Ông Nguyễn Thiện Nhân thôi chức Phó thủ tướng
Sáng 12/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chính thức thôi chức Phó thủ tướng kể từ ngày 12/11. Ảnh: H.H.
Với hình thức bỏ phiếu kín, 444 trong tổng số 457 đại biểu có mặt, tương ứng 89% số phiếu đã tán thành đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân cũng được Quốc hội thông qua.
Như vậy, kể từ ngày 12/11, ông Nguyễn Thiện Nhân thôi chức vụ Phó thủ tướng để tập trung cho cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Nhân được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nhất trí hiệp thương cử giữ vị trí này kể từ ngày 5/9 vừa qua.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, quê Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sỹ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng; cao cấp lý luận chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, đại biểu Quốc hội khóa 10, 12, 13.
Video đang HOT
Ông Nhân được cử giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kể từ ngày 5/9/2013. Ảnh: N.Hưng.
Ông là Phó chủ tịch UBND TP HCM trước khi trở thành Bộ trưởng GD&ĐT năm 2006. Tháng 8/2007, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng (kiêm Bộ trưởng Giáo dục cho tới năm 2010) và tiếp tục được phê chuẩn giữ chức vụ này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011.
Vào tháng 5 năm nay, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Nhân và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là hai thành viên được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Trong buổi sáng 12/11, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tăng số Phó thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số lượng Phó thủ tướng trong Chính phủ sẽ gồm có 5 người. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng và tờ trình miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam. Theo tờ trình, hai ứng viên được Thủ tướng đề nghị vào hai vị trí Phó thủ tướng là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá ông Đam là người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công và đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó thủ tướng. Còn ông Minh được đánh giá đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. “Ông Phạm Bình Minh có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận tốt cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao”, Thủ tướng nói. Kết quả phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng sẽ có trong buổi sáng 13/11.
Theo VNE
Tăng từ 4 lên 5 Phó Thủ tướng
Hôm qua, 11-11, Quốc hội đã nghe các tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và tăng số Phó Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các dự án Luật xây dựng (sửa đổi) và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
bên hành lang Quốc hội
Thêm 1 Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại
Tại phiên làm việc ở hội trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và Tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Thủ tướng đã có tờ trình Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức Chính phủ và 4 Phó Thủ tướng. Trong đó nêu rõ việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo công tác đối ngoại, đồng thời trực tiếp làm Bộ trưởng Ngoại giao là rất cần thiết nhưng cần có thêm thời gian chuẩn bị, khi có đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn sau. Theo tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, vào thời điểm hiện nay, việc bổ sung Phó Thủ tướng là cần thiết. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ sung thêm 1 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng theo dõi chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong buổi sáng, Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ủy ban Pháp luật đồng ý với đề xuất tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ từ 4 lên 5 người. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn ĐBQH về nội dung 2 tờ trình nói trên.
Theo Văn phòng Quốc hội, sáng nay, 12-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và đề xuất tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.
Đóng cửa doanh nghiệp nếu tái phạm nhiều lần
Chiều 11-11, tại phiên thảo luận tổ, cho ý kiến vào dự án Luật xây dựng (sửa đổi), ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, quy định về cấp phép xây dựng phải cụ thể, rõ ràng hơn nữa. "Các tiêu chí phải cụ thể, đảm bảo tính khả thi, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, người dân, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng áp dụng luật tùy tiện, gây rắc rối cho người dân khi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng". ĐB Nguyễn Minh Quang nói: "Dự luật có quy định điều kiện để được cấp phép xây dựng là "phù hợp với quy hoạch", vậy những nơi chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch treo thì làm thế nào? Phải điều chỉnh quy định này để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thể xây dựng, cải tạo công trình, nhà ở".
Băn khoăn khái niệm "xây dựng tạm" trong dự luật, ĐB Lê Trọng Sang (đại biểu TP.HCM) cho rằng, phải làm rõ nếu không các địa phương sẽ đẩy khó về cho người dân. Có khi, đây còn là kẽ hở phát sinh tiêu cực khi áp dụng trong thực tế. Theo ĐB Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam, cấp phép xây dựng phải chặt chẽ nhưng cũng phải đảm bảo thông thoáng để không tái diễn cảnh xin-cho "hành" dân, "hành" doanh nghiệp.
Về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường đang còn nhức nhối nên việc sửa luật là cần thiết: "Ô nhiễm xuất hiện khắp nơi. Các dòng sông bị ô nhiễm nặng nhất. Nước thải sinh hoạt, nước thải khu công nghiệp chưa qua xử lý, rác thải... đều bị tống xuống các dòng sông nên ô nhiễm rất kinh, mùi không chịu nổi...". ĐB Phạm Huy Hùng kiến nghị, sửa luật phải đảm bảo hình thành văn hóa bảo vệ môi trường, "cột chặt" hơn nữa trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp. "Mọi dự án đều phải đảm bảo yếu tố môi trường. Chế tài xử phạt phải nghiêm khắc hơn nữa để phòng ngừa vi phạm. Mức phạt hiện nay nhẹ quá, không thấm vào đâu nên không đủ răn đe đối tượng vi phạm. Doanh nghiệp tái phạm nhiều lần phải rút giấy phép, đóng cửa ngay...". Cũng đồng tình nâng chế tài xử lý, ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP Hồ Chí Minh) nói: "Những vụ nghiêm trọng như Vedan, Hào Dương chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa truy cứu trách nhiệm hình sự. Dự luật phải quy định rõ hơn vấn đề này để tăng tính răn đe".
Lạm phát giữ ở mức 7%
Ngày 11-11, Quốc hội họp phiên toàn thể để thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2% (riêng các huyện nghèo giảm 4%), số giường bệnh trên một vạn dân đạt 22,5 giường... Mục tiêu tổng quát năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh... Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu ra là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai...
Theo ANTD
Trước giờ miễn nhiệm, PTT Nguyễn Thiện Nhân không phát biểu Sáng nay 11/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước QH tờ trình đề nghị miễn nhiệm ông Nguyễn Thiện Nhân và tăng số Phó Thủ tướng. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết còn gần 3 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ này, trước yêu cầu công tác của QH và Chính phủ, việc điều chỉnh cơ cấu nhân sự đã...