Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thực thi trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đã được xác định trong Hiến pháp
Hôm qua (29-11), kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII bế mạc. Đây là một kỳ họp lịch sử, thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 với tỷ lệ phiếu tán thành gần như tuyệt đối. Trao đổi với Đại Đoàn Kết về sự kiện trọng đại này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên sớm đưa Bản Hiến pháp vừa được thông qua đến với nhân dân.
PV: Thưa Chủ tịch, vừa qua Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013. Xin Chủ tịch đánh giá về sự kiện trọng đại này?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trước hết, phải nói Quốc hội lần này thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013 là một sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu việc chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống luật pháp phù hợp với tình hình đất nước sau gần 30 năm đổi mới. Mặc dù chỉ có gần 10 tháng, kể từ khi Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, MTTQ Việt Nam thông qua hoạt động ở cơ sở đã thu thập khoảng 8 triệu lượt ý kiến cử tri góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Còn nếu tính toàn bộ hệ thống chính trị có tới 26 triệu lượt ý kiến đóng góp. Có thể nói, điều này phản ánh quy mô, tầm vóc lớn nhất từ trước đến nay mà chúng ta dành cho một văn kiện được Quốc hội thông qua. Cho nên phải nói rõ, điều này thể hiện, phản ánh sự quan tâm và mong muốn của nhân dân. Vấn đề là ý kiến đóng góp của các tầng lớp xã hội rộng như thế thì làm sao đưa vào Hiến pháp được. Cuối cùng, người đại diện ý của nhân dân để đưa ý nguyện của dân vào trong Hiến pháp chính là gần 500 đại biểu Quốc hội.
Trước kỳ họp Quốc hội, tại các đoàn, đại biểu đã thảo luận để chọn lọc tiếp thu ý kiến cử tri ở đoàn của mình, để đưa vào “sản phẩm” chung. Sau đó, trong kỳ họp này, QH cũng dành nhiều thời gian vừa thảo luận ở từng đoàn, đồng thời thảo luận ở hội trường rất kỹ. Đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
So sánh với bản đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 và bản trước kỳ họp, có thể khẳng định: Hiến pháp đã đưa vào nhiều nội dung mới, quan trọng. Diễn đạt như thế nào rõ được ý, đáp ứng yêu cầu của nhân dân mà không bị xung đột với thực tiễn đa dạng, phong phú – đây là một thách thức vì luật pháp phải tồn tại lâu dài. Cuối cùng, chúng ta thấy tại phiên họp toàn thể thông qua Hiến pháp sửa đổi có 488 đại biểu tham dự, có 486 đại biểu đồng ý với bản Hiến pháp này so với số đại biểu có mặt chiếm 99,6%, có 2 ý kiến không biểu quyết chứ không phản đối. Nếu so với số Đại biểu Quốc hội có trong danh sách nói chung thì trên 97%.
Qua quá trình tập hợp ý kiến và biểu quyết tập trung như vậy, hoàn toàn có cơ sở để đánh giá Hiến pháp đã phản ánh tốt ý kiến của cử tri. Vấn đề hiện nay là phổ biến Hiến pháp tới tận người dân và đưa Hiến pháp vào cuộc sống! Ở đây có vai trò quan trọng của cơ quan Mặt trận các cấp. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết là phải phổ biến Hiến pháp đến người dân và bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh.
Video đang HOT
Thưa Chủ tịch, Hiến pháp đã được thông qua, đã hiến định vai trò của MTTQ Việt Nam, thể hiện rõ hơn vị trí và vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới. Chủ tịch có thể cho biết suy nghĩ của mình về Điều 9 trong bản Hiến pháp sửa đổi lần này?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu. Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, có vai trò tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần định hướng hành động để đoàn kết vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lần này, có nhấn thêm hai vế khẳng định rõ hơn: đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Mặt trận có chức năng thực hiện giám sát và phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Đây là nội dung mới, Hiến pháp cũ chưa xác định Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Chúng ta là chế độ chính trị chỉ có một Đảng cầm quyền thì một công cụ, một thể chế quan trọng làm cho Đảng thực hiện yêu cầu mà Hiến pháp lần này nêu ra là: Đảng phải gắn bó với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Với yêu cầu này, Mặt trận thông qua vai trò giám sát, phản biện của mình chính là góp phần thực hiện cam kết của Đảng trước nhân dân. Và chúng ta thấy điều đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp.
Cùng với Điều 9 về Mặt trận, thì ở Điều 116 còn quy định Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thông báo cho Mặt trận biết về tình hình kinh tế xã hội của địa phương và lắng nghe kiến nghị của Mặt trận về phát triển KT-XH và xây dựng chính quyền ở địa phương và nhấn mạnh là họp Hội đồng nhân dân các cấp thì mời Mặt trận dự. Đối với các vấn đề khác Mặt trận cũng được dự. Đây là sự cụ thể hóa cơ chế Mặt trận đảm nhiệm vai trò đại diện cho lợi ích của nhân dân và thực hiện vai trò giám sát phản biện xã hội.
Thưa Chủ tịch, Hiến pháp đã thông qua rồi, nhưng để thực sự vào cuộc sống và để cho lan tỏa trong nhân dân thì vai trò của Mặt trận là rất lớn. Tới đây, MTTQ Việt Nam sẽ có những hoạt động cụ thể nào để góp phần đưa Hiến pháp vào cuộc sống?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Như chúng ta đã biết, Mặt trận không có đoàn viên hội viên, nhưng Mặt trận có tới 46 tổ chức thành viên. Đấy chính là thế mạnh của Mặt trận. Chúng tôi dự kiến, trên cơ sở hướng dẫn phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận thì Mặt trận sẽ xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên, thống nhất về tài liệu tuyên truyền Hiến pháp sửa đổi 2013, phân công để mỗi tổ chức thành viên giới thiệu cho đối tượng của mình, để mỗi người nếu họ thuộc một tổ chức nào đó cũng có thể tiếp nhận thông tin về Hiến pháp mà không bị trùng lắp, mà cũng không bỏ sót. Mặt khác, nên có mục tọa đàm, trao đổi hỏi đáp về Hiến pháp sửa đổi 2013. Cái này các tổ chức thành viên có thể làm, nhưng mà báo chí của Mặt trận cũng có thể làm mục hỏi đáp về Hiến pháp năm 2013. Nếu người dân hỏi qua Báo Đại Đoàn Kết, thì chúng ta thông tin, rồi sau đó người ta có thể sử dụng những giải đáp đó cho nhiều đối tượng khác nhau. Riêng xung quanh các nội dụng nói về Mặt trận, chúng ta phải hệ thống lại xem Hiến pháp sửa đổi 2013 nói về Mặt trận ở các chương nào, điều nào để người trong hệ thống Mặt trận hiểu và phát huy được tốt nhất.
Về việc thực hiện chức năng giám sát, chúng tôi đã có một số chương trình giám sát trước mắt triển khai trong năm 2014 – 2015. Điều đó cũng tức là Mặt trận góp phần đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có thể nói rõ hơn về trọng tâm công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Giám sát là vấn đề mới, chúng ta không thể làm quá nhiều vì nó vượt sức của mình. Vì thế, nên phải chọn vấn đề gì đang là trọng tâm đối với xã hội, là sự quan tâm của từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong hai năm tới đây, năm 2014- 2015, đây là thời kỳ cả nước kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công, 70 năm thành lập nước.
Trước tiên, chúng ta kỷ niệm những thắng lợi đó phải nghĩ đến những người có công đóng góp vào những chiến thắng này; những người đã hy sinh, đã bị thương đã hiến dâng những năm tháng trai trẻ của đời mình cho cách mạng. Và như vậy phải làm sao làm thật tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công. Thời gian vừa qua một số nơi làm chính sách này chưa tốt. Lần này, Mặt trận đã kiến nghị và Thủ tướng đã đồng ý, đã ra một Chỉ thị về việc Tổng rà soát thực hiện chính sách người có công với cách mạnh trong hai năm 2014 – 2015. MTTQ Việt Nam chính là tổ chức đóng vai trò chủ lực phối hợp với ngành lao động thương binh và xã hội và chính quyền các cấp rà soát việc này. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội cựu Thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ sẽ tham gia. Đấy là nhiệm vụ giám sát chung của hệ thống MTTQ trong 2 năm 2014-2015.
Bên cạnh đó một số đoàn thể tự chọn thêm nội dung giám sát riêng. Chúng tôi đã bàn với Liên đoàn lao động, dự kiến Liên đoàn chọn giám sát việc thực hiện đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nước ngoài. Đây là quyền lợi của hàng triệu người lao động đang bị vi phạm. Hiện nay nợ tồn đọng bảo hiểm xã hội của cả nước là hơn 10 nghìn tỉ đồng của riêng năm nay, như vậy là hàng triệu người lao động bị thiệt thòi, nhất là khi phải nghỉ việc hay khi về hưu.
Nông dân nhiều nơi mua phải phân bón không đạt chất lượng, mua thức ăn gia súc không đạt yêu cầu, mua thuốc trừ sâu giả bị thiệt hại kinh tế rất lớn. Chúng tôi đã bàn với Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương có chương trình giám sát về cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc đảm bảo chất lượng. MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp hỗ trợ Liên đoàn lao động, Hội Nông dân Việt Nam thực hiện 2 việc giám sát rất có ý nghĩa này.
Ngoài ra Mặt trận có một trách nhiệm đóng góp, xây dựng chính quyền vững mạnh các cấp. Năm tới đây sẽ rà soát để làm sao nâng cao chất lượng việc đóng góp, nhận xét đảng viên ở cơ sở, góp ý chính quyền phường xã để họ hoạt động tốt hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian trao đổi với Đại Đoàn Kết.
Theo Đại Đoàn Kết
"Vì một nền báo chí Việt Nam hiện đại"
Chiều qua, 3-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tổng kết dự án "Vì một nền báo chí Việt Nam hiện đại".
Triển lãm tổng kết những thành tựu, hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển đối với Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao báo chí về cả phương diện kỹ năng nghiệp vụ và quản lý điều hành trong suốt 15 năm.
Trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam, các dự án đã góp phần bồi dưỡng đội ngũ người làm báo nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, độc lập, tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp phục vụ xã hội. Tại lễ tổng kết, BTC cũng đã trao 19 giải cho các cá nhân, đơn vị đoạt giải tại cuộc thi "Thiết kế những trang báo đẹp Việt Nam 2013". Các giải A đã được trao cho Báo Tuổi trẻ, Báo Đại Đoàn kết, tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, tạp chí Toàn cảnh Sự kiện và Dư luận. Triển lãm mở cửa đến ngày 6-11.
MAI PHƯƠNG
Theo ANTD
Dân kiện Chủ tịch huyện vì... hòn đá Khi biết gia đình bà Sắc đào được 2 hòn đá "lạ" từ dưới ao nhà mình, chính quyền huyện Chư Sê đã dẫn theo nhiều cán bộ đến cưỡng chế mang 2 hòn đá về trụ sở. Thấy vụ việc quá vô lý, gia đình bà Sắc đã gửi đơn kiện Chủ tịch UBND huyện. Sáng ngày 20/8, bà Trần Thị Sắc...