.9, Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố kết luận kỳ họp thứ 17, liên quan đến vi phạm của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, trong đó nêu nhiều khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền, có biểu hiện thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp; sử dụng bằng cấp không hợp pháp.Đến kỳ họp thứ 18 (ngày 29.9), Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh theo thẩm quyền.
Theo Danviet
Cách chức Bí thư Đà Nẵng: "Lãnh đạo đừng chỉ biết vun vén cho bản thân!"
Những cán bộ hưu trí và người dân TP Đà Nẵng cho rằng, hình thức kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là rất thỏa đáng. Người dân mong muốn lãnh đạo mới làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân, lợi ích của địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với những cán bộ hưu trí và người dân thành phố Đà Nẵng.
Ông Hồ Duy Diệm - nguyên trưởng Ban quy hoạch TP Đà Nẵng - cho biết, bản thân ông thấy tiếc cho một người mới lớn, có bằng tiến sĩ, có thân nhân tốt, tuổi đời còn dài như ông Nguyễn Xuân Anh. Ông Diệm mong rằng, sau sự việc này, ông Nguyễn Xuân Anh sẽ tốt, trưởng thành hơn.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thị sát bãi rác Khánh Sơn khi mới lên nhậm chức.
"Đây là bài học mà ai cũng phải học chứ không riêng gì lãnh đạo Đà Nẵng. Đó là bài học chống tham nhũng, bài học phải lấy dân làm gốc, bài học phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, tôn trọng nhân dân. Đó là những bài học của Đảng đã vạch ra từ năm 1930 chứ không phải đến bây giờ mới có", ông Diệm nói.
Ông Diệm cũng mong muốn lãnh đạo mới của Đà Nẵng là người không vấp phải những thất bại của ông Nguyễn Xuân Anh. Người lãnh đạo mới này phải thấy được bài học mà Đảng đã dạy cho họ, là muốn làm lãnh đạo của TP Đà Nẵng thì phải là một con người hết lòng vì nhân dân, lắng nghe nhân dân.
Ông Diệm nói, bởi vì nhân dân Đà Nẵng không phải là nhân dân nhu nhược, địa linh ở đây cũng rất linh thiêng, nên người lãnh đạo phải hiểu được sức mạnh tiềm năng của Đà Nẵng. Mà tiềm năng ở đây không chỉ có đất đai, biển cả mà còn là tiềm năng ở con người.
"Con người Đà Nẵng có khí phách lắm. Anh muốn lãnh đạo được cái đó thì anh phải hiểu được họ, anh phải nghe lời họ. Bản thân anh phải tốt, anh không được đụng đất linh thiêng Sơn Trà, anh không được đụng đến đất đai, không lấy đất của người dân đi bán cho người khác. Như vậy, anh mới sống được ở cái đất này", ông Diệm chia sẻ.
Ông Hồ Duy Diệm - nguyên trưởng Ban quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng, bài học từ vụ việc Bí thư Nguyễn Xuân Anh là bài học mà ai cũng phải học
Theo ông Diệm, kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương là kết luận mà nhân dân Đà Nẵng mong đợi từ lâu rồi. Mong đợi từ khi lãnh đạo Đà Nẵng có những sai phạm. Biểu hiện nhất là trong nhiệm kỳ của những lãnh đạo này không làm cho Đà Nẵng phát triển, mà chỉ lo đấu đá lẫn nhau vì quyền lợi của mình. Đó là những nguyên nhân làm cho Đà Nẵng không phát triển được, đã mất danh hiệu "Thành phố đáng sống".
Ông Hồ Việt - nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng (giai đoạn 1989-1993) - cho rằng, việc kỷ luật Bí thư Nguyễn Xuân Anh có tính răn đe rất tốt. Đây cũng là việc mà Trung ương coi là trọng điểm.
Ông Việt mong muốn lãnh đạo mới của Đà Nẵng làm gì cũng phải nghĩ đến dân, lợi ích địa phương, được thì làm, không được thì thôi.
Theo ông Việt, sai lầm của ban lãnh đạo TP Đà Nẵng đã kéo dài từ lâu nhưng mà không có người cầm trịch, không có người đứng vào vị trí để xem xét, đánh giá, điều chỉnh. Vì thế, nó làm cho tình hình trở nên rối rắm. Có sự thay đổi này mọi người rất là vui mừng.
Ông Việt cũng rất tán thành với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Đó là quyết định rất thỏa đáng.
Ông Hồ Việt - nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng (giai đoạn 1989-1993) mong muốn lãnh đạo mới của Đà Nẵng làm gì cũng phải nghĩ đến dân, lợi ích địa phương
Bà Kiều Thị Nhự (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) - cho biết, hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh là rất thỏa đáng. Bà Nhự mong muốn, lãnh đạo mới của Đà Nẵng phải là người vì dân, biết lo cho dân chứ không phải chỉ biết vun vén cho bản thân mình.
Ông Võ Huân (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng cho rằng, hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh là xứng đáng bởi "ông có làm được gì cho dân đâu".
"Khi anh đã vi phạm, làm mất niềm tin đối với nhân dân rồi thì anh ngồi đó nói ai nghe nữa. Vì thế phải thay người mới là đúng rồi. Bây giờ ai làm được cho dân thì bầu người đó lên làm lãnh đạo thôi", ông Huân nói.
Anh Vũ
Theo Dantri
Cách chức Bí thư Đà Nẵng, cho thôi Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành...